Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 20 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 984645
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
GS. Cao Xuân Huy - Nhà sư phạm mẫu mực, nhà tư tưởng uyên bác, cây cổ thụ của cánh rừng văn hoá phương Đông

Năm 1946, Trường Trung học Nguyễn Xuân Ôn lần đầu tiên được thành lập tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Người sáng lập, đồng thời là Hiệu trưởng đầu tiên của trường là GS. Cao Xuân Huy, một trong nhiều danh nhân văn hoá nước ta và là nhà Đông phương học nổi tiếng của thế kỷ XX.

Nhớ ngày khai giảng đầu tiên, học sinh chúng tôi rất cảm phục vì tướng mạo thông minh, vầng trán cao, đôi mắt hiền hoà, giọng nói sang sảng và thấm đượm tình người, lời lẽ mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc của thầy đối với lớp trẻ chúng tôi.

Thầy nói: "Được về quê cha đất tổ dạy học trong tư thế một người giáo viên của đất nước độc lập, tự do còn gì vinh hạnh cho bằng. Để bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà còn non trẻ, chúng ta hãy thúc đẩy lẫn nhau, khích lệ lẫn nhau để thầy và trò cùng thực hiện phương châm khả thủ của nhà giáo dục lớn thời cổ đại Trung Hoa - Khổng Phu Tử: "Mặc nhi chí chi, học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện". Đức Khổng Tử nói: Trẫm mặc suy nghĩ đạo lý để ghi nhớ trong lòng, học không biết chán, dạy người không mỏi".

Là con cháu trong một thế gia vọng tộc ở làng Thịnh Mỹ, xã Cao Xá, phủ Diễn Châu, có một trang viên sầm uất và nổi tiếng về một Long Cương thư viên, từ nhỏ thầy đã vùi đầu vào kho sách của gia đình tắm mình trong gia phong và học vấn, tự tìm tòi phong cách tự học, tự nghiên cứu rất sáng tạo. Thân phụ của thầy là cụ Cao Xuân Tiếu (1865 - 1939) đậu phó bảng, giữ chức Thượng thư hiệp biên đại học sĩ kiêm Tổng tài quốc sư quán của Nam triều. Ông nội của thầy là cử nhân Cao Xuân Dục (1842 - 1923) nhà sử học từng giữ chức Thượng thư Bộ học kiêm Tổng tài quốc sử quán, chủ biên và viết nhiều bộ sách đồ sộ có giá trị lớn như "Đại Nam nhất thống chí", "Quốc triều khoa bảng lục", "Quốc triều chính biên toát yếu", "Quốc triều tiền biên toát yếu".

Tuổi trẻ chúng tôi càng khâm phục và tự hào hơn vì được học với thầy - người Hiệu trưởng tài cao, đức dày, có truyền thống gia phong văn hoá cao đẹp. Thầy Cao Xuân Huy sinh ngày 1.5 năm Canh Tý (tức ngày 28.5.1900). Từ ấu thơ, ông đã được ông nội và cha đẻ dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Năm 1915, khi 15 tuổi, ông đã lều chõng đi thi hương tại trường thi Nghệ An. Thầy vừa học chương trình tiếng Hán vừa học chương trình Pháp Việt tại nhà, thi thành chung tại Huế và đỗ năm 1922. Thầy tiếp tục học Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương và tốt nghiệp năm 1925. Sau đó được bổ về dạy ở Trường Quốc học Huế. Dù được đào luyện trong môi trường gia tộc phú quý nhưng khi đến tuổi thanh niên, Cao Xuân Huy không đi theo con đường làm quan của cha và ông nội mà ham muốn bồi dưỡng đào tạo thế hệ trẻ và tham gia hoạt động cách mạng cứu nước.

Năm 1926, ông gia nhập Đảng Cách mạng Tân Việt ở Huế. Hoạt động của Đảng Cách mạng Tân Việt bị vỡ lở, tháng 1.1927 thầy bị giải chức khỏi ngạch giáo dục, bị đày đi Lao Bảo, rồi năm 1928 bị giải về nhà tù Nghệ An. Mãn hạn tù, thầy trở về Huế làm công cho nhà in Đắc Lập.

Năm 1935, thầy chuyển vào Sài Gòn dạy tư thục Trung học Paul Doumer và Trung học Chấn Thanh. Năm 1938, thầy trở ra Huế dạy tư thục Hồ Đắc Hàm, Việt Anh, Thuận Hóa và tham gia viết báo tiếng Pháp: Revue pédagogique.

Cuộc đời nhà "đạo học" và nhà sư phạm nổi tiếng đó vẫn phải lang thang tìm kiếm việc làm sau 20 năm vất vả (1925 - 1945). Đến Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, thầy mới được sử dụng đúng tài đức của mình. Thầy được chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mời ra Hà Nội dạy Triết học phương Đông. Nhưng trường chỉ tồn tại được 3 tháng, đến cuối năm 1946 phải đóng cửa vì tình hình Việt - Pháp lúc đó trở nên căng thẳng.

Năm 1946, thầy được huyện nhà mời làm Hiệu trưởng trường trung học Nguyễn Xuân Ôn, Diễn Châu, Nghệ An. Thời gian này thầy nỗ lực làm việc gấp hai, gấp ba bình thường - đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như: Hiệu trưởng trường, Giáo viên dạy Văn học và dạy Pháp văn, giáo viên Trường trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng, giáo sư Triết học của lớp Đại học Văn khoa đầu tiên ở vùng Thanh - Nghệ.

Năm 1951, thầy được mời làm Giáo sư Trường Dự bị Đại học Việt Nam tại Thanh Hóa. Từ tháng 12.1954, thầy được điều về Hà Nội giảng dạy môn Triết học phương Đông, môn Logic học và môn Tâm lý học ở Đại học Văn khoa và lớp Đại học Sư phạm Văn khoa, tiền thân của Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm Hà Nội.

Năm 1957, thầy được mời sang Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - giảng dạy môn Tâm lý học.

Từ năm 1959 đến năm 1970, thầy dạy môn Hán Nôm và làm Tổ trưởng tổ Hán Nôm của Viện Văn học, là Giáo sư Triết học của lớp Đại học Hán Nôm, thầy được mời là Ủy viên, đồng thời chịu trách nhiệm đào tạo lớp chuyên tu Hán Nôm trên đại học (1972 - 1974).

Trong thời gian ở ban Hán Nôm, thầy được mời thỉnh giảng ở Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Y - Dược Hà Nội, Viện Đông Y Việt Nam.

Năm 1974, thầy nghỉ hưu. Thầy mất tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 22.10.1983, thọ 83 tuổi.

Thầy xứng đáng là một trí thức lão thành cách mạng, một nhà sư phạm mẫu mực, nhà Triết học phương Đông uyên bác của đất nước. Thế mà hồi đó ở vùng quê xứ Nghệ chúng tôi ít ai biết vì thầy rất khiêm tốn, giản dị không nói về công lao thành tích cách mạng của mình, không muốn đề cao các công trình nghiên cứu sáng tạo về nhiều lĩnh vực khoa học của thầy.

Tuổi niên thiếu của chúng tôi được thầy dìu dắt, luyện rèn, chúng tôi mãi mãi khắc cốt ghi lòng.

Thầy đã để lại ấn tượng sâu đậm trong ký ức chúng tôi. Đó là một lương sư đôn hậu và mẫu mực, có kiểu tư duy sâu sắc, tư duy đa tuyến theo chiều sâu, có phương pháp dạy học khải phát trí tuệ của người học, giúp người học am hiểu bài giảng một cách phong phú, sâu sắc, đầy hứng thú mới lạ.

Tư duy đa tuyến theo chiều sâu của thầy có đặc điểm là bao quát, tổng thể với mỗi sự vật, từ đó nắm bắt được bản chất cụ thể và sâu xa của sự vật đó. Tư duy đó xem xét một sự vật trong sự tồn tại tổng thể, không có sự vật tồn tại cô lập, đơn lẻ, phiến diện, không quan hệ chặt chẽ trên nhiều bình diện. Tư duy đó giúp chúng ta suy nghĩ chính xác, nhạy bén, linh hoạt, nhiều chiều, hiệu quả, tối ưu.

Kiểu dạy học của thầy - GS. Cao Xuân Huy đã hướng dẫn chúng tôi từ thuở là học sinh phổ thông đến sau này là sinh viên, giảng viên đại học biết đổi mới phương pháp đào tạo, tự đào tạo, biết chuyển từ tư duy đơn tuyến học theo bài giảng đơn thuần của thầy, của giáo trình sang tư duy đa tuyến, phát huy trí thông minh, ghi nhớ sâu sắc, hiểu rộng kiến thức và vận dụng vào thực tiễn một cách thành thạo. Kiểu tư duy đa tuyến, tư duy độc lập sáng tạo đó rất cần thiết để nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường chúng ta hiện nay.

Hồi tưởng lại những năm 1946 - 1949, những giờ giảng văn của thầy làm sôi động cả lớp, gieo vào tâm hồn niên thiếu những ấn tượng đẹp đẽ, hào hùng của nên văn học nước nhà. Lúc đó chưa có sách giáo khoa, chúng tôi được thầy đọc cho chép các bài như "Hịch tướng sĩ", "Bình ngô đại cáo", những bài thơ trích trong "Chinh phụ ngâm", "Truyện Kiều", thơ Phan Bội Châu, thơ Nguyễn Xuân Ôn và các bài văn, thơ tìm trong báo chí cách mạng... thầy giảng kỹ nghĩa của các từ, ý tứ bài thơ, câu văn, khai thác tác dụng giáo dục của thơ văn cuốn hút chúng tôi nghe như nuốt từng lời, mê say lâng lâng khi thầy rọi vào tâm hồn chúng tôi những ý tưởng mới, xúc cảm nồng thắm. Phong cách giảng văn của thầy có tác dụng hướng dẫn quá trình dạy học văn học của chúng tôi mãi mãi về sau.

Giảng về từ "nhân đạo" thầy viết lên bảng chữ nhân hán tự và cắt nghĩa theo kiểu chiết tự thật là sâu sắc, thật là thú vị và rất kỳ lạ.

Thầy giảng: "Đạo đức con người xoay quanh chữ nhân. Đó là tình cảm, là tình con người, khác với loài thú vật". Chữ nhân bao gồm chữ "nhân" là người bên trái, chữ "nhị" là hai bên phải. Nhân là tình cảm nối kết, gắn bó giữa hai người. Có hòa hợp giữa người này với người khác mới thành nhân. Có thấu hiểu bản thân, thông cảm với người khác mới thành nhân.

Trên chữ "nhị" là trời thiên mệnh

Dưới chữ "nhị" là đấtđịa linh.

Con người phải nhân hòa, thông thiên đạt địa mới có nhân, mới mưu sự nghiệp đem lại hạnh phúc cho con người. Do đó nhân và trí gắn bó với nhau.

Rồi thầy đặt câu hỏi cho chúng tôi: Trong gia đình chữ nhân thể hiện ở quan hệ như thế nào?

Con đối xử tốt với cha mẹ là nhân, là hiếu. Anh chị em đối xử tốt với nhau là nhân, là đễ. Học trò đối xử tốt với với thầy là nhân, là tôn sư trọng đạo. Học trò đối xử với nhau tốt là nhân, là tình bằng hữu, tình đồng môn.

Chỉ một chữ nhân thôi, thầy đã giúp chúng tôi mở mang trí tuệ, hiểu rõ mối quan hệ ứng xử giữa người với người thật là phong phú, đa dạng.

Thầy kết luận: "Nhân là lòng thương yêu con người, hết lòng thương yêu cha mẹ, anh chị em, bạn bè, đồng chí đồng bào. Nhân là sẵn sàng chịu khổ trước thiên hạ, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ, giàu sang không ham muốn, cực khổ không chuyển lay, uy vũ không khuất phục".

Sau 4 năm làm chiến sĩ của Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, tham gia một số chiến trường, mắt tôi bị cận thị, tôi được về học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tôi lại may mắn được nghe thầy giảng về Tâm lý học và học theo "Giảng cảo tâm lý học" của thầy in rônêô từ những năm 1956 - 1957. Tôi càng thấm nhuần tính chất trí tuệ, màu sắc tâm lý sinh động và bản sắc dân tộc đậm đà trong những trang giảng cảo nét chữ đã phai mờ.

Thầy đặt trách nhiệm cho sinh viên sư phạm, cho các thanh niên phải làm gương cho các em thiếu nhi làm theo ngay trên lớp, ra ngoài đường, trong gia đình, ngoài xã hội. Phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm!

Rồi thầy im lặng hồi lâu, trẫm tĩnh nhìn chúng tôi, không nói nhưng thực ra lại nói rất nhiều với chúng tôi bằng ngôn ngữ thầm lặng và tấm gương đạo đức trong sáng của thầy.

Được học Khoa Ngữ văn rồi Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi được nghe giảng và đọc các giáo trình của thầy về vai trò quan trọng của Khổng Tử, Lão Tử, sách chu dịch trong lịch sử triết học Trung Hoa, những yếu tố tích cực trong tư tưởng Phật giáo Thiền tông ở Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản. Chúng tôi đọc mãi mà vẫn chưa lĩnh hội được các tri thức sâu sắc đó. Thầy không chỉ uyên bác về tri thức Trung Hoa, về tư tưởng phương Đông mà còn nắm chắc thành tựu văn hóa dân tộc trên cả bình diện lịch sử tư tưởng, lịch sử văn học, sử học và đã đóng góp rất quý báu trong việc phát triển và xác lập những giá trị đặc trưng Việt Nam ở các nhà tư tưởng, nhà văn hóa từ các vị thiền học đời Lý, đến Trần Thái Tông, Tuệ trung thượng sĩ, Lê Quý Đôn, vua Tự Đức, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Đức Đạt, Nguyễn Trường Tộ...

Thầy còn tham gia chỉ đạo khảo dịch, hiệu đính, viết lời giới thiệu cho các tác phẩm nổi tiếng về triết học và văn học cổ được xuất bản trước đây như: "Khóa hư lục" của Trần Thái Tông, "Thơ Thiền" của Tuệ Trung Thượng sĩ; hiệu đính bài dịch "Vân đài loại ngữ" của Lê Quý Đôn, Bản dịch "Đông Chu liệt quốc" của Phan Kế Bính; chủ trì tuyển dịch "Liêu trai chí dị" của Bồ Tùng Linh; "Trúc lâm tông chi nguyên thanh" của Ngô Thì Nhậm; thầy còn hiệu đính cuốn "Nguồn gốc loài hoa" của Darwin…

Một loạt giảng cảo, giáo trình có giá trị của thầy đã giúp sinh viên, giảng viên, nhà khoa học học tập và nghiên cứu như: Giảng cảo về Logic học, Tâm lý học (1956 - 1957), giảng cảo về Hán Nôm cho lớp Đại học Hán Nôm (1965 - 1968), giáo trình Hán Nôm và giáo trình Triết học phương Đông cho sinh viên Trường Đại học Văn khoa...

Cuốn sách "Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu" của GS. Cao Xuân Huy do học trò cũ của ông - GS. Huệ Chi chủ biên năm 1995 - sau 12 năm thầy đi vào cõi vĩnh hằng. Tác phẩm đó thể hiện bản lĩnh triết học và tầm vóc học thuật vững vàng và sáng tạo của thầy. Đọc kỹ "Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu" chúng ta càng nhận ra được những tư tưởng phi thường, những luận điểm sắc bén những kiến giải sinh động có giá trị định hướng cho nhà nghiên cứu (về mặt phương pháp luận). Thầy đã nêu ra những vấn đề triết học trọng đại: bản thể luận và nhận thức luận về vũ trụ.

Nói về cốt cách dân tộc đã thắng được hoàn cảnh thiên nhiên ác liệt, thắng được cái sức đồng hóa, kinh khủng của một dân tộc khổng lồ thầy đã nêu một giả thiết mà thầy đã ấp ủ từ lâu rằng: "Đó là nhờ ở chỗ dân tộc ta có các đặc tính mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt, lưu động như nước". Sức sống của nước là nguồn, sức mạnh của nước là ở chỗ có rất nhiều hạt nhỏ kết lại với nhau một cách mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt, lưu động, có thể uốn theo đường cong, đường thẳng, chỗ lồi, chỗ lõm của đối tượng, đối phương của kẻ địch để đánh phá nó... Đó là khả năng thích ứng vô hạn của nó mà chính cái khả năng thích ứng đó là cái ưu việt, cái bí quyết tồn tại của dân tộc ta...

Thật là một giả thiết tuyệt vời của thầy nêu ra và đã được lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước ta minh chứng và khẳng định.

Nhân dân ta cũng như các nhà khoa học, nhà văn hóa Việt Nam, thế hệ trẻ Việt Nam đều học được ở thầy niềm đam mê tìm tòi nghiên cứu di sản văn hóa tổ tiên, khả năng tự học một cách say mê, thông minh, sáng tạo, nắm vững phương pháp luận nghiên cứu khoa học, phương pháp tư duy độc lập để từ một nhà giáo có trình độ Cao đẳng Sư phạm, thầy đã trở thành cây đa, cây đề của trí tuệ Việt Nam cũng như của phương Đông.

Ở Việt Nam, thầy được tôn vinh là danh nhân văn hóa Việt Nam thế kỷ XX. Về Hán - Việt học, nhiều thế hệ các nhà khoa học đã tôn vinh thầy là vị sư biểu của nền Hán học Việt Nam hiện đại.

GS. Đặng Thai Mai, nhà lão thành cách mạng và nhà văn hóa nổi tiếng của nước ta cũng tỏ lời khâm phục: "Ở Việt Nam không ai hiểu học thuyết Lão Trang sâu sắc hơn cụ Huy".

Viện sĩ Ayđơlin (Liên Xô) sau mấy ngày làm việc với thầy đã thốt lên kinh ngạc: "Những nhà Trung Quốc học như cụ Cao Xuân Huy ở trên thế giới chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay!".

Các công trình khoa học của thầy đã được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, thật là một niềm vinh dự lớn lao! Thành phố Hồ Chí Minh lại có đường phố Cao Xuân Huy khắc ghi công lao của thầy, góp phần làm đẹp thêm phong cảnh thành phố.

Suy nghĩ về công ơn cách mạng, thầy viết: "Nói cho cùng, nếu không có cách mạng thì mong ước của anh em chúng tôi dù tốt đẹp đến đâu, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng khó lòng thực hiện. Cách mạng đã giải phóng cho chúng tôi, đem lại cho chúng tôi cái sở thích lớn nhất trong đời là tìm tòi, nghiên cứu di sản tinh thần của cha ông".

Về trách nhiệm và vinh dự của người thầy giáo trong chế độ ta thầy viết: "Cách mạng đã giao tận tay chúng tôi cả một thế hệ trẻ, cái thế hệ xứng đáng là "hậu sinh khả uý" để chúng tôi đào tạo, dẫn dắt, trao lại tất cả vốn liếng sở đắc của mình" "Đắc thiên hạ anh tài nhi giáo dục chi", tìm được kẻ anh tài trong thiên hạ mà dạy dỗ họ - Cái diễm phúc ấy không phải là dễ mà có... thì ngày nay là một việc thường thấy".

Chúng tôi, học trò cũ của thầy nay đã quá tuổi "cổ lai hy", mái tóc đã bạc phơ vì trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ bất khuất. Vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội (16/5/1906 - 16/5/2006), chúng tôi ngồi lại, suy nghĩ, tưởng nhớ hương hồn thầy tôn kính, học tập tấm gương cao đẹp của thầy và muốn truyền đạt lại cho con cháu về thầy - nhà sư phạm mẫu mực, nhà tư tưởng uyên bác, một tấm hồn "ái ưu vằng vặc lo dân nước", một nhà văn hoá, đại diện cho một tầng lớp trí thức, biết dứt bỏ vinh hoa phú quý, không màng danh lợi, dũng cảm tham gia hoạt động cách mạng chống thực dân Pháp, tích cực tham gia kháng chiến, kiến quốc, xây dựng nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần đào tạo thế hệ trẻ thành những nhà khoa học, những cán bộ và những công dân tích cực, hữu ích cho đất nước.

GS. Cao Xuân Huy, một trí tuệ trác việt, một triết lý nhân sinh cao đẹp, một trí thức lão thành cách mạng, nhà sư phạm mẫu mực, nhà tư tưởng uyên bác, cây cổ thụ trong cánh rừng văn hoá phương Đông./.

Nguyễn Như An [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» Nguyễn Văn Huyên - Nhà bác học cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp khoa học và giáo dục nước nhà(*)
» PGS.TS Trần Đình Hượu - Nửa thế kỷ tìm biết với những niềm khắc khoải tri thức
» GS. Đinh Gia Khánh - Người thầy của những khởi đầu
» GS. Trần Văn Khê - Nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống làm vinh danh nước Việt
» GS. Ngụy Như Kontum - Thầy hiệu trưởng trường tôi năm ấy
» GS. Lê Đình Kỵ - Người thầy tài hoa nghệ sĩ
» GS. NGND Vũ Đình Liên: Thầy giáo tiếng Pháp với bài thơ "ông Đồ"
» GS.NGND Phan Huy Lê, một chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam
» GS. Lê Đức Tố - nhà Hải dương học hàng đầu Việt Nam
» Trần Văn Giàu - Nhà cách mạng tiêu biểu, học giả lớn, một nhân cách lớn
» GS. Nguyễn Khánh Toàn - nhà kiến trúc sư trong giai đoạn đầu của nền giáo dục cách mạng
» GS.NGND Đào Văn Tiến - nhà giáo vệ quốc đoàn
» Võ Nguyên Giáp, cựu sinh viên Trường Luật - Đại học Đông Dương
» Hoàng Kim Giao - Chiến sĩ phá bom nổ chậm - Cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội(*)
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn