Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 20 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 984613
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Cuộc gặp sau 20 năm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp chị Xuân Khải (giữa) tại nhà riêng, tháng 3/2006.

Chúng tôi đến sớm hơn so với giờ hẹn gần 10 phút. Xuân Khải ôm bó hoa lan - loại hoa mà Đại tướng ưa thích - hướng vào trong phòng hồi hộp chờ đợi bước chân bác Văn.

Ấm áp như người trong nhà

Không đợi đến đúng giờ, Đại tướng đi ra vui mừng ôm lấy Xuân Khải. Đại tướng lần lượt bắt tay từng người. Đại tướng còn đề nghị chụp ảnh riêng với Xuân Khải làm lưu niệm. Rồi Đại tướng tươi cười nói: "Hoan nghênh cháu đã tới thăm và có lời chúc tốt đẹp tới cháu và gia đình…".

Xuân Khải mừng vui thấy bác Văn vẫn khỏe và minh mẫn. Đại tướng nắm lấy tay chị chậm rãi nói: "Cuộc gặp hôm nay như họp mặt người trong nhà. Bây giờ đang là mùa xuân đấy, mùa khởi đầu một năm, bác chúc cháu mọi điều may mắn”.

Ân cần, gần gũi, bác Văn nắm tay Xuân Khải hỏi: Bây giờ cháu làm gì? Chồng con và gia đình cháu thế nào? Cháu ra Hà Nội làm gì và ở đâu?

Xuân Khải thưa: “Cháu có 3 đứa con đã trưởng thành. Con trai cả là luật sư đã lập ra đình và có Cty riêng làm ăn cũng khá. Hai con gái của cháu đều đang du học. Con gái thứ 2 đang học cao học ở Đức và con gái út đang học kinh tế năm thứ 3 ở Matxcơva (Nga).

Cháu ra Hà Nội lần này trước hết để thăm lại các anh ở báo Tiền Phong và ôn lại kỷ niệm cách đây 20 năm. Thứ hai, cháu đang làm đại diện cho một Cty 100% vốn của Đức và ra trình với Bộ Kế hoạch - Đầu tư một dự án của Cty xây dựng Khu trung tâm thương mại du lịch đa chức năng ở ngay cửa ngõ thành phố Quy Nhơn".

Sau 20 năm, “Mùa xuân nhớ Bác" và những chuyện xung quanh bài thơ, tác giả lại được đăng trên báo Tiền Phong, chị Hồng Anh - con gái Đại tướng đã đọc cho Đại tướng nghe trước khi có cuộc gặp gỡ này.

Tôi hỏi chị: “Đại tướng còn nhớ sự kiện đó không?”. Chị Hồng Anh đáp: “Sau khi nghe tôi đọc bài thơ và những kỳ đầu tiên đăng trên báo cụ nhớ ra ngay. Cụ rất mong gặp lại tác giả dũng cảm ngày đó".

Có mặt trong cuộc gặp, bà Đặng Bích Hà - phu nhân của Đại tướng đặt một câu hỏi: “Thế tại sao thời điểm đó người mà cháu chọn để gửi bài thơ lại là ông Lê Đức Thọ?".

Xuân Khải vẫn giữ cung cách của nữ sinh khoa Văn ngày nào: "Thưa bác, thưa cô, sở dĩ cháu gửi cho bác Thọ vì cháu nghĩ các vấn đề của chúng ta xuất phát từ con người, sử dụng người mà bác Thọ khi đó là nhà lãnh đạo cao cấp phụ trách tổ chức của Đảng…”. Xuân Khải chưa nói hết câu, bà Hà à lên một tiếng, nói: "Đúng, vấn đề của chúng ta luôn ở khâu tổ chức”.

Tư tưởng đổi mới ra đời trong khó khăn

Đại tướng đặt câu hỏi với Xuân Khải: “Sau bài thơ đó, cháu còn viết nữa không?". "Cháu ngày nào cũng viết từ 4 đến 7 giờ sáng. Dù làm bất cứ việc gì cháu cũng không bao giờ bỏ viết".

Câu chuyện được cả chủ và khách quan tâm lúc này là thế sự và thời sự. "Cháu giữ được thói quen như vậy là tốt và phải viết hay nữa nhé. Còn tình hình bây giờ đã thay đổi trong nước cũng như ngoài nước cho nên muốn viết cho hay thì phải đi sát thực tiễn theo đường lối của Bác Hồ và phải suy ngẫm về nhiều mặt".

Trầm ngâm một lát, Đại tướng lại quay sang hỏi Xuân Khải: “Hỏi cháu câu hơi khó, cháu thấy tình hình Việt Nam bây giờ thế nào?". "Thưa bác, cháu thấy từ năm 1986 tới giờ có rất nhiều đổi mới và cháu rất mừng về điều đó”.

Đại tướng nói: “Các cháu phải nhớ nhìn lại tình hình từ lúc Đổi mới thì phải biết được rằng trước đó là thời kỳ của tư tưởng bảo thủ, tả khuynh, thời kỳ “ngăn sông cấm chợ”.

Tư tưởng đổi mới ra đời thực sự khó khăn. Đấu tranh khi gay gắt. Trong một cuộc họp Bộ Chính trị có đồng chí chỉ tay thẳng và nói nặng lời với anh Linh (đồng chí Nguyễn Văn Linh. Lãnh đạo Đảng đã cử anh Trường Chinh đi thực tiễn tại TP.Hồ Chí Minh. Rồi còn rất nhiều cuộc họp bàn gay cấn sau đó mới đến báo cáo Đổi mới vào năm 1986”.

Trong câu chuyện, Đại tướng và phu nhân đánh giá cao vai trò của cố Tổng Bí thư Trường Chinh trong quá trình hình thành tư tưởng đổi mới.

Đổi mới đã diễn ra nhưng khó khăn vẫn còn nhiều, đó là câu chuyện mà Xuân Khải kể với Đại tướng về con trai mình: "Năm 2002, con trai cháu ra ứng cử Quốc hội. Một vài vị quyền chức biết chuyện nói: "Đừng có bỏ phiếu cho cái cậu này- con của phản động đấy!”. Sau đó con cháu không trúng cử nhưng những phiếu bỏ cho cháu đều là của người dân".

Mong đổi mới mạnh mẽ hơn nữa

Đại tướng nói: “Đổi mới của ta thành công rất lớn, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của nhà thơ, nhà văn. Nhưng tôi mong có sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Cả thế giới công nhận Việt Nam là đất nước anh hùng và người ta tôn trọng điều đó. Nhưng trong tình hình thế giới hiện nay thì phải thấy thu nhập bình quân đầu người Việt Nam so với Thái Lan, Singapore… thế nào? Nhìn vào tổng thu nhập quốc dân mới thấy chúng ta tụt hậu so với các nước và điều đó làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước".

Đại tướng rất ưu tư khi nói đến hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ đảng viên. “Nhiều đêm tôi thức dậy, cứ trăn trở mãi - Tại sao trong một Đảng như Đảng ta lại có thể có những người như thế?...”- Ông nói.

“Tôi thấy chất lượng đảng viên hiện nay chưa đạt yêu cầu. Việc báo chí nêu lại tấm gương như liệt sĩ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm là rất tốt, nhắc nhở nhiều đảng viên và có tác dụng giáo dục lớp trẻ. Một thời gian đổi mới thì mọi mặt lên. Nhưng sau đó vài năm lại mắc phải tư tưởng tả khuynh, chủ quan vì thế bị tụt hậu. Đánh giá cho đúng thì bây giờ đang là lúc bị "chững lại". Có thể nói, trong các nguy cơ mà dự thảo Văn kiện ĐH đưa ra lần này thì phải chú trọng đến "chống tụt hậu" và "công tác cán bộ" vì nhiều người tốt bị "vô hiệu hóa".

Khi đọc bài thơ MXNB, tôi còn nhớ và thấy cháu rất dũng cảm. Cháu phải viết theo tinh thần ấy và làm thế nào cho bạn bè hiểu được rằng: Nước ta không chỉ anh hùng mà còn đang phấn đấu trở thành nước giàu mạnh. Làm sao khi nhắc đến Việt Nam thì trong cụm từ gắn đằng sau “nước đang phát triển” người ta phải bỏ chữ “đang” đi.

Người làm báo cần tiếp tục viết với tinh thần dũng cảm

Xuân Khải và những người đến thăm Đại tướng thực sự mừng khi thấy ông minh mẫn. “Cháu rất vui khi thấy bác khỏe. So với tuổi của bác, điều đó thật lý tưởng”.

Nghe Xuân Khải nói vậy, Đại tướng nói: “Tôi không có hơn chị mấy tuổi đâu?”. Bà Bích Hà giải thích: "Cháu đừng có trả lời mấy tuổi. Ông ấy biết rõ ai tuổi nào. Ông ấy nói vui đấy".

1 giờ đồng hồ trôi qua, vượt nhiều so với thời gian mà chúng tôi mong đợi Đại tướng dành cho. Nhiều câu chuyện sôi nổi, lạc quan với những nụ cười bên cạnh phút trầm ngâm suy tư, sâu lắng. Đại tướng ra hiệu cho con gái Hồng Anh cầm ra cuốn "Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam" do ông viết xuất bản năm 1997.

Chính tay ông cầm bút viết dòng chữ đều đặn, thẳng tắp: “Thân tặng chị Phạm Thị Xuân Khải - Xuân Bính Tuất 2006. Đại tướng Võ Nguyên Giáp".

Khi chia tay, Đại tướng căn dặn chúng tôi: “Bác mong cháu và những người làm báo tiếp tục viết với tinh thần dũng cảm. Nếu có khó khăn thì cũng phải quyết tâm làm cho kỳ được".

Bên ngoài căn phòng ấm cúng, trời chiều lại lất phất mưa và chuyển lạnh nhưng không làm phai nhạt màu sắc tươi mới của cây đào vừa nở hoa đợt mới bên hiên nhà vị Đại tướng huyền thoại. Chiếc xe của chúng tôi chầm chậm lăn bánh…

Trở về phòng nghỉ yên tĩnh trên đường Hồ Xuân Hương, Xuân Khải vẫn còn lưu luyến và cảm xúc như lần đầu gặp gỡ bác Văn lại ùa về ngập tràn tâm trí.

Theo nguồn báo Tiền Phong [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Từ bài thơ gây chấn động dư luận và “đêm trước đổi mới”
» Ba ngàn lá thư, hàng triệu tấm lòng
» Mười năm “gió bụi” cho một bài thơ
» Bài thơ gây chấn động dư luận: “Cuộc chiến” mới và...
» Bài thơ gây chấn động dư luận: Trong “tâm bão”
» Đại tướng Võ Nguyên Giáp và “nhà thơ dũng cảm”
» Bài thơ thổi bùng lên ngọn lửa
» Những người châm ngòi cho “trái bộc phá” dư luận năm 1986
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn