Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 23 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 988072
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Bài học ngày ra trận
- Tác giả ngày chuẩn bị vào đại học (người đứng đầu tiên bên phải )

Khoảng mười năm trước, con trai tôi xem truyền hình, thỉnh thoảng lại chạy đến, giật vai tôi, thầm thì khoe: “Con vừa thấy ông Hà Minh Đức trong tivi...”. Con tôi tự hào với mọi người là phải. Vì ông Hà Minh Đức đã mừng tuổi nó mấy lần, thậm chí có lần ghé vào nhà nó. Nhìn khuôn mặt hãnh diện của thằng con, lòng tôi xốn xang bao kỷ niệm về người thầy kính yêu của mình. Một trong những kỷ niệm mà tôi kể lại dưới đây, tuy xa xôi về thời gian nhưng lúc nào cũng sống động, tươi rói trong hồi tưởng.

Mùa thu năm 1970, tôi đeo ba lô, hăm hở lên tàu ra Hà Nội nhập học. Đấy là lần đầu tiên tôi biết cái tàu hỏa. Tàu đêm, lại phải ngồi toa chở than nhưng trước mặt tôi là cả một chân trời tươi sáng. Tôi sẽ vào học Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, nơi có những giáo sư, nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng đến giảng bài. Chưa biết mặt một thầy giáo nào của Khoa Văn, nhưng trong lòng, tôi vẫn hình dung và thầm cảm ơn cái thầy nào đó đã chấm bài thi của tôi cao điểm, nhờ đó mà tôi đỗ vào đại học. Hai bài thi Địa và Sử, tôi làm dở lắm. Thi Địa thì vẽ sai bản đồ, nhớ nhầm tuyến đường sắt; thi Sử thì tôi viết nhầm tên các nhân vật lịch sử. Đoảng tính thế, ai cho đỗ. Vậy thì chỉ có thầy chấm Văn nào đó rộng tay hạ điểm Tám, cứu tôi thoát chết. Mà kể cũng lạ, học trò quê, sách học thêm không có, luẩn quẩn chỉ thuộc vài chục câu thơ Tố Hữu, vậy mà bài thi nào tôi cũng lia được vài tờ vê-đup. Chuyến này, vào đại học, ngoài nhà thơ Tố Hữu, tôi sẽ còn được biết thơ của hàng trăm nhà khác, đủ cả Tây, Ta. Mà giảng thơ, từ quê tôi đã nghe đồn, có thầy Hà Minh Đức, người xứ Thanh quê tôi, giảng tài hoa lắm.

Tuy vậy, đặt chân vào trường đại học, tôi hơi thất vọng. Đại học Tổng hợp mới từ nơi sơ tán quay về Hà Nội, nên nơi ăn ở, học hành của giáo viên và sinh viên kém quá. Chúng tôi không có giường nằm, phải ngủ trên sàn bê tông, lấy vỏ thùng đạn mà lót chiếu để chống sưng phổi. Còn thức ăn, thì nhà bếp chia cho sinh viên hàng chục suất chung vào một cái chậu rửa mặt. Chúng tôi thường phân công nhau đi bê thức ăn về, ngồi quây tròn, xì sụp với nhau để dập nhanh cơn đói. Chẳng được tổ chức lễ khai giảng, chúng tôi vào học luôn. Đất nước đang chiến tranh. Mọi thứ đều thiếu nên mọi việc đều có thể giản tiện đến tối thiểu.

Sau một năm, chúng tôi được học gần chục thầy cô. Dạy đại học, mỗi thầy một giáo trình riêng, mỗi người giảng một kiểu, chẳng ai giống ai, thật kỳ thú. Đám sinh viên quê mùa chúng tôi nghe các thầy cô giảng như đớp từng lời. Câu nào thầy nói cũng thấy lạ, thấy hay. Nói dại mồm, chứ nhiều thầy nếu về quê tôi mà giảng vậy dễ bị công an gọi lên đồn. Trò càng đói chữ, thầy càng yêu nghề. Các buổi học vèo trôi qua, thầy trò quên cả giải lao.

Đang say vì các môn văn đại học, đám con trai lớp tôi giật mình vì có thông báo khám sức khỏe tuyển quân. Chiến trường đang cần nhiều tay súng. Tôi và tất cả con trai trong lớp tôi đều viết đơn tình nguyện. Tôi viết thư về quê báo tin khám tuyển, tiện thể xin tiền mẹ. Mẹ tôi động viên rất tự nhiên: Đi lính là cái phận của trai thời loạn. Năm 16 tuổi tôi đã đi khám một lần nhưng không đủ chiều cao, năm này, 17 tuổi tôi đắc tuyển, hạng "A một".

Vậy là mùa lụt năm 1971, tôi đeo ba lô về quê, cất sách vở, chuẩn bị lên đường. Mới nếm mùi đại học được một năm, tôi thèm học quá. Còn bao nhiêu giáo trình tôi chưa được phép mượn thư viện Khoa để đọc. Bao nhiêu thầy cô tôi chưa hề biết mặt. Các thầy như Lê Đình Kị, Bùi Ngọc Trác, Tôn Gia Ngân... tuy chưa dạy nhưng lại ở cùng khu nhà với sinh viên thì chúng tôi thường gặp, còn các thầy Đinh Gia Khánh, Nguyễn Tài Cẩn, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Đỗ Đức Hiểu... thì ở tít trong nội thành. Chao ôi, những tên tuổi lừng lẫy thế mà "Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình". Liệu sau chiến tranh chúng tôi có còn sống hoặc khoẻ mạnh để được học các thầy?

Chúng tôi tập trung tại sân bóng đá Thượng Đình để làm lễ xuất quân. Mấy chiếc xe khách cũ kỹ do thành phố Hà Nội thuê chở quân đi bàn giao đã nổ máy chờ sẵn. Lễ xuất quân diễn ra nhanh gọn. Giáo sư hiệu trưởng Ngụy Như Kontum đang đọc diễn văn thì cờ xuất quân đứt lạt buộc, bị đổ. Cả sân trường xôn xao. Các thứ thủ tục vì vậy lại càng được giải quyết chóng vánh.

Xe chạy, tôi cố ghé mặt qua cửa sổ, ngoái lại vẫy tay và tìm kiếm các gương mặt nhà giáo. Ngoài thầy trợ lý chính trị, chả có thầy nào khác đi tiễn. Tôi tự an ủi: “Cả nước đang đánh Mỹ, mỗi người một việc. Mà mới là sinh viên năm thứ nhất của Khoa, chỉ như hạt bụi, là cái thá gì mà phải tiễn chân".

Bên phải tôi, Hoàng Nhuận Cầm trong bộ quân phục rộng thùng thình đang ngồi cau có. Thi sĩ trẻ đầy cá tính này vui buồn bất chợt, khó đoán trước. Bên trái tôi, Phùng Huy Thịnh lại trầm ngâm, gật gù đọc mấy câu thơ chả rõ của ai mà bấy giờ tôi nghe như "thơ cấm":

Người đi, ừ nhỉ người đi thật

Mẹ thà coi như chiếc lá bay

Chị thà coi như là hạt bụi

Em thà coi như hơi rượu say.

Chúng tôi mặc áo lính của Sư đoàn 325, huấn luyện kỹ thuật bộ binh bốn năm tháng liên tục. Chúng tôi tập đeo ba lô nặng hành quân, lội suối trèo đèo Yên Thế, xuôi về sông Đuống rồi lại ngược lên miền trung du Bắc Giang. Tiểu đoàn sinh viên chúng tôi tuy thể lực kém, nhưng được cái sáng dạ, nên chỉ vài tháng sau cán bộ huấn luyện chẳng còn gì để dạy nữa. Các viên chỉ huy rỉ tai nhau, thống nhất thả lỏng quản lý, cho chúng tôi xả hơi, chờ các sư đoàn từ chiến trường ra nhận. Nói "xả hơi" có nghĩa là buổi sáng chúng tôi vác súng ra các đồi thông tập bóp cò lạch cạch mấy phát rồi chui vào các bụi rậm chơi tú-lơ-khơ, chờ kẻng cơm gọi về. Tôi không thích đánh bài nên chán nản vô cùng. Tôi tiếc không "mượn tạm" sách thư viện Khoa Văn, đem theo đọc. Trước khi lên đường tôi đã từng tự nguyện giúp Khoa chuyển sách từ tầng một lên tầng tư, đề phòng đê sông Hồng vỡ. Hôm đó mà tôi đút bộ "Chiến tranh và hòa bình" vào bụng, giả vờ ra ngoài thì dạo này tha hồ đọc.

Sau 7 ngày ngáp vặt trên đồi thông, tôi quyết định rủ một ông bạn nối khố trong tiểu đội cùng trốn về Hà Nội chơi. Đằng nào chúng tôi chả vào chiến trường, biết sống chết ra sao. Tranh thủ về thủ đô ăn kem, ngửi mùi hoa sữa, sống gấp một chút, có sao!

Buổi sáng hôm đó, tôi gửi súng ở nhà bên cạnh, lừa lúc viên chuẩn úy, chỉ huy trung đội mải tán chuyện với mấy em cắt cỏ bò, chúng tôi lủi xuống chân đồi, chạy tuốt ra đường cái. Không có tiền mua vé xe khách, mà cũng sợ kiểm soát quân nhân ở bến xe tóm được, chúng tôi vẫy... xe đạp. Nghĩa là cứ thấy ai đi xe đạp có chiếc poóc-ba-ga để trống là chúng tôi xin đi nhờ. Nhiều khi chúng tôi xin rất… láo: mồm xin, đít ghé luôn vào poóc-ba-ga, chẳng biết đồng bào có đồng ý hay không. Có thể vì thương hai anh binh nhì mặt mũi non choẹt, đồng bào không nỡ từ chối, sợ sứt mẻ cái tình quân dân cá nước. Nhờ vậy, sau chục lần vẫy xe đạp, chúng tôi ra được đến ga tàu hỏa, xin đi nhờ về Hà Nội.

Mới xa Hà Nội có 5 tháng mà sao tôi nhớ thế. Nhớ tiếng tàu điện leng keng và nhớ mùi thơm tỏa ra từ những chiếc xe thùng chở bánh mỳ lưu động. Tôi nuốt hết một cân bánh mỳ rồi nhảy tàu điện Hà Đông. Đến Mễ Trì, tôi vào Khoa Văn. Bạn bè trong lớp ồ ra đón tôi. Mấy bạn nữ tưởng tôi ra trận, lập công lớn, thành dũng sĩ, nay trở về báo cáo thành tích. Tôi ngượng, thú thật là mới chỉ biết ném lựu đạn gỗ, nay nhớ bạn, nhớ trường, xin phép đơn vị về chơi mấy tiếng. Vì tính hay cả nể, tôi ngủ lại một đêm, ngủ đúng chỗ mình nằm năm trước. Lúc này hai khoa Văn, Sử đã có giường sắt hai tầng cho sinh viên nằm. Khoan khoái ngả mình trên chiếc giường sinh viên thực thụ, tôi chong đèn xem các cuốn giáo trình bạn bè góp vào cho mượn. Sáng hôm sau, tôi chuẩn bị quay về đơn vị thì anh lớp trưởng thông báo rằng mấy tiết học Sử Đảng buổi chiều sẽ được thay bằng Lý luận văn học của thầy Hà Minh Đức. Nghe cái tên ấy, tôi đứng ngẩn ngơ hồi lâu. Thật ra, ở lại nghe thầy giảng mấy câu, biết mặt Thầy, tôi về vẫn kịp. Thấy tôi có vẻ chần chừ, mấy anh bộ đội biệt phái tán thêm vào: "Cậu ở lại nghe giảng là phải, cho biết mùi giáo trình năm thứ hai. Về tàu đêm cũng được, lính tráng là phải biết liều. Sợ hả?". Mấy ông lính cũ này lại tuyên bố câu này trước mấy cô bạn trong lớp. Mấy cô nhìn tôi, chờ quyết định. Ra vẻ lãng tử, tôi vung tay, tặc lưỡi: "Chuyện vặt!"

Mặc dù buồn ngủ, tôi thức suốt trong giờ nghỉ trưa, lên giảng đường, chờ thầy Đức đến giảng.

Đến rồi! Quả là trí tưởng tượng của tôi không tồi. Tôi vẫn đoán như vậy. Thầy đẹp và sang như họ tên của mình. Xe đạp của thầy cũng đẹp, cũng rất hợp với thầy - chiếc xe Phượng Hoàng xanh óng màu cánh trả. Cỡ như GS.Hoàng Xuân Nhị cưỡi xe "bình bịch", thì thầy Đức có Phượng Hoàng xanh là phải. Gật đầu qua loa với lớp, thầy vào luôn bài giảng.

Tôi chẳng thấy Thầy có dấu vết gì của người đồng hương tôi cả. Người quê tôi thường phát âm dấu hỏi thành dấu ngã, mà Thầy nói nhẹ như người Hà Nội. Không những thế, người Thanh Hóa hay nói to, mà nói nhiều thì thường phát âm cả hơi, nghe cứ rào rào, sôi nổi quá mức cần thiết. Còn Thầy thì ngược lại: Thầy nói hơi nén âm. Lời Thầy giảng cứ như nén lại ở bên trong, rồi ngân lên ở đâu đó dưới lớp tóc rất xanh rất dày của Thầy. Thầy càng nói, gương mặt Thầy càng đẹp. Người nghe có được cả âm lẫn hình. Thoạt đầu tôi có cảm giác là Thầy giảng hơi lạnh, nhưng sau đó mới nhận ra rằng sự lạnh lẽo đó là xuất phát từ những luận điểm khoa học. Đó là cái lạnh cần có của tư duy logic. Chỉ lát sau thôi, gương mặt Thầy thực sự biểu cảm. Thầy sẽ chau mày khi nói về nỗi đau chia cắt hai miền Nam Bắc. Đôi lông mày ấy lại dãn ra khi Thầy buông mấy lời bông lơn, châm biếm, làm cả lớp cười rộ. Từ một ngôn ngữ trang trọng, trường quy, kinh viện, thoắt cái, Thầy chuyển sang lối nói dân giã, nôm na, kéo người nghe gần lại, cùng vui vẻ với mình.

Phải mất tới năm phút, tôi cứ ngọ nguậy trên ghế vì khoái chí. Tôi tiếc cho mấy thằng bạn cùng trung đội không trốn về với tôi mà nghe thầy Đức giảng. Rồi tôi giật mình, nhận ra rằng tôi đang xem giảng, đang quan sát Thầy chứ không nghe giảng. Tôi quay sang bên, xin bạn tờ giấy, ghi bài. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi ngồi học mà không lo thi. Tôi tự do ghi theo ý mình. Tôi ghi những luận điểm không quan trọng nhưng thật kỳ thú. Tôi ghi cả những ý nghĩ do Thầy làm nảy trong đầu. Bài giảng hôm đó là bài lý thuyết về loại thể văn học, phần đặc trưng của Ký. Mười phút xem Thầy qua đi, tôi bắt đầu nghe. Mười phút nghe Thầy qua đi, tôi bắt đầu nghĩ. Vừa nghe vừa nghĩ, mười phút sau tôi bắt đầu quên Thầy, chỉ còn lại những vấn đề mà mình phải chấp nhận hoặc tự quyết định, lựa chọn. Tôi nhận ra rằng, vấn đề thể loại mà Thầy đang giảng không đơn thuần chỉ là vấn đề hình thức phản ánh của văn học. ở đây còn có vấn đề logic của thực tại. Thầy đặt vấn đề rất sinh động, cụ thể: “Đặc trưng khu biệt của Ký nằm ở chỗ Ký có cần hư cấu hay không. Yếu tố nào là xác định, đâu là khoảng mờ cho phép những suy luận chủ quan của tác giả. Khi Nguyễn Khải mô tả Thái Văn A trên chòi cao ở Cồn Cỏ, ông mô tả như đang cùng Thái Văn A trong chòi. Trong thực tế, chiếc chòi đó chỉ vừa một người đứng, hơn nữa, cũng chẳng ai được phép lên, cho dù là nhà văn, nguy hiểm lắm. Vậy mà Nguyễn Khải mô tả rất tự nhiên, như đã leo lên chòi rồi. Lại chuyện Đinh Kinh nhận em nuôi cũng là chuyện hư cấu. Độc giả đọc cuốn sách Ký này cũng chẳng hề thắc mắc, phản đối. Đây là chỗ cần đạt lại vấn đề hư cấu. Hư cấu đến đâu, tính xác thực của Ký dừng lại ở biên độ nào?..."

Thầy "Mời các anh, các chị giải lao", cả lớp ngẩng mặt lên khỏi vở và chợt nhận ra rằng Thầy giảng dồn hai tiết làm một, chỉ giải lao một lần. Trong giờ giải lao, anh lớp trưởng Bùi Đắc Ngôn bảo tôi đi cùng, đến gặp Thầy để anh giới thiệu là tôi mới từ đơn vị về nghe Thầy giảng. Tôi gạt phắt: “Em trốn, nghe giảng trộm, giới thiệu thế em ngượng lắm".

Vào giờ học tiếp, tự nhiên tôi thấy nóng ruột kinh khủng. Không rõ bố mẹ tôi ở quê đau yếu hay đơn vị có chuyện gì mà tôi hắt hơi liên tục. Trên bục, Thầy Đức vẫn giảng. Nội dung khô khan mà giọng Thầy vẫn ngân lên âm điệu của thơ: “Trước lúc tranh luận cần thống nhất khái niệm. Lênin dạy rồi. Nếu không ta cứ cãi nhau mãi, giống như mấy anh lính trẻ trong "Trận phố Ràng" của Trần Đăng, cãi nhau cả ngày, anh thì bảo đó là con châu chấu, anh thì bảo đó không thể là châu chấu, chỉ là cào cào. Cho nên cần định nghĩa đã, châu chấu là con đầu nhọn hay đầu tù. Bàn về Ký cũng nên thế. Trước tiên phải xác định, hư cấu là gì đã. Chuyện bộ đội thì…". Thầy nói rồi nhìn thẳng vào mắt tôi. Quái thật, tôi chột dạ, không khéo Thầy biết mình trốn đơn vị cũng nên. Tôi cụp mắt xuống, giả vờ ghi.

Tờ giấy vê-đúp tôi đã ghi gần kín. Lát sau tôi quay sang hỏi giờ. "Bốn rưỡi rồi!". Tôi hoảng hốt, gấp tờ gấy lại, ngồi thụp xuống, bò ra khỏi lớp. Tôi bẹo đùi một người ngồi cạnh cửa sau, thì thào: "Tao phải ra tàu, muộn rồi. Gửi lời chào cả lớp. Sau chiến tranh, nếu sống, tao sẽ về nghe nốt bài Ký". Nói xong, tôi tiếp tục bò. Tôi nghĩ: "Mình từ biệt Khoa bằng tư thế này... thật không đàng hoàng tẹo nào. Nhưng mọi người đang say sưa ghi bài, không nên gây kinh động. Nhân tiện, mình ôn lại động tác bò tiếp cận lô cốt, cũng không uổng".

Thế là tôi bò khỏi giảng đường.

Ra đến bến tàu, bác gác cổng ga chặn tôi lại: “Biết đồng chí đi công tác, quân sự là việc phải ưu tiên, nhưng tàu chuyển bánh rồi, tính mạng đồng chí là số một. Quay vào!". Tôi tiu nghỉu, quay lại phòng chờ. Bốn tiếng sau, có đoàn tàu chở xăng lên Lạng Sơn. Bác gác cổng thương tình, cho tôi trốn vé vào ga, xin đi nhờ.

Từ ga Sen Hồ, tôi phải chạy việt dã mấy tiếng đồng hồ cho kịp về đơn vị trước giờ điểm danh. Trời mỗi lúc một sáng. Dọc đường, tôi gặp mấy chiếc xe chở lính xuôi về phía Hà Nội. Tất cả đều ngồi im phăng phăng phắc trông như xe chở bụt nhà chùa đi sơ tán. Tôi về tới làng mình đóng quân thì đã 5 giờ sáng. Nhưng khác với mọi ngày, cả làng đều im ắng, không có tiếng chó sủa. Tôi sục vào nhà quen, xin lại khẩu súng. Ông chủ nhà thắp đèn lên, dụi mắt, nhận ra tôi thì la ầm lên: "Trời! Chú Hưng, Tiểu đoàn họ đi tìm chú suốt đêm. Súng họ lấy rồi. Mười hai giờ đêm thì báo động hành quân. Cả xóm này lẫn xóm Đông lục xục cả đêm, thức, tiễn. Chục cái cam-nhông kéo đến, chở đi hết. Xem chừng, trong đó ta sắp đánh lớn.” Nghe ông nói, tôi đứng chết lặng vì sợ hãi. Tôi sục xuống chái đình làng, tìm bếp ăn đại đội. Lán trại ở đó đã thu dọn sạch sẽ. Đúng là chả còn ai. Chiếc bếp Hoàng Cầm nuôi quân chỉ sót lại vài đốm than hồng đang nhấp nháy, lụi dần. Thế là tôi đã thành một thằng lính vô kỷ luật, thành một thằng đào ngũ mất rồi.

Tôi chạy ra ngoài cánh đồng, lang thang một cách tuyệt vọng. Có tiếng còi tàu vang lên thống thiết như như tiếng hú gọi người phương xa. Hình như đêm nay tất cả đang xuôi về chiến trường. Chỉ có mình tôi, một thằng đào ngũ, bị bỏ rơi giữa cánh đồng này. Tôi thọc tay vào túi quần, bắt gặp tờ giấy ghi bài chiều hôm trước. Nên trách ai đây? Tại mình nhẹ dạ, nghe bạn bè rủ rê ở lại, hay tại ông thầy giảng bài hấp dẫn làm mình lỡ tàu?

Đêm ấy, tôi đi một mình về phương Nam, tìm đơn vị. Không có tiền, lại không có vũ khí, tôi chỉ có trong tay tờ giấy nhàu nát ghi bài học cuối cùng từ giảng đường Đại học Tổng hợp Hà Nội để... bước vào chiến tranh.

*

Câu chuyện tôi kể trên trôi qua đã gần bốn mươi năm. Con trai tôi đã lớn. Nó từ lâu đã không còn thói quen gọi bố mẹ lên ngắm những người nổi tiếng trên tivi nữa.

Cuộc sống đã cho nó những niềm vui khác. Vả lại bây giờ người ta lên truyền hình nhiều quá, nhớ không xuể. Được chọn vào sân chơi "Chọn giá đúng" thôi là người ta có thể được cả hội trường vỗ tay rầm rầm. Thầy Đức từ lâu hình như cũng không để truyền hình quấy rầy, mặc dù trông thầy vẫn tráng kiện, lên hình vẫn rất nét. Thầy bảo tôi: "Bảy mươi tuổi rồi, cần phải nghỉ chứ anh". Nhưng tôi biết, Thầy không hề nghỉ, giống như quán tính của cỗ xe lăn trên đường ray mà đời đã an bài. Làm thơ, viết ký, chủ biên các công trình khoa học, sách Thầy cứ gối nhau chào đời. Sách nào ra Thầy cũng nhớ cho tôi. Trong thư viện gia đình tôi, ngăn sách của tác giả Hà Minh Đức được để riêng.

Mừng sinh nhật Bảy mươi của Thầy, tôi chợt nhớ buổi đầu tiên nghe Thầy giảng. Tôi bèn vận dụng luôn lý thuyết thể loại Ký học hôm ấy mà chấm phá mấy nét chân dung về Thầy. Sau gần bốn mươi năm tôi đã có biết bao kỷ niệm. Làm sao viết hết, tôi định bụng để dành cho ba bốn lần nữa, vào dịp kỷ niệm chẵn sinh nhật những năm Tám mươi, Chín mươi và Trăm tuổi… của Thầy mai sau.

Liễu Giai, 4/2005

Phạm Thành Hưng [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Nhớ lại những ngày đầu gian khó
» Cô nữ sinh Văn khoa và bài thơ gây chấn động dư luận 20 năm trước…
» Từ bài thơ gây chấn động dư luận và “đêm trước đổi mới”
» Nước mắt và nụ cười
» Nỗi niềm CK một thời, một thuở
» Vài suy nghĩ về mốc đầu tiên của ĐHQGHN
» Lớp tôi có gì đặc biệt?
» Cuộc gặp sau 20 năm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
» Ba ngàn lá thư, hàng triệu tấm lòng
» Mười năm “gió bụi” cho một bài thơ
» Bài thơ gây chấn động dư luận: “Cuộc chiến” mới và...
» Bài thơ gây chấn động dư luận: Trong “tâm bão”
» Đại tướng Võ Nguyên Giáp và “nhà thơ dũng cảm”
» Bài thơ thổi bùng lên ngọn lửa
» Những người châm ngòi cho “trái bộc phá” dư luận năm 1986
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn