Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 29 Tháng 3 Năm 2024    Số người truy cập: 960205
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Vài suy nghĩ về mốc đầu tiên của ĐHQGHN

1. Sau khi đọc kỹ Đề án “ Xác định ngày truyền thống của ĐHQGHN” ý nghĩ đầu tiên của tôi là cần có sự phân biệt giữa “Ngày truyền thống” với “Ngày thành lập”. Hai ngày đó có thể trùng hợp nhau, nhưng cũng có thể khác nhau. Theo tinh thần của bản Đề án thì tôi nghĩ rằng yêu cầu ở đây là xác định cái mốc đầu tiên của ĐHQGHN, chứ không phải chọn ngày truyền thống của ĐHQGHN. Nếu chọn ngày truyền thống, cần chọn một ngày nào đó được đánh dấu bằng một sự kiện tiêu biểu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống nhà trường. Cái ngày đó như trên tôi đã nhấn mạnh có thể cũng chính là ngày khởi đầu của nhà trường, nhưng cũng có thể rất khác. Trong trường hợp ĐHQGHN của chúng ta, theo tôi ngày truyền thống nên lấy ngày 15/11/1945 là ngày khai giảng Trường Đại học dưới chính quyền Cách mạng, dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có đông đảo quan khách nước ngoài và trong nước tới dự, ngày khai giảng này được tiến hành chỉ 2 tháng 13 ngày sau lễ tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945).

2. Còn xác định mốc khởi đầu cho ngành Đại học Việt Nam – trong đó có ĐHQGHN – thì trong 4 phương án mà bản Đề án nêu ra Phương án 1: Quốc Tử Giám - Thăng long – Hà Nội, thành lập năm 1076; Phương án 2: Đại học Đông Dương; thành lập ngày 16/5/1906; Phương án 3: Trường Đại học Quốc gia Việt Nam; ngày khai giảng 15/11/1945; Phương án 4: Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ngày thành lập 4/6/1956, tôi tán thành chọn phương án 2: Đại học Đông Dương, ngày thành lập 16/5/1906.

Vì những lý do sau đây:

Trước hết, nếu lấy phương án 1 (Quốc Tử Giám - Thăng Long – Hà Nội với năm thành lập 1076) thì mốc ra đời sớm hơn rất nhiều nếu so với phương án 2 (Đại học Đông Dương với năm thành lập 1906), sớm hơn 830 năm, gần 9 thế kỷ! Thế nhưng đối chiếu với mục tiêu đào tạo, cũng như nội dung và phương pháp đào tạo thì rõ ràng bị hạn chế. Tôi cho rằng nếu nói tới ngành Đại học theo đúng nghĩa của nó thì phải khi có chủ nghĩa tư bản, đến thời kỳ cận đại, còn thời kỳ phong kiến thì chưa thể có. Nếu có người nói ở một số nước châu Âu, trường đại học đã có từ thời vua chúa phong kiến, nhưng lúc đó họ đã bước vào thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa rồi! Và nếu chấp nhận điều đó thì ở Việt Nam, ngành đại học chính thức cũng chỉ có thể ra đời từ thời kỳ cận đại, tất nhiên do người Pháp mở với nhiều động cơ, nhưng cũng mang lại những kết quả có lợi ngoài ý muốn của họ. Chúng ta đều biết sau khi hoàn thành việc đánh chiếm Việt Nam (1896) thực dân Pháp mới thực sự có điều kiện thi hành một số chính sách giáo dục mới ở Việt Nam từ năm 1897.

Từ những năm đầu thế kỷ 20, trong thời kỳ khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp (1897 - 1914) cùng với những biến đổi trong cơ cấu kinh tế và xã hội, trào lưu tư tưởng mới (trào lưu tư tưởng tư sản) được du nhập vào Việt Nam qua các con đường Trung Quốc và Nhật Bản. Trong bối cảnh đó, tính chất của cuộc đấu tranh yêu nước cách mạng của nhân dân ta cũng thay đổi, từ phong kiến sang tư sản, với sự xuất hiện của Duy Tân hội vào năm 1904 và sự phát triển của phong trào Đông du (1905 - 1908), nhiều thanh niên Việt Nam yêu nước đã bí mật xuất dương (sang Nhật) tìm đường học hỏi.

Chính vì nhận thấy tình hình này có hại cho nền thống trị của Pháp nên họ càng đẩy mạnh thêm một bước công cuộc xây dựng nền giáo dục mới ở Việt Nam (và cả ở Lào và Cămpuchia). Nghị định ngày 14/11/ 1905 đã quyết định thiết lập Nha học chính Đông Dương, thành lập hội đồng cải cách giáo dục. Các trường tiểu học Pháp – Việt, Trường cao đẳng tiểu học (Thành chung) nối tiếp nhau được mở, cùng với việc mở các trường sư phạm, trường chuyên nghiệp ở cấp sơ, trung. Để cuối cùng đến tháng 5 năm 1906 thì toàn quyền toàn Đông Dương ra quyết định “Thành lập Đại học Đông Dương, dưới tên gọi trường đại học, một tập hợp các khoá đào tạo đại học cho các học sinh quê quán ở thuộc địa Đông Dương và các nước láng giềng”. Ngay trong điều khoản 1 của Nghị định đã xác định rõ: “Cơ sở đào tạo này có nhiệm vụ phổ biến ở Viễn Đông, chủ yếu là thông qua tiếng Pháp, những kiến thức về các ngành khoa học và các phương pháp châu Âu”. ”Rõ ràng việc quyết định mở trường đại học năm 1906 nhằm giải quyết một số vấn đề chính trị cấp bách lúc đó, như ngăn chặn phong trào xuất dương cầu học của thanh niên, học sinh Việt Nam; xoá bỏ quyền ảnh hưởng của trường Đông kinh nghĩa thục mới bị Pháp đóng cửa năm 1907; tuyên truyền cho ảnh hưởng và thế lực của Pháp ở Viễn Đông; quét sạch ảnh hưởng của Trung Hoa. Tất nhiên lúc đó yêu cầu đào tạo những người cộng tác với Pháp trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kinh tế trong công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất ngày càng lớn.

Mục đích của người Pháp khi mở trường Đại học Đông Dương năm 1906 ngay từ đầu được xác định là “một trường đại học phổ thông” để khai dẫn cho giới thượng lưu các xứ thuộc địa biết văn minh học thuật nước Pháp!

Mặc dù những hạn chế như vậy, vượt qua những âm mưu và thủ đoạn của Pháp, có thể nói là ngoài ý muốn của chúng, Trường đại học Đông Dương ngày càng mở rộng.

Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918), một phần nhằm xoa dịu phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam, một phần do nhu cầu cao về người cộng tác trong thời kỳ khai thác lần thứ 2 trên quy mô lớn, với tốc độ nhanh sau chiến tranh, nền giáo dục thuộc địa – trong đó có trường đại học - lại được mở rộng thêm một bước. Thông tri Bộ thuộc địa ngày 10/10/1920 có nhấn mạnh tới yêu cầu phục vụ kinh tế của giáo dục thuộc địa: “Giáo dục bản xứ trước tiên cần có tính chất thực hành và thực tế”.

Động cơ mục đích của thực dân Pháp khi mở Trường Đại học Đông Dương là như vậy. Nhưng cũng rõ ràng là trên cơ sở một tinh thần yêu nước mạnh mẽ, tuyệt đại bộ phận những sinh viên được đào tạo trong nhà trường đại học do Pháp mở vẫn tranh thủ việc học tập những kiến thức mới, hiện đại để rồi vận dụng có kết quả vào công cuộc cứu nước. Chính vì lẽ đó, mà không thể chỉ vì lý do Trường Đại học Đông Dương do thực dân Pháp mở mà không công nhận trường đó, huống chi giữa Trường Đại học Đông Dương được thành lập năm 1906 với trường Đại học Quốc gia Việt Nam khai giảng ngay sau ngày Cách mạng thành công và trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập năm 1956 vẫn có tính kế thừa rõ rệt, tuyệt đối không phải là một sự đoạn tuyệt, cắt đứt mà một sự nối tiếp có tính phát triển và nâng cao về mọi mặt.

Trên cơ sở các suy nghĩ trên, một lần nữa tôi xin nhắc lại ý kiến của tôi là tán thành phương án 2 của Đề án lấy ngày thành lập 16/5/1906 của Đại học Đông Dương làm mốc khởi đầu cho ĐHQGHN.

GS. Đinh Xuân Lâm [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Nhớ lại những ngày đầu gian khó
» Cô nữ sinh Văn khoa và bài thơ gây chấn động dư luận 20 năm trước…
» Từ bài thơ gây chấn động dư luận và “đêm trước đổi mới”
» Lớp tôi có gì đặc biệt?
» Cuộc gặp sau 20 năm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
» Ba ngàn lá thư, hàng triệu tấm lòng
» Mười năm “gió bụi” cho một bài thơ
» Bài thơ gây chấn động dư luận: “Cuộc chiến” mới và...
» Bài thơ gây chấn động dư luận: Trong “tâm bão”
» Đại tướng Võ Nguyên Giáp và “nhà thơ dũng cảm”
» Bài thơ thổi bùng lên ngọn lửa
» Những người châm ngòi cho “trái bộc phá” dư luận năm 1986
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn