Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 29 Tháng 3 Năm 2024    Số người truy cập: 960251
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Nước mắt và nụ cười
Sinh viên ĐHQGHN hát trên đường mòn Hồ Chí Minh (Trường Sơn) - đọan thuộc tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Bùi Tuấn

Đã nhiều năm, trong những lần đi thực tế lữ hành tại miền Trung, thầy và trò Khoa Du lịch học đều có dịp đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ đường 9, Thành Cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc, Ngã ba Đồng Lộc, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh... những địa danh lịch sử hào hùng và bi tráng của dân tộc. Những chuyến đi ấy không chỉ là để thực hành chương trình du lịch lịch sử.

Du lịch về nguồn hay du lịch DMZ... sau khi sinh viên đã được học lý thuyết về tài nguyên du lịch, tuyến điểm du lịch, nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, nghiệp vụ lữ hành... mà còn giúp sinh viên cảm nhận từ thực tế truyền thống vẻ vang của dân tộc của các thế hệ đi trước, của những người đã đem cả cuộc đời mình hiến dâng cho độc lập tự do, cho ngày hôm nay và mai sau tươi sáng, ấm no của các thế hệ người Việt Nam. Đã bao lần những nén tâm hương được thắp lên ở những nơi ấy và cũng đã bao lần các lớp sinh viên Khoa Du lịch học xúc động nghẹn ngào khi cúi đầu trước những hàng bia mộ liệt sĩ, ngạc nhiên và cảm phục khi đứng trước mỗi di tích thiêng liêng.

Nhưng chuyến đi của gần 300 sinh viên, đoàn viên Khoa Du lịch học cùng các thầy cô giáo dịp 26/3/2005 này đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng mỗi chúng tôi, hầu hết là lần đầu tiên đến các di tích này.

Theo sáng kiến của liên chi đoàn, liên chi hội sinh viên khoa mà ý tưởng đầu tiên là của thầy giáo trẻ Trịnh Lê Anh. Đã có thời là Chủ tịch Hội sinh viên Trường ĐHKHXH&NV, gắn bó với tuổi trẻ một cách sâu sát, thầy Trịnh Lê Anh cũng nhiều lần đến các di tích lịch sử ở miền Trung. Thấy rõ yêu cầu, khao khát của tuổi trẻ, thầy đã đề xuất và được Chi uỷ, Ban chủ nhiệm khoa đồng ý.

Khó khăn lớn nhất là bảo đảm an toàn và thời gian cho chuyến “du lịch truyền thống” như các bạn sinh viên thường gọi. Mặc dù kinh phí là mỗi người tự đóng góp, Khoa Du lịch học hỗ trợ phần rất nhỏ nhưng cũng phải “gắng gỏi” lắm, những người tổ chức mới hạn chế được số lượng người tham gia vì không thể thuê cùng thời gian nhiều xe đủ điều kiện cả về máy móc và hệ thống loa đài trên xe.

Chia sẻ với bộ đội Trường Sơn. Ảnh: Bùi Tuấn

Chờ đợi hân hoan xen lẫn hồi hộp, nhất là với những sinh viên, đoàn viên năm thứ nhất, lần đầu có chuyến đi tạm gọi là xa, rồi cũng đến lúc lên đường. Dù đã quen với những chiếc xe kềnh càng chở sinh viên đi thực tập, thực tế nhưng các bác bảo vệ trường cũng ngạc nhiên trước đội hình 6 chiếc xe lớn nối nhau chở đầy sinh viên đồng loạt ra khỏi cổng trường lúc 5h sáng ngày 26/3/2005 - một ngày khác hẳn bao ngày, một ngày đầy ý nghĩa với mỗi đoàn viên thanh niên cả nước nhưng đặc biệt với những người tham gia vào chuyến đi.

Được thông báo là có thể tranh thủ chợp mắt nhưng những câu chuyện trên xe cứ râm ran không dứt.

Thưởng thức món “đặc sản” của Hà Nam: Bánh cuốn chả khá ngon miệng xong, đoàn xe lại hùng dũng trực chỉ phương Nam.

Hà Nam với dòng sông Đáy yên ả trôi cuốn hút tầm mắt của bao bạn, thế là lại thi nhau hát, kể chuyện về những nơi đang đi qua và cả trêu đùa các bạn quê Hà Nam “danh giá nhất ông Cò” “cưỡi trâu đi họp huyện” và “chín củ thành mười”... Cười ơi là cười, vui ơi là vui. Đến Ninh Bình các bạn lại tận mắt thấy tai nghe về một vùng “Hạ Long cạn” với cố đô Hoa Lư. Đành hẹn Ninh Bình lần khác.

Đây rồi xứ Thanh với những bóng dừa xanh vươn cao trong các làng quê yên ả. Các bạn lại được nghe thầy hướng dẫn, chợt thấy dâng đầy nỗi xúc động khi tận mắt thấy núi Ngọc, cầu Hàm Rồng như chứng tích lịch sử, hào hùng. 40 năm trước, quân dân đôi bờ sông Mã đã làm nên chiến công chói ngời. Sáu chiếc xe đầy ắp sinh viên từ Hà Nội chầm chậm đi qua chân tượng đài Thanh niên xung phong vừa mới được khánh thành ở cửa ngõ thành phố Thanh Hoá bên bờ Nam Ngạn tươi xanh. Cờ, hoa, nụ cười người Thanh Hoá và cả tiếng rao bán “Nem chua đặc sản”. Hẹn lúc trở ra nhé.

Xứ Nghệ đây rồi, giọng Nghệ đây rồi. Hầu hết các bạn đi chuyến này chưa một lần đến nên náo nức nhìn ngắm, chỉ trỏ. Thế là lại có những hướng dẫn viên vốn quê Nghệ Tĩnh hay đã có dịp vào Vinh. Sắp đến quê hương Bác Hồ rồi.

Bữa cơm trưa dọc đường với sinh viên thật chóng vánh và đơn giản. Dường như đã quen với túi tiền hạn hẹp của sinh viên nên các chủ quán cơm bình dân đều sẵn sàng phục vụ với nụ cười và sự cảm thông. Quê ngoại của Bác Hồ đây rồi. Đông quá, quen thuộc quá mà cũng lạ lẫm quá vì đây là lần đầu chúng tôi đến. Lần lượt, chúng tôi theo lối hàng rào cây nhìn nếp nhà quen thuộc qua các sách báo, phim ảnh, tivi. Vừa lắng nghe thuyết minh của hướng dẫn viên tại điểm, chúng tôi vừa chiêm ngưỡng từng hiện vật nơi đây.

Tiếng Nghệ của người Nghệ hôm nay sao mà xúc động, sao mà lay động lòng người. Mắt chúng tôi đỏ hoe khi tận mắt thấy chiếc chõng tre đơn sơ, chiếc võng thâm nâu bên khung cửi trong gian nhà nhỏ. Khó có thể tin được rằng từ đó, đã ra đời một nhân cách lớn, một danh nhân văn hoá, một người anh hùng dân tộc kiệt xuất của dân tộc Việt Nam.

Ngày 26/3 này không chỉ thanh niên, học sinh, đoàn viên về quê Bác mà hầu như có đủ mọi lứa tuổi đến đây. Bãi xe rộng thế mà chật các loại xe lớn nhỏ, và cờ, và biểu ngữ, và mũ tai bèo với huy hiệu trên ngực áo.

Con đường qua những bãi ngô đang lên xanh mát của Nam Đàn đưa chúng tôi về Làng Sen. Ao sen đầu làng mới lác đác. Thầy Đinh Trung Kiên cho chúng tôi dừng lại quanh ao và hướng dẫn tóm tắt. Khi nghe giọng truyền cảm của thầy, chợt thấy thân thương hơn làng quê này và lắng trong lòng những vần thơ trong trường ca “Theo chân Bác” của Tố Hữu:

“Tôi trở về quê Bác Làng Sen

Ôi hoa sen đẹp của bùn đen

Làng quen như thể quê chung vậy....”

Các hướng dẫn viên ở đây đã để lại trong chúng tôi một ấn tượng nghề nghiệp thật sâu sắc. Chúng tôi vừa nghe vừa ghi, vừa chăm chú dõi theo từng cử chỉ, lời thuyết minh hướng dẫn tham quan của các chị. Nước mắt lăn trên má nữ sinh tự khi nào. Từng hiện vật trong nhà Bác sao mà gần gũi, sống động đến thế. Chúng tôi kính cẩn đặt hoa, cúi đầu trước bàn thờ nhỏ. Những bức ảnh chụp cả lớp, từng nhóm, từng người. Ai cũng muốn ghi nhớ kỷ niệm khó mờ phai này. Trên mộ cụ Hoàng Thị Loan, chúng tôi học cách thuyết minh và hướng dẫn. Đến đây càng thấy cụ Hoàng Thị Loan vĩ đại, cái vĩ đại trong gian nan của người con gái, người vợ, người mẹ tảo tần chưa có một ngày sống an nhàn.

Như đã hẹn trước, Ban quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã đợi từ trưa cùng với đồng chí Bí thư đoàn khối cơ quan cấp tỉnh, uỷ viên Ban chấp hành Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, đồng chí Bí thư đoàn Sở Y tế. Và cũng thật bất ngờ, chúng tôi gặp hơn 100 bạn sinh viên Khoa Du Lịch, Đại học Dân lập Hùng Vương hành trình từ thành phố Hồ Chí Minh ra đây. Sinh viên Du lịch chắc sẽ còn gặp nhau hoài trên các nẻo đường, tại các điểm du lịch.

Gần 300 con người trong buổi tối 26/3 tại Ngã ba Đồng Lộc lịch sử. Lặng đi, nuốt từng lời của hướng dẫn viên Đào Anh Tuân. Dưới ánh đèn đêm, trong bộ quần áo bộ đội, dép cao su, mũ tai bèo, giọng anh thiết tha, trầm bổng đầy xúc động. Nước mắt anh cũng lăn dài cùng với những tiếng nức nở không thể kìm nén được của thầy và trò chúng tôi. Chúng tôi lắng nghe và mường tượng trước mắt sự khốc liệt của cuộc chiến ở Ngã ba Đồng Lộc những năm xưa ấy. Thầy Kiên lặng lẽ, nước mắt nhoà dù đã bao lần thầy nghe, thầy cùng sinh viên đến ngã ba lịch sử này. Nước mắt của người cựu chiến binh chống Mỹ. Chúng tôi chợt thấy mình hạnh phúc và may mắn vì được sống trong hoà bình, trong độc lập, tự do.

Chúng tôi cùng dâng hương trước tượng đài Thanh niên xung phong toàn quốc và trong nghĩa trang 10 cô gái - 10 nữ anh hùng. Những ngọn nến lung linh trên từng ngôi mộ trong ngan ngát hương khói. Trời đất và những liệt sĩ như cũng phù hộ cho chúng tôi. Trăng đêm ở Đồng Lộc lung linh huyền ảo. Không gian âm vang tiếng hát của chúng tôi cùng với các anh chị em ở Ban quản lý, các bác, các cô, các anh chị đoàn viên, thanh niên và các cháu nhỏ sống gần đó đến cùng giao lưu. Chúng tôi hát những bài hát quen thuộc: Cô gái mở đường, Chào em cô gái Lam Hồng, Người con gái sông La, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Màu hoa đỏ... Sao đêm đó, chúng tôi hát khoẻ đến thế, say mê đến thế, náo nức đến thế. Nụ cười nở trên môi và nước mắt vẫn chảy trên gương mặt thầy, trên mặt trò, trên gương mặt người dân. Chúng tôi bịn rịn chia tay các anh chị vì đêm đã xuống từ lâu. Chúng tôi ôm lấy chị Yến - cô Yến, mẹ Yến thì đúng hơn (Phó ban quản lý) gọn gàng trong bộ quân phục xanh màu lá mà chị đã từng mặc trong những năm chống Mỹ, trong đội ngũ thanh niên xung phong Hà Tĩnh. Nhìn chị tươi tắn, dịu dàng, ân cần với mọi người, chúng tôi chợt ước một lần được gặp người anh hùng đếm bom trong bài hát năm xưa.

Cuộc gặp gỡ, giao lưu nơi Ngã ba lịch sử và cả chuyến về quê Bác đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng không mờ phai. Chúng tôi, những đoàn viên, sinh viên đã từng được nghe, được xem, được đọc về truyền thống hào hùng của cha ông, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và cũng nhiều lần tổ chức lửa trại truyền thống. Nhưng chỉ đến hôm nay, những điều tưởng chừng quen thuộc ấy như sống động hơn làm thức dậy trong mỗi chúng tôi lòng tự hào, niềm kính trọng và nỗi xúc động sâu sắc về các thế hệ cha ông đã ngã xuống cho hôm nay và mai sau. Chuyến đi và các cuộc gặp gỡ, lắng nghe, tham quan di tích lịch sử cách mạng kháng chiến hôm nay là bài học sinh động với tất cả chúng tôi. Mai Anh, Thuỳ Dương, Trúc Quỳnh, Huy Cường, Mạnh Trung (K47), Văn Phương, Mai Phương (K48), Nhật Lê, Huy Hoàng (K49)... và hàng trăm đoàn viên, sinh viên dường như trưởng thành hơn sau chuyến đi này.

Vâng, chuyến đi đã khép lại với nước mắt và nụ cười còn đọng lại... Chúng tôi yêu thêm ngành mình đã chọn lựa.

Xin hẹn những chuyến đi sau.


 

Nhật Lê - Huy Hoàng [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Nhớ lại những ngày đầu gian khó
» Cô nữ sinh Văn khoa và bài thơ gây chấn động dư luận 20 năm trước…
» Từ bài thơ gây chấn động dư luận và “đêm trước đổi mới”
» Nỗi niềm CK một thời, một thuở
» Vài suy nghĩ về mốc đầu tiên của ĐHQGHN
» Lớp tôi có gì đặc biệt?
» Cuộc gặp sau 20 năm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
» Ba ngàn lá thư, hàng triệu tấm lòng
» Mười năm “gió bụi” cho một bài thơ
» Bài thơ gây chấn động dư luận: “Cuộc chiến” mới và...
» Bài thơ gây chấn động dư luận: Trong “tâm bão”
» Đại tướng Võ Nguyên Giáp và “nhà thơ dũng cảm”
» Bài thơ thổi bùng lên ngọn lửa
» Những người châm ngòi cho “trái bộc phá” dư luận năm 1986
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn