Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 19 Tháng 3 Năm 2024    Số người truy cập: 955013
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Bài thơ gây chấn động dư luận: Trong “tâm bão”
Xuân Khải (giữa) cùng các sinh viên nước ngoài tại Đại học Bách khoa tháng 1/1989

 

 

 

 

 

 

Kỳ 1: Từ bài thơ gây chấn động dư luận và “đêm trước đổi mới” kỳ 2: Ba ngàn lá thư, hàng triệu tấm lòng

kỳ 3: Mười năm “gió bụi” cho một bài thơ

kỳ 4: Trong “tâm bão”
kỳ 5: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và “nhà thơ dũng cảm” kỳ 6: Bài thơ thổi bùng lên ngọn lửa kỳ 7: Những người châm ngòi cho “trái bộc phá” dư luận năm 1986 kỳ 8

Sau “Mùa xuân nhớ Bác”, bên cạnh những người ủng hộ rất đông đảo, Xuân Khải bắt đầu đứng trong “tâm bão” của một luồng quan điểm phản đối bài thơ MXNB.
Có người trong cơn tức giận đã đòi... treo cổ tác giả.

Những lần được gặp Bác Hồ

Thượng tuần tháng 7/1959, Xuân Khải cùng gia đình đi Sầm Sơn – Thanh Hóa thăm ông nội đang ở trại an dưỡng II. Đúng thời gian ấy, Bác Hồ về thăm các cụ cao tuổi miền Nam đang an dưỡng tại đây.

Hôm đó, Bác Hồ đi chiếc xe ôtô đã cũ kỹ lắm. Người mặc chiếc áo nâu như những cụ già bình dị khác.

Bác nói chuyện thân mật với mọi người ở hội trường và kết thúc cuộc gặp gỡ bằng việc bắt nhịp cho tất cả cùng hát bài ca Đoàn kết. Liền sau đó, Bác Hồ đi thăm chỗ ăn ở, kiểm tra nhà bếp, nhà vệ sinh...

Bác đến thăm hỏi các cụ cao tuổi (sức yếu không ra được hội trường)... Người ân cần động viên các cụ yên tâm điều dưỡng, chờ ngày thống nhất đất nước để trở về quê hương với con cháu.

Ghé thăm gia đình Xuân Khải, Bác chỉ vào mâm cơm đạm bạc có món rau sống và hỏi: "Rau sống cháu rửa có sạch không? Nếu không rửa sạch sẽ có giun và dễ bị đau bụng”. Bác bế đứa em gái nhỏ của Xuân Khải vào lòng. Trước khi về, Bác hôn lên trán Xuân Khải, âu yếm dặn dò: "Cháu phải học giỏi và ngoan nhé".

Năm 1963, Xuân Khải từ Hải Phòng về Hà Nội sinh hoạt hè chung với khu Đoàn Ba Đình và được vào Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ. Xuân Khải được nghe Bác nói chuyện và chia kẹo.

Những giây phút bên Bác Hồ trở thành một kỷ niệm không bao giờ phai, một tài sản tinh thần vô giá đối với cô bé Bình Định ấy. Và đêm mùa xuân Tết Bính Dần năm 1986, nỗi nhớ Bác lại ùa về, gọi ra những vần thơ.

"Tôi phải viết!"

Trò chuyện với tác giả bài thơ MXNB, mới hay bài thơ đó được viết chẳng phải chỉ để “một mình mình biết, một mình mình hay". Bà kể lại: "Tôi chọn thời điểm ra đời bài thơ MXNB là hoàn toàn có chủ định. Tôi phải tính toán cân nhắc kỹ kể cả cách ghi địa chỉ tác giả bài thơ.

Trước khi viết, tôi như một người đang ngồi trước bàn cờ tướng, đối diện với nước cờ táo bạo, có phần nguy hiểm. Tôi tự đưa ra tình huống xấu nhất có thể xảy ra và sẵn sàng chấp nhận. Tôi không muốn ai liên lụy với tôi về việc tôi sắp làm.

Vì vậy tôi không hề trao đổi ý kiến hay hé ra điều gì về việc tôi sẽ làm, kể cả cha mẹ, chồng con của tôi. Do đó, khi MXNB đã đến với bạn đọc vài tuần mà người thân trong gia đình tôi vẫn chưa biết chắc rằng có đúng tôi là tác giả bài thơ đang gây xôn xao dư luận hay không".

Nói đến đây, bà im lặng, trầm ngâm một lúc sau mới lại tiếp tục câu chuyện: "Tôi tận mắt nhìn thấy cảnh sống cơ cực của người dân lao động, hiểu được nguyện vọng của họ. Họ đặt nhiều hy vọng, trông chờ vào kết quả của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI sắp diễn ra.

Họ vừa hy vọng, vừa lo âu. Hy vọng vào sự lãnh đạo của Đảng, lo âu vì tình hình khủng hoảng nhiều mặt đang đưa cỗ xe kinh tế trượt dốc. Sự lựa chọn duy nhất đúng là Việt Nam cần phải có sự Đổi Mới toàn diện. Đó chính là lý do tôi suy nghĩ, tính toán rất kỹ, trên cơ sở phân tích tình hình để chọn thời điểm cho ra đời bài thơ MXNB.

Tôi muốn viết một bài thơ, giản dị, cô đọng, không đặt nặng khía cạnh trau chuốt ngôn từ, chỉ mong sao góp được tiếng nói, xuất phát từ nguyện vọng của hàng triệu người dân cả nước được Đảng lắng nghe, để Đại hội VI tạo nên bước ngoặt lịch sử mới".

Bài thơ MXNB đến với bạn đọc, làm xôn xao dư luận khắp mọi miền đất nước, tạo nên những cuộc tranh luận gay gắt. Bên cạnh những người ủng hộ rất đông đảo, Xuân Khải bắt đầu đứng trong “tâm bão” của một luồng quan điểm phản đối bài thơ MXNB.

“Có người đòi treo cổ tôi"

Đến phòng của Xuân Khải ở KTX Đại học Tổng hợp lúc bấy giờ còn có các vị giáo sư, tiến sỹ nghiên cứu về chính trị, triết học, cán bộ cao cấp ở một số cơ quan Trung ương và Hà Nội. Họ đã trao đổi thẳng thắn hàng loạt vấn đề, xuất phát từ quan điểm không tán thành hoặc phản đối gay gắt nội dung bài thơ MXNB.

Có vị nói những lời quy kết nặng nề đối với nữ sinh viên khoa Văn này. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: “Chị sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, có học thức cao mà sao lại mang tư tưởng phản động, cố tình chống Đảng, chống CNXH, bôi xấu chế độ XHCN?”; “Vì sao chị lại viết bài thơ này trước Đại hội VI? Định âm mưu gì đây? Cấu kết lật đổ à?".

Cũng lạ cho trí nhớ của bà. Đã ngoài ngũ tuần mà những sự việc xảy ra hai mươi năm rồi vẫn rõ ràng rành rọt kể lại như chuyện của ngày hôm qua. Bà nói: "Tôi được thừa hưởng trí nhớ tuyệt vời của ba mình".

“Hồi đó thậm chí có người trong cơn nóng giận còn đòi treo cổ tôi" - Tác giả bài thơ MXNB nhớ lại. Ngay tại quê hương của Xuân Khải, cán bộ lãnh đạo tỉnh phản ứng ra mặt.

Một vị lãnh đạo tỉnh Nghĩa Bình cũ (gồm hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi nhập lại) đập bàn quát tháo trong một cuộc họp tại Văn phòng UBND tỉnh rằng: "Ai nuôi nó đi học? Đi học để làm gì? Đi học như thế chỉ uổng cơm của nhân dân!".

Cơn thịnh nộ của vị cán bộ nọ trào đến mức ông không còn tự kìm chế được mình nữa: "Cơm thừa đem đổ... Đừng cho ăn...”. Một vị Phó chủ tịch khác lên tiếng, nghe có vẻ bình tĩnh hơn: "Cha mẹ, chồng con cô ta ở đây, học xong đằng nào không về? Chưa muộn!...".

Có đồng chí Thường vụ Thành ủy TP.HCM gọi điện thoại chúc mừng quê hương Nghĩa Bình có người con dũng cảm thì có người ở tỉnh đáp lại: “Đấy là chuyện của cá nhân cô ấy".

Ngược lại, các cụ lão thành cách mạng, cán bộ nhân dân trong tỉnh thì hoan nghênh, ủng hộ và tự hào. Nhiều bạn bè tìm đến người chồng của Xuân Khải để chúc mừng: “Anh có được người vợ dũng cảm tuyệt vời”.

Nhưng người thân trong gia đình bà thì rất lo và trách móc: "Đi học thì lo học, thơ văn làm gì chỉ tổ sinh chuyện".

Trong những giờ phút "căng như dây đàn” ấy có mấy nhóm người khác nhau đến rủ cô sinh viên khoa Văn ấy đi vượt biên với lý lẽ “phải lo đi sớm để tránh tai họa trù dập đối với tác giả”. Họ hứa hẹn đủ điều. Nhưng Xuân Khải dứt khoát từ chối. Cô nghĩ dám làm, dám chịu, việc gì phải trốn như một kẻ gian manh?

Lúc viết và gửi bài thơ, Xuân Khải đã qua cái thời nông nổi, và cô đã đủ từng trải để hiểu câu châm ngôn mà mình rất thích "Nhất ngôn hưng bang, nhất ngôn phế sự" (Một lời nên nghiệp lớn, một lời phá cả sự nghiệp".

Nhưng cô chẳng ngại ngần nói bằng bài thơ gan ruột của mình, vì nghĩ điều đó có lợi cho dân cho nước. Cũng chẳng sợ vì thế mà bị cho là "gái góa lo việc triều đình".

Giọng bà trầm hẳn xuống khi nói về những ngày sóng gió ấy: "Ngày ấy, nếu tình huống xấu nhất xảy ra: Tôi sẽ bị bắt giam thì tôi sẽ kiên trì chờ đợi, làm sáng tỏ chân lý lẽ phải. Tôi tin vào nhân dân, vào Đảng và tin vào chính mình.

Chính niềm tin đã cho tôi đủ sức mạnh tinh thần để vượt qua tất cả”. Đặc biệt, trong giai đoạn sóng gió, nữ sinh viên khoa Văn ấy đã nhận được sự quan tâm động viên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người mà đến bây giờ khi kể về ông, Xuân Khải lại rưng rưng xúc động.

Kỳ tới: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ dũng cảm

Theo nguồn báo Tiền Phong [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Đại tướng Võ Nguyên Giáp và “nhà thơ dũng cảm”
» Bài thơ thổi bùng lên ngọn lửa
» Những người châm ngòi cho “trái bộc phá” dư luận năm 1986
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn