Lớp Vật lý khoá 6 (1961 - 1965) Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chúng tôi khá là đông vui. Ngoài khoảng 70 sinh viên thường dân, lớp còn được tiếp nhận trên 30 sinh viên do quân đội cử sang.
Trừ hai, ba anh lớn tuổi là sĩ quan cấp trung uý, thiếu uý, còn lại toàn là các chiến sĩ binh nhất, binh nhì trẻ măng, chẳng khác gì bọn sinh viên không được đeo lon như chúng tôi. Trong số anh em binh nhất, binh nhì đó có Hoàng Kim Giao. Trong ký ức của tôi, Giao có vóc người nhỏ bé, dáng rất thư sinh, tính tình rất hiền và có phần bẽn lẽn như con gái.
Thời bấy giờ, chúng tôi luôn tự ý thức rằng đã là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thì nhiệm vụ số một là học. Nhiều bạn trong lớp chúng tôi học một cách tự giác, say mê và ngầm thi đua với nhau, Giao cũng là một trong số các sinh viên đó, anh đam mê học tập và luôn khao khát hiểu biết.
Đến năm thứ ba, Giao và tôi được phân vào học chuyên ngành Vật lý chất rắn. Sau năm thứ ba, phần lớn các bạn trong lớp chúng tôi tốt nghiệp ra trường, một số được giữ lại học tiếp, Giao và tôi may mắn lại được cùng nhau học tiếp năm thứ tư chuyên ngành Vật lý chất rắn. Cuối năm thứ tư, Giao, tôi và anh Đỗ Thiền được GS. Đàm Trung Đồn hướng dẫn khoá luận tốt nghiệp. Thời gian làm khoá luận tốt nghiệp (năm 1965) cũng là lúc đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Dụng cụ, thiết bị thí nghiệm bắt đầu phải sơ tán. Chúng tôi phải làm thí nghiệm vào ban đêm. Tuy có khó khăn vất vả, nhưng ai cũng hoàn thành tốt công việc của mình.
Ra trường, mỗi người một ngả, Giao được điều động về Cục Nghiên cứu Kỹ thuật, thuộc Tổng Cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng. Mang trong người truyền thống và phong cách của sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Giao miệt mài học thêm chuyên ngành Vô tuyến Điện tử ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và học thêm ngoại ngữ.
Sau năm 1965, không quân Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc nước ta. Nhằm ngăn chặn các phương tiện của ta phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng triệu tấn bom đạn đã trút xuống các tuyến giao thông huyết mạch, trong đó có nhiều loại vũ khí hiện đại như bom từ trường, thuỷ lôi có từ tính... Bằng mọi cách phải chiến thắng giặc Mỹ, Bộ Quốc phòng đề xuất và chủ trì đề tài khoa học "Phá thuỷ lôi từ tính và bom từ trường bảo đảm giao thông".
Hoàng Kim Giao, mặc dù còn rất trẻ, đã được tham gia đề tài khoa học "Phá thuỷ lôi từ tính và bom từ trường bảo đảm giao thông (1967 - 1972)", một đề tài khoa học có tính thực tiễn cao và có tính chất sống còn đối với ngành giao thông vận tải. Làm công việc này, chuyện sống chết đặt ra không phải từng ngày, mà từng giờ một. Có những lúc nghĩ về cái sống cái chết, Hoàng Kim Giao đã nghĩ một cách bình thản "cần phải sống, nhưng không thể từ bỏ hay trốn tránh những hy sinh cần thiết."
Đoàn công tác phá bom nổ chậm gồm 6 người do Thiếu uý Hoàng Kim Giao làm trưởng đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã hướng dẫn cho các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong tháo gỡ và phá được hàng ngàn quả bom. Riêng Hoàng Kim Giao đã trực tiếp hàng trăm lần đối mặt với tử thần, phá được 72 quả bom nổ chậm, trong đó có 40 quả bom từ trường.
Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trên đường trở ra Hà Nội báo cáo kết quả, cũng đúng vào thời điểm Mỹ vừa tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc, Hoàng Kim Giao đã không ngần ngại nhận lời giúp đỡ phá một số quả bom chưa nổ tại xã Nam Hưng, Nam Đàn, Nghệ An, coi như một nhiệm vụ đột xuất, không có trong kế hoạch. Lần ấy không may anh đã hy sinh.
Gần 30 năm sau ngày Hoàng Kim Giao hy sinh, công trình khoa học "Phá thuỷ lôi từ tính và bom từ trường bảo đảm giao thông (1967 - 1972)" đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996). Liệt sĩ Hoàng Kim Giao là người trẻ nhất được vinh dự là đồng tác giả của công trình được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng khoa học cao nhất của Việt Nam.
Hoàng Kim Giao, cựu sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đã sống, chiến đấu như một người cộng sản mẫu mực và hy sinh anh dũng như một người anh hùng.
|