Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 19 Tháng 3 Năm 2024    Số người truy cập: 955180
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Những người châm ngòi cho “trái bộc phá” dư luận năm 1986
Ông Lưu Văn Lợi đọc lại bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” đăng trong cuốn “Nghĩa tình sâu nặng”

 

 

 

 

 

 

Kỳ 1: Từ bài thơ gây chấn động dư luận và “đêm trước đổi mới” kỳ 2: Ba ngàn lá thư, hàng triệu tấm lòng

kỳ 3: Mười năm “gió bụi” cho một bài thơ

kỳ 4: Trong “tâm bão”
kỳ 5: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và “nhà thơ dũng cảm” kỳ 6: Bài thơ thổi bùng lên ngọn lửa kỳ 7: Những người châm ngòi cho “trái bộc phá” dư luận năm 1986 kỳ 8

Người đầu tiên đọc bản thảo bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” là ông Lưu Văn Lợi, thư ký của ông Lê Đức Thọ.Từng câu thơ bám chặt lấy tâm trí ông và ông biết tiếng lòng của nhân dân đã cuộn lên thành sóng mạnh mẽ tạo dư luận sôi động trong suốt những ngày tháng trước thềm Đại hội Đảng lần 6 năm 1986, khi nước ta thực sự bước vào công cuộc Đổi mới. Và số phận của “Mùa xuân nhớ Bác” đã gắn với Tiền Phong trong suốt 20 năm qua...

Hành trình của "trái bộc phá"...

Với tính cẩn thận không thể lẫn vào đâu của người có đến 20 năm làm thư ký, ông Lợi giương mục kỉnh lên hỏi han. Rồi ông "à" lên một tiếng khi tôi nhắc đến bài thơ "Mùa xuân nhớ Bác" (MXNB) cách đây 20 năm.

Ngày đó mỗi buổi sáng đến cơ quan có bao nhiêu thư từ, tài liệu, công văn gửi đến ông Lợi đều phải bóc ra đọc hết. Những vấn đề quan trọng thì phải báo cho ông Lê Đức Thọ ngay trong buổi sáng để kịp thời giải quyết. Đối với thơ ca hay thư từ, đơn tố cáo…thì chuyển vào buổi chiều.

“Buổi chiều hôm đó, đồng chí Lê Đức Thọ yêu cầu tôi đọc đi, đọc lại nhiều lần bài thơ ấy. Ông yêu cầu tôi chuyển bức thư có bài thơ cho đồng chí Vũ Mão, khi đó là Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn để chuyển tới báo Tiền Phong- bởi đây là diễn đàn thực sự của những người trẻ tuổi, những người mạnh dạn muốn thay đổi vận mệnh đất nước như người nữ sinh viên sáng tác bài thơ kia.

Đồng chí Thọ nói với tôi: “Cậu nói với báo Tiền Phong thẩm định kỹ về tác giả và động cơ sáng tác. Nếu cô ấy là người tốt thì đăng bài thơ"- ông Lợi kể.

Ông Lợi cũng phấn chấn trong bụng và lập tức tiến hành công việc. Bởi ông nhận thấy bài thơ là tiếng nói của thanh niên có tư duy đổi mới với dũng cảm nói thẳng, nói thật vấn đề đang tồn tại trong xã hội bấy giờ. Bài thơ gần như nói hết được tâm tư của lớp trẻ về Đảng và đất nước... với một tấm lòng chân thật, thẳng thắn.

Lúc đó, trong suy nghĩ của nhiều người cứ tưởng đánh thắng Mỹ xong thì làm gì cũng được nhưng thực tế không phải thế. Nhiều chủ trương, chính sách duy ý chí đã thất bại khiến đất nước lao đao, nhân dân khổ sở. Tư cách đạo đức và lối sống của một bộ phận quan chức, cán bộ xuống cấp đã làm giảm lòng tin của người dân đối với Đảng, với Nhà nước.

Mặc dù phía dưới tên tác giả lấy địa chỉ là sinh viên năm 2 nhưng khi đọc đến phần “Chúng tôi nghĩ Nguyễn Huệ- Quang Trung/ Lứa tuổi hai mươi lập nên nhiều chiến công hiển hách. Rồi đến Bởi lẽ đấu tranh- tránh đâu cho được/Đồng chí không bằng đồng tiền/Có ai thấu chăng/Và ai phải sửa?...” ông Lợi chắc chắn một điều rằng đây phải là người từng trải, quả cảm, có kiến thức và nhận thức sâu sắc với thời cuộc mới viết lên những vần thơ sắc sảo như vậy.

Thận trọng cầm lá thư và những điều ghi chép yêu cầu của lãnh đạo, ông Lợi tới 62 Bà Triệu chuyển cho Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn Vũ Mão. Ông Vũ Mão đã chuyển bài thơ cho Tổng Biên tập Đinh Văn Nam (nguyên Tổng Biên tập báo Tiền Phong thời kỳ ấy) để đăng bài thơ "Mùa xuân nhớ Bác". "Trái bộc phá" dư luận đã đến với Tiền Phong như thế...

Người lạ mặt và chuyến "viếng thăm" KTX Mễ Trì

Cuộc gặp mặt sau 4 năm bài thơ MXNB đăng báo. (Từ trái qua phải: Xuân Khải, đồng chí Vũ Mão, đồng chí Đinh Văn Nam (cố TBT báo Tiền Phong) và người cuối cùng là nhà báo Lê Văn Ba) tháng 3/1990

Một ngày đầu tháng 3/2006, chúng tôi gặp ông Lê Văn Ba – nguyên trưởng ban Giáo dục (báo Tiền phong) trên gác 2 số nhà 14 Trần Nhân Tông (Hà Nội).

Ông Ba nhớ lại những ngày tháng 3 năm 1986 trời nóng như mùa hè. Cầm trên tay bài thơ và nhận nhiệm vụ của Tổng biên tập xuống trường ĐH Tổng hợp điều tra về tác giả, - ông khấp khởi trong lòng nhưng cũng mang theo nhiều tâm trạng đan xen.

Là một người đã viết nhiều bài điều tra chống tiêu cực trên báo TP, ông rất phấn khởi nhưng với kinh nghiệm nghề nghiệp, lại lo không tìm được tác giả thật mà chỉ là một người vô danh nào đó...

Ông Ba quyết định đến trường Tổng hợp vào buổi chiều vì buổi sáng thường là giờ SV lên lớp nghe giảng. Tại Khoa Ngữ văn người trực ở văn phòng báo sinh viên Phạm Thị Xuân Khải hiện đang ở ký túc xá Mễ Trì. Chưa nghe người thường trực nói hết câu, ông Ba vui sướng nhảy ngay lên chiếc xe đạp cà tàng. Con đường tới ký túc xá lổn nhổn toàn gạch vỡ, ông Ba càng cố đạp thật nhanh khiến chiếc xe cứ chồm lên còng cọc, mồ hôi thấm đẫm áo sơ mi...

Vừa bước vào ký túc, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt ông Ba là cái bể nước tập thể to đùng nằm chềnh ềnh giữa hai khu nhà 4 tầng với cả trăm sinh viên vòng trong, vòng ngoài tắm gội, giặt giũ. Ông Ba hỏi thăm căn phòng tầng trệt dãy C2, nơi sinh viên Phạm Thị Xuân Khải ở.

Đây là căn phòng lớn với hai dãy giường tầng, gầm giường nào cũng lỉnh kỉnh những thau chậu, bếp dầu, chai mỡ, nước mắm... Song song với dãy giường tầng là hai hàng dây chạy theo chiều dài của phòng phơi đủ thứ quần áo của chị em phụ nữ. Ông Ba trở thành nhân vật đặc biệt trong một tập thể toàn nữ.

Trong khi đợi Khải về, tranh thủ, ông hỏi mấy cô bạn cùng phòng xem Khải quê ở đâu, năm nay bao nhiêu tuổi. Mấy cô gái hỏi lại "anh là thế nào với Khải?" làm ông lúng túng và cũng không thể công khai việc mình là phóng viên với mục đích tìm hiểu lý lịch, tâm tư của tác giả một bài thơ chuẩn bị đăng báo.

Đúng lúc ấy Khải về. Trước mắt ông Ba không phải là một nữ sinh viên mảnh dẻ mà là một cô gái đã cứng tuổi, khỏe mạnh, nước da nâu sạm nắng gió, tay trái cắp chậu quần áo vừa giặt, tay phải xách theo xô nước đầy sóng sánh.

Khải ngạc nhiên hỏi: Ai tìm tôi đó? Giọng miền Trung, nằng nặng. Ông Ba đành ra hiệu cho những người trong phòng cho mình được phép nói chuyện riêng. Lúc này, ông mới giới thiệu là phóng viên và nói với cô về chuyện báo Tiền Phong nhận được bài thơ do đồng chí Lê Đức Thọ chuyển tới.

Cô Khải ngạc nhiên, vui vẻ: “Em không định gửi bài thơ đăng báo mà”. Ông Ba vẫn kín đáo hỏi thăm chuyện gia đình, học tập của Khải. Thấy Khải là người có ý thức, quan điểm chính trị rõ ràng, một người có suy nghĩ chín chắn và hoàn toàn bình thường, ông Ba rất vui tuy nhiên vẫn chưa thông báo với Khải việc có đăng bài thơ trên báo hay không.

Sau cuộc nói chuyện với tác giả, ông Ba yên tâm về toà soạn và bắt tay vào biên tập bài thơ. Vài ngày sau, báo Tiền Phong số 12 ra ngày 25/3/1986 đã đăng bài thơ "Mùa xuân nhớ Bác" của Phạm Thị Xuân Khải.

Kỳ tiếp: Thổi bùng lên ngọn lửa mạnh mẽ

Theo nguồn báo Tiền Phong [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn