Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 14 Tháng 9 Năm 2024    Số người truy cập: 1100700
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Có một cựu sinh viên như thế
Tạ Mẫn (hàng đầu tiên, đứng thứ năm từ trái sang)

Biết kết hợp một cách hài hoà giữa công tác Đoàn và việc làm kinh tế đó là bí quyết giúp Tạ Mẫn thành công. Nhắc đến anh không chỉ các bạn trẻ mà cả những người cao tuổi ở xã Vân Trục (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đều gật đầu: Cậu ấy thật đáng nể...

Chàng cử nhân Vật lý - “cõng nghèo trèo non”...

Bố Tạ Mẫn là thương binh nặng, tuổi thơ của anh cũng lam lũ như bao đứa trẻ ở xã miền núi đặc biệt khó khăn Vân Trục này. Sau hơn 2 năm đi nghĩa vụ quân sự, anh thi đỗ vào ĐHKHTN (ĐHQGHN). Thoả nỗi niềm ao ước từ lâu, ngoài thời gian dành cho bài vở, Mẫn lao vào hoạt động Đoàn - Hội ở lớp, ở khoa, ở trường. Liên tục trong 4 năm học đại học anh luôn giữ trọng trách là Bí thư chi Đoàn, Phó bí thư Liên chi, UVBCH Hội sinh viên trường. Và trong những mùa hè sinh viên đáng nhớ ấy, màu áo xanh tình nguyện đã cùng anh đến với những bản làng xa xăm nơi cuộc sống của người dân còn rất nhiều gian khổ. Được kết nạp Đảng dự bị trong trường và chuyển chính thức khi về địa phương mặc dù không tìm được việc làm như ý, nhưng với Mẫn hầu như đó lại là cơ hội để anh tự thể hiện bản lĩnh của mình. Trở thành Bí thư xã Đoàn đúng vào lúc chương trình 135 của Chính phủ đưa về, anh là người đi đầu trong phong trào vận động thanh niên vay vốn làm kinh tế vườn rừng thoát đói nghèo. Thấy anh cán bộ Đoàn trẻ tuổi vừa mới tốt nghiệp đại học lại dám vay ngân hàng cả mấy chục triệu đồng để đầu tư cải tạo khoảng rừng hoang chỉ toàn đá, lau lách và cây dại nhiều người lắc đầu: “Không khéo thì xôi hỏng bỏng không”... Mẫn kể: “Thời gian đầu quả là khó khăn, mình chịu sức ép từ cả gia đình và dư luận nên vừa làm vừa lo. Nhưng nghĩ lại nếu mình thành công đó sẽ là tấm gương để các đoàn viên khác trong xã noi theo, dựa vào những kiến thức đã được đào tạo từ khi còn ngồi trên ghế trường đại học đã giúp mình tự tin hơn... ”. Người phản đối có, người ủng hộ cũng không ít, nhiều đoàn viên đã tình nguyện cùng Mẫn “đánh vật với rừng”. Đất đã không phụ người, giờ đây trong tay Tạ Mẫn là cả một trang trại rộng lớn nằm sâu trong núi Sáng với hàng ngàn gốc cây ăn quả gồm vải, nhãn, xoài, cam, chanh; một cánh rừng bạch đàn Caxia lấy gỗ đang độ “thanh xuân” và cả một đàn bò gần 50 con chăn thả theo các vạt cỏ ven núi. Chỉ tay vào đàn bò đang quây quần bên bìa rừng, Mẫn cười: “Đây là công sức không chỉ của riêng mình mà của rất nhiều đoàn viên đóng góp. Cả đàn bò này hầu hết là do anh em hùn vốn để mua đúng vào dịp bò bị dịch long móng lở mép nên khá rẻ. Anh em bảo nhau chọn mua những con bê còn khoẻ đem vào núi cách ly... Ai cũng lè lưỡi kêu liều... ”, ngừng lại giây lát Mẫn tiếp: “Giờ đây thu nhập từ đàn bò này cũng khá. Bọn mình còn chủ động giúp giống cho những anh em mới lập gia đình, nhiều người còn nói vui: đây là đàn bò quỹ của Đoàn Thanh niên, cho vay không lấy lãi”. Nụ cười rạng rỡ trên gương mặt người thanh niên đã khẳng định một điều: “Có những cán bộ Đoàn đã và đang tự khẳng định uy tín và vai trò của mình trong từng công việc cụ thể thực sự ý nghĩa...”.

 Giỏi làm kinh tế... đảm việc Đoàn

 Chúng tôi hỏi: “Lo quản lý một trang trại lớn thế thì thời gian đâu anh dành cho hoạt động Đoàn?” Mẫn cười: “Cũng có lúc mệt mỏi quá nên nản, định thôi công tác nhưng thấy anh em tín nhiệm lại được lãnh đạo xã động viên thế là mình như được tiếp thêm sức mạnh...”. Công việc trang trại của Mẫn giờ được phân công cho nhiều người phụ trách, đa số là các bạn thanh niên. Anh vừa tạo cho họ công ăn việc làm, vừa giúp họ tăng thu nhập. Ban ngày trừ những khi bận họp còn lại anh ở trang trại, buổi tối anh tranh thủ đến tham gia sinh hoạt cùng với các chi đoàn, đem những kỹ năng đã được tích luỹ phổ biến cho các đoàn viên, dạy thiếu niên múa hát, chơi trò chơi... Có nhiều đêm chiếc xe máy đưa anh về tới nhà đã gần 1 giờ sáng. Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn, anh đã tổ chức các buổi lao động công ích cho thanh niên để xây dựng quỹ, đặt các loại báo cần thiết cho mỗi chi Đoàn như báo Tiền phong, báo Thanh niên, báo Vĩnh Phúc. Mặc dù bận rộn nhưng chưa bao giờ Mẫn bỏ một buổi họp nào dù là nhỏ nhất. Vào những ngày lễ lớn Đoàn thanh niên do anh phụ trách luôn có những hoạt động trào mừng cụ thể, những đoàn viên ốm đau hoặc gặp hoàn cảnh không may mắn anh đều đến tận nhà thăm hỏi, động viên, ai cần - anh đều giúp đỡ trong khả năng có thể. Hoạt động dọn vệ sinh thôn làng đã trở thành hoạt động thường xuyên của đoàn viên, Mẫn kể: “Từ mùa hè năm 2002, khi có đội sinh viên tình nguyện Khoa Văn học ĐHKHXH&NV về đây thì hoạt động này được các đoàn viên rất ủng hộ”. Nói rồi anh lật cuốn sổ công tác đưa ra tấm ảnh kỷ niệm chụp chung với đội tình nguyện mà có lẽ anh đã cất giữ và nâng niu trân trọng lắm. Khi được hỏi về kế hoạch của Đoàn thanh niên trong thời gian sắp tới này, Mẫn hào hứng: “Bọn mình đang dự định sẽ phủ bạch đàn xanh lên cánh rừng Trại Phát, hơn nữa chúng mình sẽ đứng ra nhận thầu làm con đường lên thác Bay, biết đâu dó sẽ là hoạt động để hiện thực hoá ý tưởng đưa nơi đây trở thành một khu du lịch sinh thái...”.

Chia tay chàng Bí thư tài ba khi đàn bò của anh đang lục tục theo nhau về chuồng, chúng tôi thầm chúc cho những ý tưởng tốt đẹp của anh sớm trở thành hiện thực.../.

Nguyễn Minh Trường
Bản tin ĐHQGHN số 176, ra tháng 3/2005 [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Gương mặt trẻ nữ tiêu biểu Việt Nam năm 2005
» Ba ngôi sao tháng Giêng của Đại học Quốc gia Hà Nội
» Trò chuyện với sinh viên thủ khoa Khoa Kinh tế ĐHQGHN
» Thủ khoa Trần Thị Hồng Hạnh: “Học là một niềm yêu thích”
» Phạm Kim Hùng, trở về trong vòng tay bè bạn
» Thủ khoa Phùng Mạnh Quân: “Em sẽ phải học cật lực...”
» Cô nữ sinh tỉnh lẻ và giấc mơ trở thành giáo viên dạy văn
» Nguyễn Phương Tú: "Nụ cười lạc quan... món quà ý nghĩa em muốn tặng mọi người"
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn