Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 20 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 984567
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Lớp tôi có gì đặc biệt?

Tôi có thể nói ngay rằng: Lớp tôi (Lớp Văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội, niên khóa 1963 - 1967) là một lớp đặc biệt.

Đặc biệt trước hết là ở chỗ lớp rất đông, gần 130 người. Lúc đầu chỉ có hơn 60. Tôi nhớ buổi tựu trường còn thưa thớt lắm. Hôm ấy là một buổi sáng đẹp trời, đầu tháng 9, chúng tôi tập trung ở Giảng đường l - phố Lê Thánh Tông. Trước lúc kiểm danh sách, tôi đứng chơi dưới vườn Tao Đàn. Ngước nhìn lên cổng trường ngắm mãi dòng chữ “Trường Đại học Việt Nam” sao mà thấy lâng lâng, hãnh diện. Gặp nhau buổi đầu còn bỡ ngỡ, làm quen nhau còn rụt rè. Nhưng thấy bạn hữu ai cũng vào loại “siêu” cả. Không là học sinh giỏi nhất, nhì văn toàn miền Bắc (lúc đó mới chỉ có miền Bắc) thì cũng đứng đầu hàng tỉnh, hàng khu vực. Tôi đâm ra thấy “chờn” và “kiêng dè”. Vào học khoảng một vài tháng gì đấy thì được bổ sung thêm gần 30 người từ bên Trường Lý luận Nghiệp vụ Văn hóa chuyển sang. Cũng có nhiều tay cự phách lắm. Học một chặp, đến cuối 1964, đầu 1965, lớp tôi lại được tăng thêm hơn ba chục anh chị em nữa, từ các lớp văn hóa nghệ thuật, điện ảnh ở Liên Xô, Đông Đức chuyển về (để tránh chịu ảnh hưởng của trào lưu xét lại lúc đó). Thế là lớp rất đông, lực lượng hùng hậu, bao gồm nhiều ngành và loại hình nghệ thuật. Số cán bộ lớn tuổi khá nhiều. Từ cơ quan, xí nghiệp đi học có, từ bộ đội chuyển về cũng có. Các anh chị từ Liên Xô, Đông Đức về hầu hết đều lớn tuổi cả. Loại như tôi mới mười tám, đôi mươi, nhưng nhiều anh chị đã tuổi “băm” rồi. Lớp có chi bộ riêng, có chi đoàn thanh niên rất mạnh. Vì thế lớp có điều kiện tham gia tích cực và sôi nổi các phong trào của nhà trường. Bảy, tám đôi là người cùng lớp đã nên vợ, nên chồng, nên ông, nên bà có lẽ cũng là nhờ ưu thế đó.

Cái đặc biệt thứ hai của lớp tôi là được chuyển chỗ ở, chỗ học qua nhiều nơi. Thoạt kỳ thủy là ở ký túc xá Láng (gần chùa Láng), cùng với Khoa Sử. Đây vốn là trường Dân tộc miền núi, sau chuyển cho trường Đại học Tổng hợp và trường Trung học Trung Hoa. Những ngày ở Láng là những ngày khá thú vị và có nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm của những sinh viên Văn khoa mới vào trường còn đầy mơ mộng, kỷ niệm của những anh chàng và cô nàng mới ở tập thể lần đầu. Có biết bao náo nức, biết bao điều mới mẻ, dễ xúc động, dễ buồn vui. ở Láng được hơn một năm.

 

Đến cuối năm l964 đầu 1965 lớp tôi được chuyển về ở và học tại khu Thanh Xuân - Mễ Trì (Trường Chính trị của Bộ Đại học và trường Đại học Ngoại ngữ). Trong không khí cả nước sục sôi đánh Mỹ, thanh niên học sinh sục sôi khí thế “Ba sẵn sàng”, chúng tôi đua nhau viết đơn bằng máu tình nguyện xin vào Nam chiến đấu, hối hả luyện tập, tập trận giả, tập hành quân, báo động, đào hào, đào hầm... Nhiều hôm từ 3 giờ sáng đã tập họp đội ngũ có lá ngụy trang, có gậy gộc, vũ khí chạy mãi vào Hà Đông xuôi đường ven sông Nhuệ.

Đến hè năm 1965, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ra tới Hà Nội đã rất ác liệt. Chúng tôi được lệnh đi sơ tán. Lớp tôi là lớp đầu tiên lên đường để chuẩn bị cơ sở trường lớp nơi sơ tán. Đây là nét đặc biệt thứ ba. đơn giản và gọn nhẹ, mỗi người có một ba lô hoặc túi xách, chúng tôi đi tàu đêm lên ga Quán Triều (Thái Nguyên). Có cái gì oai vệ, thơ mộng; có cái gì bí hiểm, háo hức. Xuống tàu rồi đi bộ suốt đêm 35 cây số, qua suối, qua rừng. Tôi nhớ hôm đó sáng trăng, trời vào thu se se lạnh. Ai nấy đều bươn bả. Tôi lẩm nhẩm đọc thơ và tưởng tượng ra người chiến sĩ trong thơ Chính Hữu:

Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa
Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Phơi nắng gió với hoa ngàn cỏ nội…

Những ngày ở Tràng Dương (Vạn Thọ - Đại Từ, Bắc Thái) là những ngày có biết bao sự kiện dội vào tâm hồn, ký ức của chúng tôi. Leo núi, luồn rừng, chặt cây, lấy nứa về làm nhà, dựng lán. Công việc thật là mới mẻ và hấp dẫn, nhưng cũng đầy ắp những nguy hiểm, gian truân. Những ngày nắng còn đỡ. Những ngày mưa mà leo ngược dốc, trèo lên núi cao, đường trơn, vực thẳm, vắt muỗi, gai cào... thật là không đơn giản. Ăn thì chỉ có bột mì luộc hoặc cơm ba phần độn ngô với canh rau muống suông. Nếu có hái măng, nhặt trám, lấy củi thì cũng bán cho nhà bếp để có tiền chi dùng. Được cái sắn, khoai khá sẵn, lại rẻ. Tối mua luộc mà ăn thêm. Có chàng thư sinh sau bữa cơm còn ăn được hàng cân sắn. Ngày đi luồn rừng leo núi, nhưng tối về vẫn phải học rất khuya. Tôi còn kiên trì chép tay được gần một chục tập “thơ mới” (vì lúc đó không có điều kiện in ấn, phát hành như bây giờ). Cái hồi ở Láng chúng tôi cũng đã từng thức rất khuya, anh nào cũng ham học đến 1 - 2 giờ sáng. Học đến mức Đội thanh niên cờ đỏ của lớp phải mời đi ngủ, để bảo đảm sức khỏe. Nhưng lúc đó còn có điện sáng, có bàn ghế đàng hoàng. Chứ những ngày ở Tràng Dương này chỉ có ngọn đèn dầu cải tiến và lấy giường làm bàn thôi.

Có lẽ vì thế mà đồng bào rất thương và quý chúng tôi, cưu mang, đùm bọc chúng tôi như con em trong nhà. Gia đình nào cũng nhượng cho chúng tôi cả gian buồng để vài ba anh em ở. Thỉnh thoảng lại mời cơm, mời sắn. Hợp tác xã có nhờ cắt lúa, gánh thóc đóng thuế, đắp đập, vác gỗ làm nhà... thì lại cho gạo, cho xôi. Ngày lễ, ngày Tết, xã viên được chia gạo, chia thịt thế nào thì anh chị em lớp tôi cũng được Ban chủ nhiệm hợp tác xã cho như thế. Có lần hợp tác xã cho chúng tôi cả một con trâu và hơn một tạ gạo để liên hoan lớp. Bốn thằng chúng tôi đánh vật suốt đêm mới thịt nổi một con trâu. Sáng ra mệt quá, bỏ cả lòng, cả ong sách...

Chúng tôi xác định phải cố gắng vừa học tốt, vừa giúp đỡ đồng bào. Tối tối đi phát thanh thông báo tin thời sự; tổ chức triển lãm tranh ảnh tuyên truyền những chủ trương của Đảng và Nhà nước; biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con... cũng xôm trò đáo để. Bây giờ nghĩ lại, không hiểu sao lúc đó làm được nhiều việc thế, cũng hát hò, đơn ca, tốp ca; cũng múa sạp, múa ô, múa nón... đệm đàn ghi ta, ắc-coóc-đê-ông hẳn hoi. Đặc biệt là tài diễn kịch. Diễn những vở đặc sắc như Nổi gió, Đâu có giặc là ta cứ đi, Tay cày tay súng, Kiều (của thầy Hoàng Xuân Nhị), Ngày tàn của bạo chúa,... nói cho công bằng và khách quan, lớp tôi diễn kịch rất hay, rất có duyên, được đồng bào hoan nghênh. Đi biểu diễn khắp nơi trong vùng. Đi thực tế ở các đơn vị thanh niên xung phong làm đường lên Lạng Sơn cũng diễn. Và bạo phổi hơn nữa là dám kéo nhau về biểu diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội. Hồi còn ở Láng đã dám kéo xe bò chở phông màn ra biểu diễn ở sân khấu hồ Thuyền Quang thì lần này dám về mượn phông màn, quần áo, đạo cụ của Nhà hát Quốc gia để trình diễn, mời nhiều vị Bộ trưởng, Thứ trưởng đến xem. Ông Giám đốc nhà hát ngạc nhiên đến tròn mắt!

Lớp tôi là thế đó! Học giỏi. Lao động cừ. Làm dân vận khéo. Diễn kịch hay. Sống với nhau thì đầy tình nghĩa. Cái hôm tiễn một số bạn lên đường vào Nam chiến đấu bên bờ Suối Đôi, kẻ ở người đi, vừa hào hùng, vừa xúc động. Bọn con gái khóc như mưa như gió. Bọn con trai không sao cầm được nước mắt mà vẫn hét to: “Hãy cười lên!”. Đến tận hôm nay, sau hơn 30 năm, chúng tôi đối với nhau vẫn rất nghĩa tình. Tuy kẻ mất, người còn, kẻ Nam người Bắc, người đương chức, người nghỉ hưu, nhiều người tóc đã bạc trắng, có cháu nội, cháu ngoại, mỗingười một hoàn cảnh, một số phận, nhưng chúng tôi vẫn rất quý nhau, thường xuyên gặp gỡ nhau, vẫn “mày tao chi tớ”, vẫn sôi nổi trẻ trung như những ngày nào.

Âu có phải đó là cái rất cần thiết cho mỗi người chúng ta, làm cho tâm hồn ta thêm phong phú, sức ta thêm dẻo dai, tình ta thêm bát ngát…

GS. Nguyễn Phú Trọng - UV Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội, nguyên sinh viên khóa 1963 - 1967 [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Nhớ lại những ngày đầu gian khó
» Cô nữ sinh Văn khoa và bài thơ gây chấn động dư luận 20 năm trước…
» Từ bài thơ gây chấn động dư luận và “đêm trước đổi mới”
» Cuộc gặp sau 20 năm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
» Ba ngàn lá thư, hàng triệu tấm lòng
» Mười năm “gió bụi” cho một bài thơ
» Bài thơ gây chấn động dư luận: “Cuộc chiến” mới và...
» Bài thơ gây chấn động dư luận: Trong “tâm bão”
» Đại tướng Võ Nguyên Giáp và “nhà thơ dũng cảm”
» Bài thơ thổi bùng lên ngọn lửa
» Những người châm ngòi cho “trái bộc phá” dư luận năm 1986
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn