Cứ mỗi lần cầm bút định viết về GS.NGND Đào Văn Tiến, không hiểu sao trong tôi cứ ám ảnh mãi hình ảnh con người trong những câu thơ hào sảng của Chính Hữu một thời:
"Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa
Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm".
Cho tới gần đây, khi tôi ngồi nghe PGS. Hà Đình Đức kể chuyện, tôi mới cắt nghĩa được nỗi ám ảnh đó. Hoá ra bạn bè tôi học Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ngày trước đã kể cho tôi nghe về GS. Đào Văn Tiến lâu rồi. Vậy thì đó là một ám ảnh của lịch sử.
Tôi hình dung ra quang cảnh Hà Nội năm 1946. Trong hàng ngũ những thanh niên trí thức tạm biệt Thủ đô, lên chiến khu Việt Bắc, có một chàng trai dáng người cao ráo, khuôn mặt thông minh. Chàng được mặc áo vệ quốc quân, hào hứng tạm biệt Thủ đô đỏ lửa lên đường. Nhưng rồi chàng không được trao súng, không được ra trận mà bị chặn lại ở tuyến sau. Tạm thời, công việc cầm súng có rất nhiều người làm được. Nền cộng hoà trẻ tuổi và cuộc kháng chiến chống Pháp hiện tại đang phải tìm kiếm những người như chàng và đặt chàng đúng vào vị trí cống hiến của một nhà khoa học. Trước mắt, chàng phải góp sức đào tạo gấp cho cuộc kháng chiến này những thầy thuốc quân y. Chàng trai đó chính là Đào Văn Tiến.
GS. Đào Văn Tiến sinh năm 1920, trong một gia đình trí thức có truyền thống nho học ở thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Thân sinh ông là một nhà nho cẩn trọng trong việc gìn giữ gia phong và rất nghiêm khắc trong việc giáo dục con cháu. Trong một gia đình nền nếp như vậy, từ nhỏ ông đã được thừa hưởng những đức tính quý giá của người cha và sớm trở thành một sinh viên có ý chí và nghị lực học hành, nghiên cứu. Năm 1944, ông đã tốt nghiệp xuất sắc Cao đẳng Khoa học thuộc Đại học Đông Dương chuyên ngành Động vật học. Rồi ngay trong năm sau ông đã có cuốn sách đầu tay nổi tiếng "Danh từ khoa Vạn vật học" - một công trình không chỉ có giá trị thuật ngữ chuyên ngành mà còn có ý nghĩa thúc đẩy nền giáo dục đại học Việt Nam bước sang giai đoạn mới: giai đoạn giảng dạy đại học không phải bằng tiếng Hán, tiếng Pháp mà bằng tiếng Việt.
Từ cổng trường Đại học Đông Dương, Đào Văn Tiến vào đời cùng mùa thu cách mạng. Đất Việt Nam đã về tay dân Việt Nam. Ngay sau những ngày Cách mạng tháng Tám 1945, Tổng Hội sinh viên cứu quốc đã giúp ông công bố công trình thuật ngữ khoa học nói trên. Độc giả cuốn sách không ai không nhớ những lời đề tựa mến yêu và trân trọng của học giả Hoàng Xuân Hãn: "Tác giả là ông Đào Văn Tiến, một bạn trong đám thanh niên tốt nghiệp đầu tiên ở đại học Hà Nội về Vạn vật học... Các việc thiết thực làm trong bóng tối của các bạn thanh niên như các bạn Tiến, Chiển, Căn, Quán, Quảng, Thiêm đều xứng đáng với một phần nhiệm vụ của thanh niên phái đoàn kết và kiến thiết nước Việt Nam độc lập".
Bước vào kháng chiến với một hành trang tri thức và vị thế khoa học như vậy, Đào Văn Tiến khó có con đường nào khác ngoài con đường giáo dục - đào tạo. Nhà giáo vệ quốc quân Đào Văn Tiến trong chiếc áo trấn thủ, mũ nan lợp vải dù, bắt đầu giảng bài trong các lán nứa cho các lớp quân y. Năm 1951 ông đã cùng các đồng nghiệp nổi tiếng của mình như Ngụy Như Kontum, Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Chiển, Lê Văn Thiêm, Lê Khả Kế, Nguyễn Thạc Cát... vượt biên giới sang Nam Ninh, Trung Quốc, xây dựng Khu học xá cho Trường Khoa học Cơ bản và Trường Sư phạm Cao cấp Trung ương. Nhiều giáo sư, nhiều nhà khoa học và bác sĩ nổi tiếng hôm nay vẫn còn giữ nguyên trong ký ức hình ảnh ông thầy Đào Văn Tiến cùng mình trèo đèo lội suối, vừa hành quân vừa thở dốc mà vẫn tranh thủ giải đáp hàng chục câu hỏi có ý nghĩa ngoại khoá cho các học viên áo lính. Các loại thú đụng chân dọc đường trở thành vật mẫu, thành các thí dụ sinh động. Giảng đường của thầy Tiến là cả rừng xanh chiến khu.
Nhưng chiến tranh dù 9 năm vẫn chỉ là câu chuyện một thời. Nhà khoa học chỉ có thể cống hiến cao nhất cho đất nước trong điều kiện của hoà bình, ổn định. Giải phóng Điện Biên xong, ông trở về Hà Nội khi đã 35 tuổi. Giũ bụi chiến trường, ông lại bắt tay vào công việc cũ. Vừa giảng dạy tại các trường: Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Y khoa Hà Nội, ông vừa khẩn trương triển khai một đề tài nghiên cứu lớn, do Nhà nước giao phó. Đó là chương trình "Điều tra cơ bản khu hệ động vật và ký sinh trùng miền Bắc Việt Nam". Chính từ chương trình này ông đã phát hiện và lập hồ sơ khoa học về 10 loài thú mới ở Việt Nam. Cuốn sách "Khảo sát thú ở miền Bắc Việt Nam" ra đời từ chương trình nghiên cứu đó, và cuốn "Bước đầu xác định các loài thú ở miền Nam Việt Nam" của Von Pinen đã được giới khoa học thừa nhận như là hai cuốn sách cơ bản nhất trong hệ thống các công trình nghiên cứu hệ động thực vật khu vực Đông Á.
Không chỉ viết các giáo trình cơ sở cho ngành Sinh học và các công trình nghiên cứu chuyên ngành, GS. Đào Văn Tiến còn viết nhiều sách báo phổ cập tri thức chung. Bằng lối viết sinh động, pha chút hài hước, tác giả Đào Văn Tiến từ lâu đã trở nên thân thuộc với đông đảo độc giả. Cái tên Đào Văn Tiến dần dần đã mang nghĩa biểu tượng của một "pho từ điển sống". Thời chống Mỹ, dọc đường hành quân, để mất cảm giác mệt mỏi đằng đẵng, bộ đội trung đoàn chúng tôi thường bày trò cãi nhau. Một trong những đề tài tranh luận đó là về thế giới động vật. Con gì là châu chấu, con gì là cào cào? Loài trăn có loài mang tên "trăn mắt võng" hay "trăn mắc võng" v.v? Đó là các câu hỏi quen thuộc trong các tuyến đường rừng. Kết thúc các cuộc tranh cãi, châm chọc ấy thường là một câu kết hoà giải và gửi gắm chút ước vọng hoà bình: Thôi, chả tỉnh nào gọi tên đúng cả, hết chiến tranh, ta sẽ về hỏi bác Đào Văn Tiến!
Nhà báo Hàm Châu cho biết: Nhà văn Đoàn Giỏi, tác giả của "Đất rừng phương nam" và "Tê giác trong vườn xanh" đã lấy làm bực dọc khi đứa cháu mình hỏi hàng trăm câu hỏi về các loài muông thú. Nhà văn tâm sự: "Buồn thay, tôi chỉ là một nhà văn. Giá như tôi có được một phần nhỏ kiến thức của ông Đào Văn Tiến - nhà động vật học lỗi lạc đầu tiên từ thời Pháp thuộc - thì con bé nó sẽ mê và phục ông nó phải biết". Nhiều người cũng vẫn nhầm tưởng rằng "Dế mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài được xây dựng chỉ bằng kinh nghiệm quan sát trực tiếp của tác giả về thế giới loài vật. Thật ra, để có được những trang viết sinh động như trong "Dế mèn phiêu lưu ký", nhà văn phải đọc thật cẩn trọng những cuốn sách khoa học để nắm chắc tập tính của các loài vật. Nói chuyện với các cây bút trẻ, nhà văn Tô Hoài đã có lần đưa ra một lời khuyên khá cụ thể: "Kinh nghiệm viết văn của tôi về động vật là hãy đọc những bài viết của GS. Đào Văn Tiến".
Đọc những bài viết của tác giả Đào Văn Tiến về thế giới chim muông, người ta dễ có cảm giác như đang trò chuyện với một người kể chuyện cổ tích vui tính và dễ dãi. Nhưng bình tâm ngẫm lại, những trang viết đó là kết quả của những tháng năm nghiên cứu hết sức công phu, kỹ lưỡng trên tinh thần khoa học nghiêm túc. PGS.TS Hà Đình Đức, người học trò yêu, người được tiếp nhận nhiều ảnh hưởng tích cực từ GS. Đào Văn Tiến, hôm nay vẫn hình dung rất rõ phong cách giảng dạy, nghiên cứu của thầy mình bao năm trước. Ông kể rằng: Thầy Đào Văn Tiến không bao giờ tỏ ra là một người tài tử. Vì điều đó, thầy hiểu là hoàn toàn bất lợi đối với mục tiêu giáo dục, đặc biệt là với việc rèn luyện tác phong khoa học cho các thế hệ kế cận. Thầy thường công khai tuyên bố trước buổi giảng rằng: "Trước khi đến giảng bài này, tôi đã phải đọc lại, thẩm tra lại giáo trình mình viết hết ba bốn tiếng liền". Sau lời tuyên bố ấy, quả thật buổi giảng của thầy diễn ra hết sức khẩn trương vì rất phong phú tư liệu và quá hàm súc về nội dung cùng các ý tưởng gợi mở. Một tiết học của thầy có thể tương đương 3 tiết người khác giảng, sinh viên say mê ghi chép đến mỏi rã tay vì lượng thông tin dồn nén.
Từ Việt Bắc trở về xây dựng Khoa Sinh học cho Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sau đó, thầy làm việc theo một thời gian biểu và kỷ luật học đường hết sức nghiêm khắc, tỉ mỉ, gần như theo phong cách giáo dục Pháp. Phong cách đó chỉ bị phá vỡ khi thầy cùng sinh viên và đồng nghiệp bước vào thời kỳ sơ tán lên Bắc Thái những năm chiến tranh phá hoại.
Hiện tại, báo chí chúng ta thường bình luận về ba phẩm chất cần có trong một người làm công tác tổ chức và quản lý xã hội. Đó là "tiêu chuẩn batê": có tài, có tâm và có tầm. Chúng tôi nghĩ, với tư cách là một trong những Chủ nhiệm khoa và cán bộ khoa học đầu ngành, GS. Đào Văn Tiến đã thống hợp được cả ba tiêu chuẩn đó. Tài năng và tâm huyết thì rất rõ. Cuốn sách "Khoa học hoá cách suy nghĩ, làm việc" do Nhà xuất bản Thanh niên xuất bản năm xưa có in lời đề tặng của ông. Một lời đề tặng như được viết tự trong gan ruột: "Tặng các bạn thanh niên, niềm hy vọng của đất nước". Ở đây, chúng tôi muốn nói tới cái "tầm" của thầy.
Từ lâu rồi thầy Đào Văn Tiến đã chủ trương xây dựng Bộ môn Tập tính động vật. Phải là một chuyên ngành khoa học chứ không dừng lại ở mức độ môn học bình thường. Trong chuyên ngành Tập tính học, theo ông, cần phải nghiên cứu cả tập tính của con người với tư cách là một loài động vật cao cấp. Không nên thần thánh hoá con người, quá nhấn mạnh yếu tố xã hội của con người rồi đi đến xem nhẹ những yếu tố bản năng - tập tính mà thiên nhiên đã ấn định cho nó. Ông cho rằng cái tính ngỗ ngược của con người chính là một tập tính của động vật hoang dã... Nếu "Tập tính học động vật" được xây dựng và phát triển lâu nay, biết đâu chúng ta đã có thêm phương án ngăn chặn dịch cúm gia cầm và ngăn chặn được các loại trọng tội hình sự, thậm chí cả tội tham nhũng của nhiều quan chức... biết đâu!
Cũng từ những năm 70 và 80 thế kỷ trước, GS. Đào Văn Tiến đã cảnh báo những hậu quả của hướng nghiên cứu nhân bản vô tính. Giáo sư đã báo động trước khi con cừu Donny ra đời đúng 13 năm. Cái tầm của nhà khoa học uyên bác này không chỉ thể hiện ở khả năng dự báo tương lai mà còn thể hiện ở tầm tư duy hệ thống. Ông dự báo ngay từ những năm 70, khi chúng ta đang còn lo chống Mỹ, những thảm họa của sự khủng hoảng sinh thái, môi trường trên quy mô khu vực và quy mô hành tinh, đồng thời hết sức sáng suốt khi nhìn ra mối liên hệ biện chứng giữa "Sinh học và khoa học nhân văn", giữa "Sinh học và đạo lý".
Những vấn đề này đã hiển thị rất rõ trong các bài báo ông viết cho báo Nhân dân và tạp chí Sinh học ngày nay.
Nhiều nhà khoa học và nhà giáo vốn là "học trò" một thời đã thừa nhận sự ảnh hưởng của GS. Đào Văn Tiến tới họ. Ảnh hưởng lớn nhất, theo họ, là đức tính trung thực, thẳng thắn của một nhà khoa học.
Làm việc say mê, không phân tâm vào những chuyện nhỏ bên lề cuộc đời một người làm khoa học, GS. Đào Văn Tiến ngay từ thời sinh viên đã là đồng nghiệp với các nhà nghiên cứu nổi tiếng như B. Noyer, Đặng Vũ Kha, Bonnet, Trần Tử Oai, Đinh Đình Địch... và trở thành một trong những người xây dựng nền móng cho nền Sinh học Việt Nam. Năm 1980 ông được phong hàm Giáo sư, năm 1989 ông được nhận danh hiệu cao quý: Nhà giáo nhân dân cùng nhiều huân, huy chương khác. Năm 1996, ông nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về các công trình khoa học. Năm 2005, ông lại một lần nữa được Giải thưởng Hồ chí Minh trong "Atlas Việt Nam". Ông là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Paris VII, Cao đẳng Sư phạm Phnôm Pênh, Cao đẳng Sư phạm Tananarivơ (Madagatxca), Chủ tịch danh dự Hội Động vật học Việt Nam, Thành viên địa phương của Hội Khỉ hầu Quốc tế (IPPL), Uỷ viên Hội đồng Nghiên cứu thú Quốc tế (ITC), Hội viên danh dự của Hội nghiên cứu thú toàn Liên Xô. Theo GS.VS Nguyễn Văn Đạo, những cuốn giáo trình, sách chuyên khảo và 94 công trình khoa học của GS. Đào Văn Tiến "không chỉ đóng góp cho ngành Sinh học Việt Nam mà còn là tài sản chung của ngành Sinh học thế giới"...
Có rất nhiều học trò, đồng nghiệp đang mong đợi có một cuốn sách riêng viết về GS. Đào Văn Tiến. Bởi vì cuộc đời lao động cống hiến của ông đẹp đẽ và sinh động chẳng khác gì những chương tiểu thuyết lãng mạn. Điều đáng mừng là bà Nguyễn Thị Hồng - kỹ sư Hoá, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Sinh - Hoá của Viện Công nghiệp thực phẩm đã cùng ông có hai người con trai thành đạt: TS. Đào Tiến Khoa, cán bộ Viện Năng lượng Nguyên tử và họa sĩ Đào Tiến Hải, họa sĩ chủ công của Xưởng phim truyện Hà Nội. Như vậy là một sự nghiệp coi như "có hậu", nhìn từ góc độ hạnh phúc gia đình.
Còn bây giờ, khi muốn kết thúc bài viết này, chúng tôi xin dẫn ra một câu chuyện nhỏ mà nhà văn Nguyễn Quang Thân cung cấp. Nhà văn kể rằng: Nói chuyện một lần với GS. Đào Văn Tiến, "tôi cảm nhận được nỗi lo âu day dứt của ông về môi trường Hà Nội, về chuyện vườn thú Thủ Lệ bị thu hẹp diện tích làm khách sạn, về những phá phách của con người quanh Hồ Gươm thiêng liêng... Ông nói với tôi, đôi mắt mơ màng: "Ở một góc Hồ Gươm nên thả một ít sen hay súng, một ít thôi. Và thả ở đó vài đôi chim cuốc...".
Lời kể ấy khiến chúng tôi giật mình rồi mơ theo "đôi mắt mơ màng" của nhà giáo Đào Văn Tiến, nhà giáo vệ quốc đoàn của Hà Nội mùa thu năm 1946. Mong sao có ngày Hồ Gươm của chúng ta có mấy đôi chim cuốc tha thẩn kiếm ăn dưới những đài hoa súng tím, như ý nguyện của GS. Đào Văn Tiến. Rồi các em bé những tỉnh miền Nam ra thăm Thủ đô, đứng bên hồ sẽ nghe rõ tiếng cuốc kêu mà thầm thì ôn lại mấy câu thơ trong sách giáo khoa:
"Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái da da".
|