Vừa qua, Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” và Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức lễ trao Giải thưởng “Mãi mãi tuổi 20” năm 2006 cho 4 tập thể, 3 cá nhân và 3 nhóm cá nhân. Anh Lưu Quang Hưng, cán bộ Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN cùng chị Nguyễn Thị Thu Hà, giảng viên Đại học Y Hà Nội là 1 trong 3 nhóm cá nhân đã vinh dự được trao giải thưởng năm nay. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với anh Lưu Quang Hưng.
PV: Chúc mừng anh đã được trao Giải thưởng “Mãi mãi tuổi 20” năm 2006. Xin anh cho biết đôi điều suy nghĩ khi được nhận giải thưởng này?
NCS. Lưu Quang Hưng: Giải thưởng “Mãi mãi tuổi 20” được lập ra bởi Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”. Mục đích chính của Quỹ là “động viên, biểu dương những tài năng trẻ trên mọi lĩnh vực, đồng thời góp phần giáo dục lý tưởng sống và tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay”. Giải thưởng “Mãi mãi tuổi 20” được trao tặng hằng năm cho những người trẻ tuổi xuất sắc nhất. Đó là những công dân Việt Nam trong độ tuổi 20 (dưới 30 tuổi). Họ là những người có thành tích đặc biệt trong các lĩnh vực: văn học - nghệ thuật, an ninh - quốc phòng, khoa học - giáo dục, doanh nghiệp... được xã hội công nhận. Năm 2006 có 42 cá nhân và tập thể được các cơ quan báo chí truyền hình, các bộ ngành đề cử. Mình may mắn là một trong 10 cá nhân và tập thể được trao giải thưởng ấy (cười). Thú thật, tâm lý của mình trong bất kỳ chuyện gì cũng thoải mái, dù được hay không được trao thì mình vẫn cần phấn đấu hết sức. Nên lúc biết tin mình được giải thông qua một anh nhà báo thì cũng thấy vui vui thôi, chứ không bất ngờ. Mình cũng không biết quỹ có “lọt lưới” không, vì mình thấy nhiều gương mặt trẻ còn xứng đáng hơn mình nhiều (hì hì…).
|
Lưu Quang Hưng (thứ hai từ trái sang) tại lễ trao giải thưởng Mãi mãi tuổi 20. | PV: Anh có thể kể lại quá trình học tập của mình được chăng?
NCS. Lưu Quang Hưng: Hồi nhỏ, học cấp I và cấp II nhà mình chuyển chỗ ở rất nhiều lần. Mỗi lần chuyển nhà là một lần chuyển trường. Lên cấp III mình học Trường PTTH Thăng Long. Vào thẳng đại học do kết quả thi tốt nghiệp cao, mình đăng ký vào hệ đào tạo CNKHTN của Khoa Toán - Cơ - Tin học. Thời gian đầu học tập đối với mình vất vả lắm, vì trong số 55 bạn trong lớp thì duy nhất mình là chưa từng qua một trường chuyên nào cả. Sau riết rồi cũng quen, cũng cố gắng có kết quả tốt từng học kỳ. Đến khi ra trường thì kết quả học tập cũng không đến nỗi tệ (cười).
Khi còn học đại học, mình cũng được các thầy trong Khoa và Bộ môn hướng dẫn nghiên cứu tận tình. Năm cuối mình đạt giải nhì Giải thưởng sinh viên NCKH cấp Khoa Toán - Cơ - Tin học và giải ba cấp trường. Yêu cầu học tập ở hệ đào tạo CNKHTN rất vất vả, chỉ cần một môn học dưới 5 điểm, hoặc trung bình một kỳ dưới 7,0 là “out” ngay. Học đại học tốt cần có hai “bí kíp”. Thứ nhất, phải có động lực học tập mạnh mẽ. Nếu không những nhu cầu khác của cuộc sống sẽ cuốn bạn đi. Thứ hai, phải có tìm ra phương pháp học tập phù hợp với mình và lao động cần mẫn. Tuy thế, mình vẫn dành thời gian tham gia hoạt động Đoàn và phong trào sinh viên. Chúng giúp mình cứng cáp lên rất nhiều. Mình “có bộ sưu tập” (cười) khoảng 9-10 bằng khen các cấp, cái đầu tiên những năm đại học là Giải thưởng Sao tháng Giêng, cái cuối cùng những năm sinh viên là Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN. Là sinh viên hệ đào tạo CNKHTN, các kỳ mình đều được nhận học bổng khuyến khích học tập. Mình cũng giành được một số học bổng của các quỹ “Recontre du Vietnam”, “Alantic DDP”.
PV: Anh đã chinh phục được nhiều học bổng khác nhau và cả giải thưởng “ý tưởng sáng tạo vì sự phát triển Thủ đô”. Vậy bí quyết nào khiến anh đạt được những thành công đó?
NCS. Lưu Quang Hưng: Bí quyết của mình là sống cần có đam mê. Đam mê sẽ luôn thúc đẩy chúng ta hoàn thành công việc với chất lượng cao nhất, đồng thời tạo động lực giúp vượt qua mọi khó khăn. Đam mê không ở đâu xa cả, đơn giản là hãy làm những gì mình yêu thích và hãy yêu thích những gì mình đang làm với một niềm tin mạnh mẽ vào sự thành công và lợi ích nó mang lại cho mọi người xung quanh ta. Đam mê có thể hình thành từ nhỏ, nhưng cũng có thể do chúng ta rèn giũa mà thành. Khi chúng ta làm việc chăm chỉ với niềm đam mê, nhất định không sớm thì muộn thành công sẽ đến. Steve Jobs chẳng hạn, ông đam mê với những sản phẩm công nghệ hoàn hảo, và bây giờ cả thế giới biết đến các sản phẩm như máy tính Macintosh hay máy nghe nhạc iPod. Đam mê của Bill Gates là viết nên những hệ thống mạnh mẽ thân thiện để người dùng biết rất ít về kỹ thuật cũng sử dụng được máy tính, ông còn thuyết phục người bạn đồng sáng lập Microsoft Paul Allen chỉ tập trung vào phần mềm, kết quả là các sản phẩm của ông như hệ điều hành Windows, bộ phận mềm văn phòng Office được cài hầu như trên mọi máy tính.
PV: Tại sao anh chọn Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐHKHTN làm nơi trang bị cho hành trang tri thức của mình?
|
Hoạt động tình nguyện là niềm say mê của Lưu Quang Hưng (thứ nhất từ trái sang). | NCS. Lưu Quang Hưng: À! Chuyện là thế này. Từ bé mình đã thích học các môn khoa học tự nhiên rồi, nên lớn lên cũng muốn vào học một trường đại học kỹ thuật nào đó. Một lần tình cờ mình có đọc một cuốn sách về bất đẳng thức rất hay, mang về nhà hỏi bố thì biết sách do các thầy Trường ĐHKHTN viết. Từ ấy là thích. Sau theo dõi báo đài, thấy là năm nào thi học quốc tế cũng thấy có tên học sinh chuyên Toán - Tin, thì mình càng mê hơn. Thêm nữa, cả hai chị họ của mình đều học Toán - Tin cả; hai chị ấy đều bảo học ở Khoa Toán - Cơ - Tin học “phê” nhưng khó. Khó thì mình không sợ! Thế là mình đăng ký thôi. Môi trường học tập cạnh tranh và lành mạnh, sách vở giáo trình đầy đủ, cộng với bọn mình được rất nhiều thầy giỏi trực tiếp giảng dạy như GS. Nguyễn Duy Tiến, GS. Nguyễn Hữu Việt Hưng, GS. Đào Huy Bích, GS. Phạm Kỳ Anh, GS. Đàm Trung Đồn. Đến bây giờ vào học rồi, mình mới thấm thía rằng đó là quyết định đúng đắn nhất trong đời học sinh của mình.
PV: Công việc của anh hiện nay là gì? Anh tâm đắc điều gì nhất?
NCS. Lưu Quang Hưng: Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2004, được chuyển tiếp nghiên cứu sinh, mình xin ở lại Khoa Toán - Cơ - Tin học công tác. Công việc chính của mình là giảng dạy và nghiên cứu ở Bộ môn Cơ học. Học kỳ tới mình được phân công dạy hai lớp, gồm chữa bài tập môn Giải tích I + IIA và dạy Cơ học lý thuyết. Do vừa học, vừa nghiên cứu, vừa giảng dạy nên cũng tương đối vất vả. Đơn cử việc học, mình cũng còn nhiều chuyên đề chưa hoàn thành lắm, phải chạy nước rút thôi (cười). Ngoài ra, mình cũng tham gia nghiên cứu theo đề tài của thầy hướng dẫn. Đó là những công việc chính mà mình dành nhiều thời gian nhất. Ngoài công tác chuyên môn, mình còn tham gia dự án triển khai eLearning trong học tập, giảng dạy của nhà trường, bao gồm xây dựng Phòng đọc điện tử và đào tạo eLearning cho giáo viên chuyên. Thời gian còn lại mình dành cho Chi bộ Sinh viên, nơi mình được giao trọng trách Bí thư và cho Nội san Sinh viên 334 của trường.
PV: Được biết, tại buổi gặp mặt các ứng viên giải thưởng “Mãi mãi tuổi 20”, mọi người bảo anh là “người tiếp lửa số một của anh Thạc” vì anh học cùng khoa, cùng trường với anh Thạc lại viết báo giỏi. Anh nghĩ sao về điều này?
|
Lưu Quang Hưng (ngồi giữa, hàng thứ nhất) hạnh phúc bên bạn bè. | NCS. Lưu Quang Hưng: Một cách tình cờ mình học sau anh Nguyễn Văn Thạc đúng 30 khoá, cùng trường cùng khoa cùng cả ngành Toán - Cơ. So sánh mình với anh Thạc không biết có phải là khập khiễng quá không, vì anh đã hiến dâng cho Tổ quốc tình yêu, tuổi trẻ, và cả xương máu nữa, trong khi mình chưa có đóng góp gì đáng kể cho quê hương. Dầu vậy mình nghĩ mỗi thời đều có đặc điểm riêng. Cái mình học ở anh Thạc chính là sống có hoài bão và khát vọng cống hiến cho quê hương đất nước. Điều đó sẽ thôi thúc những người trẻ học tập, lao động và sáng tạo. “Trận chiến” của tuổi trẻ tụi mình bây giờ là chiến thắng đói nghèo, chậm phát triển, đưa đất nước phát triển mạnh về kinh tế, trong một tương lai không quá xa trở thành một cường quốc, đảm bảo bền vững và ổn định. Đánh “giặc” bây giờ cần nhiều trí tuệ và sự nhạy bén...
PV: Anh Hưng ơi, nhiều bạn trẻ ĐHQGHN thắc mắc: học “siêu” như anh, hoạt động công tác Đoàn - Hội nhiều như anh thật là tuyệt, nhưng còn nhiều thứ không thể thiếu trong cuộc sống của mình như đi làm thêm và đi tìm… “nửa thứ hai”. Anh có thể tiết lộ cho họ chăng?
|
Đối với Lưu Quang Hưng, có được những phút thư giãn thế này quả là hiếm hoi. | NCS. Lưu Quang Hưng: Kết quả học tập những năm đại học của mình cũng ổn, nhờ đó mà mình có thể tự tin tham gia các hoạt động Đoàn, Hội. Nhưng phải đính chính lại là mình học cũng tàm tạm thôi, chưa thể gọi “siêu” được. Bạn biết đấy ĐHQGHN có rất nhiều học sinh, sinh viên và cả cán bộ trẻ xuất sắc. Ở nước mình có lẽ không có nhiều trường đại học tập trung nhiều người trẻ giỏi như ĐHQGHN đâu. Về vấn đề làm thêm, mình may mắn hơn các bạn sinh viên khác là gia đình ở Hà Nội, các điều kiện học tập cũng thuận lợi hơn. Thú thật là mình cũng chưa đi làm thêm kiếm tiền bao giờ. Hồi sinh viên chỉ dạy phụ đạo cho mấy đứa em họ thôi. Ngay cả bây giờ đi làm rồi, cầm đồng lương 800 ngàn, chi tiêu cho bản thân chưa đủ, nhiều lúc nghĩ cũng thấy chạnh lòng. Bố mẹ nuôi mình bao nhiêu năm rồi, đến khi trưởng thành đi làm lại không phụ giúp được gia đình, nhưng mình cũng hiểu kỳ vọng của bố mẹ. Bây giờ có điều kiện được học tập tốt thì phải tranh thủ học cho đến nơi đến chốn; khi chuyên môn đã vững vàng thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn. Chắc chắn cái “thêm” khi mình có trình độ còn gấp hàng chục lần cái “thêm” mà mình mải mê kiếm hồi sinh viên ấy chứ (cười)... Với lại, nhiều hay ít tiền với mình không quan trọng, vì đã chọn con đường học hành nghiên cứu thì phải chịu thiệt thòi hơn các bạn học khối ngành kinh tế rồi. Quan trọng là mình được làm những gì mình thích, nhất là những thứ đó mang lại giá trị tích cực cho người thân và cộng đồng của mình. Được đọc sách, tìm tòi, nghiên cứu những vấn đề mới mẻ trong chuyên môn là đam mê của mình mà. Còn “nửa thứ hai” cho phép mình được giữ bí mật nhé?
PV: Ra trường năm 2004, và với những công việc hiện nay đang đảm nhiệm ở khoa, ở trường anh có dự định gì cho tương lai?
NCS. Lưu Quang Hưng: Mục tiêu quan trọng nhất trước mắt của mình là có kết quả học tập và nghiên cứu thật tốt. Nó sẽ là cơ sở vững chắc để công việc về sau của mình thuận lợi. Khoa Toán - Cơ - Tin học cũng luôn khuyến khích cán bộ trẻ bọn mình nâng cao trình độ dài hạn ở nước ngoài. Ngoài ra mình sẽ hoàn thành tốt công tác giảng dạy ở trường, cũng như các nhiệm vụ được Đảng uỷ, Khoa và Đoàn thanh niên tín nhiệm phân công.
PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này. Chúc anh gặp nhiều may mắn và toại nguyện trong cuộc sống.
|