Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 25 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 989693
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
GS. Lê Đình Kỵ - Người thầy tài hoa nghệ sĩ

Trước khi bước chân vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi đã được đọc hai cuốn sách của thầy Lê Đình Kỵ: Tập tiểu luận "Đường vào thơ" (1969) và chuyên luận "Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực" (1970).

Đọc sách của thầy, tôi bị cuốn hút, bị chinh phục như đọc tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, tôi thấy phê bình văn học cũng là nghệ thuật, nhà phê bình nghiên cứu cũng là nghệ sĩ ngôn từ. Văn tức là người. Trong cách nghĩ giản đơn và ngây thơ của tôi hồi đó, viết văn hay như thế chắc phải là người hào hoa phong nhã lắm. Tôi cố gắng phác thảo chân dung của thầy trong tưởng tượng: tóc bồng bềnh sóng lượn, vầng trán cao, đôi mắt sáng, dáng người đẹp, miệng cười tươi, ăn mặc sang trọng. Nhưng khi gặp thầy, tôi mới "ngã ngửa người ra": Hoá ra không phải thế! Thầy người thấp, đậm, ăn mặc giản dị đến xuềnh xoàng, gương mặt đôn hậu, nụ cười hiền lành, cái nhìn mông lung sâu thẳm... Tuy có độ vênh khá lớn giữa chân dung tưởng tượng và thực tế nhưng tôi không thất vọng mà ngược lại càng cảm thấy yêu kính và gần gũi thầy hơn. May mắn cho tôi, không những được nghe thầy giảng bài trên lớp mà còn được thầy hướng dẫn làm khoá luận, luận văn và được thầy quan tâm giúp đỡ rất nhiều trong bước đường công tác. Nhờ thế, tôi hiểu được phần nào về cuộc đời và sự nghiệp của thầy.

Đã từng có một bài báo viết về GS. Lê Đình Kỵ với cái tít rất giật gân: "Một vị giáo sư chưa có bằng đại học!" Quả thật như vậy! Trước Cách mạng tháng Tám, thầy mới có bằng tú tài Triết học. Khi Cách mạng thành công, thầy làm Chủ tịch xã Điện Quang. Trong kháng chiến chống Pháp, thầy tham gia quân đội rồi đi dạy ở trường phổ thông. Đã có lúc nào thầy được học đại học đâu! Nhưng với tài năng thiên phú, với niềm đam mê nghệ thuật và nỗ lực học tập không ngừng thầy đến với văn chương để rồi trở thành Giáo sư (1984), Nhà giáo nhân dân, nhà nghiên cứu Văn học có uy tín lớn của đất nước.

GS. Lê Đình Kỵ có mặt ở Đại học Tổng hợp Hà Nội ngay từ những ngày đầu trường mới được thành lập (1956). Thuở ấy, Khoa Ngữ văn được đón biết bao anh tài về đặt xây nền móng: Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Hoài Thanh, Hoàng Xuân Nhị, Hoàng Như Mai, Đinh Gia Khánh, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Chính, Nguyễn Tài Cẩn, Đỗ Đức Hiểu, Lê Đình Kỵ, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức... Thầy sinh hoạt chuyên môn ở Bộ môn Lý luận và Văn học Việt Nam hiện đại, trực tiếp dạy môn Lý luận văn học. Công việc đầu tiên của các thầy là biên soạn giáo trình cho sinh viên học tập. Hồi đó lý luận văn học chủ yếu dựa vào Liên Xô, muốn đọc được sách lý luận của họ thì phải có tiếng Nga. Thế là thầy Kỵ và nhiều thầy trong bộ môn đã tự học tiếng Nga một cách quyết liệt. Với phương tiện mới mẻ này, thầy có thêm nhiều tri thức lý luận và bắt tay vào việc biên soạn giáo trình. Năm 1962, cuốn giáo trình "Phương pháp nghệ thuật" do thầy biên soạn đã được xuất bản. Cuốn sách vừa ra mắt bạn đọc đã bị phê bình khá quyết liệt. Cú sốc đó khiến cho thầy cảm thấy đau đớn mãi. Năm 1998, tôi có dịp vào thành phố Hồ Chí Minh thăm thầy, hai thầy trò ngồi suốt buổi chiều để đàm đạo văn chương, có lúc thầy ngậm ngùi tâm sự: "Mình yêu văn, thấy vui khi viết được cái ưng ý nhưng có lúc nó cũng bạc bẽo cậu ạ. Cuốn "Phương pháp nghệ thuật" cũng từng bị người ta phê ra trò, họ cho mình là mơ hồ về lập trường giai cấp khi lý giải tính người trong văn học. May mà hồi đó mình là cán bộ miền Nam tập kết nên người ta cũng nương tay". Những khó khăn của cuộc sống đời thường, những quan niệm khắt khe của một thời không hề làm giảm nhiệt huyết của thầy trong nghề nghiệp. Thầy say mê nghiên cứu, tận tụy, nhiệt tình trong giảng dạy. Giờ giảng của thầy không sôi nổi, nhưng với kiến thức uyên thâm, với nụ cười hiền hậu có duyên, thầy đã cung cấp cho sinh viên cả một kho tri thức văn hoá sâu rộng và truyền cho sinh viên tình yêu lớn đối với văn chương. Thầy sống trầm lặng, ít nói, mới tiếp xúc người ta dễ nghĩ rằng thầy không được cởi mở nhưng khi đã quen lại cảm thấy rất gần gũi, chân tình. Thầy lúc nào cũng tất bật với công việc nghiên cứu, giảng dạy nên rất ít quan tâm đến đời sống vật chất hàng ngày của bản thân. Có rất nhiều giai thoại về thầy, chủ yếu xoay quanh chuyện ăn ở rất… "nghệ sĩ" của thầy. Thời gian được thầy hướng dẫn luận văn, tôi thỉnh thoảng lên thăm thầy để nghe thầy chỉ bảo. Lúc đó, thầy sống một mình ở gác 2 nhà C1, Ký túc xá Mễ Trì. Căn phòng khoảng 18m2 bề bộn sách vở, bản thảo, giường chiếu, chăn màn, quần áo, xoong nồi. Nền nhà lâu ngày bị hỏng nhiều chỗ nên trông như nền nhà đất, thật khó mà quét hết bụi. Tôi ngỏ ý muốn dọn dẹp căn phòng, thầy liền ngăn lại: "Cậu đừng bận tâm! Dọn dẹp rồi mình lại bày ra ấy mà! Cứ để thế cho dễ tìm tư liệu". Hôm đó thầy bảo tôi ăn cơm chiều cùng thầy, tôi rất vui liền chủ động xông vào "bếp". Nói cho sang thế thôi, cái bếp của thầy là một góc phòng ở, chỗ gần ban công. Tôi nhìn thấy gần chục cái bát ăn xong từ hôm nào mà chưa rửa, tôi mỉm cười một mình: "Hóa ra giai thoại chẳng sai!". Tôi rửa chồng bát, nấu cơm và luộc rau muống, còn món ăn mặn thì thầy đã nấu sẵn. Đó là nồi chả cá vung đậy không kín để ở góc nhà, khi ăn tôi cứ thấy xào xạo, hình như là có cát bụi trong đó. Cuộc sống của các giáo sư thời đó đạm bạc như thế mà có bao công trình khoa học ra đời. Càng nghĩ càng yêu kính và cảm phục các thầy hơn.

Thầy Lê Đình Kỵ là người viết hay hơn nói, nghe thầy giảng không sướng bằng đọc sách của thầy. Những bài phê bình tiểu luận viết về thơ ca, bài nào cũng gây được ấn tượng mạnh, đọc thấy cuốn hút lạ. Cuốn hút ngay từ tiêu đề: "Gió lộng, tiếng nói đồng tình đồng chí", "Những biển cồn hãy đem đến trong thơ’ (Đọc Hoa ngày thường, Chim báo bão của Chế Lan Viên), "Xuân Diệu: nỗi yêu muôn thuở", "Nỗi niềm Tú Xương", "Thì sự anh há bấy nhiêu" (Hồ Xuân Hương và vấn đề phụ nữ), "Thiếp từ ngộ biến đến giờ" (Câu chuyện Thúy Kiều), "Chút thoáng dân gian" (viết về "Trương Chi", "Mỵ Châu, Trọng Thủy", "Chử Đồng Tử" và "Thằng Bờm")... Cũng giống như nhà phê bình văn học Hoài Thanh, gần như trọn đời, GS. Lê Đình Kỵ chủ yếu viết phê bình, nghiên cứu thơ ca. Ông kiên trì, nhất quán, mải miết đi trên con đường ấy - "Đường vào thơ". Đây là con đường không bằng phẳng dễ đi như người ta thường nghĩ. Đường vào cõi thơ ấy qua nhiều cửa ải mà cửa ải đầu tiên chính là tâm hồn mình. Nếu không có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, nếu không có tình yêu mãnh liệt thì không thể đi vào được thế giới nghệ thuật thơ ca. Nhà phê bình thơ và nhà thơ đều có tâm hồn nghệ sĩ, chỉ có một điểm khác là nhà thơ chuyển được cảm xúc, suy nghĩ vào hình tượng nghệ thuật. Nhà phê bình đến với thơ bằng đồng cảm, đồng sáng tạo với nhà thơ, làm cho tác phẩm thơ sống dậy qua tâm hồn khác. GS. Lê Đình Kỵ như sinh ra để làm việc bình thơ. Ông có tâm hồn nghệ sĩ, tinh tế, nhạy cảm, luôn có những phát hiện mới mẻ, bất ngờ khi đến với thơ. Ông cảm nghe được những bài thơ hay đến gõ cửa tâm hồn mình, nghe được nhịp điệu của cảm xúc, cảm nghĩ của nhà thơ để rồi nói với chúng ta những điều kỳ diệu ấy. Những bài phê bình của ông về thơ Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Tế Hanh, Nông Quốc Chấn, Thái Giang... bài nào cũng có những khám phá độc đáo.

Trong quá trình phê bình thơ đương đại, có lúc cần tổng kết những tác giả, trào lưu đã định hình, cần khám phá những giá trị thơ ca truyền thống của dân tộc. Công việc đó đã thôi thúc GS. Lê Đình Kỵ tập trung thời gian, tâm huyết viết những chuyên luận có tầm vóc bề thế như "Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực" (1970), "Thơ Tố Hữu" (1979), "Thơ mới, những bước thăng trầm" (1988). Đây là ba đỉnh cao trong sự nghiệp nghiên cứu của ông, trong đó tài hoa, tâm huyết được kết tinh nhiều nhất ở chuyên luận "Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực". Chuyên luận được thầy viết trong gần suốt những năm sáu mươi của thế kỷ XX và công bố dần từng phần trên báo chí: "Truyện Kiều: đạo và đời" (1964), "Truyện Kiều và dấu ấn thi pháp trung đại" (1964), "Nhân vật truyện Kiều" (1965), "Thiếp từ ngộ biến đến giờ" (1966) hoàn chỉnh, in thành sách năm 1970. Khi tôi hỏi thầy về quá trình viết chuyên luận này, thầy tâm sự: "Truyện Kiều là kiệt tác của Nguyên Du, hiểu Truyện Kiều là hiểu con người và văn hóa dân tộc nhưng hiểu đúng Truyện Kiều không dễ. Hồi viết giáo trình "Phương pháp nghệ thuật", mình đọc được một vài cuốn sách lý luận về chủ nghĩa hiện thực, nó gợi ý cho mình những hướng tìm hiểu vì vậy mình mới đặt tên cho cuốn sách là "Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du". Cuốn sách có vẻ mang tính lý luận nhưng thực chất là tìm hiểu những giá trị của Truyện Kiều, có khi sau này tái bản mình sẽ lấy một cái tên khác". Đọc chuyên luận này, tôi không nghĩ nhiều về vấn đề phương pháp sáng tác mà chỉ chăm chú vào những lời bình tài hoa, dõi theo nỗi niềm tình cảm của nhà nghiên cứu trong quá trình đồng cảm, đồng sáng tạo với thi hào dân tộc Nguyễn Du. Từ chuyên luận này, người đọc không những hiểu được đặc điểm thi pháp thơ ca trung đại mà quan trọng hơn là thấu hiểu tài năng, tâm huyết, tình yêu của Nguyễn Du đã dành cho con người, dành cho cuộc đời thật rộng lớn. Tình người tình đời sâu nặng của Nguyễn Du thêm một lần sâu nặng khi gặp gỡ trái tim đa cảm, đa tình của nhà nghiên cứu. Nếu không sẵn có cảm xúc yêu thương dào dạt trong lòng thì làm sao có những lời bình luận như thế ở một chuyên luận khoa học: "Kim Trọng là người tình nhân số một, không chê trách vào đâu được. Kim Trọng mới nghe tiếng tăm Kiều, từ Liêu Dương cách trở đã trộm nhớ thầm mong, nhác trông bóng Kiều từ xa đã thấy mặn mà, thoáng gần lại đã chập chờn cơn tỉnh cơn mê, gặp mặt rồi thì tìm mọi cách để được gần, khi biết Kiều lưu lạc thì đi đến cùng trời cuối đất tìm cho kỳ được mới thôi. Nếu Từ Hải đã tát cạn bể oan cho Kiều, thì tình yêu của Kim Trọng sẽ trả lại cho Kiều cái mà Kiều đã mất: lòng tin ở cuộc sống và ở chính mình. Bản án của đời Kiều mà Đạm Tiên và Tam Hợp đã từng đọc lên bằng những lời ma mị, Từ Hải đã đập tan nó bằng những đạo quân, và Kim Trọng bằng tấm lòng của mình." Những trang viết của ông về các nhân vật "Truyện Kiều" đều tràn đầy cảm xúc, chứa đựng những phát hiện sâu sắc. Cho đến nay đã có không ít chuyên luận về "Truyện Kiều" nhưng chưa công trình vượt được "Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực" của GS. Lê Đình Kỵ. Điều đó đã nói lên tài hoa, trí tuệ của ông đáng quý biết bao!

GS. Lê Đình Kỵ đến với văn chương bằng tình yêu lớn và niềm tin lớn. Ông tin vào sứ mệnh cao cả của văn chương, ông tin vào sức mạnh lớn lao của nghệ thuật. Hành trình giảng dạy và nghiên cứu của ông trong nửa thế kỷ qua đã nói lên điều đó và trong nhiều công trình lý luận văn học, ông cũng nói lên điều đó. Ngoài những cuốn giáo trình lý luận văn học, giáo sư còn viết những tiểu luận và chuyên luận riêng về lý luận văn học. Những bài viết như "Cảm nhận văn học", "Chân lý nghệ thuật", "Lãng mạn, hiện thực", "Vấn đề chất lượng" và cuốn sách "Tìm hiểu văn học" (1984). Những công trình này được viết giản dị dễ hiểu và đầy tính nghệ thuật. Ông đặc biệt nhấn mạnh những vấn đề đặc trưng của văn học, tôn trọng cá tính sáng tạo của nhà văn và chất lượng nghệ thuật. Trung thực và đầy bản lĩnh khi bênh vực chân lý nghệ thuật, nhờ thế ông đã có những nhận định khách quan công bằng về các hiện tượng văn học trong quá khứ cũng như đương đại. Những công trình "Thơ mới", những bước thăng trầm", "Vấn đề chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam hiện đại" đã thể hiện quan điểm khách quan và khoa học của ông.

GS. Lê Đình Kỵ là một nhà lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học có uy tín, một nhà giáo tâm huyết say mê nghề nghiệp, giàu tình cảm yêu thương các thế hệ sinh viên. Cả một đời tận tụy với nghiệp văn chương, với nghề thầy giáo, ông thật xứng đáng với lòng yêu quý, kính trọng của học trò và đồng nghiệp, xứng đáng với học hàm giáo sư và danh hiệu Nhà giáo nhân dân do Nhà nước phong tặng. Còn tôi và nhiều bạn bè của tôi luôn cảm thấy hạnh phúc và tự hào đã được làm học trò nhỏ của thầy Lê Đình Kỵ./.

Trần Khánh Thành [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» GS. NGND Vũ Đình Liên: Thầy giáo tiếng Pháp với bài thơ "ông Đồ"
» GS.NGND Phan Huy Lê, một chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam
» GS. Lê Đức Tố - nhà Hải dương học hàng đầu Việt Nam
» Trần Văn Giàu - Nhà cách mạng tiêu biểu, học giả lớn, một nhân cách lớn
» GS. Nguyễn Khánh Toàn - nhà kiến trúc sư trong giai đoạn đầu của nền giáo dục cách mạng
» GS.NGND Đào Văn Tiến - nhà giáo vệ quốc đoàn
» Võ Nguyên Giáp, cựu sinh viên Trường Luật - Đại học Đông Dương
» Hoàng Kim Giao - Chiến sĩ phá bom nổ chậm - Cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội(*)
» GS.TSKH Nguyễn Duy Tiến - Người dạy xác suất, thống kê của nhiều thế hệ sinh viên ĐHQGHN
» GS. Dương Hữu Thời - Người thầy, nhà khoa học, người kỹ sư mang bí danh "Phương Thanh"
» Đại sứ Fredesmán Turró González
» GS. Lưu Hữu Phước, cây đại thụ của nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam
» PGS. Nguyễn Hoàng Phương, nhà khoa học uyên thâm, một trái tim nhân hậu
» Đàm Trung Đồn - Nhà khoa học tài ba mà khiêm nhường
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn