Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 29 Tháng 3 Năm 2024    Số người truy cập: 960757
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Tâm sự Sao tháng Giêng
Từ trái sang: SV Nguyễn Hữu Giáp, Nguyễn Thị Ý Nhi và Lưu Thành Trung.

Trong số 172 gương mặt tiêu biểu là những sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học, trong công tác Đoàn, Hội và phong trào sinh viên được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng Giải thưởng Sao tháng Giêng năm học 2006-2007, có 4 sinh viên của ĐHQGHN. Đó là: Nguyễn Thị Ý Nhi - Trường ĐHKHXH&NV; Lưu Thành Trung - Trường ĐHKHTN; Bùi Thị Hoàng Anh - Trường ĐH Ngoại ngữ. Sau đây là tâm sự của các em khi được nhận giải thưởng vinh dự này:

NGUYỄN HỮU GIÁP - Khoa Luật. Sau đây là tâm sự của các em khi được nhận giải thưởng vinh dự này:

Nguyễn Hữu Giáp, sinh viên QH-2003-LC Khoa Luật, Bí thư chi đoàn QH-2003-LC; Uỷ viên Ban chấp hành Đoàn TNCSHCM Khoa Luật - ĐHQGHN

SV Nguyễn Hữu Giáp

Bản thân tôi là một người yêu thích các môn khoa học tự nhiên suốt trong các năm học phổ thông, nhưng khi quyết định lựa chọn nghề nghiệp cho mình tôi đã chọn nghề Luật. Và chưa bao giờ tôi cảm thấy hối hận về điều này. Tôi thấy rằng đây là một nghề rất có ích cho xã hội nói chung và cho bản thân nói riêng. Là một sinh viên của Khoa Luật - ĐHQGHN, đồng thời cũng may mắn được giữ chức vụ Bí thư của lớp và Uỷ viên Ban chấp hành Đoàn khoa tôi có nhiều cơ hội hơn và luôn cố gắng hết sức để đóng góp công sức cũng như vận động các bạn khác tham gia vào các hoạt động của lớp, Khoa và ĐHQGHN tổ chức. Tuy nhiên, khi tham gia vào các hoạt động tôi chưa bao giờ nghĩ rằng là một bí thư tôi sẽ “phải độc đoán” tự quyết định mọi chuyện, đưa ra các ý tưởng và yêu cầu mọi người làm theo. Mà tôi luôn nghĩ rằng trước hết tôi cũng là một thành viên của lớp như tất cả các bạn khác vì vậy tôi phải thực hiện tất cả mọi việc như những người khác, chức danh Bí thư khiến tôi khác mọi người ở chỗ tôi sẽ là người đứng ra tập hợp mọi người, lấy ý kiến và đại diện trong những trường hợp cần thiết. Phương châm của tôi là luôn để tập thể quyết định và thực hiện mọi chuyện, và bản thân mình thì cố gắng để tất cả tập thể cùng nhất trí về một quyết định hợp lý, và sau đó tập thể sẽ cùng cố gắng, giúp đỡ nhau thực hiện quyết định đó, tất nhiên là trong tập thể đó luôn luôn có tôi.

Bên cạnh những thuận lợi như sự quan tâm của các thầy cô giáo; sự cố gắng, đoàn kết của các sinh viên trong Khoa, hoạt động Đoàn, Hội ở lớp tôi nói riêng, ở Khoa Luật ĐHQGHN nói chung cũng gặp phải một số khó khăn nhất định trong quá trình hoạt động. Là một Khoa trực thuộc, tức là tương đương với một trường đại học trong ĐHQGHN, sinh viên của Khoa tôi rất ít, cả 4 khoá sinh viên của khoa tôi có 16 lớp với khoảng 900 sinh viên. Đây thực sự không phải là con số lớn để dễ dàng thực hiện các hoạt động lớn vì một lẽ: luôn luôn có một tỷ lệ sinh viên không khi nào tham gia vào các hoạt động chung, với các bạn đó thì khi bước vào cổng trường đại học nhiệm vụ và mục tiêu duy nhất của cá nhân là việc học. Với vai trò là một Bí thư chi đoàn, tôi luôn cố hết sức để giảm tỷ lệ này xuống, với những bạn không tham gia vào các hoạt động của lớp thì tôi cố thuyết phục để các bạn đó tham gia với tư cách người cổ vũ, nhưng không phải bao giờ cũng đạt được kết quả như mong muốn. Ngoài ra, đối với mỗi hoạt động cũng lại có những khó khăn đặc thù của nó. Song không phải vì thế mà hoạt động của Khoa tôi kém phát triển, tôi luôn luôn tự hào vì những gì mà Khoa Luật đã làm được. Đặc biệt là những thành quả của hoạt động tình nguyện. Qua những đợt tình nguyện chúng tôi đã làm được rất nhiều việc, có được rất nhiều tình cảm của nhân dân địa phương và cũng qua đó chúng tôi cảm thấy mình có ích hơn rất nhiều. Đối với cá nhân tôi, ký ức về tình nguyện là những kỷ niệm không thể nào quên, đó là một trong những điều đẹp nhất của đời sinh viên.

Khi nhận được thông báo về Giải thưởng Sao tháng Giêng tôi hết sức bất ngờ, một bất ngờ đầy niềm vui. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình cố gắng hoạt động, học tập vì một giải thưởng nào đó nên tôi thực sự xúc động khi được nhận một giải thưởng lớn như vậy. Đây sẽ và mãi là một niềm vui, niềm tự hào, một kỷ niệm đẹp nhất của thời sinh viên. Tôi nghĩ rằng Giải thưởng Sao tháng Giêng mà tôi vừa nhận không chỉ là giải thưởng dành cho riêng cá nhân tôi mà đó là kết quả của sự cố gắng nỗ lực của tất cả mọi sinh viên trong Khoa tôi, và tôi chỉ là một người may mắn được chọn.

Chẳng còn nhiều thời gian cho cuộc sống sinh viên của tôi nữa, bởi lẽ tôi sắp ra trường. Thế nhưng cho dù không còn là sinh viên thì khi đã ra trường tôi vẫn là một người thanh niên, tôi tin rằng mình sẽ vẫn có những cơ hội để cố gắng vì sự nghiệp của thanh niên Việt Nam. Như Bác đã nói: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, đó sẽ là phương châm và động lực cho tương lai của tôi. Với đặc thù của một sinh viên Luật, khi ra trường tôi cũng muốn cố gắng hết sức để giúp ích cho xã hội, tôi muốn trở thành một luật sư hoặc một nhà tư vấn luật để có thể phần nào giúp đỡ và bảo vệ lợi ích của những người yếu thế, có ít kiến thức về pháp luật trong xã hội.

NGUYỄN THỊ Ý NHI, SV lớp CLC K48 Khoa ngôn ngữ, Trường ĐHKHXH &NV, Chi hội trưởng Chi hội sinh viên lớp CLC K48, Uỷ viên Ban thư ký Hội Sinh viên Trường ĐHKHXH&NV:

SV Nguyễn Thị Ý Nhi

Tôi được sinh ra và lớn lên ở Quảng
Nam. Năm 2004, tôi thi đỗ vào Khoa Ngôn ngữ học Trường ĐHKHXH&NV. Những ngày đầu khi rời gia đình ra Hà Nội học tập, tôi cảm thấy thật sự khó khăn, bởi bên tôi không có người thân nào. Thật may mắn vì tôi có được những người bạn chân thành, giúp tôi quen dần với cuộc sống ở đây.

Ngay từ thời học phổ thông, tôi đã tham gia các hoạt động Đoàn với cương vị là Bí thư chi đoàn, do vậy được tham gia các hoạt động của Đoàn, rồi hoạt động Hội sinh viên ở trường đại học, là niềm vui và là hạnh phúc của tôi.

Vào trường đại học, tôi bắt đầu tham gia hoạt động Đoàn, Hội từ năm thứ 2 với cương vị Liên chi hội phó Liên chi hội Khoa Ngôn ngữ học và là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Sinh viên Trường ĐHKHX&NV. Bước vào năm học thứ ba, tôi được bầu làm Liên chi hội trưởng Liên chi hội Khoa Ngôn ngữ học, và vinh dự được bầu vào Ban thư ký Hội sinh viên trường. Đầu năm thứ tư, theo sự bổ nhiệm của Hội sinh viên trường tôi đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm CLB Nữ sinh.

Với những cương vị công tác trên, tôi đã tham gia nhiều hoạt động Đoàn, Hội của Khoa Ngôn ngữ học và của Trường ĐHKHXH&NV, như tham gia Câu lạc bộ Sống đẹp của Thành đoàn Hà Nội (2005), tham gia tổ chức các hội thi/cuộc thi: “Tiếng hát sinh viên toàn trường lần thứ II” (tháng 4/2006), “Tài hoa K51” - cuộc thi dành cho các sinh viên năm thứ nhất của trường (tháng 11/2006)… và là đội trưởng đội sinh viên tình nguyện Khoa Ngôn ngữ học trong chiến dịch mùa hè tình nguyện năm 2005.

Tôi tham gia hoạt động Hội một phần để học hỏi các anh, chị năng động, tài giỏi mà tôi rất ngưỡng mộ và hy vọng qua những hoạt động ấy tôi có thể góp sức mình đem lại niềm vui và cả những kinh nghiệm bổ ích trong học tập cũng như trong cuộc sống cho các bạn sinh viên. Tôi cũng tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, bởi với tôi: hạnh phúc là khi mình biết chia sẻ.

Nguyễn Thị Ý Nhi (bên phải) tham gia dẫn chương trình văn nghệ tại Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN.

Vừa phải đảm nhiệm một chương trình học khá vất vả, vừa tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, tôi luôn cố gắng phân bổ thời gian hợp lý để hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình. Có đôi lúc tôi cảm thấy stress vì có quá nhiều công việc phải làm và có khi phải gánh chịu một vài dư luận không mấy thiện chí, nhưng gia đình và bè bạn là nguồn động viên mạnh mẽ giúp tôi vượt qua. Tôi đã dần nhận ra rằng thật khó để làm hài lòng tất cả mọi người. Sống thành thật với chính mình, biết nuôi dưỡng những ước mơ mà mình ấp ủ và đừng quá bạn tâm về dư luận, tôi cảm thấy thoải mái hơn. Tất nhiên, tôi cũng luôn lắng nghe những lời góp ý, những lời khuyên chân thành của mọi người để hoàn thiện mình hơn.

Mỗi chúng ta luôn có rất nhiều mối quan hệ trong cuộc sống, tôi luôn cố gắng để làm thế nào trở về đúng vai của mình trong từng mối quan hệ ấy. Bởi tôi luôn tin rằng người thành công là người biết được mình đang ở vị trí nào và điều chỉnh cách cư xử của mình phù hợp với từng vị trí.

Khi biết mình được nhận Giải thưởng Sao tháng Giêng của Trung ương Hội sinh viên Việt Nam, tôi thật hạnh phúc bởi biết rằng những cố gắng nỗ lực của mình đã được ghi nhận. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả những gì tôi làm chỉ cốt để có được giải thưởng nào đó. Tôi luôn cố gắng để thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết tuổi trẻ trong mình và truyền nó đến với mọi người. Bởi theo tôi: “Nếu anh không đốt lửa - Nếu tôi không đốt lửa - Nếu chúng ta không đốt lửa, thì làm sao bóng tối biến thành ánh sáng?”.

Sau khi ra trường tôi dự định sẽ làm trong lĩnh vực PR (Public Relation) bởi tôi thấy rằng công việc này thích hợp với một người yêu thích sự năng động như tôi. Để làm được công việc này tôi biết rằng những kiến thức mình có được bây giờ là còn quá ít. Tôi sẽ cố gắng học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người đi trước.

Về lâu dài, tôi dự định sẽ mở một trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, cùng với người bạn thân học cùng lớp. Để thực hiện được kế hoạch này, chúng tôi cần phải có thời gian chuẩn bị rất nhiều cả về tài chính lẫn kinh nghiệm. Đó là một chặng đường dài, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để vượt qua. Và một dự định lớn mà tôi sẽ cố gắng thực hiện đó là lập được một quỹ từ thiện cho người nghèo. Bởi công việc này luôn làm tôi cảm thấy hạnh phúc và thanh thản.

LƯU THÀNH TRUNG, SV K48 Khoa Địa chất, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐHKHTN:

SV Lưu Thành Trung.

Khi được nhận Giải thưởng Sao tháng Giêng, tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Với tôi thì giải thưởng này chắc chắn sẽ là một kỷ niệm rất đáng nhớ của cuộc đời sinh viên. Có được những thành quả trong học tập và công tác Đoàn, Hội ngày hôm nay, ngoài những cố gắng của bản thân, tôi đã nhận được sự động viên, giúp đỡ rất nhiều từ phía gia đình, thầy cô, bạn bè. Từ đáy lòng mình, tôi luôn biết ơn PGS.TS Đặng Mai và GS.TS Mai Trọng Nhuận là những người luôn động viên, định hướng cho tôi cách học và cách làm khoa học thực sự. Những thành quả mà tôi đã đạt được có sự góp sức không nhỏ của các anh, các chị trong Ban chấp hành Đoàn TNCSHCM - Hội Sinh viên Trường ĐHKHTN, những người đã giúp đỡ, tin tưởng tôi trong suốt 4 năm qua, nhờ đó mà tôi tiến bộ và trưởng thành hơn rất nhiều so với những ngày đầu mới bước chân vào giảng đường đại học.

Tôi vốn là một học sinh chuyên Toán - Tin, Trường THPT Chuyên Hai Bà Trưng, tỉnh Vĩnh Phúc, đã từng đạt giải nhất, nhì trong các cuộc thi học sinh giỏi Toán của tỉnh Vĩnh Phúc nhưng lại chưa bao giờ đạt giải quốc gia nên không được vào thẳng đại học. Tôi thi vào Khoa Công nghệ Thông tin (nay thuộc Trường ĐH Công nghệ) 3 năm không đỗ. Sau kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2004, tôi được gọi bổ sung vào Khoa Địa chất, Trường ĐHKHTN. Khi mới vào học tại Khoa Địa chất, cũng như một số các bạn khác, tôi rất băn khoăn về ngành học, không hiểu học xong sẽ làm gì, sẽ làm việc ở đâu… Các thầy cô trong khoa đã động viên chúng tôi rất nhiều và tôi đã yêu những môn học, yêu lĩnh vực địa chất môi trường từ lúc nào chẳng hay. Cho tới bây giờ, tôi vẫn nhớ thầy Tạ Trọng Thắng trong buổi gặp mặt sinh viên năm thứ nhất có nhắc lại một câu nói của Nhà thơ Tố Hữu khi thăm các bạn lưu học sinh Địa chất ở Rumani: “Các bạn phải học cho ra sắt, thép, ra than đá, dầu mỏ, Tổ quốc của chúng ta rất cần những thứ đó”. Tôi đang và sẽ phấn đấu nhiều hơn nữa để trở thành một nhà khoa học về lĩnh vực địa chất môi trường có chuyên môn vững vàng và yêu nghề.

Tôi tham gia công tác Đoàn và phong trào sinh viên ngay thứ năm thứ nhất của bậc đại học. Giữ cương vị Bí thư liên chi Đoàn Khoa Địa chất ngay cuối năm thứ nhất, từng là Chủ nhiệm câu lạc bộ Hành tinh xanh khối Khoa học trái đất, Phó chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐHKHTN phụ trách công tác phong trào khi là sinh viên năm thứ 2 và tiếp tục tham gia hoạt động Đoàn đến hiện nay.

Lưu Thành Trung (đứng thứ 3 từ phải sang) cùng các bạn trong một buổi giao lưu của sinh viên.

Tôi biết, có một bộ phận sinh viên cho rằng: tham gia hoạt động Đoàn, Hội là “lãng phí về thời gian”. Với tôi điều đó không đúng. Khi tham gia công tác phong trào, chúng ta học được cách sắp xếp thời gian, cách tổ chức công việc, đó là những kỹ năng rất quan trọng bên cạnh kiến thức chuyên môn. “Một thủ lĩnh sinh viên thực sự sẽ biết phải làm thế nào để một ngày có nhiều hơn 24 giờ đồng hồ”, anh Đàm Quang Minh - người Phó chủ tịch Hội Sinh viên tiền nhiệm của tôi đã nói như thế. Trong học tập, công tác và trong cuộc sống hàng ngày của tôi không phải lúc nào cũng suôn sẻ và đạt được kết quả như mong muốn. Vì vậy, tôi luôn luôn tự nhủ phải cố gắng hết sức tôi trong mọi hoàn cảnh. Nếu đã cố gắng nhưng chưa thể đạt được kết quả như mong muốn thì phải coi đó là chuyện bình thường và phải xem xét lại nhược điểm của mình để khắc phục, nhưng nếu không cố gắng thì chắc chắn sẽ không bao giờ thành công.

Còn dự định cho tương lai ư? Tôi có nhiều dự định lắm. Tôi sẽ tham gia học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực Địa chất môi trường, đặc biệt là các vấn đề về địa hoá đất và nước. Cố gắng học ngoại ngữ để có thể tiếp cận nhiều hơn với các phương pháp nghiên cứu hiện đại của lĩnh vực địa hoá và vận dụng có ích trong điều kiện của Việt Nam!

Ngoài Giải thưởng Sao tháng Giêng mà các bạn vừa được trao tặng, Nguyễn Hữu Giáp, Nguyễn Thị Ý Nhi, Lưu Thành Trung đã đạt được rất nhiều giải thưởng, danh hiệu thi đua trong thời gian học tập và rèn luyện trên giảng đường đại học của ĐHQGHN:

Nguyễn Hữu Giáp:

3 lần đạt Giải thưởng Sinh viên NCKH cấp khoa; Danh hiệu Sinh viên ưu tú năm học 2005-2006; Giải 3 Giải thưởng Sinh viên NCKH cấp Khoa; Giấy khen của Chủ nhiệm Khoa Luật về thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và hoạt động quản lý lớp năm học 2005-2006.

Nguyễn Thị Ý Nhi:

2 lần đạt Giải nhì Giải thưởng Sinh viên NCKH cấp Trường ĐHKHXH&NV (năm học 2004-2005 và 2005-2006); 2 lần đạt danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu ĐHQGHN (năm học 2003-2004, 2004-2005); Giấy khen “Cán bộ hội có nhiều thành tích trong hoạt động hội của thành phố Hà Nội năm học 2004 -2005” của Hội sinh viên TP. Hà Nội; 2 Giấy khen của Hội sinh viên Trường ĐHKHXH&NV (năm học 2004-2005, 2005-2006); Giấy khen “Cán bộ Hội có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào sinh viên, năm học 2005 -2006” của Trung ương Hội sinh viên Việt Nam.

Lưu Thành Trung:

Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCSHCM năm học 2004-2005; Bằng khen của Trung ương Hội sinh viên Việt Nam năm học 2004 -2005. Giải nhất Giải thưởng Sinh viên NCKH Trường ĐHKHTN năm học 2005-2006; Danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp Trường ĐHKHTN năm học 2005-2006.

Lưu Mai
[100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» 13/93 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc năm học 2005-2006 được thành phố Hà Nội tuyên dương là của ĐHQGHN.
» Gương mặt trẻ nữ tiêu biểu Việt Nam năm 2005
» Anh chàng 8X và... “ngôi sao Bắc đẩu”
» Cô lớp trư­ởng với danh hiệu thủ khoa
» "Email" thế hệ: "Theo tôi trong toán học, mỗi lời giải đúng là một tứ thơ đẹp!"
» Cựu sinh viên ĐHQGHN được nhận học bổng tiến sĩ của 7 trường đại học lớn
» Nữ thủ lĩnh Đoàn Thanh niên trường Đại học Ngoại ngữ
» Có một cựu sinh viên như thế
» Ba ngôi sao tháng Giêng của Đại học Quốc gia Hà Nội
» Trò chuyện với sinh viên thủ khoa Khoa Kinh tế ĐHQGHN
» Thủ khoa Trần Thị Hồng Hạnh: “Học là một niềm yêu thích”
» Phạm Kim Hùng, trở về trong vòng tay bè bạn
» Thủ khoa Phùng Mạnh Quân: “Em sẽ phải học cật lực...”
» Cô nữ sinh tỉnh lẻ và giấc mơ trở thành giáo viên dạy văn
» Nguyễn Phương Tú: "Nụ cười lạc quan... món quà ý nghĩa em muốn tặng mọi người"
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn