Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 19 Tháng 3 Năm 2024    Số người truy cập: 955284
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và “nhà thơ dũng cảm”
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chị Xuân Khải (ảnh chụp tháng 3/2006)

 

 

 

 

 

 

 

Kỳ 1: Từ bài thơ gây chấn động dư luận và “đêm trước đổi mới” kỳ 2: Ba ngàn lá thư, hàng triệu tấm lòng

kỳ 3: Mười năm “gió bụi” cho một bài thơ

kỳ 4: Trong “tâm bão”
kỳ 5: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và “nhà thơ dũng cảm” kỳ 6: Bài thơ thổi bùng lên ngọn lửa kỳ 7: Những người châm ngòi cho “trái bộc phá” dư luận năm 1986 kỳ 8

Bác Văn vỗ nhẹ sau lưng tôi và nói: “Rất quý! Bác rất quý lòng dũng cảm kiên định của cháu. Bài thơ Mùa xuân nhớ bác của cháu rất hay, bác và cô Hà đều mong gặp cháu... Quý lắm... quý lắm, cháu cố gắng lên nhé! Bác rất quý lòng dũng cảm, kiên định của cháu”.

Dường như bà Xuân Khải không quên chi tiết gì khi kể về những kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người bà vẫn thường gọi bằng cái tên trìu mến là bác Văn.

Trong buổi chiều Xuân ẩm ướt, chất giọng Bình Định pha Bắc của bà trầm ấm, đưa câu chuyện đi ngược thời gian...

“Tôi gặp cô Đặng Bích Hà, phu nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà cô giáo dạy văn học Pháp của chúng tôi – Cô Đặng Thị Hạnh, con gái của giáo sư Đặng Thai Mai, chị em ruột với cô Bích Hà. Một cuộc trò chuyện vui vẻ và cô Bích Hà cũng nhận ra tôi.

Tôi biết cô Hà từ năm 1978, khi cô vào Nghĩa Bình (cũ) nghiên cứu lịch sử văn hóa Sa Huỳnh. Lúc ấy, tôi là cán bộ biên tập của Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình được lãnh đạo Sở phân công đi cùng cô Bích Hà.

Gặp lại tôi, cô vui vẻ nói: “Xuân Khải đang ôn thi phải không? Lúc nào thi xong mời Xuân Khải lại nhà cô chơi nhé. Trước khi đến cứ gọi điện, cô sẽ ra cổng đón”. Tôi trả lời: “Thưa cô, cháu đang ôn thi, thi xong cháu sẽ lại thăm cô và gia đình".

Mặc dù là giáo sư sử học, phu nhân của một vị tướng huyền thoại, nhưng cô Hà sống rất bình dân, chan hòa với mọi người. Không chỉ cô Hà, các chị em ruột của cô: cô Hạnh, cô Đào, cô Lê cũng đều là những trí thức, có học hàm học vị cao nhưng họ sống rất giản dị, chân thành, gần gũi với mọi người.

Quả thật, khi nhận lời đến nhà riêng thăm cô Hà, lúc đầu tôi có phần e ngại. Nhận lời rồi mà phân vân, không biết có nên đến hay không? Vì đến nhà không phải chỉ gặp cô Bích Hà, có thể gặp bác Văn nữa.

Đối với bác Văn thì tôi e ngại vì cảm thấy mình nhỏ bé trước một nhân vật lịch sử. Suy nghĩ mãi, cuối cùng tôi quyết định cứ “liều” đến theo lời hẹn với cô Bích Hà. Tôi gọi điện thoại hẹn đến thăm cô vào lúc 19 giờ 30 tối ngày 16/7/1986. Từ KTX Mễ Trì đến chỗ cô ở khoảng 10 km, tôi đi bằng xe đạp.

Tắc đường ở ngã tư Khâm Thiên – Tôn Đức Thắng khiến tôi đến muộn mấy phút. Vào đến sân, đã thấy cô ra đón. Cô lấy nước mời tôi và tôi hết sức bất ngờ khi cô gọi: “Anh Văn ơi, xuống có khách”.

Nhìn sang bên phòng khách lớn, tôi thấy có vài vị tướng đang ngồi mà thầm lo mình đến đúng lúc bận rộn. Tôi nghe tiếng chân người đi xuống cầu thang, và cảm thấy hơi lúng túng trong giây lát, tự hỏi không biết có nên chào ra về, hẹn dịp khác hay không? Cô Bích Hà nói với bác Văn: "Có khách đến thăm, anh xuống chơi với cháu”.

Bác Văn nhanh nhẹn bước tới. Tôi đứng dậy chào, bác Văn giang hai tay ôm lấy tôi. Bác ôm chặt tôi, hôn tôi như một người cha thân thiết hôn con. Bác vỗ nhẹ sau lưng tôi và nói: "Rất quý! Bác rất quý lòng dũng cảm kiên định của cháu. Bài thơ MXNB của cháu rất hay. Bác và cô Hà đều mong gặp cháu... Quý lắm... quý lắm, cháu cố gắng lên nhé!".

Tôi luống cuống đáp lời Bác: “Thưa bác, cô Hà có bảo cháu lại nhà chơi nhưng cháu bận ôn thi cuối năm". "Thế cháu thi xong chưa? Kết quả ra sao? Làm bài tốt chứ?". Tôi nói: "Dạ, thưa bác cháu thi xong rồi, cháu làm bài cũng được.

Vài ngày nữa cháu về quê nghỉ hè". Bác bảo tôi: "Dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn đến mấy cháu cũng cần học cho tốt nhé. Khó khăn thì nhờ thầy bạn giúp đỡ, nói với các bác giúp đỡ, giữ sức khoẻ, giữ tinh thần tốt. Không nên lo lắng quá và nhất định không được bỏ học giữa chừng, “Dĩ bất biến, ứng vạn biến" cháu ạ".

Nghe câu này, tôi cảm động đến trào nước mắt.

Cử chỉ thân mật của bác Văn đã giúp tôi nhanh chóng xua tan mối e ngại, dè dặt ban đầu của một nữ sinh khoa văn lần đầu được gặp vị Đại tướng lẫy lừng.

Bác cháu ngồi nói chuyện vui vẻ, tự nhiên như cha con. Bác Văn hỏi thăm gia đình tôi và tình hình học tập của tôi ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

c hỏi tôi thường đọc những loại sách nào, giới thiệu hàng loạt cuốn sách có liên quan đến những thứ tôi đang nghiên cứu, chương trình tôi đang học. Năm ấy bác Văn đã hơn 75 tuổi vậy mà trí nhớ tuyệt vời của bác khiến những người trẻ như chúng tôi phải kính nể.

Từ buổi gặp đầu tiên ấy, sau này tôi có đến thăm bác một số lần nữa. Bác cháu thường chuyện trò về văn chương, lịch sử. Bác Văn bảo tôi: “Cháu viết được gì đem lại cho bác xem với.Bác thích xem những gì người trẻ viết. Cháu cố gắng viết, đừng bỏ dở, mai một uổng phí lắm, bởi vì thế hệ các cháu từng sống trong chiến tranh, từng chứng kiến những sự kiện lịch sử, mà điều quý nhất là cháu có học hành cẩn thận, có trình độ nhận thức và hiểu biết tốt".

Từ đó, viết được bản thảo nào mới tôi lại đem cho bác Văn đọc. Bác khen những bài thơ tôi viết và động viên tôi nên sớm hoàn chỉnh bản thảo để in...

Bác Văn tặng tôi một số cuốn sách bác viết. Còn tôi thì mua những cuốn sách của bác Văn đã xuất bản để tặng các bạn nước ngoài. Những cuốn sách tôi xin được chữ ký của bác Văn khiến những người bạn có được cảm động vô cùng.

Tôi nhớ lần bác Văn tiếp ông Patrick Brady, Chủ tịch Hiệp hội những người được Quốc hội Mỹ tặng huân chương, tại TP.HCM nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng miền Nam 30/4. Lần đó, Tướng P. Brady đã mang theo cuốn sách của bác Văn viết đã dịch sang tiếng Anh để xin Đại tướng ký tặng.

Tướng P. Brady nói: “Nếu chúng tôi được đọc những cuốn sách của ngài viết như thế này sớm hơn thì tôi và nhiều binh lính Mỹ đã không tham dự vào cuộc chiến tranh Việt Nam vừa qua".

Hồi mới trở về quê hương Bình Định, có dịp ra Hà Nội, tôi lại đến thăm bác Văn và cô Bích Hà. Có lần biết tôi đang có mặt tại nhà người thân ở phố Hàng Bài, cô Hà đến thăm nhưng tôi đi vắng. Cô viết giấy để lại nhắn tôi đến chơi.

Hôm ấy, tôi dùng cơm chiều với bác Văn và cô Bích Hà tại nhà riêng của bác. Một bữa cơm gia đình giản dị, ngoài các món ăn thường ngày, bác Văn còn thích muối vừng. Tôi ăn rất ngon miệng.

Sau bữa cơm, bác mời tôi ăn một bát chè rất ngon và khác lạ. Bác hỏi: "Đố cháu đoán xem chè này nấu bằng gì nào?". Tôi thú thật: "Thưa bác, cháu ăn cảm thấy như chè nấu bằng hạt kê nhưng không phải kê. Cháu chưa biết chính xác chè này nấu bằng gì cả".

Bác Văn và cô Hà cười, bác bảo: "Món chè này bác dành riêng mời khách quý và bạn bè thân thiết. Vì chè này rất quý hiếm, ở Việt Nam ta không có. Đây là loại lương thực có chất bổ dưỡng cao mà nhờ nó người da đỏ ở châu Mỹ sống, chiến đấu ngoan cường với thực dân da trắng.

Mưu đồ của thực dân da trắng lúc bấy giờ là dồn nốt những người da đỏ sống sót mà bọn chúng không thể tìm diệt lên những vùng núi cao, không có lương thực, để một thời gian nào đó lương thực dự trữ không còn nữa thì họ sẽ chết dần.

Nhưng người da đỏ đã không chết mà họ tiếp tục chiến đấu nhờ tìm được loại lương thực nuôi sống mình. Đó là thức ăn đặc biệt mà bác được các bạn nước ngoài tặngng, hôm nay nấu chè đãi cháu gái, một nhà thơ dũng cảm bác rất quý.

Chính nhờ loại lương thực đặc biệt này mà người da đỏ không bị diệt vong trên núi cao mà còn phát triển thành quân đội hùng mạnh chiến đấu với bọn thực dân da trắng.

Tuy còn lại ít, nhưng dân da đỏ vẫn tìm được chỗ đứng của mình ở Mỹ và các quốc gia khác". Chỉ một món chè ngon, giản dị thôi mà chứa đựng trong đó biết bao ý nghĩa, khiến tôi không bao giờ quên được.

Bà bỗng im lặng. Có cảm giác như món chè đặc biệt ấy đang dậy hương trong tâm tưởng của người phụ nữ này.

Trong cơn sóng gió sau khi bài MXNB được đăng trên báo Tiền Phong, có lúc Xuân Khải đã phải vịn vào những kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp để đứng vững. Nhưng nữ sinh viên khoa văn này đã dự cảm con đường tương lai phía trước hứa hẹn nhiều trắc trở khó lường...

Theo nguồn báo Tiền Phong [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Bài thơ thổi bùng lên ngọn lửa
» Những người châm ngòi cho “trái bộc phá” dư luận năm 1986
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn