Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 29 Tháng 3 Năm 2024    Số người truy cập: 960578
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
GS. NGND Vũ Đình Liên: Thầy giáo tiếng Pháp với bài thơ "ông Đồ"

Mùa xuân 1962, tôi công tác ở Tổ Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tôi xin phép được dự thính lớp chuyên tu Pháp văn, đào tạo chuyên gia tiếng Pháp đi dạy học ở châu Phi

Lần đầu tiên tôi được học với một người thầy, dáng tầm thước, ăn mặc giản dị, giảng tiếng Pháp lưu loát, sang sảng. Đó là GS. Vũ Đình Liên.

Chính thầy là tác giả bài thơ "Ông đồ" đăng trên báo Tinh hoa năm 1936. Bài thơ "Ông đồ" có tiếng vang lớn, mở đầu phong trào Thơ mới ở nước ta. Trong làng Thơ mới, lớp học trò chúng tôi nhớ nhất, thuộc nhất bài thơ "Ông đồ" của thầy Vũ Đình Liên, bài "Lời kỹ nữ "của Xuân Diệu, "Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư, "Nhớ rừng" của Thế Lữ, "Tiếng địch sông Ô" của Phạm Huy Thông và "Tràng giang" của Huy Cận. Bài thơ "Ông đồ" của thầy đã dẫn dắt chúng tôi bước vào mùa xuân, đi chợ Tết và tấm tắc khen tài của thầy đồ nho viết câu đối Tết:

"Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu, giấy đỏ

Bên phố đông người qua.

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay...".

Nhưng rồi đọc đến khổ thơ kết thứ 5, lòng tôi xúc động sững sờ, bần thần như gặp nguồn thi cảm hoài cổ, nhớ thương của thầy chan chứa trong thơ.

Thầy nhớ cảnh cũ, người xưa, thương cho thân phận ông giáo dạy chữ Hán đã hết thời, tiều tụy, đáng thương chuyển sang nghề viết thuê mà không đắt!

"Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?"

Thật là tiếng lòng thảng thốt, xót xa như chính thầy đã tự thốt ra: "Ông đồ, ông chính là cái di tích tiều tụy, đáng thương của một thời tàn" (Lời thư của Vũ Đình Liên ngày 9.1.1941).

Tác giả bài thơ "Ông đồ" nổi tiếng đó chính là người đã xây đắp nền móng cho phong trào Thơ mới của Việt Nam từ những năm 36 của thế kỷ XX, đồng thời là một "lương sư" mẫu mực từ trường phổ thông đến trường đại học, là giáo sư đào tạo chuyên gia tiếng Pháp cho ngành giáo dục Việt Nam.

Nhà thơ, NGND. Vũ Đình Liên sinh ngày 12.11.1913 (tức ngày 15.10 năm Quý Sửu) ở Hà Nội. Quê gốc của thầy ở Châu Khê, Bình Giang, Hải Hưng với dòng họ Vũ giàu truyền thống văn hiến. Thuở ấu thơ, thầy là một học trò giỏi có tiếng ở đất Hà thành. Đỗ tú tài trường Bưởi năm 1932, thầy dạy học ở các trường tư thục Thăng Long, Gia Long, Trường nữ sinh Hoài Đức vừa để kiếm sống vừa có điều kiện học Đại học Luật. Thời gian này, Vũ Đình Liên cũng bắt đầu xuất hiện như một nhà thơ, nhà báo trên báo Phong hoá của Đoàn Phú Tứ, và một số báo khác như Phụ nữ thời đàm, Tinh hoa... Ông chủ trương mở Tạp chí Giáo dục bằng tiếng Pháp: Revue Pédagogique.

Cách mạng tháng Tám 1945 đã đổi đời tác giả bài thơ "Ông đồ". Thầy hăng hái rong ruổi trên đường kháng chiến. Năm 1946 - 1948, thầy làm Uỷ viên Uỷ ban hành chính - kháng chiến huyện Ân Thi (Hải Hưng), năm 1948 - 1950 là Hội trưởng Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác Liên khu III. Từ năm 1950 đến năm 1953, thầy trở lại với nghề sư phạm, làm giảng viên Trường Trung cấp Sư phạm. Năm 1953 đến 1956, thầy được cử giữ chức Trưởng Phòng Huấn học Nha giáo dục phổ thông. Năm 1956 đến 1957, thầy giữ nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ Văn học - Ban Tu thư thuộc Bộ Giáo dục. Năm 1957, thầy được bầu làm Tổ trưởng Tổ Giáo học pháp Khoa Văn học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và năm 1962 thầy làm Chủ nhiệm Khoa Pháp để đào tạo giáo viên làm chuyên gia tiếng Pháp cho các nước châu Phi, châu Mỹ - Latinh, châu Đại Dương. Từ năm 1969, thầy được điều động làm cán bộ nghiên cứu khoa học, đảm nhiệm việc nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng giáo viên cho đến lúc nghỉ hưu.

Có thể nói GS. Vũ Đình Liên là một con người nhân ái, bao dung, bao quát trên 2 cương vị: Nhà thơ để lại nhiều tập thơ và đặc biệt là bài thơ "Ông đồ" bất hủ, sống mãi với thời gian; nhà giáo từ phổ thông đến đại học, một lương sư mẫu mực, nhuần nhuyễn văn hoá - ngôn ngữ Pháp. Hai cương vị đó hài hoà, gắn bó vào con người và cuộc đời của thầy. Con người đó, cuộc đời đó càng rạng rỡ, chói sáng sau Cách mạng tháng Tám quang vinh.

... Tôi nhớ mùa xuân 1962, nghe thầy giảng tiếng Pháp ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi phấn chấn tự hào rằng: "Ông đồ" ngày nay, trải qua cuộc thử thách 9 năm kháng chiến chống Pháp và mấy năm hoà bình xây dựng đất nước đã tỏ ra sáng láng, tài ba, sáng tạo, đang mở rộng tầm nhìn của mình vượt khỏi bờ tre, chợ búa, đường phố đến tận đất trời xa xôi, sang tận châu Âu, châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Đại Dương.

Chính tác giả bài thơ "Ông đồ" đang dồn tâm huyết, dốc trí tuệ để đào tạo đội ngũ chuyên gia giáo dục Việt Nam đi phát triển văn hoá, văn minh nhân loại thông qua Pháp ngữ. Khi làm chuyên gia giáo dục đại học tại châu Phi, tôi tình cờ tự hào đọc trong tập san "Jeune Afrique" (châu Phi trẻ tuổi) bài viết giới thiệu bài thơ "Ông đồ" và tác giả tài năng mẫn cảm - thi sĩ Vũ Đình Liên!

Bài thơ "Ông đồ" và tác giả đã được các báo chí nước ngoài giới thiệu qua gần 10 thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Ả Rập... Thật là một bài thơ bất hủ của nhà thơ, nhà giáo Vũ Đình Liên.

Khi chiến tranh leo thang của không quân Mỹ mở rộng ra miền Bắc nước ta, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sơ tán về các vùng nông thôn, xa Thủ đô. Thầy vẫn hằng ngày đi giảng dạy tiếng Pháp không phải ở nơi giảng đường khang trang mà trong các ngôi đình làng hay các lán trại ẩn dưới các lùm cây xum xuê. Giọng thầy vẫn sang sảng giảng tiếng Pháp, đọc thơ Lamartine, Baudelaire, Victor Hugo như một nguồn đam mê bất tận...

Mãi đến năm 1975, lúc đó thầy đã 63 tuổi, về hưu và ở tạm căn nhà 3 gian thuộc thôn Tiền, cách Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khoảng 300m. Thầy vẫn cặm cụi làm thơ, dịch thơ tiếng Pháp, đọc sách báo mặc dầu đôi mắt thầy đã mờ, thị lực giảm sút. Chúng tôi thường đến thăm thầy ở đó và thầy vui vẻ, thân mật, vồn vã trò chuyện khoe với chúng tôi những vần thơ thầy mới sáng tác ngay trên bàn án thư kê ở góc sân dưới bóng chiều xuân ấm áp. Thầy cho chúng tôi xem tập thơ văn khá dày dặn được chuẩn bị công phu "Người kỹ nữ cầu Trò" vẫn chưa được dịp ra mắt độc giả. Thầy xúc động trình bày quá trình hình thành tập thơ "Đôi mắt" đã được xuất bản năm 1975 cùng với 2 công trình nghiên cứu văn học của thầy: "Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam" (đồng tác giả với nhóm Lê Quý Đôn) và "Nguyễn Đình Chiểu - nhà chí sĩ yêu nước".

Thầy thổ lộ: "Hạnh phúc lớn nhất cuộc đời nhà thơ, nhà giáo của tôi là được chia sẻ niềm vui và nỗi buồn với tất cả mọi người". Đúng vậy, trong bài thơ "Gửi Bùi Xuân Phái" (Nhà họa sĩ từ cảm hứng mà bài thơ "Ông đồ" đã mang lại vẽ bức tranh độc đáo về ông đồ), thầy có hai câu thơ kết thể hiện lý tưởng làm thơ, làm nghệ thuật của mình:

"Thiêu thân nghệ thuật là duyên nghiệp

Đốt trái tim trầm gửi gió hương!"

Nhắc nhở mình, đồng thời cũng để dặn dò các giáo viên chúng tôi, Ông tâm sự: "Giáo dục có một vấn đề chung, một quan niệm chung là phải yêu đời và luôn luôn lạc quan. Đó là lý tưởng của tôi. Nhưng hiện nay, dường như ta bắt gặp nhiều hiện tượng buồn hơn là vui... Dù vậy, tôi vẫn tin rằng nền giáo dục nước ta sẽ có thay đổi đáng kể trong thời gian tới. Để được như vậy, theo tôi điều đầu tiên là phải gây lại tình thương thời thực dụng. Tiên học lễ thì hậu mới có thể học văn".

Cuộc sống của nhà giáo, nhà thơ Vũ Đình Liên thật giản dị, khiêm nhường, lạc quan, ưu ái với mọi người, gần gũi yêu thương học trò. Hình như cuộc đời thầy, thầy không thắc mắc, so đo, tính toán cho mình mà chỉ có tình thương bao dung với bao số phận, từ Ông đồ hiu quạnh của một thời tàn đến những trẻ em lang thang mồ côi, không mái ấm gia đình, không nơi nương tựa, không được đến trường học. Ghi nhận tài đức, công lao đóng góp của thầy vào sự nghiệp giáo dục đào tạo, Nhà nước ta phong tặng thầy danh hiệu cao quý - Nhà giáo nhân dân đúng vào Ngày nhà giáo Việt Nam (20.11) năm 1991.

Nhân dịp lễ phong tặng đó, một cử chỉ đẹp đẽ, một biểu hiện trong sáng về lòng vị tha, bác ái của thầy đã làm cho bao nhiêu thầy giáo, bao nhiêu thế hệ học trò thán phục.

Thầy đưa đôi bàn tay gày guộc tiếp nhận bằng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, ấp vào tim mình, vui mừng cảm động đến ứa nước mắt. Mười triệu đồng tiền thưởng kèm theo thì thầy tặng lại cho quỹ giúp đỡ học trò nghèo. Mặc dầu gia tài của thầy những năm tháng cuối đời có lẽ không hơn gì ông đồ xưa, cần giữ lại phần thưởng trọn đời làm thầy giáo đó để tĩnh dưỡng tuổi già sức yếu?

Nhưng không, thầy tự nguyện gửi tặng cho trẻ em nghèo tất cả. Mà đâu chỉ có thế! Lòng ưu ái thấm sâu vào trái tim thầy, thể hiện trong sự thầm lặng ngậm ngùi đối với trẻ em thất học, lang thang trên hè phố. Hằng năm cứ đến sáng mồng một Tết Nguyên đán, thầy xuất hành kèm theo cái túi vải đựng dăm chiếc bánh chưng, một vài gói mứt kẹo, bánh ngọt, thầy đi ra các ngả phố vắng và công viên để mừng tuổi, chúc mừng xuân mới cho những cuộc đời và số phận của trẻ mồ côi, không gia đình, không nơi nương tựa. Bỗng nhiên, tôi chợt nhớ lại buổi chiều xuân đến thăm thầy nơi sơ tán, nghe thầy say sưa giảng tiếng Pháp trong ngôi đình cổ của làng quê thân thiết, tôi làm bài thơ tứ tuyệt, mở đầu bằng hai câu đối để tôn vinh thầy và ghi vào sổ tay thơ của mình để một mình mình đọc, một mình mình suy ngẫm và noi gương thầy, lo tu dưỡng, học tập, nghiên cứu khoa học.

"Đình trung sang sảng giảng tiếng Pháp,

Liên tưởng ngẩn ngơ mơ ông đồ.

Đức cao ưu ái hay ban phát,

Độ lượng thương người, quý tự do!"

Tấm lòng ưu ái, độ lượng, thương người, quý tự do của thầy, chúng tôi vô cùng cảm phục, tôn vinh thầy như một vị tiên Phật vậy.

Trong khoảng hơn 1000 bài thơ viết tay của thầy để lại cho con cháu, có rất nhiều bài thơ biểu lộ tình thương đồng loại một cách huyền thoại đối với những kẻ "Thân tàn ma dại" đối với "Người đàn bà điên", "Người kỹ nữ cầu Trò", đối với những "Đứa trẻ ăn mày".

Đạo lý quên mình vì người khác và gương sáng hiếu học của thầy đã được truyền lại cho các con, các cháu noi theo. Hai người con trai của thầy đã nối nghiệp người cha kính yêu. Anh Vũ Đình Quỳ là giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, anh Vũ Đình Dương là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Năm cháu nội của thầy đã theo gương ông mà học tập thành đạt trở thành cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, trong đó có cháu Vũ Thị Hiền là giảng viên Ngôn ngữ ở một trường đại học ở Tiệp Khắc, cháu Vũ Hương Giang tốt nghiệp thạc sĩ ở Australia, cháu Vũ Thị Hằng, tiến sĩ khoa học, giảng viên Đại học Quốc gia Australia.

Tình thương con cháu, sự giáo dục truyền thống gia đình của thầy đọng lại trong nhiều bài thơ ấm áp tình người. Tình thương yêu học trò từ bậc phổ thông đến bậc đại học đã được Vũ Đình Liên ghi lại qua những bài thơ của học trò viết về ông và những bài thơ ông viết về học trò trong tập bản thảo "Nghệ thuật tình thương, tình bạn". Ông đã để lại cho con cháu tập thơ viết tay và dặn dò con cháu lưu giữ tình cảm và suy ngẫm về tình bạn trong sáng nhân hậu của thầy đối với nhà văn Hoài Thanh, các nhà thơ Thế Lữ, Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu; các họa sĩ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Đỗ Cung, nhà giáo và nhà cách mạng lão thành Tôn Quang Phiệt...

Đặc biệt, một tập thơ Đường viết tay rất chân phương, thầy ca ngợi và tri ân các anh hùng và danh nhân văn hoá như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Võ Trường Toản, Trương Định, Phan Công Tòng, Bùi Hữu Nghĩa, Đồ Chiểu, Phan Văn Trị, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Tú Xương, Tô Hiệu, Hoàng Văn Thụ, Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Thị Hồng Gấm, 10 cô gái Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Nguyễn Văn Trỗi...

Đọc thơ thầy ta thấy "Ông đồ nét chữ luôn ngay thẳng". Chan chứa tâm hồn vị tha, đạo lý quên mình vì người khác. Nhân dân và bà con nhiều địa phương đã nói về thầy: "Anh là thi sĩ của những người thân tàn ma dại, của những người bất hạnh".

Triết lý và nhân cách đạo đức của thầy thể hiện chan chứa trong thơ đã được thầy âm thầm thực hiện qua bao việc làm đầy lòng nhân ái, nêu gương sáng cho người đương thời cũng như cho các lớp hậu sinh.

Ngày 18.1.1996, giữa lúc đất nước và lòng người đang chờ đón Tết Bính Tý thì GS.NGND Vũ Đình Liên đã đi vào cõi vĩnh hằng. Tập thơ "Les fleurs du Mal" (Những bông hoa ác) của Baudelaire, một công trình nghiên cứu và dịch sau gần 40 năm của thầy được xuất bản năm 1995, đã được tặng giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1996, nhưng thầy đã đi vào cõi hư vô không kịp nhận thưởng...

Thầy tôn kính ơi! Con nhớ lại và ghi lại những cảm nghĩ của chúng con để tưởng nhớ hình ảnh, bóng dáng thầy lúc sinh thời, để tôn vinh tấm gương tài đức của một tâm hồn thơ thiết tha sâu lắng, một phong cách mẫu mực của một giáo sư tiếng Pháp có trí tuệ uyên bác và trái tim bác ái, vị tha, bao dung, độ lượng./.

Nguyễn Như An [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» GS.NGND Phan Huy Lê, một chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam
» GS. Lê Đức Tố - nhà Hải dương học hàng đầu Việt Nam
» Trần Văn Giàu - Nhà cách mạng tiêu biểu, học giả lớn, một nhân cách lớn
» GS. Nguyễn Khánh Toàn - nhà kiến trúc sư trong giai đoạn đầu của nền giáo dục cách mạng
» GS.NGND Đào Văn Tiến - nhà giáo vệ quốc đoàn
» Võ Nguyên Giáp, cựu sinh viên Trường Luật - Đại học Đông Dương
» Hoàng Kim Giao - Chiến sĩ phá bom nổ chậm - Cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội(*)
» GS.TSKH Nguyễn Duy Tiến - Người dạy xác suất, thống kê của nhiều thế hệ sinh viên ĐHQGHN
» GS. Dương Hữu Thời - Người thầy, nhà khoa học, người kỹ sư mang bí danh "Phương Thanh"
» Đại sứ Fredesmán Turró González
» GS. Lưu Hữu Phước, cây đại thụ của nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam
» PGS. Nguyễn Hoàng Phương, nhà khoa học uyên thâm, một trái tim nhân hậu
» Đàm Trung Đồn - Nhà khoa học tài ba mà khiêm nhường
» GS. Trần Phương - nhà kinh tế học và sự nghiệp trồng người
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn