Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 19 Tháng 3 Năm 2024    Số người truy cập: 955197
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Nữ thủ lĩnh Đoàn Thanh niên trường Đại học Ngoại ngữ
Bí thư Đoàn thanh niên Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN. Ảnh: Lưu Mai

PV: Thưa chị, được biết chị là một trong những sinh viên xuất sắc nhất Khoa NN&VH Trung Quốc khoá 1991-1995, vậy tại sao chị lại trở thành thạc sĩ chuyên ngành tiếng Anh?

Chị Trần Thị Tuyết: Chính tôi đôi khi cũng tự hỏi mình như vậy. Dường như từ bé, mọi việc đều không như tôi mong muốn. Tôi học chuyên Toán từ cấp 1, nhưng vì tôi học môn Văn cũng không tồi lắm nên toàn bị cử đi thi học sinh giỏi Văn của tỉnh và lần nào cũng “giật” giải nào đó nên các thầy cô nhất quyết không cho tôi vào đội tuyển thi Toán của tỉnh. Lên cấp 3, tôi học chuyên tiếng Nga ở trường PTTH chuyên ngoại ngữ thuộc ĐHNN - ĐHQGHN. Tôi mơ ước thi đỗ một trường đại học nào đó như phải là thi khối A, nhưng cuối cùng lại trở thành sinh viên Khoa NN&VH Trung Quốc của trường. Năm 1996, sau khi tốt nghiệp, tôi về công tác tại Trung tâm Multimedia. Trong thời gian đó tôi học thêm tiếng Anh và thực sự cảm thấy thích. Một lần muốn thử sức mình, tôi dự thi lấy học bổng Ausaid của Austrailia, không ngờ đỗ thật, và thế là lại lên đường sang đó học cao học chuyên ngành tiếng Anh. Có lẽ mọi việc đã được số phận định trước mà tôi không hay biết nên bị cuốn vào thôi.

PV: Thế công tác Đoàn mà chị đang phải đảm nhiệm phải chăng cũng do số phận run rủi?

Chị Trần Thị Tuyết (Cười): Tôi cũng không biết nữa. Đó là cả một câu chuyện dài. Tôi tham gia công tác Đoàn từ thời còn là sinh viên Khoa NN&VH Trung Quốc, một phần vì tôi có sở thích là khiêu vũ, gặp gỡ mọi người, một phần vì tôi rất nhiệt tình tham gia phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên. Nhưng công tác bề nổi không phải là thế mạnh của tôi nên tôi đảm trách công tác nghiên cứu khoa học sinh viên (NCKHSV). Năm 1995, tôi là sinh viên duy nhất trong vòng hơn 10 năm (tính đến năm 1998) được kết nạp Đảng. Cho đến trước khi đi học ở Australia, tôi là Phó Bí thư Đoàn phụ trách công tác NCKHSV. Lúc đó chị Thảo Vân (Bí thư Đoàn TN ĐHQGHN hiện nay) là Bí thư Đoàn TN Trường ĐHNN. Năm 2001 về nước, tôi lại tiếp tục là Phó Bí thư Đoàn phụ trách công tác NCKHSV. Năm 2002, tôi thay chị Thảo Vân đảm nhiệm trọng trách Bí thư Đoàn trường. Nói thật là tôi vẫn thích làm công việc cũ hơn vì tôi sẽ phát huy được khả năng và niềm ham mê nghiên cứu khoa học của mình. Vị trí công tác mới chiếm hầu hết thời gian rảnh rỗi của tôi vì như bạn biết đấy, các hoạt động của sinh viên thường tổ chức vào buổi tối hoặc ngày nghỉ. Vui thì rất vui nhưng cũng mệt lắm lắm!

PV: Trong ba năm trở lại đây, một điều mà ai cũng thấy rõ là hoạt động của Đoàn thanh niên trường  ĐHNN có những nét khởi sắc, đặc biệt là các hoạt động mang tính chuyên môn. Chị nghĩ gì về điều này?

Chị Trần Thị Tuyết: Từ lâu tôi rất tâm đắc với “lộ trình nâng cao chất lượng đào tạo” mà ĐHQGHN đưa ra. Bản thân tôi cũng luôn suy nghĩ rằng, hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên không chỉ là những hoạt động bề nổi mà phải chú trọng cả những hoạt động chiều sâu có ý nghĩa thiết thực đối với sinh viên. Các bạn trẻ của chúng ta rất năng động, sáng tạo và luôn khao khát tìm tòi những cái mới trong học tập cũng như trong cuộc sống. Do vậy, người cán bộ Đoàn phải nắm bắt được nguyện vọng của họ để có thể đưa ra những hoạt động kết hợp cả vui chơi lẫn học tập sao cho các hoạt động đó dù có căng thẳng nhưng vẫn vui vẻ, thu hút được đông đảo sinh viên, có tính lan toả trong đại đa số sinh viên, ví dụ như hoạt động NCKH sinh viên của trường: trước kia nhà trường hay cụ thể là Ban chủ nhiệm các khoa tổ chức các hội nghị NCKH cho sinh viên. Nhưng trong ba năm qua chúng tôi đề xuất để sinh viên tự tổ chức và mời các thầy cô tới dự. Có thể nói kết quả thu được cao hơn hẳn vì sinh viên hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn đề tài, phương pháp nghiên cứu theo khả năng của họ và kinh phí cũng ít hơn. Bên cạnh đó các cuộc thi về tiếng như “Hùng biện”, “Hát tiếng nước ngoài”, v.v. được thường xuyên tổ chức. Với những thành tích đạt được, sinh viên được tôn vinh và được rèn luyện về công tác tổ chức các hoạt động tập thể và hoạt động chuyên môn. Điều khiến tôi tự hào nữa là sinh viên Trường ĐHNN thường được đại diện cho sinh viên Việt Nam đi giao lưu với sinh viên quốc tế. Một phần là nhờ lợi thế về học ngoại ngữ, một phần chính là kinh nghiệm các bạn đã thu được qua các hoạt động Đoàn.

PV: Theo chị người thủ lĩnh Đoàn đóng vai trò gì trong thành quả trên?

Chị Trần Thị Tuyết (Cười): Câu hỏi của bạn thật khó... Những thành tích mà chúng tôi đạt được là kết quả của một quá trình phấn đấu không ngừng của cả một tập thể lớn, tôi chỉ là một thành viên bé nhỏ trong tập thể đó. Tuy nhiên thành quả thu được khiến tôi cảm thấy rất hạnh phúc.

PV: Được biết chị mới chuyển sang công tác giảng dạy ở Khoa NN&VH Trung Quốc, điều đó có ảnh hưởng như thế nào đến công tác Đoàn mà chị đang đảm nhiệm?

Chị Trần Thị Tuyết: Vâng. Từ tháng 1/2005 tôi về Khoa NN&VH Trung Quốc giảng dạy. Công việc mới có những thuận lợi và khó khăn riêng nhưng quả thật quỹ thời gian của tôi giàu có hơn một chút. Nhiều người không thông cảm nói tôi tham việc, nhưng tôi có muốn thế đâu.

*

Câu chuyện của chúng tôi chợt bị ngắt quãng bởi điện thoại cầm tay của chị reo liên tục. Chị nheo mắt cười nói: “Tôi lại có việc phải đi đây. Để dịp khác nói chuyện nhiều nhé! Mà nếu bạn định viết thì viết chung chung về nữ cán bộ Đoàn của trường thôi. Đừng nói gì về tôi nhé!”

Nói rồi chị vút đi với dáng vẻ tất bật quen thuộc. Thời gian biểu của chị lúc nào cũng kín: dạy tiếng Trung, dạy tiếng Anh, họp giao ban trường, họp Ban chấp hành, dự dạ hội, tổ chức ngày thứ bảy xanh v.v. Mệt mỏi? Hẳn rồi! Nếu công việc trôi chảy - không vấn đề gì. Những lúc công việc ùn tắc hoặc không đạt kết quả mong đợi thì sao nhỉ? Thế nhưng hiếm khi mọi người thấy chị nhăn nhó hay cáu giận với ai. Nếu bạn là sinh viên Trường ĐHNN - ĐHQGHN thì trong một ngày bạn có thể gặp chị ở giảng đường Khoa NN&VH Trung Quốc, Văn phòng Đoàn, phòng họp, câu lạc bộ sinh viên, hội trường tổ chức văn nghệ v.v. Dù ở đâu chị cũng giữ tác phong nhanh nhẹn, vui vẻ.

Nếu muốn trao đổi kinh nghiệm học ngoại ngữ, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học hay trong công tác đoàn, bạn có thể liên hệ với chị theo địa chỉ:

Trần Thị Tuyết

Văn phòng Đoàn TN

Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN

Đường Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội

E-mail: tttuyet@yahoo.com

Thanh Tú (thực hiện)
Bản tin ĐHQGHN số 176, ra tháng 3/2005 [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Gương mặt trẻ nữ tiêu biểu Việt Nam năm 2005
» Có một cựu sinh viên như thế
» Ba ngôi sao tháng Giêng của Đại học Quốc gia Hà Nội
» Trò chuyện với sinh viên thủ khoa Khoa Kinh tế ĐHQGHN
» Thủ khoa Trần Thị Hồng Hạnh: “Học là một niềm yêu thích”
» Phạm Kim Hùng, trở về trong vòng tay bè bạn
» Thủ khoa Phùng Mạnh Quân: “Em sẽ phải học cật lực...”
» Cô nữ sinh tỉnh lẻ và giấc mơ trở thành giáo viên dạy văn
» Nguyễn Phương Tú: "Nụ cười lạc quan... món quà ý nghĩa em muốn tặng mọi người"
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn