Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 14 Tháng 9 Năm 2024    Số người truy cập: 1100666
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
“Vệ túm” - kỷ niệm không thể nào quên

Năm 2005 tôi vừa tròn tuổi 75, trong lòng vẫn còn nhớ bao nhiêu những kỷ niệm ân tình, sâu đậm về truyền thống đạo lý mà Đảng và Bác Hồ đã giáo dục cho các chàng thư sinh chúng tôi, xếp bút nghiên làm anh bộ đội Cụ Hồ tại Trường lục quân Trần Quốc Tuấn cách đây hơn 56 năm.

Những năm 1948 – 1952, Trường lục quân Trần Quốc Tuấn phân hiệu Trung bộ đóng quân và luyện quân tại vùng Cồn Kênh, Đại Bái, Thọ Xuân và Như Xuân thuộc tỉnh Thanh Hóa. Nói là Trường Sĩ quan Lục quân nhưng thực ra chẳng có trường lớp khang trang như bây giờ mà bộ đội chúng tôi dựng các lán trại trong rừng hay mượn các đình, chùa làm lớp học. Học viên thì sơ tán ở trong nhà dân. Nhiều gia đình đã nhường những ngôi nhà cho anh em bộ đội chúng tôi ở. Chúng tôi coi gia chủ như bố mẹ nuôi của mình, đối xử với mọi người trong nhà thân thiết như ruột thịt theo đạo lý: kính già, mến trẻ, thương người như thể thương thân, tình quân dân như cá với nước. Những người dân nơi đây cũng coi chúng tôi như con cái đã rời khỏi gia đình ấm cúng của mình, xung phong đi làm nhiệm vụ người chiến sĩ, học tập rèn luyện để tham gia giết giặc lập công, bảo vệ non sông đất nước. Bố mẹ nuôi nấng, săn sóc chúng tôi khi đau ốm. Hàng ngày còn cho thêm khoai, sắn và cả cơm độn ngô vào suất cơm ít ỏi để chúng tôi no lòng hơn khi tập luyện, đi tham gia thực tập chiến đấu.

Chúng tôi được phát mỗi năm 2 bộ quần áo sợi đôi. Đi tập cả ngày, cả đêm trên đồng bãi vắng, băng qua mương nước, trèo đồi núi nên 2 tay áo, 2 ống quần và đít quần luôn rách bươm. Nạn ghẻ lở, chấy rận, bệnh sốt rét và ỉa chảy hành hạ chúng tôi đến gầy mòn, ốm yếu.

Hồi bấy giờ chẳng có thuốc men đầy đủ như bây giờ, thế mà chúng tôi đều dựa vào dân, phát huy tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau và giải quyết được tất! Hầu hết anh em chúng tôi đều bị ghẻ lở. Nhiều hôm đi tập về, cả tiểu đội bước vào nhà đã mặt mày nhăn nhó, người nào cũng thi nhau thọc cả 2 tay vào sau lưng quần, vào bụng, vào nách, vào mông và gãi sồn sột, gãi đến tóe máu ra. Chưa hết, chúng tôi lại cào đầu bứt tóc, xốc vai để diệt chấy giận nữa. Các bậc bố mẹ, các bà con trong thôn, trong xã đến tận từng nhà hướng dẫn chữa bệnh cho chúng tôi, âu yếm động viên chúng tôi chữa mau lành bệnh. Bà con khuyên chúng tôi hàng ngày, vào buổi trưa ra suối, ra sông tắm táp, kỳ cọ cho sạch sẽ. Vừa xuống suối, mới giơ tay khỏa nước thì từng đàn cá mương tung tăng xông tới. Chúng tôi để yên cho cá rỉa vào các vết mụn nhọt, giúp chúng tôi làm vệ sinh da dẻ. Sau đó lên bờ, chúng tôi lấy lá sòi, lá ổi vò nát xát vào vết mụn ghẻ, phơi mình dưới nắng cho se vết lở rồi mới mặc quần áo. Đi tắm như vậy liên tục 5 buổi trưa thế mà đã khỏi ghẻ lở. Khi bị sốt rét thì bà con bày cho cách lấy lá cây na vò nát, hòa với nước sôi để nguội, chắt nước ra bát đem phơi sương một đêm rồi uống đều đặn mỗi ngày một lần, uống khoảng 7 ngày là khỏi bệnh. Có nơi các bà mẹ chiến sĩ còn cho chúng tôi cả mấy nải chuối tiêu và một gói hạt tiêu. Các mẹ hướng dẫn, mỗi ngày ăn một quả chuối cùng với 7 hạt tiêu. Thế mà chỉ trong mươi ngày đã đánh lui được bệnh sốt rét.

Sợ nhất là bệnh ỉa chảy, nếu không chữa kịp thời sẽ nguy đến tính mạng. Cách chữa của các bà mẹ có kinh nghiệm nuôi con, nuôi cháu là dùng 2 quả hồng xiêm xanh, ương gần chín, thái mỏng, phơi khô hoặc xao vàng lên rồi sắc với 2 chén nước. Uống một chén con nước thuốc vào buổi sáng, một chén con vào buổi chiều. Thế mà ngừng ngay "tháo tỏng". Sau đó ăn cháo với muối, một ngày sau là khỏi. Thật là những bài thuốc dân gian hiệu nghiệm. Nhờ sự săn sóc, thương yêu của nhân dân, của các bậc bố mẹ, của các nữ thanh niên, nhờ sự tự động viên, sự tương thân tương ái của đồng đội nên chỉ sau một thời gian ngắn, chúng tôi đã đẩy lùi được bệnh ghẻ lở, sốt rét, ỉa chảy. Còn nạn chấy rận thì chúng tôi xử lý đồng loạt trong 1 ngày là thanh toán xong. Biện pháp là chúng tôi cạo đầu trọc lóc như bình vôi và nhúng quần áo vào nước sôi, thế là hết chấy, hết rận. Sức khỏe của các chàng "vệ trọc" được cải thiện rõ rệt, ai nấy mặt mày tươi tỉnh, tiếng hát tiếng cười vang lên rộn ràng trong xóm nhỏ. Chúng tôi tranh thủ thời gian đi thăm các gia đình, các bà mẹ chiến sĩ, tham gia dạy các em nhỏ học tập và múa hát…

Một hôm, nhân đến thăm chúng tôi, một bà mẹ chiến sĩ hỏi: "Mấy cháu gái trong thôn gọi các con là "vệ trọc", mẹ hiểu vì đầu các con trọc lóc như ông bình vôi, nhưng sao các cháu ấy lại còn tặng các con cái tên anh "vệ túm" là nghĩa làm sao?". Cả tiểu đội chúng tôi khúc khích cười mà không ai giải thích được ngay cho các mẹ hiểu…

Chuyện là thế này: Một hôm cả trung đội B2 của chúng tôi đi tập ở bãi về thì gặp một tốp hơn chục chị em ăn mặc lượt là, xinh xắn đi họp phụ nữ về cùng trên con đường độc đạo ven đồi. Thấy chúng tôi quần áo rách mướp, hở đùi, hở mông, một tay cầm súng, tay còn lại che hoặc túm chỗ quần rách, các chị dừng lại bên vệ đường và cất lên mấy câu hò ứng khẩu thật mộc mạc mà đậm đà tình quân dân:

Nhìn anh "vệ túm" thương ghê

Tay cầm khẩu súng, tay che mảnh quần

Thương anh, em những ngại ngần

Muốn gửi đường vá, đính gần đôi ta!…

Chúng tôi cảm động mà không sao đối đáp lại được. Đến cả như anh Lê Khâm (tức nhà văn Phan Tứ) có trình độ tú tài, giỏi thơ văn trong trung đội chúng tôi cũng phải đứng im. Mọi người chỉ cười chữa thẹn, chào các chị rồi thẳng tiến về nhà. Tối hôm đó chúng tôi họp nhau lại bàn cách đối phó, phác thảo mấy câu hò lục bát và giao cho mấy đồng chí có giọng hò diễn cảm nhằm "trả đũa” khi gặp lại các chị. Thật bất ngờ, sau đó chúng tôi nhận được lệnh của Trung đội trưởng: Chiều chủ nhật này tất cả anh em chuẩn bị quần áo rách để chị em phụ nữ xã đến từng nhà vá giúp…

Khoảng 2 giờ chiều, có 7 chị đến nhà chúng tôi. Các chị tươi cười tặng tiểu đội mấy gói bánh chè lam Phủ Quảng (Quảng Xương), mấy quả bưởi, chuyện trò qua loa và đề nghị 7 anh em chúng tôi mang quần áo rách ra cho 7 chị. Các chị tản ra, người ngồi trên thềm nhà, người ngồi dưới gốc cây mít, người ngồi ở góc sân,… cầm kéo cắt vải, xe chỉ luồn kim, cười cười nói nói nhỏ nhẹ, chăm chú vá quần áo cho chúng tôi. Bọn chúng tôi túm tụm trong nhà, trong bếp, bày bánh kẹo ra đĩa, gọt bưởi và nấu nước chè xanh để cùng liên hoan với các chị, bố mẹ nuôi và các anh, chị em trong gia đình. Mặt trời đã ngả về sau rặng núi phía Tây, gió chiều nhè nhẹ, chúng tôi mời mọi người quây quần quanh sân để cảm ơn và liên hoan nhẹ. Anh Lê Khâm đứng dậy bắt nhịp để anh quản ca của tiểu đội cất lên tiếng hò, cả tiểu đội và các chị cùng hò theo. Hò rằng:

“Vệ túm” quần áo đã lành

Nhờ ai đường chỉ đã dành cho nhau,

áo quần rách rưới đã lâu

Vợ thời chưa cưới, ai khâu cho lành

Trèo đèo, vượt thác, xuống ghềnh

Càng không quên được tâm tình đôi ta!"

Cả sân rộn lên tiếng vỗ tay hoan hô. Một chị đứng lên nói:

- Các anh đối đáp giỏi lắm! Những câu hò này mới đủ để trả nợ cho lần trước bên sườn đồi. Bây giờ các anh phải hát bài "Hoan hô ông sư" để trả công khâu vá cho chúng em!

Được lời như cởi tấm lòng, cả 7 vị “đầu trọc” chúng tôi đứng chen vào chỗ 7 chị rồi vừa hát, vừa nhún nhảy, vừa tự xoa đầu “trọc lóc bình vôi" của mình...

"…Ngày xưa có những anh chàng, hoặc vì công danh lỡ làng, hoặc vì duyên số bẽ bàng, mang tình yêu mặn nồng thắm thiết, dâng cho người yêu sớm tối. Song ai kia chẳng hoài đoái tới, nên giận đời, giận người cắt tóc đi tu. Nhưng ngày nay biết bao ông sư, khối người yêu mà vẫn đi tu. Tu gì mà tu! Tu măng - giê tu (manger tous: ăn tất), tu ăn thịt bò, tu xơi thịt chó, tu đi luyện kiếm, tu ra tiền tuyến, tu giết quân thù. Nay mai khi thanh bình về, xe sư đi qua bờ hè. Biết bao nhiêu mái tóc thề nhìn sư vui lắm, lòng thêm tươi thắm! Hoan hô ông sư! Chiến thắng quân thù! Thủ đô tưng bừng biết bao đám cưới ông sư!”(*)

Câu chuyện các chị em vùng quê Bà Triệu gọi chúng tôi là "vệ túm", "vệ trọc" là như thế đó. Thông cảm với hoàn cảnh anh vệ quốc quân vất vả, gian lao, các mẹ, các chị còn tặng cho chúng tôi cả những bộ quần áo nâu mới tinh để chúng tôi thay nhau mặc lúc nghỉ ngơi ở nhà, dành bộ quân phục sợi đôi khi đi tập luyện, đi công tác dân vận, lao động giúp dân gặt mùa, dạy múa hát cho thiếu nhi, đi hướng dẫn, kèm cặp cho các em học sinh học tập tại các gia đình trong thôn, trong xã. Tình cảm nhân dân thương yêu đùm bọc người chiến sĩ quân đội nhân dân đã ghi sâu vào tâm hồn và cuộc đời chúng tôi từ thủa ấy cho mãi đến nay khi chúng tôi đã quá tuổi cổ lai hy, mãi mãi không thể nào quên. Cứ mỗi lần gặp khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, chúng tôi đều nhắc nhau và giữ vững truyền thống cách mạng của anh bộ đội cụ Hồ.

Chúng tôi học tập, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu, lời dạy của Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp kính mến: "Quân đội cách mạng chúng ta, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Người chiến sĩ quân đội nhân dân phải nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, dũng cảm hy sinh, giữ vững kỷ luật tự giác, nghiêm minh, đoàn kết, quân dân như cá với nước, tình đồng đội gắn bó keo sơn, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, lạc quan tin tưởng..."

Truyền thống cách mạng của các bộ đội cụ Hồ, tình quân dân đoàn kết thắm thiết đó được chúng tôi thấm nhuần và phát huy trong thời kỳ cầm súng bảo vệ Tổ quốc cũng như khi chúng tôi chuyển ngành làm giáo viên nhân dân đem văn hoá phổ cập cho toàn dân, cho thế hệ trẻ và đến nay làm người cựu chiến binh tham gia tích cực các công tác địa phương, góp phần phục vụ đất nước, phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh!

(*) Bài hát "Hoan hô ông sư" của nhạc sĩ Tô Hải

Nguyễn Như An [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Nhớ lại những ngày đầu gian khó
» Cô nữ sinh Văn khoa và bài thơ gây chấn động dư luận 20 năm trước…
» Từ bài thơ gây chấn động dư luận và “đêm trước đổi mới”
» Nhớ về đồng đội
» Hoàng hôn Đồng Lộc
» Bài học ngày ra trận
» Nước mắt và nụ cười
» Nỗi niềm CK một thời, một thuở
» Vài suy nghĩ về mốc đầu tiên của ĐHQGHN
» Lớp tôi có gì đặc biệt?
» Cuộc gặp sau 20 năm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
» Ba ngàn lá thư, hàng triệu tấm lòng
» Mười năm “gió bụi” cho một bài thơ
» Bài thơ gây chấn động dư luận: “Cuộc chiến” mới và...
» Bài thơ gây chấn động dư luận: Trong “tâm bão”
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn