Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 29 Tháng 3 Năm 2024    Số người truy cập: 960639
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Đàm Trung Đồn - Nhà khoa học tài ba mà khiêm nhường

Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay, hay Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước kia, có lẽ không có nhiều nhà khoa học - nhà giáo có ảnh hưởng sâu rộng cả trong chuyên ngành của mình cũng như trong xã hội nói chung như GS. Đàm Trung Đồn, một nhà vật lý nổi tiếng cả ở trong nước và nước ngoài.

Là học sinh Hà Nội, năm 1952 đạt thủ khoa kỳ thi học sinh giỏi Vật lý của các trường trong vùng tạm chiếm, năm 1953 - 1954, Đàm Trung Đồn đã tìm đến Đoàn Thanh niên Cứu quốc nội thành và được Đoàn giới thiệu đi học về chính sách tiếp quản để trở về hoạt động, chuẩn bị đón ngày tiếp quản Hà Nội. Sau ngày tiếp quản, anh tiếp tục học ở Trường Đại học Sư phạm Khoa học. Tốt nghiệp năm 1956, anh trở thành cán bộ giảng dạy ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đàm Trung Đồn là một trong những nhà giáo đầu tiên của ngôi trường mới được thành lập này.

Rời ghế nhà trường (năm 1956) với vốn kiến thức ít ỏi, lại không thuộc diện được cử đi đào tạo ở nước ngoài, thầy Đàm Trung Đồn đã đến với ngành Vật lý chất rắn và bán dẫn trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn: thiếu kiến thức, không có thiết bị và vật liệu, không có thầy hoặc bạn biết về lĩnh vực này. Nhưng là cán bộ trẻ có thâm niên cao nhất trong Tổ Vật lý của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trung tâm khoa học cơ bản cao nhất thời bấy giờ, thầy Đàm Trung Đồn được giao nhiệm vụ giải quyết hầu hết các vướng mắc về khoa học mà các cơ sở yêu cầu giải đáp. Báo cáo khoa học đầu tay của thầy về Tính dẫn điện iôn của nhựa tẩm phủ biến thế, nguyên nhân và cách khắc phục hiện tượng gỉ xanh trong biến thế loa của hệ thống truyền thanh; hoạt động của mạch bán dẫn trong điều kiện nhiệt đới được GS. Tạ Quang Bửu đặc biệt quan tâm và yêu cầu giữ bí mật vì có thể liên quan đến quốc phòng. Chính hai công trình đầu tiên này đã có ảnh hưởng quyết định đến phong cách nghiên cứu khoa học của thầy sau này.

Sáu năm làm việc đơn độc, thầy Đàm Trung Đồn vừa gánh phần giảng dạy thay cho các đồng nghiệp đi học tập nghiên cứu ở nước ngoài, vừa tự học các chuyên đề lý thuyết và thực nghiệm. Với vốn kiến thức tự học qua sách vở, thầy đã tự thiết kế và lắp ráp các thiết bị đo lường điện tử (mà thời bấy giờ còn rất mới lạ ở các phòng thí nghiệm) để làm lại một số thí nghiệm bán dẫn cơ bản mà các nhà bác học đã làm trên bước đường phát minh ra transito. Năm 1961, chiếc transito mẫu do thầy tự làm đã khuếch đại được tín hiệu điện. Kết quả ấy không phải là công trình có thể công bố, nhưng lại là thành công giúp thầy tự tin hơn khi thực hiện chủ trương thí điểm đào tạo hệ 4 năm có hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp và thành lập bộ môn Vật lý bán dẫn, tiền thân của Bộ môn Vật lý chất rắn ngày nay. Điều đó khẳng định rằng một nhà khoa học có thể đến với một lĩnh vực khoa học thực nghiệm mũi nhọn bằng con đường tự học. Theo cách ấy, thầy Đàm Trung Đồn đã có được vốn trang bị cần thiết để thực hiện có kết quả các nhiệm vụ được giao sau này.

Trong những năm chiến tranh ác liệt, thầy Đàm Trung Đồn đã dành phần lớn thời gian làm việc phục vụ cho quân đội. Những công trình tìm hiểu về khí tài của địch và về vi điện tử mà thầy tham gia thực hiện từ năm 1965 đến năm 1975 đã góp phần vào những chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước bước vào giai đoạn kiến thiết, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng bước vào giai đoạn phát triển mới, nâng thời gian học đại học lên 5 năm và chuẩn bị điều kiện cho việc đào tạo nghiên cứu sinh trong nước. GS. Đàm Trung Đồn cố gắng tìm hiểu các lĩnh vực của khoa học hiện đại có thể tiến hành nghiên cứu cơ bản để hướng dẫn nghiên cứu sinh và có khả năng áp dụng vào thực tế sản xuất trong nước. Thầy lập một nhóm, dùng phương pháp cộng hưởng từ điện tử để nghiên cứu Sinh học.

Với ý thức ứng dụng khoa học vào thực tiễn, các công trình nghiên cứu khoa học của GS. Đàm Trung Đồn không những có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói chung mà còn có nhiều đóng góp đối với y tế, nông nghiệp, quân đội, cơ khí điện tử... khiến cho những nghiên cứu cơ bản của vật lý trở nên gần gũi, có ý nghĩa thực tiễn với sản xuất hơn.

GS. Đàm Trung Đồn đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, như "Tính chất điện và quang của bán dẫn", đề tài "Nghiên cứu tâm sâu trong bán dẫn"... Nhiều công trình cấp Nhà nước khác do thầy chủ trì mang mục tiêu ứng dụng rõ ràng và được sử dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống. Công trình "Những thiết bị điện tử dùng cho khoa học công nghệ và y tế" được thầy thực hiện trong 10 năm. Sản phẩm tiêu biểu của công trình này là thiết bị đo nhanh độ ẩm (thủy phân) của nông sản (thóc gạo, thuốc lá, gỗ, chè...). Đặc biệt, thiết bị đo nhanh độ ẩm của chè đã được Công ty chè Việt Nam sử dụng làm thiết bị đo lường dùng trong giao dịch mua bán. Hay một sản phẩm khác là thiết bị đo nhanh và hệ số dẫn nhiệt của đất đá. Hệ số dẫn nhiệt của vật liệu là tham số mà các nhà thiết kế xây dựng, các nhà nghiên cứu địa chất và đặc biệt là các nhà nghiên cứu thăm dò dầu khí rất quan tâm. Với phương pháp đo cổ truyền không thể có đủ kinh phí và thời gian để đo hệ số dẫn nhiệt của hàng ngàn mẫu đá lấy từ các mũi khoan thăm dò trên khắp thềm lục địa Vũng Tàu, Côn Đảo, một nhiệm vụ mà các nhà nghiên cứu địa nhiệt của Tổng Cục Dầu khí phải thực hiện. Sản phẩm của thầy đã cho phép khắc phục được khó khăn đó vì mẫu đo không cần gia công thành hình dạng đặc biệt và thời gian đo với 1 mẫu từ 4 giờ giảm xuống còn dưới 3 phút. Máy đã được các chuyên gia quốc tế về địa nhiệt kiểm tra và cho phép ngành Dầu khí Việt Nam sử dụng để lấy số liệu tham gia vào chương trình lập bản đồ địa nhiệt khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Không chỉ là một nhà khoa học tài ba, ông còn là một nhà giáo đầy tâm huyết và năng lực. Gắn bó với Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), ông đã đào tạo được rất nhiều nhà khoa học hiện giờ đang là lực lượng khoa học chủ chốt của Khoa Vật lý. Tôi đã từng nghe các thầy giáo trong Ban chủ nhiệm Khoa Vật lý "bật mí": "Gõ cửa Bộ môn Vật lý chất rắn, bất kỳ ai ra mở cửa cũng đều là học trò được thầy Đồn dìu dắt trực tiếp". Thực vậy, nhiều năm ở cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Vật lý chất rắn, ông đã dìu dắt rất nhiều học trò xuất sắc của mình để giờ đây, những người học trò ấy đã trở thành những trụ cột của bộ môn, những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ vật lý tài năng và cũng noi gương thầy, trở thành những nhà vật lý, nhà giáo nổi tiếng, hết lòng say mê nghiên cứu khoa học và dìu dắt thế hệ tương lai.

Trong những ngày đầu mới thành lập Khoa Vật lý và Bộ môn Vật lý chất rắn, ông là người đã đảm nhiệm việc lên lớp đọc bài giảng hầu hết các môn học thuộc lĩnh vực Vật lý đại cương, Vật lý lý thuyết, Vật lý chất rắn và Vật lý kỹ thuật. Một số bài soạn của thầy sau này được chỉnh lý lại thành tài liệu giảng dạy chính thức của Khoa Vật lý như giáo trình Vật lý phân tử và nhiệt học, thực tập chuyên đề về Vật lý chất rắn. Một số bài soạn khác đã được các đồng nghiệp kế nhiệm phát triển thêm và giảng dạy cho sinh viên như giáo trình Kỹ thuật thực nghiệm Vật lý. Trước yêu cầu hội nhập, giáo sư đã cùng các đồng nghiệp biên dịch và chủ biên cuốn "Cơ sở Vật lý" của D.Halliday, R.Resnick và J.Walker, là bộ sách giáo khoa nổi tiếng được dùng ở các trường đại học ở nước Mỹ, mà hiện nay đang được dùng ở Khoa Vật lý như tài liệu tham khảo chính cho sinh viên.

Là nhà giáo có tâm huyết với thế hệ trẻ, GS. Đàm Trung Đồn được Bộ Giáo dục và Đào tạo tín nhiệm nhiều lần giao nhiệm vụ lãnh đạo đoàn học sinh Việt Nam đi tham dự Olympic Vật lý quốc tế. Với cương vị lãnh đạo đoàn học sinh giỏi, ông đã góp phần tích cực trong việc nâng số lượng và chất lượng giải của đoàn học sinh Việt Nam. Năm đầu, khi thầy mới nhận nhiệm vụ lãnh đạo đoàn, học sinh Việt Nam đi thi đã không được giải nào. Ông đã nhận ra ngay 2 điểm yếu của học sinh ta là chương trình học không cập nhật và ít hiểu biết về thực nghiệm. Ông khẳng định rằng, học sinh yếu về thực nghiệm không hẳn vì các trường phổ thông thiếu trang bị, mà chính vì các em không được rèn luyện để nâng cao nhận thức về Vật lý. Ông đặt kế hoạch bồi dưỡng cho các em thêm về Vật lý hiện đại, và về thực nghiệm Vật lý bằng các dụng cụ thông thường và dụng cụ tự tạo. Để có tài liệu bồi dưỡng cho học sinh giỏi, ông đã cùng với GS. Dương Trọng Bái biên soạn hai tập sách "Bài thi Vật lý quốc tế", trong đó hướng dẫn một cách cụ thể cả việc thực hành như lắp đặt máy lẫn cách giải các bài lý thuyết trong các kỳ thi Olympic và "Tuyển tập các bài toán vật lý nâng cao trung học phổ thông" (viết chung) dành cho các học sinh khá đang phấn đấu thành học sinh giỏi. Với sự quan tâm hết lòng, GS. Đàm Trung Đồn cung cấp cho các em học sinh phổ thông không chỉ kiến thức, phương pháp làm việc khoa học mà còn cả lòng say mê đối với khoa học Vật lý. Kết quả là hầu như tất cả học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế và Olympic Vật lý châu Á đều có giải, trong đó đã có nhiều giải vàng, giải bạc. Đã có 5 đoàn học sinh Việt Nam được xếp hạng thứ 4. 2 học sinh Việt nam đã được giải nhất về thực nghiệm và 1 học sinh đoạt giải nhất tuyệt đối.

Công lao của ông trong việc đào tạo học sinh giỏi Vật lý được Bộ Giáo dục và Đào tạo rất trân trọng, vì thế trong kỳ thi Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 5 tổ chức tại Hà Nội năm 2004, ông được chỉ định tham gia Ban tổ chức với cương vị Chủ tịch.

Rời cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Vật lý chất rắn, năm 1997, ông được giao nhiệm vụ xây dựng phương án thành lập hệ đào tạo Cử nhân Khoa học Tài năng, rồi làm trưởng ban điều hành đầu tiên của hệ này. Ông có khát vọng xây dựng một mô hình đào tạo chất lượng cao và nỗ lực hết sức để chứng tỏ rằng những sinh viên được đào tạo như vậy sẽ có khả năng trở thành những tài năng tương lai của đất nước.

Được trực tiếp điều hành dự án, dựa vào kinh nghiệm của các trường nổi tiếng trên thế giới và kinh nghiệm bản thân, ông đã đề xuất một chương trình học nâng cao mà học sinh năng khiếu có thể tiếp thu được. Kết quả đã đưa chất lượng đào tạo của hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng gần ngang tầm chất lượng của các trường nổi tiếng trên thế giới. Việc này được các đồng nghiệp ở nước ngoài đánh giá cao, các đồng nghiệp ở các trường bạn trong nước áp dụng. Hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng trở thành một thương hiệu có uy tín. Ông luôn có ý thức tận dụng mối quan hệ quốc tế rộng rãi của mình để tìm kiếm học bổng và cơ hội gửi những học trò của mình đi đào tạo để trở thành một nhà khoa học tài giỏi... Tính đến nay, hơn 80 sinh viên của hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng do ông giới thiệu đã được nhận học bổng làm nghiên cứu sinh ở Mỹ, Nhật, hoặc học tại Trường Đại học Bách khoa Paris, Đại học Paris XI. Một số sinh viên trong số đó đã trở thành tiến sĩ Vật lý ở lứa tuổi 25. Trên dưới 300 sinh viên của hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng đang học trong nước, do ông đề nghị, đã được tổ chức Rencontre du Vietnam cấp học bổng. Chính sự tận tâm chăm lo mọi mặt cho thế hệ trẻ ấy mà các học trò luôn nhớ đến ông như tấm gương sáng về một người thầy mẫu mực.

GS. Đàm Trung Đồn còn là Uỷ viên Hội đồng Nhân dân khóa IX của thành phố Hà Nội, phụ trách lĩnh vực Khoa học Kỹ thuật. Ông đã có đóng góp tích cực vào chủ trương phát triển công nghiệp điện tử của thành phố. Khi còn là Phó chủ nhiệm Chương trình điện tử nhà nước (1985 - 1995), ông luôn chia sẻ với các thành viên của các đề tài thuộc chương trình nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện các đề tài dạng nghiên cứu, phát triển. Ông trở thành một chuyên gia có tầm cỡ được Bộ Khoa học và Công nghệ mời làm Chủ tịch Hội đồng cấp nhà nước để xét duyệt nội dung nghiên cứu, hay nghiệm thu các đề tài thuộc các chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia. Là Uỷ viên Hội đồng Tư­ vấn quốc tế của Trung tâm Quốc tế Đào tạo (sau đại học) về Khoa học Vật liệu (1993 - 2003), ông đã đóng góp nhiều kinh nghiệm để tiến hành liên kết đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ với các trường đại học ở Hà Lan, và sử dụng nguồn kinh phí viện trợ một cách có hiệu quả. Cùng với các uỷ viên của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết tư vấn với lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết những vấn đề có tính vĩ mô của đất nước.

Mặc dù đạt được những thành công to lớn và có uy tín lớn như vậy, song ông lại là người rất giản dị và khiêm tốn. Bạn bè và đồng nghiệp có thể cho rằng ông thành đạt nhờ tinh thần vượt khó và phấn đấu không mệt mỏi.

Nhiều năm công tác, gắn bó với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, GS. Đàm Trung Đồn đã đạt được những thành công rực rỡ cả trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Tập trung vào việc dìu dắt đội tuyển Vật lý quốc gia, ông đã đem lại nhiều vinh quang cho đất nước nói chung và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, nói riêng trong các kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế. Dồn tâm huyết cho hệ đào tạo cử nhân tài năng, GS. Đàm Trung Đồn đã và đang góp phần tạo nên cho Đại học Quốc gia Hà Nội một hướng đào tạo mới, thực sự phù hợp với tình hình xã hội đạt trình độ công nghệ cao hiện nay… Cho đến nay, ở cái tuổi "cổ lai hy", dù đã hưu trí, ông vẫn khỏe mạnh và say sưa làm việc, tiếp tục đóng góp một cách tích cực cho Đại học Quốc gia Hà Nội ở nhiều phương diện./.

Đoàn Đức Phương - Nguyễn Phương Liên [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» GS. Trần Phương - nhà kinh tế học và sự nghiệp trồng người
» Chiến sĩ cách mạng kiên cường, học giả, nhà văn hoá lớn Tôn Quang Phiệt
» GS. Hà Minh Đức, như tôi nghĩ...
» GS. Phùng Hữu Phú - nhà giáo, nhà khoa học ưu tú, cán bộ lãnh đạo tài năng, gương mẫu
» Nguyễn An Ninh - nhà văn hóa, lãnh tụ lớn của phong trào yêu nước Việt Nam trước Cách mạng tháng 8.1945
» Nguyễn Kim Đính - "Ông đồ Nghệ" giảng dạy văn học Nga
» Trường Chinh - Lãnh tụ cách mạng, nhà văn hoá, nhà tư tưởng lớn
» GS. Nguyễn Đức Chính với những cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy nghiên cứu ngoại ngữ
» GS. Trần Văn Nhung - ông thứ trưởng mang cốt cách người thầy
» GS. Phan Cự Đệ - 50 năm trên bục giảng với một niềm đắm say khoa học
» Vị hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Y khoa của nước Việt Nam độc lập
» GS. Nguyễn Văn Mậu - nhà toán học đầu ngành
» Phan Đình Diệu - Nhà khoa học và khát vọng phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam
» GS. Nguyễn Quang Mỹ - nhà giáo, chuyên gia hàng đầu về hang động Việt Nam
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn