Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 28 Tháng 3 Năm 2024    Số người truy cập: 960003
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
GS. Đinh Gia Khánh - Người thầy của những khởi đầu

Lỗ Tấn đã từng nói: "Trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi".

Tôi nghĩ trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học cũng vậy. Có những lĩnh vực, khi người nghiên cứu khởi nghiệp, nó chưa từng (hoặc gần như chưa từng) được ai rẽ lối đi vào. Khoa nghiên cứu văn học dân gian, văn học trung đại và văn hoá dân gian Việt Nam sau năm 1945 là những mảnh đất còn để ngỏ. Nó cần lắm một con đường và hơn cả là một người mở đường tài năng và tâm huyết. GS. Đinh Gia Khánh là một người như thế và ông đã trở thành một người mở đường xuất sắc vào kho tàng văn học - văn hoá truyền thống của nước nhà.

GS. Đinh Gia Khánh sinh ngày 25.12.1924, tại Thái Bình nhưng xã Lạc Khoái, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình là quê gốc của ông. Trước Cách mạng tháng Tám 1945 ông tốt nghiệp Thành chung rồi tốt nghiệp tú tài Ban Sinh ngữ tại trường Bưởi. Đang học dở năm thứ nhất Đại học Luật thì cách mạng thành công, anh sinh viên Đinh Gia Khánh đi theo cách mạng và cũng từ đấy gắn bó đời mình với sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp nghiên cứu văn học dân tộc. Ra đi từ trường Bưởi, tháng 9.1945 ông quay lại đây làm Giáo sư trung học giảng dạy Triết học và tiếng Anh, cho tới khi kháng chiến bùng nổ (12.1946). Tạm biệt mái trường, ông đã cùng mọi người bước vào cuộc kháng chiến vĩ đại với một niềm tin tất thắng. Người thầy giáo trẻ Đinh Gia Khánh đã từng có một thời gian làm báo tại trung đoàn Thăng Long. Như một duyên nghiệp, tháng 4.1947 ông nhận nhiệm vụ giảng dạy tại Trường Trung học Hàn Thuyên (Bắc Ninh) và cuộc đời ông gắn bó với nghề giáo từ đó tới tận sau này. Đối với một thầy giáo mới vào nghề, một tấm lòng nhân hậu và một khối óc hiếu học là điều không thể thiếu, thầy giáo trẻ Đinh Gia Khánh có đủ hai phẩm chất đó và đấy chính là một trong những nền tảng làm nên bệ đỡ khoa học cho ông trong đời nghiên cứu của mình. Năm 1951, ông sang dạy tại Trường Sư phạm tại Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc. Từ tháng 9.1956, ông về giảng dạy văn học và Hán Nôm tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN) và gắn bó với nơi này, trở thành một trong những giáo sư tài năng, uyên bác, vươn lên nhờ tự học và có tuổi nghề bằng với tuổi của nước Việt Nam độc lập - một điều không phải ai cũng có được. Khi tốt nghiệp trung học, ông đã rất giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp và sau này còn tự học thêm tiếng Nga, tiếng Đức ở một mức độ nhất định làm công cụ thu nạp tinh hoa văn hóa nhân loại. Vốn Hán học của ông, dù là tự học, nhưng thuộc lớp những người uyên thâm nhất ở nước ta sau hoà bình lập lại. Năm 1980, ông được phong học hàm Giáo sư ngành Văn học dân gian, mà học trò vẫn thích gọi ông là "giáo sư kép", bởi trên lĩnh vực Văn học - Văn hoá dân gian hay Văn học trung đại ông đều rất xứng đáng với học hàm này. Trước khi nghỉ hưu (1999), ông đã từng làm chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia. Dù ở cương vị nào ông cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Ông không chỉ là nhà nghiên cứu với các công trình có tính chất gợi mở, là nhà giáo đào tạo cho đất nước nhiều thế hệ cán bộ khoa học tài năng mà còn là một nhà quản lý khoa học trong vai trò người sáng lập Viện nghiên cứu văn hoá dân gian và tạp chí Văn hoá dân gian, nơi ông nhiều năm giữ cương vị Viện trưởng (1984 - 1986) và Tổng biên tập (1983 - 1991). Trong sự nghiệp của ông, ẩn đằng sau những trước tác đồ sộ và giá trị, là cả một tình yêu sâu sắc đối với di sản văn học - văn hoá mà người xưa để lại. Ông đã viết đầy tự hào rằng: "Chúng ta là như thế này đây mà không phải là như thế nào khác, chính là vì đã có truyện Lạc Long Quân - Âu Cơ đẻ ra một bọc trăm trứng nở trăm con, Sơn Tinh chiến thắng Thuỷ Tinh, truyện Thánh Gióng đuổi giặc Ân, Thạch Sanh bắn đại bàng, cô Tấm sống lại từ cõi chết; chính là vì đã có hát xoan, hát văn, hát lý, hát quan họ, hát phường vải...; chính là vì đã có thơ của Lý Thường Kiệt, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Chu An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát; chính là vì đã có Hịch tướng sĩ văn của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Hịch Tây Sơn của Nguyễn Huệ; chính là vì đã có Đường kách mệnh và Bản án chế độ thực dân Pháp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ". Bên cạnh tài năng, hẳn sẽ không có một học giả lớn nếu thiếu một tình yêu, một lòng tự hào như thế.

Trong suốt những năm tháng GS. Đinh Gia Khánh giảng dạy và nghiên cứu dưới mái trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ấn tượng sâu sắc ông để lại trong bao thế hệ học trò là vóc người cao gầy, mảnh khảnh, giọng nói nhanh và dáng đi vội vã như chạy đua với thời gian và công việc. Tấm lòng nhân hậu của ông được nhiều người noi theo để tự sửa mình nhưng khả năng làm việc với cường độ cao như ông thì ít người theo kịp. Ông nghiêm khắc với bản thân và là một người "khổ học". Ngoài giờ lên lớp, soạn bài, chấm bài, không lúc nào ông không ngồi bên bàn mải mê đọc, ghi chép và viết. Trong trường hợp bất khả kháng, như có hội nghị ông không quan tâm nhưng lại không thể vắng mặt, ông xếp giấy đặt bút viết ngay tại hội trường và khi hội nghị kết thúc thì bài viết cũng hoàn thành. Khả năng làm việc của ông còn thể hiện trong các công trình tập thể, tập hợp sức lực cống hiến của nhiều người mà trong đó ông giữ vai trò quy tụ, chỉ đạo bằng uy tín khoa học và khả năng tập hợp đội ngũ của mình. Với kiến thức uyên bác bao trùm nhiều lĩnh vực, khi Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia) chủ trương biên soạn và xuất bản "Tổng tập văn học Việt Nam" - bộ tùng thư bề thế của thời đại - do ông đề xuất, ông được cử làm Tổng chủ biên và sau gần 25 năm làm việc miệt mài trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, cách đây 5 năm bộ sách đã được xuất bản trọn bộ 42 tập (ôm trùm suốt 10 thế kỷ văn học viết nước ta cho đến năm 1945). Đây là bộ sách biên soạn công phu, có tính hệ thống và khoa học nhất từ trước đến nay. Là một nhà khoa học có uy tín, GS. Đinh Gia Khánh luôn cẩn trọng, nghiêm túc, chỉ viết và nói những gì mình biết đến nơi đến chốn. Ông cho rằng: "Một trong những nguyên tắc chúng ta đề ra đối với việc nghiên cứu khoa học là tính hiện đại. Đối với việc nghiên cứu di sản văn học quá khứ của dân tộc, tính hiện đại trước hết là dựa vào phương pháp duy vật lịch sử (…), đặt hiện tượng vào hoàn cảnh lịch sử của nó mà phân tích đánh giá (...), không sa vào lối phân tích (...) lấy những tiêu chuẩn chính trị và xã hội ngày nay để đánh giá con người và sự việc ngày xưa". Là người ham thích cái mới (cả về tư tưởng, lý luận và phương pháp), luôn cập nhật tri thức hiện đại nên dưới ngòi bút của ông, các tác giả - tác phẩm trung đại trở nên gần gũi với đời sống hôm nay hơn. Trong cuộc đời và trong đạo học của mình, GS. Đinh Gia Khánh luôn mang phong cách một người thầy tôn trọng nguyên tắc và đạo lý của chữ tín, chữ lễ, chữ nghĩa của người xưa. Đằng sau tác phong bận rộn, vội vã của ông, những ai đã từng tiếp xúc với bậc thầy đầu ngành của nền giáo dục Việt Nam này mới thấy hết chất trí tuệ, minh triết phương Đông trong con người ông.

Đi vào nghiên cứu văn học - văn hoá truyền thống, GS. Đinh Gia Khánh muốn ôn cố tri tân, từ tầm cao lịch sử nhìn lại di sản quá khứ và thay đổi hệ quy chiếu để tiến tới nhận thức những giá trị này một cách đầy đủ hơn. Từ điều kiện lịch sử và môi trường học thuật đặc thù (là lớp giáo sư đầu ngành và đầu đàn) ông phải xuất phát gần như từ con số không, nâng mình lên ngang tầm nhiệm vụ để biên soạn các bộ giáo trình lịch sử văn học cơ bản. Thời đó, ở Việt Nam chưa có sách giáo trình về lịch sử văn học đúng nghĩa của nó, ông và cộng sự đã phải mày mò vừa làm vừa rút kinh nghiệm để có được 2 bộ giáo trình "Văn học dân gian Việt Nam" và "Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVIII" dày dặn, mỗi bộ trên dưới 2.000 trang. Trong những trang viết mà ông hiểu và yêu một cách sâu sắc đó, ông đã kết hợp tư duy khái quát và tư duy phân tích giúp người đọc nắm vững những tri thức văn học và hơn cả là sự chăm lo đến tính tư tưởng trong từng chi tiết. Nhiều khái niệm, thuật ngữ ông dùng trong đó vẫn được sử dụng rộng rãi và nói như GS. Nguyễn Xuân Kính thì "đây là một thành tựu khó vượt qua về tính chất hoàn chỉnh và tính toàn diện (...) thể hiện ở hệ thống các vấn đề, các chương mục và trong việc phân tích, lý giải từng vấn đề". Trong từng khía cạnh, ông khai thác những vấn đề tưởng như nhỏ hẹp và nâng tầm lên trên cơ sở tổng kết, khái quát từ tính chuyên sâu, điển hình của nó. Hướng nghiên cứu khái quát này đòi hỏi sự kiên trì và vốn văn học sâu rộng, năng lực tư duy tổng hợp mà không phải nhà nghiên cứu nào cũng làm được. Ông có thể khảo tả đến cầu toàn trên từng chi tiết để đưa ra tính vấn đề của đề tài, đưa ra những trang khảo cứu kiểu mẫu cho những nhà khoa học trẻ. Bên cạnh đó, trong các công trình nghiên cứu chuyên sâu như "Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám" ông đã đặt ra nhiều vấn đề mang tính lý thuyết và phương pháp nghiên cứu mới mẻ ở Việt Nam từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Cùng với cuốn "Người anh hùng làng Gióng" của GS. Cao Huy Đỉnh, đây là một thành tựu đáng kể, một cuốn sách đại diện cho cách nghiên cứu đặc trưng thể loại - thẩm mỹ của truyện cổ tích qua việc khảo sát một tác phẩm tiêu biểu đứng đầu.

GS. Đinh Gia Khánh là một người sớm thoát khỏi các nguyên tắc ngữ văn học cổ điển trong việc nhìn nhận, lý giải các hiện tượng, các vấn đề chuyên môn. Ở con người ông, sự nhạy cảm và sự uyên bác như hoà vào làm một. Chính điều này đã làm nên vai trò kiến tạo nổi bật trong sự nghiệp của ông. Với ngành nghiên cứu văn hoá dân gian, cả ở góc độ nghiên cứu, giảng dạy và quản lý ông đều là người mở đường, định hướng và đặt nền móng cho bộ môn khoa học non trẻ này từ khi còn là ý tưởng. Ông như có khả năng "tiên tri tiên giác" khi đưa ra những định đề khuôn mẫu, những hệ vấn đề cơ bản cho ngành văn hoá học. Ngay từ sớm, trong các trang viết, ông đã quan tâm tới các yếu tố đã góp phần tạo nên những giá trị nhân văn tốt đẹp nhất trong con người Việt Nam, bản chất sự phát triển của nền văn hoá dân tộc. Cuốn "Trên đường tìm hiểu văn hoá dân gian" là công trình đạt tới sự khái quát cao, đặt ra các vấn đề lý thuyết và phương pháp luận cho bộ môn này, là sách gối đầu giường cho các nhà nghiên cứu về văn hoá. Việc ông nhìn ra vai trò của văn hoá dân gian trong đời sống hiện đại là sự kế thừa cách nhìn "lấy căn rễ văn hoá từng thời đại làm điểm tựa lý giải vấn đề" trong hai bộ giáo trình mang tính sư phạm - hàn lâm của ông ngày trước. Công trình "Văn hoá dân gian Việt Nam trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á" (1993) có lẽ là công trình đầu tiên ở nước ta đi sâu nghiên cứu vấn đề này. Cảm quan khoa học nhạy bén ấy cũng giúp ông sớm nhìn ra vai trò của nghiên cứu liên ngành để góp phần phân tích, lý giải và nhấn mạnh khía cạnh loại biệt trong một hệ đối tượng được đánh giá. Trong những năm cuối đời, dù tuổi cao nhưng ông vẫn hăng say làm việc với một sự nghiêm túc đáng kính. Ông không thoả mãn với những tri thức đã có, không tự nhốt mình trong lâu đài khoa học mà ông xây dựng lên. Năm 1996, ông cùng với 4 nhà nghiên cứu văn hoá dân gian nữa vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Trong cuộc đời mỗi người thầy, niềm vui lớn nhất là sự trưởng thành của các thế hệ học trò mà mình đã ra công dìu dắt. GS. Đinh Gia Khánh là người được hưởng trọn vẹn niềm vui đó với hàng chục thế hệ học trò của ông lớn lên từ mái Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã góp sức vào công cuộc xây dựng đất nước và trong đó có nhiều người đã thành danh như các giáo sư Bùi Duy Tân, Chu Xuân Diên, Lê Chí Quế, Nguyễn Xuân Kính... và không ít người đã đạt tới trình độ cao trong nghiên cứu và giảng dạy. Các học trò luôn tự hào về ông và nhớ về ông như một điểm tựa về học thuật và tinh thần. Bộ môn văn học Việt Nam cổ đại - cận đại - dân gian thường ít người muốn theo vì khó và khô nhưng ông rất có tài biến chúng thành những câu chuyện, những bài giảng dễ hiểu, dễ nhớ. Ông cứ ung dung chắp tay, đi đi lại lại đối thoại với sinh viên mà không dùng đến tài liệu, giáo án. Những bài giảng đó bao giờ cũng sâu sắc và đầy phát hiện, được diễn đạt bằng một lối nói hóm hỉnh, thông minh và súc tích khiến cho sinh viên có cảm giác "giờ thầy dạy bao giờ cũng trôi đi rất nhanh và lần nào đứng lên chào thầy chúng tôi cũng có cảm giác tiếc rẻ thèm thuồng" (Trần Bảo Hưng). Tuy nhiên, ông cuốn hút và hấp dẫn sinh viên bằng trí tuệ uyên bác và bằng cả tấm lòng tận tụy, yêu nghề, yêu trò hết mực. Ông luôn trẻ mãi trong mắt học trò vì đã sống đúng với phương châm "Chỉ có tri thức là không bao giờ chịu già" và bí quyết "Để trẻ mãi, mỗi ngày nên học một điều mới". Ông là đại biểu của tinh thần "Thu lấy tinh hoa nghìn bộ sách - Truyền cho tử đệ bốn phương trời" như GS. Vũ Khiêu từng ca ngợi. Như một dòng sông chở nặng phù sa tri thức nhưng suốt đời ông sống khiêm tốn, giản dị, thậm chí ẩn mình sau các công trình khoa học. Không ồn ào, ông chỉ lặng lẽ với một văn phong hấp dẫn có sự nâng đỡ của tri thức và tâm hồn để chinh phục người đọc, người nghe. Tên ông đã quen thuộc với bạn nghe đài qua hàng trăm bài về các chủ đề: văn hoá và dân tộc; văn hoá và trí thức trong sự nghiệp giữ nước... mà ông viết.

Ngày 7.5.2003, ông từ trần tại Hà Nội, ngày đó là một cái tang chung của giới nghiên cứu khoa học Việt Nam nói chung và khoa học xã hội - nhân văn nói riêng. Sự ra đi của ông để lại một khoảng trống học thuật mà còn lâu nữa các thế hệ kế tiếp mới có thể bù lấp được. Ông được xem như một cây đại thụ toả bóng suốt nửa thế kỷ qua trong giới khoa học nước nhà mà cho đến nay chưa ai có đủ điều kiện để đánh giá những đóng góp và cống hiến của ông. Vị chủ soái của ngành nghiên cứu văn học truyền thống, một trí thức lớn, một nhà giáo lão thành, một nhà khoa học đầu ngành, một nhà văn hoá lớn đã ra đi nhưng trong tâm trí những người gần gũi và biết về ông, ông mãi là một Người hiền - như nhận xét của GS. Trần Thanh Đạm. Để ghi nhận những cống hiến to lớn của ông, Nhà nước đã phong tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội - nhân văn, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất.... và nhiều danh hiệu cao quý khác. Công trình "Nền văn minh Việt Nam" ông dự định viết vẫn còn dang dở nhưng những di sản tinh thần ông để lại thật lớn lao. Cầm những cuốn sách, những công trình, những bài báo... của ông trên tay, bao thế hệ học trò và bè bạn tưởng chừng ông đang ở đâu đây, gần gũi và khiêm nhường như hồi ông còn sống, trong vị trí của người "mở đường", kiến tạo.../.

Trần Nho Thìn - Phạm Văn Hưng [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» GS. Trần Văn Khê - Nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống làm vinh danh nước Việt
» GS. Ngụy Như Kontum - Thầy hiệu trưởng trường tôi năm ấy
» GS. Lê Đình Kỵ - Người thầy tài hoa nghệ sĩ
» GS. NGND Vũ Đình Liên: Thầy giáo tiếng Pháp với bài thơ "ông Đồ"
» GS.NGND Phan Huy Lê, một chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam
» GS. Lê Đức Tố - nhà Hải dương học hàng đầu Việt Nam
» Trần Văn Giàu - Nhà cách mạng tiêu biểu, học giả lớn, một nhân cách lớn
» GS. Nguyễn Khánh Toàn - nhà kiến trúc sư trong giai đoạn đầu của nền giáo dục cách mạng
» GS.NGND Đào Văn Tiến - nhà giáo vệ quốc đoàn
» Võ Nguyên Giáp, cựu sinh viên Trường Luật - Đại học Đông Dương
» Hoàng Kim Giao - Chiến sĩ phá bom nổ chậm - Cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội(*)
» GS.TSKH Nguyễn Duy Tiến - Người dạy xác suất, thống kê của nhiều thế hệ sinh viên ĐHQGHN
» GS. Dương Hữu Thời - Người thầy, nhà khoa học, người kỹ sư mang bí danh "Phương Thanh"
» Đại sứ Fredesmán Turró González
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn