Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 19 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 984377
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Tìm nguồn
Đoàn công tác chụp ảnh với các giáo sư từng công tác tại ĐHQGHN ở các giai đoạn trước, chủ yếu là tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, hiện đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh

Việc Đảng và Nhà nước cho phép Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức kỷ niệm 100 năm thành lập Đại học Đông Dương (ĐHĐD), tiền thân của ĐHQGHN là một niềm tự hào đối với toàn thể cán bộ, sinh viên, học sinh ĐHQGHN. Mặc dù thời gian kỷ niệm chính thức là giữa năm 2006, còn khoảng một năm nữa, nhưng để việc tổ chức kỷ niệm được trọng thể, phản ánh đúng tầm ý nghĩa của sự kiện, nhiều công việc đang được gấp rút triển khai, trong đó có việc tìm kiếm tư liệu nhằm khôi phục các giai đoạn, các mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của ĐHQGHN, phục vụ cho việc viết một cuốn sách và làm một bộ phim với chủ đề 100 năm từ ĐHĐD đến ĐHQGHN.

Trong buổi gặp mặt với các chuyên gia, cố vấn cho các hoạt động tuyên huấn, nhiều người gợi ý cho chúng tôi nên tìm hiểu tư liệu qua một số nhân chứng lịch sử, những người vừa là sản phẩm đào tạo, vừa là người đã chứng kiến những giai đoạn phát triển của nền giáo dục đại học hiện đại của Việt Nam, của ĐHĐD và của ĐHQGHN... Tuy nhiên tất cả các tên tuổi được nhắc tới hôm đó đều là bậc cao niên ở độ tuổi trên 80 và sống không chỉ ở Hà Nội. Nếu không gặp nhanh thì... không biết thế nào. Do vậy cùng với việc xây dựng kế hoạch chung cho những công việc cần làm, chúng tôi quyết định tổ chức một đoàn công tác vào TP. Hồ Chí Minh để gặp một số nhân chứng quan trọng, cần thiết, đồng thời cũng để gặp gỡ các giáo sư, nhà giáo lão thành, các cựu sinh viên của ĐHQGHN qua các giai đoạn phát triển đang sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để thông báo kế hoạch kỷ niệm của ĐHQGHN và xây dựng kế hoạch hợp tác.

Từ ý tưởng đến lúc bố trí thực hiện cũng là một khoảng thời gian khá dài. Ai cũng bận, nhiều công việc sự vụ hàng ngày lôi kéo. Đến khi quyết định ngày đi, mọi công việc thấy bề bộn. Cũng may chúng tôi được ĐHQG TP. Hồ Chí Minh nhiệt đình giúp đỡ về mọi phương diện nên cũng có phần yên tâm. Hình dung những lịch trình, công việc sẽ làm trong 4 ngày công tác, anh em trong Ban CT&CTHSSV chuẩn bị cho đoàn công tác khá đủ “đồ nghề”, từ tài liệu, tạp chí đến thiếp chúc Tết của Giám đốc..., anh em cũng không quên chuẩn bị một ít bánh cốm, chè Thái, gọi là hương vị miền Bắc gửi vào Nam.

Chiều thứ tư, 5 giờ, chúng tôi lên đường. Đoàn gồm 4 người: Phó giám đốc Phạm Quang Long thay mặt Ban Giám đốc ĐHQGHN, anh Bùi Tuấn - nhà nhiếp ảnh "chuyên nghiệp" của Bản tin ĐHQGHN, anh Vũ Tùng - giảng viên Khoa Báo chí, Trường ĐHKHXH&NV, và tôi - chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý, thư ký kiêm thủ quỹ. Đồ đạc lỉnh kỉnh, chất đầy ôtô. Tài liệu, máy quay, máy ảnh, đèn chiếu, hành trang cá nhân... Đến sân bay, anh Vũ Tùng lại gặp rắc rối do đánh mất chứng minh thư, phải trình bày với nhà chức trách mất một lúc. Rồi mọi chuyện cũng xong xuôi, 4 anh em yên tâm ngồi thở trên máy bay.

GS. Vũ Đình Hòe


Theo kế hoạch, buổi làm việc đầu tiên là tại nhà Cụ Vũ Đình Hoè - Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Trước đ
ó, chúng tôi đã trực tiếp liên lạc với Cụ xin gặp nhưng đều bị từ chối. Chúng tôi phải nhờ đến ông Vũ Thế Khôi, con trai trưởng của Cụ, vốn là cán bộ giảng dạy Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội liên hệ giúp. Tôi thực sự xúc động trước sự nhiệt tình của ông Khôi, và đặc biệt xúc động trước tấm lòng của ông - một người con, trước những gì liên quan đến cha mẹ mình. Ông nâng niu từng tờ giấy đánh máy nhoè nhoẹt, ố màu, những tài liệu cũ mà cha ông đã lưu giữ từ hơn nửa thế kỷ trước, nhớ từng thói quen, từng sở thích của mẹ ông. Ông kể: "Cụ bà nhà tôi rất thích hoa màu tím, như hoa violet, hoa păng-xe vì đó là loại hoa cụ ông thường tặng cụ bà thời còn trai trẻ...". Theo sự "bật mí" của ông, chúng tôi nhờ anh lái xe rẽ qua con đường lớn để tìm hàng hoa trước khi vào nhà Cụ. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được một quầy hoa sinh viên với lèo tèo mấy chậu hoa nhỏ. Chọn mãi vẫn không thật ưng ý. Làm gì có hoa violet hay păng-xe giữa cái nắng chói chang của thành phố miền Nam này. Tôi chạnh lòng nhớ cái rét Hà Nội, nhớ rừng hoa đủ màu sắc, đủ loại mà tôi mới nhìn thấy mấy hôm trước.

Đón chúng tôi trong một căn nhà nhỏ nằm sâu ở một ngõ hẻm yên tĩnh là một cụ ông quắc thước với hàng ria bạc trắng và một cụ bà bé nhỏ có nụ cười hiền hậu. Cụ bà dường như rất cảm động khi nhận món quà là một bó hoa lan nhỏ, màu tím. Trong khi anh Long tự giới thiệu và nói về mục đích cuộc gặp gỡ với Cụ Hoè, anh Vũ Tùng và Bùi Tuấn nhanh chóng triển khai máy quay phim, máy ảnh, tìm góc quay...Vì được biết trước nên Cụ Hoè đã chuẩn bị tài liệu và một số ấn phẩm trước đây của Cụ có liên quan đến giai đoạn Cụ được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục năm 1945. Chúng tôi say sưa hỏi, nghe, ghi chép, rồi lại hỏi...
Dòng ký ức về những sự kiện 60, 70 năm trước cứ chảy dài trong câu chuyện của vị nhân sĩ 94 tuổi này. Có những đ
iều đối với chúng tôi là hoàn toàn mới lạ, và cũng có những thông tin chúng tôi đã được nghe đâu đó, nhưng được lý giải dưới một góc độ khác. Cụ nói về mục đích của thực dân Pháp khi xây dựng ĐHĐD, nói về cơ cấu và phương thức đào tạo của ĐHĐD, và đặc biệt Cụ say sưa nói về Cương lĩnh văn hoá của Đảng năm 1941 và việc Cụ lý giải, áp dụng để xây dựng nền giáo dục cách mạng năm 1945. Cụ cho chúng tôi xem cuốn Hồi ký Vũ Đình Hoè trong đó có một số trang nói về cơ cấu Đại học Quốc gia Việt Nam, số lượng sinh viên trong từng khoa, mục tiêu đào tạo của từng khoa... Nhân lúc Cụ kể về Lễ khai giảng đầu tiên của Đại học Quốc gia Việt Nam ngày 15/11/1945, tôi đưa Cụ bài báo của GS.Phan Huy Lê viết về Lễ khai giảng lịch sử này đăng trên Tạp chí Khoa học và hỏi Cụ có nhận ra ai ngồi trên Lễ đài cùng Hồ Chủ Tịch trong tấm ảnh không. Cụ nói "ảnh nhỏ quá, không thấy rõ". "Thế còn ai ngồi ở hàng ghế đầu tiên trong Hội trường dốc (nay là Hội trường Ngụy Như Kontum)". Cụ chỉ: "Đây là Cụ Phạm văn Đồng. Còn người ngồi bên cạnh, hình như là tôi". Còn nhiều điều chúng tôi muốn được hỏi Cụ nhưng sau 2 giờ nói chuyện liên tục, thấy Cụ có vẻ mệt, chúng tôi đành tạm nghỉ. Toàn bộ cuộc nói chuyện với Cụ được anh Vũ Tùng quay và nghi âm đầy đủ. Còn Bùi Tuấn tranh thủ chụp tất cả những gì có thể chụp được. Khi về, chúng tôi sẽ gỡ băng, và chắc chắn sẽ có được nhiều tư liệu
quý giá.

Ngày thứ 2. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ gặp mặt các giáo sư vốn từng công tác tại ĐHQGHN ở các giai đoạn trước, chủ yếu là tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, hiện đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho buổi làm việc này, nhưng cũng không sao tránh khỏi hồi hộp. Mấy ngày trước, anh Nguyễn Khắc Cảnh, trưởng Ban Công tác CT&HSSV của ĐHQG TP. HCM thông báo đã bố trí được phòng họp tại Trường ĐH KHXH&NV, và số lượng cựu giáo chức từ bậc phó giáo sư trở lên có thể liên lạc được lên tới gần 30 người.
Tin đó là
m chúng tôi mừng cũng có, nhưng lo là chính. Lo chuẩn bị làm sao cho có một buổi làm việc có chất lượng. Gần giờ khai mạc, PGS. Nguyễn Quang Điển, PGĐ ĐHQG TP. HCM đã đến. GS. Nguyễn Văn Đạo, nguyên giám đốc ĐHQGHN đang trong thời gian công tác tại thành phố Hồ Chí Minh cũng đến tham dự. Rồi lần lượt GS. Nguyễn Ngọc Giao, GS. Chu Xuân Diên, GS. Nguyễn Đức Dân, GS. Phạm Thị ánh Hồng, GS Trần Ngọc Thêm, PGS. Trần Thị Lệ... Có những giáo sư đã từng là thầy giáo, cô giáo của thế hệ chúng tôi từ cuối những năm 70. Có giáo sư mà tôi chỉ biết tên hoặc nghe kể qua những giai thoại chứ chưa bao giờ được gặp mặt. Mọi người gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Các thầy các cô đều đã nhiều năm là cán bộ giảng dạy, đã
từng tham gia xây dựng, từng chứng kiến sự trưởng thành, phát triển của các cơ sở tiền thân của ĐHQGHN, và ngày nay đã và đang giữ nhiều vị trí khoa học và quản lý chủ chốt trong ĐHQG TP. Hồ Chí Minh và một số cơ quan nghiên cứu trong thành phố.

Mặc dù số lượng người tới dự không đầy đủ như dự kiến, nhưng buổi gặp mặt đã diễn ra trong một không khí hết sức cảm động. Lần lượt các thầy các cô đều thể hiện sự đồng lòng trước kế hoạch kỷ niệm 100 năm thành lập ĐHĐD, coi đây là một quyết định hết sức đúng đắn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với nền giáo dục nước nhà nói chung, đồng thời cũng thể hiện sự đánh giá cao vai trò của ĐHQGHN với tư cách là cơ sở kế thừa tiêu biểu trực tiếp của ĐHĐD – trường đại học theo mô hình hiện đại đầu tiên của Việt Nam. Các ý kiến đều toát lên lòng tự hào bởi mình đã từng là thành viên của một đại học có truyền thống lâu đời và hiện nay đang phát huy những truyền thống vốn có trong việc thực hiện những nhiệm vụ ở những cơ sở phía Nam. GS. Phạm Thị ánh Hồng, một giáo sư sinh học vào miền Nam công tác đã gần 25 năm, nhưng vẫn không ghìm được tình cảm khi nói về những kỷ niệm trong những năm làm việc ở ĐHTH Hà Nội. Nhiều ý kiến đã cho những gợi ý hết sức quý báu trong việc xây dựng kế hoạch cho các hoạt động kỷ niệm. Có ý kiến cho rằng nghiên cứu lịch sử phát triển từ ĐHĐD đến nay không thể bỏ qua nhánh các trường đại học phía Nam, mà tiêu biểu là ĐHQG TP. HCM với tiền thân là một số cơ sở như ĐH Văn khoa Sài Gòn, ĐH Khoa học Sài Gòn…Cựu giáo chức ở thành phố HCM sẵn sàng làm đầu mối tập hợp và tổ chức các nghiên cứu nhánh tiếp nối của ĐH Đông Dương ở phía Nam từ năm 1954 đến nay. Rồi các đề nghị thành lập Hiệp hội cựu giáo chức, cựu sinh viên phía Nam của ĐHQGHN, phương thức hoạt động, tuyên truyền hướng tới các hoạt động chung ở Miền Bắc… Thời gian buổi gặp mặt trôi qua nhanh chóng. Không ai muốn về. Giáo sư Nguyễn Văn Đạo tăng cảm giác bịn rịn của lúc chia tay khi đề nghị mỗi người khi về cầm theo chiếc bánh cốm, hương vị Hà Nội mà chúng tôi mang vào làm quà từ Hà Nội.

Ngày thứ ba. Buổi sáng, anh Long cùng tôi đến ĐHKHXH&NV gặp các anh trong Ban giám hiệu và lãnh đạo Khoa Ngữ văn, Báo chí bàn về việc hợp tác viết chân dung một số nhà khoa học, nhà giáo tiêu biểu của ĐHQGHN trong các thời kỳ trước, hiện nay đang sống hoặc làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Mọi việc mới chỉ dừng lại ở sự đồng thuận trong ý tưởng, nhưng chưa có “đặt hàng" cụ thể.

GS. Hoàng Như Mai (1/2005)

và tấm thẻ sinh viên của năm 1941

Sau một tiếng nghỉ ngơi trong cái nắng trưa oi ả của Sài Gòn tiết tháng Giêng, "thầy trò Đường Tăng” chúng tôi lại lên đường. Anh Vũ Tùng bận rộn xếp cái hòm đồ nghề to tướng lên ô tô. Bùi Tuấn cũng lủng củng với mấy chiếc máy ảnh to - nhỏ, phía trước - phía sau. Anh Long có vẻ rất "lành nghề" khi đeo trên lưng chiếc chân máy quay nghềnh ngàng như quả bom ba càng. Còn tôi, dù sao cũng là phụ nữ, tay xách cặp, tay cầm túi quà nhỏ với chút hương vị Hà Nội "quen thuộc" đã chuẩn bị sẵn. Tất cả chúng tôi đã sẵn sàng. Điểm đến lần này của chúng tôi là nhà GS. Hoàng Như Mai - vị giáo sư đã từng là niềm ngưỡng mộ của biết bao thế hệ sinh viên Khoa Ngữ văn Trường ĐHTH Hà Nội từ đầu những năm 60 đến những năm 80, trước khi giáo sư chuyển công tác vào ĐHTH TP.Hồ Chí Minh. Một lý do nữa khiến chúng tôi quyết định tìm đến GS. Hoàng Như Mai là vì giáo sư đã từng học tại ĐHĐD từ năm 1939 đến 1942. Chắc chắn giáo sư sẽ là một "nguồn" tư liệu phong phú, không chỉ về những năm tháng của ĐHTH Hà Nội mà còn cả về ĐHĐD, mà chúng tôi có thể khai thác.

Đúng giờ hẹn, chúng tôi bấm chuông một ngôi nhà nằm yên tĩnh dưới bóng một cây vú sữa sum xuê. Thầy Mai với bộ quần áo giản dị đến tuềnh toàng ra đón chúng tôi. Điều làm chúng tôi mừng nhất là năm tháng, tuổi tác dường như không có tác động nhiều đến phong độ của vị giáo sư 85 tuổi này.

Thầy vẫn thế. Cặp mắt "biết nói" vẫn hóm hỉnh, ẩn sau hàng mày bạc trắng. Giọng nói vẫn trầm ấm, truyền cảm. Sau khi nghe chúng tôi trình bày mục đích của đợt công tác và những đề nghị đối với thầy, thầy vội vàng xin mấy phút để… thay quần áo, mặc comple, thắt caravat cho nghiêm chỉnh và bắt đầu làm việc. Câu chuyện của thầy dẫn chúng tôi quay lại lịch sử những năm đầu thế kỷ của ĐHĐD. Ra đời đúng vào điểm giao thời của hai nền văn hoá, hai trào lưu giáo dục Trung Quốc cổ điển và Phương Tây hiện đại, ĐHDD là cơ sở giáo dục đại học mang phong cách Châu Âu đầu tiên ở Đông Dương được xây dựng với mục đích thu hút tầng lớp thanh niên Việt Nam vào học nhằm giảm thiểu trào lưu sinh viên đổ ra nước ngoài học rồi du nhập những tư tưởng "phản động, chống đối” về Việt Nam, mà phong trào Đông Du là một ví dụ. Một lý do hết sức quan trọng nữa, ĐHĐD sẽ là nơi đào tạo đội ngũ công chức có trình độ phục vụ công cuộc thống trị, đô hộ của Pháp ở Việt Nam. Bắt đầu từ Khoa Y, Khoa Luật, Cao đẳng Khoa học, Pháp đã mở rộng và phát triển ĐHĐD về cả lĩnh vực lẫn quy mô đào tạo.
Nhưng không hoàn toàn trùng với mục đ
ích ban đầu của thực dân Pháp trong giai đoạn này, hàng loạt các nhà khoa học của Việt Nam được đào tạo tại đây trở thành những trí thức hàng đầu của Việt Nam, góp phần quan trọng trong nhiều lĩnh vực cho sự nghiệp giành độc lập , giải phóng đất nước. Các tên tuổi như Hồ Đắc Di, Trần Văn Khê, Phan Kế An, Hoàng Đình Cầu, Tôn Thất Tùng, Ngô Gia Huy, Huy Cận, Nguyễn Văn Chiển Nguyễn Văn Trương...lần lượt được giáo sư nhắc đến trong câu chuyện của mình. Cùng với dòng ký ức chung về tình hình đất nước, về hệ thống giáo dục, về phương thức đào tạo của ĐHĐD, thầy còn cho chúng tôi xem những tấm hình của cậu sinh viên Luật khoa Hoàng Như Mai trong bộ trang phục sinh viên trắng toát bên chiếc xe đạp, rồi ảnh về những người bạn cùng thời mà sau này trở thành các nhà khoa học nổi tiếng ở Việt Nam. Bùi Tuấn mừng như bắt được vàng khi thầy cho xem thẻ sinh viên của thầy năm 1941, thẻ thư viện năm 1942 và một số tư liệu khác. Bùi Tuấn trải hết ra bậc thềm, chọn nơi có ánh sáng thích hợp chụp lấy chụp để. Chắc chắn đây sẽ là những tư liệu vô giá đối với những người làm phim hay vết sử về ĐHĐD. Đối với chúng tôi, câu chuyện của thầy cũng là vô giá. Những hiểu biết ban đầu, lờ mờ về ĐHĐD, về các giai đoạn phát triển của trường đại học Việt Nam hiện đại đầu tiên này cứ hiện dần ra trong câu chuyện của thầy. Tất nhiên, chúng tôi không phải dân làm sử nên chưa biết khai thác, chưa kết nối được các sự kiện thành một chuỗi logic chặt chẽ, nhưng ít nhất, chúng tôi đã "cảm" thấy một ĐHĐD thật, hiện hữu, sống động chứ không còn chỉ dừng lại ở những quyết định hay công báo khô cứng, vô cảm được khai thác từ các trung tâm lưu trữ thông tin trong và
ngoài nước.

Sau hơn 2 tiếng nói chuyện, chúng tôi tự cảm thấy không thể làm phiền thầy hơn được nữa. Tuy vậy, khi chia tay, chúng tôi không quên "đặt hàng" thầy viết mấy bài về ĐHĐD, đặc biệt là về vai trò của các cựu sinh viên ĐHĐD trong công cuộc xây dựng và phát triển chế độ mới. Thầy vui vẻ nhận lời. Còn chúng tôi biết là phải "nhẫn nại" đợi và thỉnh thoảng phải "thúc giục"vì biết rằng thầy vẫn rất bận với sự nghiệp giáo dục và sự nghiệp văn chương.

Ngày cuối cùng ở Sài Gòn, trước khi ra sân bay, chúng tôi tranh thủ thăm GS. Hoàng Xuân Tùy - nguyên Thứ trưởng Bộ Đại học, cựu sinh viên ĐHĐD và một vài cựu giáo chức của ĐHTHHN. Trong các câu chuyện của chúng tôi, đề tài về ĐHĐD, ĐHQGHN, ĐHTH HN… luôn là chủ đề chính. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch đến thăm và làm việc với Giáo sư Trần Văn Giàu nhưng rất tiếc buổi làm việc không thực hiện được vì gia đình thầy có chuyện buồn.

Sau bốn ngày làm việc, với nhiệm vụ "tìm nguồn", đội công tác đã ra về cùng một túi băng hình, băng tiếng, hàng chục cuộn phim. Chưa phải là nhiều, song những sản phẩm này chắc chắn sẽ có những đóng góp nhất định cho việc khôi phục lại 100 năm lịch sử xây dựng và phát triển từ ĐHĐD đến ĐHQGHN ngày nay.

GS. Hoàng Xuân Tùy

Hai giờ chiều ngày chủ nhật, máy bay hạ cánh xuống Nội Bài. Chúng tôi lại lỉnh kỉnh xếp đồ lên ôtô. Trời Hà Nội lạnh buốt, khác hẳn cái nóng nực, oi ả của Sài Gòn hai tiếng trước. Chúng tôi lại trở về với cuộc sống hàng ngày - sống động, thân thiết.

Nguyễn Thị Việt Thanh [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Nhớ lại những ngày đầu gian khó
» Cô nữ sinh Văn khoa và bài thơ gây chấn động dư luận 20 năm trước…
» Từ bài thơ gây chấn động dư luận và “đêm trước đổi mới”
» Đã có một làng đại học như thế
» “Vệ túm” - kỷ niệm không thể nào quên
» Nhớ về đồng đội
» Hoàng hôn Đồng Lộc
» Bài học ngày ra trận
» Nước mắt và nụ cười
» Nỗi niềm CK một thời, một thuở
» Vài suy nghĩ về mốc đầu tiên của ĐHQGHN
» Lớp tôi có gì đặc biệt?
» Cuộc gặp sau 20 năm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
» Ba ngàn lá thư, hàng triệu tấm lòng
» Mười năm “gió bụi” cho một bài thơ
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn