Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 25 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 988784
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Ba ngàn lá thư, hàng triệu tấm lòng
Thư bạn đọc gửi cho tác giả MXNB

 

 

 

 

 

Kỳ 1: Từ bài thơ gây chấn động dư luận và “đêm trước đổi mới” kỳ 2: Ba ngàn lá thư, hàng triệu tấm lòng

kỳ 3: Mười năm “gió bụi” cho một bài thơ

kỳ 4: Trong “tâm bão”
kỳ 5: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và “nhà thơ dũng cảm” kỳ 6: Bài thơ thổi bùng lên ngọn lửa kỳ 7: Những người châm ngòi cho “trái bộc phá” dư luận năm 1986 kỳ 8

Ngay sau khi bài thơ được đăng, điều mà Xuân Khải không bao giờ nghĩ tới đã đến: Cuộc sống nhuốm màu hàn sỹ “êm đềm trướng rủ màn che” của nữ sinh khoa Văn Tổng hợp không còn nữa. Một cuộc sống mới, chưa từng có, khác hẳn với bạn bè đang "ập" tới hứa hẹn nhiều niềm vui lẫn bất an...

 

Những cuộc tiếp khách bất tận ở KTX

KTX trường Đại học Tổng hợp bỗng đông khách một cách đột biến. Các vị khách đều có chung một điểm đến: Phòng của tác giả bài thơ "Mùa xuân nhớ Bác" (MXNB).

Xuân Khải tiếp khách suốt ngày đêm. Liên tục. Đông nhất là vào các ngày nghỉ. Có rất nhiều người từ xa đến, nông thôn, miền núi, vùng mỏ. Đặc biệt, không ít người vừa gặp, biết là Xuân Khải, họ khóc ngay. Khóc như gặp lại cố nhân, như gặp lại ân nhân, như gặp được quý nhân phù trợ...

Phụ nữ khóc đã đành. Có những giọt nước mắt của đàn ông. Già có, trẻ có. Họ khóc thành tiếng. Một cụ già ở xa, chống gậy đến KTX thăm Xuân Khải. Cụ rơm rớm nước mắt và nói: "Tôi già yếu, ở xa nhưng vẫn cố tìm bằng được chỗ ở của cô.

Tôi đến thăm cô và cảm ơn cô đã nói thay được lòng già...Tôi là người tham gia kháng chiến từ mấy mươi năm nay...". Cụ nghẹn ngào không nói được nữa, chỉ ngồi lau nước mắt.

Một người thanh niên gày gò, xanh xao, đã khóc oà lên khi tác giả bài thơ MXNB vừa chào anh. "Có gì anh hãy bình tĩnh nói, không biết tôi có giúp được gì cho anh. Dù sao tôi vẫn đợi nghe anh nói", Xuân Khải an ủi.

"Tôi là một người đàn ông, không nên khóc trước mặt chị, nhưng tôi không cầm lòng được mỗi khi phải nhắc lại với ai nỗi oan trái, bị vùi dập, dồn tôi vào tận chân tường, không lối thoát. Chị làm ơn có cách nào giúp cho tôi với". Người thanh niên cố ghìm tiếng nấc và kể tường tận câu chuyện của mình.

Xuân Khải không thể nhớ bao nhiêu người đã khóc lúc gặp cô, bao nhiêu người đã thổ lộ hết những nỗi đau mà lẽ ra họ sẽ "sống để dạ chết mang theo"... Chỉ nhớ, hầu hết họ phải hàm oan, bị trù dập, hay chất chứa nỗi "ngao ngán thế sự".

Họ tìm đến cô như tìm đến một vị Bao Công, một nơi được thấu hiểu...Tất cả đều mong cô giúp được họ một cái gì đấy. Có người còn hy vọng vị “Bao Công” đang ngồi ở giảng đường đại học sẽ tìm được công lý, sẽ đưa ra những hình phạt “cẩu đầu trảm”, “long đầu trảm” cho những kẻ gây tội ác.

Xuân Khải lắng nghe tất cả và có khoảnh khắc nhói buồn vì biết chẳng thể giúp được cho họ ngoài những lời trao đổi động viên thường tình.

Cô chẳng có thẩm quyền gì để xét xử, chẳng có “long đầu trảm”, “cẩu đầu trảm” như Bao Công. Cô chỉ là tác giả của một bài thơ và trong những ngày căng thẳng ấy, bản thân cô cũng đang cần được giúp đỡ.

Nhưng những vị khách tìm đến KTX Tổng hợp ngày một đông đã giúp nữ sinh viên khoa Văn ấy nhận ra một thứ quyền lực ghê gớm, ấy là quyền lực của thơ, của sự thật, của tình người. Chính thứ quyền lực vô hình đó mới khiến người ta tìm đến cô nhiều như vậy. Mới khiến những người đàn ông bật khóc.

Khách đến phòng của Xuân Khải ngồi vòng trong vòng ngoài. Cô không biết ăn cơm vào lúc nào, học bài vào lúc nào nữa. Những cuộc tiếp khách cứ kéo dài như ...bất tận. Ngày cũng thế.

Đời sống sinh viên vào những năm ấy còn đầy khó khăn. KTX Đại học Tổng hợp thiếu thốn ngay cả những thứ tối thiểu nhất như nước. Nước không đủ ăn nói gì đến đủ để tắm. Hàng mấy trăm người chỉ trông vào hai bể nước lộ thiên nhỏ xíu, bẩn thỉu.

Một hai giờ sáng xô chậu loảng xoảng, Xuân Khải cùng bạn bè xếp hàng lo lấy cho được nước ăn. Nhưng rồi nước đã thiếu ngày càng thiếu, Xuân Khải phải đạp xe 10 km về nội thành Hà Nội để tắm, nhường phần nước cho các bạn không có người quen Thủ đô.

Tắm xong đi về lại vã mồ hôi. Cuộc sống vất vả, Xuân Khải bị ốm phải vào điều trị ở bệnh viện E. Sợ phiền lụy, cô "mai danh ẩn tích" không khai tên thật. Nằm viện được một tuần cô gặp ông Xương – một người quen từ trước – nguyên chính ủy Trung đoàn tăng thiết giáp Quân khu 5.

Và ông Xương đã vui mừng giới thiệu tác giả MXNB với các bác sỹ. Từ hôm ấy trở đi Xuân Khải lại tiếp khách thường xuyên ở phòng điều trị. Có lúc khách vòng trong, vòng ngoài như ở KTX trường Tổng hợp.

Những cảnh đã quen nhưng vẫn gây xúc động đối với nữ sinh viên khoa Văn ấy: Nhiều bạn đọc đến vừa thấy tác giả MXNB đã òa khóc rồi tâm tình những điều gan ruột như với tri kỷ, tri âm.

Dẫu bận rộn tiếp khách nhưng nhờ các bác sỹ tận tình điều trị của khoa Nghề nghiệp – Bệnh viện E và sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc, Xuân Khải hồi phục sức khỏe.

Hồi phục sức khỏe nhưng vài người bạn thân vẫn lo cô ốm trở lại bởi cường độ tiếp khách và trả lời thư người hâm mộ bài thơ MXNB có lẽ quá sức với một nữ sinh khoa Văn trong điều kiện học tập và sinh hoạt còn rất khó khăn lúc ấy.

"Hàn thử biểu" - hơn ba nghìn lá thư bạn đọc

Bà đưa ra những bức thư đã nhuốm màu thời gian, nhưng được gìn giữ cẩn thận, nên dù đã 20 năm trôi qua, nét chữ chẳng bị nhòe. Tôi cố đếm nhưng không xuể, bởi số thư lên tới trên ba nghìn lá!

Phạm Thị Xuân Khải (ảnh chụp năm 1989)

Cầm những lá thư ấy, tay bà run run như chạm vào kỷ niệm: "Tôi nhớ lúc đó, mỗi ngày tôi nhận được hàng xấp thơ bạn đọc, bận học không kịp đọc. Có đêm tôi thức trắng để đọc thư.

Vì ban ngày phải lên giảng đường, tối phải tiếp bạn đọc đến tận khuya. Tôi đã sống những ngày bận rộn nhưng cũng rất vui ở KTX Mễ Trì. Bây giờ tôi còn lưu giữ trên ba nghìn bức thư bạn đọc. Mỗi bức thư là một khúc tâm tình.

Một bạn đại diện cho anh chị em Việt Nam đang lao động ở irắc đã viết cho tôi những dòng như thế này: "Tôi mới đi tham quan ở châu Âu về và được biết từ Béclin đến Matxcơva, từ Buđapét đến Xôphia... người ta say sưa đọc bài thơ MXNB của chị.

Bài thơ đó ra đời là một sự kiện độc đáo, nó vượt ra khỏi biên giới Việt Nam sang châu Âu và vùng ả rập, giống như tiếng chuông văng vẳng, du dương. Một hiện tượng mê cảm lòng người đầu tiên trong mấy năm tôi ở nước ngoài mà tôi được biết...".

Nhà giáo Lê Văn Hồi hơn chín mươi tuổi, đã viết bức thư dài cho tôi, có đoạn: " Bá Nha ngày xưa chỉ có một Tử Kỳ. Nhưng Xuân Khải ngày nay với tiếng đàn kỳ diệu mà xót xa đã thu hút trên năm mươi triệu Tử Kỳ.

Những Tử Kỳ vừa là tri kỷ, vừa là tri âm của Xuân Khải, vì đã thấu sâu sắc tấm lòng vị tha, nhân ái, thương nước thương dân của Xuân Khải, há không phải là tri âm của Xuân Khải?".

Những bức thư ấy, đọc xong Xuân Khải đều gửi đến các đồng chí lãnh đạo Trung ương đọc để nắm biết tình hình diễn biến trong nước sau bài thơ MXNB đăng trên báo Tiền Phong, biết được dư luận nhân dân đối với bài thơ “động trời”, để chuẩn bị tốt hơn cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI sắp khai mạc.

Tâm tình trong những bức thư ấy dường như đã là một thứ "hàn thử biểu", một thứ "thăm dò dư luận" trước thềm Đại hội Đảng. Nếu đúng như vậy, có lẽ những bức thư mang ý nghĩa đặc biệt ấy, xứng đáng được vào viện bảo tàng!

“Tôi nhớ lúc đó một số tờ báo khác của Trung ương đã mở chương mục mang nội dung phê bình và tự phê bình trong Đảng, trong cơ quan nhà nước.

"Những việc cần làm ngay” của N.V.L (đồng chí Nguyễn Văn Linh) trên báo Nhân Dân” đã thúc đẩy đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng, toàn dân để tiến tới Đại hội VI. Nhiều vụ tiêu cực trong đời sống cũng như trong các cơ quan nhà nước được công khai phê phán. Không khí dân chủ thực sự lan tỏa từ đó.

Sau bài thơ MXNB đăng trên báo Tiền Phong, các báo lần lượt xếp hàng vào "đội quân chống tiêu cực", ngày càng đông đảo”. Bà Xuân Khải kể đến đây đã gần 12 giờ trưa, ngoài kia Hà Nội đang mưa phùn, gió lạnh lùa vào khe cửa. Bà uống một ngụm trà nóng để bắt đầu một câu chuyện mới, ít ai được biết...

Trong những ngày nhiều niềm vui nhưng cũng đầy sóng gió sau khi viết bài thơ MXNB, nữ sinh viên Phạm Thị Xuân Khải chẳng ngờ tâm tình của mình lại thấu đến một người ở địa vị cao vòi vọi. Đó là Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Về KTX nghe nói có thư ký của Thủ tướng đến tìm gặp mình, Xuân Khải thầm nghĩ chắc bài thơ MXNB đã khiến người đứng đầu Chính phủ gần 30 năm không vui chăng? “Sấm sét” có giáng xuống đầu mình không"? Tác giả MXNB cả nghĩ...

Kỳ tới : Mười năm “gió bụi” cho một bài thơ

Theo nguồn báo Tiền Phong [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Mười năm “gió bụi” cho một bài thơ
» Bài thơ gây chấn động dư luận: “Cuộc chiến” mới và...
» Bài thơ gây chấn động dư luận: Trong “tâm bão”
» Đại tướng Võ Nguyên Giáp và “nhà thơ dũng cảm”
» Bài thơ thổi bùng lên ngọn lửa
» Những người châm ngòi cho “trái bộc phá” dư luận năm 1986
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn