Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 13 Tháng 9 Năm 2024    Số người truy cập: 1100555
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
GS. Lê Đức Tố - nhà Hải dương học hàng đầu Việt Nam

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, Tổ quốc đặt lên vai thế hệ thanh niên hai nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vinh quang là xây dựng Chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Mặc dù đất nước còn chiến tranh với bao khó khăn, gian khổ, nhưng xây dựng đất nước vẫn là nhiệm vụ chiến lược, đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên gia giỏi. Trong hoàn cảnh đó, Nhà nước đã gửi hàng ngàn thanh niên sinh viên sang Liên Xô học tập, tiếp nhận những tri thức khoa học tiên tiến về phục vụ đất nước. GS.TS.NGƯT Lê Đức Tố khi ấy thuộc lớp người này.

Năm 1962, cùng một số thanh niên xuất sắc khác, cậu sinh viên Lê Đức Tố được Nhà nước gửi đi đào tạo chuyên gia hải dương học tại Trường Đại học Tổng hợp Lêningrat. Ghi sâu trong tim lời dạy của Bác Hồ "Đất nước ta có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần ở công lao học tập của các cháu", trong suốt 5 năm học tập ở phương trời xa xôi ấy, anh luôn nuôi dưỡng một ý chí: học thật giỏi.

Mùa hè năm 1967, sau khi bảo vệ xuất sắc luận văn tốt nghiệp đại học ngành Hải dương học - Vật lý tại Trường Đại học Tổng hợp Lêningrat, anh cùng một số sinh viên mới tốt nghiệp khác được Giáo sư Buinhiski, anh hùng lao động Liên Xô, và Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cử tham gia chuyến khảo sát Ấn Độ Dương 3 tháng trên tàu nghiên cứu khoa học Biển mang tên Viện sĩ Kurchatov. Đối với ông, chuyến khảo sát đại dương đầu tiên này là một dịp trau dồi kiến thức, một kỷ niệm không thể quên và, hơn thế, còn là bước ngoặt cuộc đời của một nhà khoa học biển tương lai. 3 tháng làm việc và học tập say mê trên tàu Kurchatov đã đem lại cho ông nhiều hiểu biết mới, làm sáng tỏ những bài học lý thuyết mà anh đã thu nhận được trên giảng đường đại học.

Chiến tranh Trung Đông xảy ra vào tháng 6.1967, đường trở về Liên Xô của tàu Kurchatov phải vòng vèo rất gian nan. Nhưng rồi mọi việc đều bình an vô sự. Có lẽ 3 tháng lăn lộn với Ấn Độ Dương đã "biến" ông thành người của biển. Chuyến đi ngày ấy như một dấu ấn, một bước ngoặt cuộc đời của nhà hải dương Việt Nam trẻ tuổi, hình thành nên tình yêu đối với biển và khoa học Biển, chắp cánh cho ông nuôi dưỡng những ước mơ, hoài bão, ý tưởng đem kiến thức học được về phục vụ cho sự nghiệp khoa học công nghệ biển nước nhà.

Với khát khao được cống hiến, tháng 10.1967 ông lên tàu liên vận về nước. Đặt chân xuống Hà Nội, gặp bạn bè, người thân, biết bao xúc động... Nhưng không khí sục sôi của cuộc kháng chiến chống Mỹ của cả dân tộc không cho phép ông kéo dài kỳ nghỉ. Ngay sau khi về nước 2 tuần, ông đã nhận công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, được GS. Nguyễn Văn Chiển - Chủ nhiệm Khoa Địa lý - Địa chất ngày ấy tiếp nhận và giao nhiệm vụ cùng các đồng nghiệp xây dựng ngành Khí tượng - Hải dương tại trường. Lúc này trường đang sơ tán tại xã Lục Ba, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Núi rừng Thái Nguyên hoang sơ và thiếu thốn. Các lớp học và ký túc xá của thầy, trò đều được làm bằng tre nứa, ẩn mình dưới các lùm cây để tránh máy bay giặc Mỹ, bàn ghế cũng làm bằng tre nứa... Số cán bộ giảng dạy ngành Khí tượng - Hải dương khi đó không nhiều, chỉ 3, 4 người, công việc nơi sơ tán bộn bề... Ông cùng đồng nghiệp khi "xoay trần" biên soạn giáo án, khi luồn rừng lấy củi đun nấu và tre nứa làm lán ở, khi đi thực tế xuống Viện Nghiên cứu biển Hải Phòng, xuống Đoàn Khảo sát 6, tham gia công tác tuyển sinh... Trong thời gian giặc Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt, công tác tuyển sinh đều do các trường đại học làm việc trực tiếp với ban tuyển sinh các tỉnh để tuyển chọn. Lứa sinh viên Hải dương học đầu tiên của Việt Nam được ông tuyển chọn và tổ chức đào tạo từ năm 1969. Năm 1970, Bộ môn Hải dương học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chính thức được thành lập với 5 cán bộ và ông là Chủ nhiệm đầu tiên. Cho đến nay, nhiều thế hệ sinh viên với hàng trăm cử nhân Hải dương học do ông cùng đồng nghiệp đào tạo đã lần lượt ra trường, nhiều người tiếp tục được ông đào tạo nâng cao trở thành thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành khoa học Biển, rồi trở thành giáo sư, phó giáo sư, giám đốc, phó giám đốc các viện hay trung tâm nghiên cứu. Nhiều người trở thành cán bộ quản lý chủ chốt trong các cơ quan liên quan đến lĩnh vực Hải dương học ở Việt Nam. Tất cả đều được ông trực tiếp giảng dạy, trang bị những kiến thức hải dương học hiện đại, những phương pháp và tư duy logic về các vấn đề khoa học Biển Việt Nam và thế giới. Và hơn thế, ông còn truyền sang họ tình yêu và trách nhiệm đối với biển và khoa học Biển, như ông.

Nước nhà thống nhất, nhiệm vụ điều tra nghiên cứu biển lập luận chứng khoa học cho các ngành kinh tế phát triển được Nhà nước đặt ra đối với các nhà khoa học hải dương. Với ước mơ và hoài bão về một nền khoa học Biển đi đôi với công nghệ và phục vụ sản xuất, đem lại lợi ích cho cộng đồng, GS. Lê Đức Tố cùng các nhà khoa học và quản lý khoa học đầu ngành trăn trở xây dựng các chương trình điều tra nghiên cứu biển quốc gia cũng như các chương trình hợp tác quốc tế nghiên cứu và đào tạo về khoa học Biển, đồng thời nhiều lần trực tiếp tham gia Ban chủ nhiệm các chương trình biển, chủ trì thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước như: Nghiên cứu hệ sinh thái cửa sông ven biển Thái Bình (52.02.02), Điều kiện tự nhiên và môi trường vùng biển ven bờ các tỉnh giáp biển miền Trung (52E-06), Nghiên cứu dự báo sự biến động trữ lượng và sản lượng nguồn lợi cá khai thác vùng biển Nam Trung Bộ (KT.03.10), Điều tra nghiên cứu vùng biển xung quanh hệ thống đảo ven bờ vịnh Bắc Bộ (KĐL - CIS - 01), Luận chứng khoa học về các mô hình phát triển kinh tế - sinh thái trên các đảo (KC.09.12), Chương trình hợp tác Việt Nam - CHLB Nga điều tra nghiên cứu vùng biển ven bờ Việt Nam (KT.03), Chương trình hợp tác Việt Nam - Phillippines điều tra nghiên cứu Biển Đông (VN - RP JOMSRE - SCS). Trong số các đề tài và chương trình kể trên, VN - RP JOMSRE - SCS là chương trình hợp tác song phương điều tra nghiên cứu Biển Đông do nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Lê Đức Anh và nguyên Tổng thống Cộng hòa Philippines, Phidel Ramos, đề xuất. Ở chương trình này GS. Lê Đức Tố được Nhà nước giao nhiệm vụ Trưởng đoàn đưa các nhà khoa học biển Việt Nam sang Philippines cùng các đồng nghiệp nước bạn thực hiện chuyến khảo sát xuyên biển Đông đầu tiên trong lịch sử hợp tác khoa học Biển song phương. Nguyên Tổng thống Phidel Ramos đã tiếp ông cùng các nhà khoa học biển Việt Nam và nhắc nhở: Việt Nam và Phillippines là những người bạn ở hai bờ của Biển Đông, các nhà khoa học biển của hai nước phải làm cho hai bờ gần lại và cùng phát triển bền vững.

Công tác điều tra nghiên cứu biển thật rộng lớn và đa dạng, trong đó có những vấn đề thiết yếu gắn liền với tài nguyên và môi trường biển như khai thác hải sản, quản lý vùng biển ven bờ... Ngành khai thác hải sản Việt Nam phát triển còn chậm, chưa có công nghệ dự báo cá khai thác như các nước phát triển, lại chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dân gian, ngư trường truyền thống và phương tiện thô sơ nên năng suất và sản lượng khai thác không cao, khó tránh khỏi rủi ro và sự cố trên biển, đời sống ngư dân còn nhiều khó khăn. Vấn đề đặt ra cho các nhà hải dương Việt Nam là làm thế nào để ngành khai thác hải sản có khả năng dự báo được các ngư trường khai thác và biến động của nó qua các mùa trong năm? Từ năm 1991 đến năm 1996, GS. Lê Đức Tố cùng Ban chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu biển quốc gia đề xuất nội dung nghiên cứu dự báo biến động sản lượng cá khai thác ở vùng biển Việt Nam, lấy vùng biển Nam Trung Bộ làm trọng điểm nghiên cứu. Dưới sự chủ trì của ông, các cộng tác viên đã phát hiện mối quan hệ biến động sự tập trung cá khai thác với chu kỳ hiện tượng nước trồi ở vùng biển Nam Trung Bộ. Kết quả phân tích biến trình nhiệt - muối nước biển đã chứng minh nước trồi ở đây bắt đầu hoạt động từ tháng 5, đạt cực đại vào tháng 7 và suy thoái hoàn toàn vào tháng 9, năng suất sinh học sơ cấp và sản lượng cá khai thác ở vùng biển Bình Thuận - Ninh Thuận biến đổi lệch pha với nhiệt độ nước biển tầng mặt trước 1 tháng, biến động sản lượng cá khai thác ở vùng biển này là một hàm số của các yếu tố khí hậu và chế độ nhiệt muối nước biển. Đặc biệt, đề tài đã phát hiện biến động của các đàn cá khai thác phụ thuộc chặt chẽ vào cấu trúc khối nước, một vấn đề còn ít được quan tâm nghiên cứu cho đến thời điểm này.

Giải quyết ý tưởng đó, GS.TS Đinh Văn Ưu, một trong những cộng tác viên tin cậy của GS. Lê Đức Tố, từ năm 1996 đến năm 2004 đã đi sâu nghiên cứu cấu trúc khối nước Biển Đông bằng cách giải bài toán thuỷ động lực 3D và bước đầu áp dụng có hiệu quả cho việc nghiên cứu dự báo khai thác các đàn cá kinh tế ở vùng biển xa bờ. Nghiên cứu dự báo cá khai thác là một vấn đề khoa học khó và phức tạp đối với vùng biển nhiệt đới Việt Nam, cần phải có sự hợp tác và liên kết giữa trường đại học với viện nghiên cứu nghề cá và các cơ sở sản xuất. Nhận thức rõ điều này, từ nhiều năm qua GS. Lê Đức Tố đã đặt và duy trì mối quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Viện Nghiên cứu Hải sản và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN. Sự hợp tác đã và đang giúp các nhà khoa học biển của hai cơ quan giải quyết hàng loạt vấn đề của ngành Kinh tế hải sản cũng như trong công tác đào tạo.

Gắn liền với sự biến động sản lượng cá khai thác và an toàn giao thông trên biển là việc dự báo chính xác các trường khí tượng hải dương - một nội dung được Chương trình nghiên cứu biển quốc gia quan tâm trong những năm gần đây, nhưng phải mất 10 năm các chuyên gia khí tượng và hải dương mới tìm ra lời giải cho bài toán dự báo trường khí tượng trên biển và tiếp theo là trường động lực Biển Đông. Khởi đầu là TS. Bùi Xuân Thông, song người giải quyết thành công vấn đề này là GS.TS Trần Tân Tiến, một chuyên gia có kinh nghiệm dự báo bằng phương pháp số, đồng thời cũng là cộng tác viên thế hệ tiếp theo của GS. Lê Đức Tố. Đề tài dự báo các trường khí tượng và thuỷ văn Biển Đông do GS. Trần Tân Tiến chủ nhiệm đã đạt được thành tích xuất sắc, những kết quả nghiên cứu của đề tài đã đạt trình độ quốc tế và đã được ứng dụng rộng rãi trong đời sống và sản xuất, mở ra khả năng mới cho sự nghiệp nghiên cứu dự báo khí tượng thuỷ văn biển và phòng chống lũ lụt ở Việt Nam. Có thể nói GS. Đinh Văn Ưu và GS. Trần Tân Tiến là những cộng sự tài năng, tin cậy của GS. Lê Đức Tố, những người đang khơi nguồn sáng tạo trong nghiên cứu khoa học Biển và tiếp nối sự nghiệp đào tạo các chuyên gia khoa học biển cho đất nước, thực hiện mục tiêu xây dựng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên theo hướng đại học nghiên cứu.

Mỗi ngày một ý tưởng. Ý tưởng phát triển kinh tế - sinh thái và du lịch đảo biển do GS. Lê Đức Tố đề xuất là sự tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới mà ông nhận thức được qua nghiên cứu và những chuyến công tác nước ngoài, đồng thời cũng là một bước phát triển ý tưởng của GS. Nguyễn Văn Trương, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Sinh thái, người đầu tiên thành công trong việc "biến" một vùng đất trung du cằn cỗi Phú Thọ, một miền rừng hoang sơ nghèo túng Hà Tây, một hoang mạc cát cháy bỏng Quảng Bình thành những làng sinh thái trù phú, đời sống nhân dân ấm no.

Đề tài "Luận chứng khoa học về mô hình phát triển kinh tế - sinh thái trên các đảo thuộc vùng biển ven bờ Việt Nam" do GS. Lê Đức Tố chủ trì đã thu hút sự chú ý và tham gia của đông đảo các nhà khoa học về Trái đất và các nhà quản lý, trong đó có cả GS. Nguyễn Văn Trương và GS. Lê Đức An. Đề tài được triển khai trên các đảo Ngọc Vừng - vịnh Bắc Bộ, Cù Lao Chàm - Trung Bộ và Hòn Khoai - Nam Bộ. Từ các kết quả điều tra đánh giá nguồn tài nguyên và môi trường các hệ sinh thái đảo, đề tài đã xây dựng luận chứng khoa học về mô hình phát triển kinh tế - sinh thái và du lịch đảo Cù Lao Chàm, đảo Ngọc Vừng và đảo Hòn Khoai, điển hình cho 3 khu vực Bắc, Trung, Nam như những mô hình mẫu, được các địa phương đón nhận, góp phần hoàn thiện lý luận quản lý tài nguyên môi trường đới bờ. Thành công của đề tài đã mở ra một hướng mới trong nghiên cứu kinh tế - sinh thái - môi trường và phát triển bền vững các vùng biển ven bờ và hải đảo mà chính GS. Lê Đức Tố là người khởi xướng từ những ý tưởng và nhận thức đúng đắn của ông về vị thế và tiềm năng của các đảo biển. Là một nhà hải dương học vật lý, nhưng bạn bè và đồng nghiệp vẫn coi ông như một nhà nghiên cứu kinh tế - sinh thái và môi trường bởi những tư duy, sáng tạo và đóng góp của ông trong lĩnh vực này rất thực tế và giá trị. Hướng nghiên cứu kinh tế - sinh thái - môi trường và phát triển bền vững đới bờ đang được GS.TS Nguyễn Cao Huần, PGS.TS Đặng Văn Bào, PGS.TS Trương Quang Hải, những học trò tài năng và nhiệt huyết của ông tiếp tục phát triển trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước giai đoạn 2006 - 2008: "Luận chứng khoa học về mô hình quản lý và phát triển bền vững đới bờ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế".

Sau khi tham dự Hội nghị môi trường biển quốc tế 1985 tại Băng Cốc, GS. Lê Đức Tố đã dành nhiều thời gian nghiên cứu những vấn đề môi trường sinh thái biển đới bờ. Từ thực tế nghiên cứu, ông đã chủ trì biên soạn giáo trình "Quản lý biển". Giáo trình đã và đang được sử dụng trong đào tạo sau đại học tại Đại học Quốc gia Hà Nội, trong các khoá ngắn hạn về quản lý biển do Ban Biên giới Chính phủ triển khai tại các địa phương, góp phần đáp ứng nhu cầu nâng cao kiến thức về tài nguyên và môi trường biển của đông đảo cán bộ khoa học, cán bộ quản lý tại 25 tỉnh, thành ven biển nước ta. Bộ chuyên khảo Biển Đông (4 tập) do ông cùng GS. Đặng Ngọc Thanh, GS. Phạm Văn Ninh, GS. Mai Thanh Tân biên soạn là sự tổng kết các công trình nghiên cứu Biển Đông trong 30 năm qua của các nhà hải dương Việt Nam, được xem là công trình khoa học đồ sộ ghi nhận một bước phát triển của khoa học Biển Việt Nam, trong đó có đóng góp không nhỏ của ông.

Không chỉ là một nhà khoa học biển xuất sắc, GS. Lê Đức Tố còn là một nhà tổ chức, quản lý và lãnh đạo có uy tín. Các chủ nhiệm bộ môn, chủ nhiệm khoa kế nhiệm, và cả đồng nghiệp không chỉ học được ở ông những kinh nghiệm, tầm nhìn, tư duy logic... trong công tác mà còn học được ở ông cái tâm, cái đức và những trách nhiệm với nghiệp, với đời. Bộ môn Hải dương học và ngành đào tạo khoa học Biển nói riêng, ngành Khí tượng - Thuỷ văn nói chung tại Đại học Quốc gia Hà Nội do ông đặt nền móng dựng nên cách đây 36 năm và luôn được ông lãnh đạo, chăm lo bồi đắp, nay đã trở thành một trung tâm đào tạo cán bộ Khí tượng - Thuỷ văn - Hải dương học hàng đầu trong cả nước. Tư duy của ông về kinh tế - sinh thái - môi trường và phát triển bền vững đã được các đồng nghiệp và học trò cùng ông triển khai trong nghiên cứu, đào tạo, xây dựng nên Trung tâm Động lực và Môi trường biển và Bộ môn Quản lý biển, mở ra một hướng nghiên cứu và chuyên ngành đào tạo mới trong lĩnh vực khoa học Biển tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ý tưởng và đóng góp của ông với cương vị chủ tịch Hội đồng các Khoa học về Trái đất và Môi trường của Đại học Quốc gia Hà Nội còn ghi đậm những dấu ấn quan trọng trong phát triển nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực Địa lý, Địa chất và Môi trường.

GS. Lê Đức Tố năm nay tròn 65 tuổi. Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo của một miền đất học Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá, truyền thống cách mạng và hiếu học của gia đình được ông nuôi dưỡng và phát huy đầy nhân bản trong cuộc sống và sự nghiệp. Với ông, ngọn lửa tình yêu và trách nhiệm dành cho biển và khoa học Biển luôn cháy bỏng trong tim./.

Đoàn Bộ [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» Trần Văn Giàu - Nhà cách mạng tiêu biểu, học giả lớn, một nhân cách lớn
» GS. Nguyễn Khánh Toàn - nhà kiến trúc sư trong giai đoạn đầu của nền giáo dục cách mạng
» GS.NGND Đào Văn Tiến - nhà giáo vệ quốc đoàn
» Võ Nguyên Giáp, cựu sinh viên Trường Luật - Đại học Đông Dương
» Hoàng Kim Giao - Chiến sĩ phá bom nổ chậm - Cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội(*)
» GS.TSKH Nguyễn Duy Tiến - Người dạy xác suất, thống kê của nhiều thế hệ sinh viên ĐHQGHN
» GS. Dương Hữu Thời - Người thầy, nhà khoa học, người kỹ sư mang bí danh "Phương Thanh"
» Đại sứ Fredesmán Turró González
» GS. Lưu Hữu Phước, cây đại thụ của nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam
» PGS. Nguyễn Hoàng Phương, nhà khoa học uyên thâm, một trái tim nhân hậu
» Đàm Trung Đồn - Nhà khoa học tài ba mà khiêm nhường
» GS. Trần Phương - nhà kinh tế học và sự nghiệp trồng người
» Chiến sĩ cách mạng kiên cường, học giả, nhà văn hoá lớn Tôn Quang Phiệt
» GS. Hà Minh Đức, như tôi nghĩ...
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn