Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 26 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 989933
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Sự phát triển của đội ngũ cán bộ nữ Đại học Quốc gia Hà Nội qua các thời kỳ

Gần một nghìn năm dưới chế độ phong kiến, cả nước Việt Nam chỉ có duy nhất một nữ tiến sĩ. Đó là Bà Nguyễn Thị Duệ ở thế kỉ XVI. Bà đã phải đóng giả nam giới mới được dự kỳ thi tiến sĩ và chiếm bảng vàng. Gần một trăm năm dưới chế độ thực dân, cả nước cũng chỉ có một nữ tiến sĩ - Bà Hoàng Thị Nga, bảo vệ luận án Tiến sĩ Vật lý tại đại học Sooc-bon (Paris) năm 1935.

Có thể nói, trong suốt một thời gian dài phụ nữ Việt Nam đã không có nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục, nhất là giáo dục bậc cao. Chính vì vậy, ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công (1945), Đảng và Bác Hồ đã chú trọng đến vấn đề giải phóng phụ nữ và xây dựng một đội ngũ nữ trí thức có trình độ chuyên môn cao. Có thể coi đây là thời điểm đánh dấu sự hình thành đội ngũ các nữ trí thức của Việt Nam đầu tiên, trong đó có những nữ trí thức của ĐHQGHN.

Truyền thống của ĐHQGHN gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của trường đại học đầu tiên ở Việt Nam là Trường Đại học Đông Dương (thời Pháp thuộc), trường Đại học Quốc gia Việt Nam (từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945), Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956 - 1996) và từ 1996 tới nay là Đại học Quốc gia Hà Nội (trong đó bao gồm cả trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội).

Sự phát triển lớn mạnh của ĐHQGHN ngày nay có công lao đóng góp rất lớn của đội ngũ cán bộ nữ, mà đại diện là các nữ Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ. Hiện nay, ĐHQGHN có khoảng 149 GS, PGS, TS nữ (bao gồm cả những chị đã nghỉ hưu) thuộc ĐH KHTN - 32,9%, ĐH KHXH&NV - 24,2%, ĐHNN - 20% và các đơn vị trực thuộc khác - 23,4%.

Trong 149 GS, PGS, TS nữ có 4 GS, 42 PGS, 4 TSKH, 142 TS, các chị đạt học hàm PGS phần nhiều thuộc trường ĐH KHTN - chiếm 52,4%; các chị PGS thuộc trường ĐH KHXH&NV chiếm 19%, các đơn vị trực thuộc (các phòng ban, các Trung tâm và các khoa trực thuộc, trong đó tính cả 1 chị thuộc trường Đại học Công nghệ) chiếm 16,7% và các chị PGS ở trường ĐHNN có tỷ lệ nhỏ nhất, chiếm 9,5%.

Các nữ Tiến sĩ của ĐHQGHN được đào tạo ở nước ngoài chiếm 45,8%, đào tạo trong nước chiếm 54,2%. Xem xét riêng theo từng trường, ĐH KHTN có 52% các nữ tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài. Trong khi đó, tỷ lệ nữ Tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài của ĐH KHXH&NV chỉ chiếm có 26,4%. Riêng ĐHNN, với đặc thù chuyên môn về ngôn ngữ nước ngoài nên tỷ lệ tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài chiếm tương đối lớn - 65%.

Sự trưởng thành của đội ngũ các GS, PGS, TS qua các thời kỳ sẽ là những minh chứng cho sự phát triển và vươn lên mạnh mẽ của đội ngũ cán bộ nữ ĐHQGHN.

Thế hệ đầu tiên của đội ngũ khoa học nữ ĐHQGHN sinh vào khoảng 1930 - 1940. Đó là những nữ GS, PGS, TS tốt nghiệp đại học trong giai đoạn 1950 - 1960. Có thể coi 6 nhà khoa học nữ tiêu biểu cho ĐHQGHN (ĐHTH Hà Nội cũ) thời kỳ này là PGS Văn học Đặng Thị Hạnh; Nhà giáo ưu tú Lê Hồng Sâm; GS.TS Ngôn ngữ Hoàng Thị Châu; PGS Sử học Phạm Thị Tâm; GS.TSKH Sinh học Phạm Thị Trân Châu và GS.TSKH Hóa học Ngô Thị Thuận.

Trưởng thành từ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, bằng nhiều nỗ lực và lòng kiên trì, thế hệ các nhà khoa học nữ đầu tiên của ĐHQGHN đã vươn lên mạnh mẽ, góp tên mình vào đội ngũ các nhà khoa nữ thế hệ đầu của nước Việt Nam độc lập và trở thành những chuyên gia khoa học đầu ngành trong chuyên môn với nhiều công trình khoa học có tiếng vang trong nước và quốc tế. Nhà giáo ưu tú Lê Hồng Sâm đã dịch và xuất bản hơn 16 tác phẩm nổi tiếng của văn học Pháp. PGS Đặng Thị Hạnh vừa viết phê bình, vừa dịch và cho xuất bản hơn 15 cuốn sách của văn học Pháp. Cả hai chị thường làm việc cùng nhau và có công phát triển văn học Pháp vào trường ĐHTH Hà Nội qua việc viết giáo trình, chủ biên sách, giới thiệu và dịch thuật những tác phẩm của tác gia Pháp nổi tiếng như bộ Tấn trò đời của O. Balzac. GS.TS Hoàng Thị Châu - một chuyên gia hàng đầu trong ngành phương ngữ học Việt Nam, chị đã có gần 60 công trình khoa học và đã cho xuất bản 7 cuốn sách (thuộc các lĩnh vực: giáo trình, chuyên luận, từ điển). PGS Phạm Thị Tâm - nữ phó giáo sư sử học đầu tiên của ĐHTH Hà Nội, chị đã cùng GS Hà Văn Tấn biên soạn cuốn sách “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII” được đánh giá rất cao trong giới sử học. GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu - nhà khoa học nữ có thành tựu ấn tượng với hơn 100 công trình khoa học và sách được xuất bản và đã nhận giải thưởng Kovalepxkaia năm 1988 về các nghiên cứu trong lĩnh vực Enzim. GS.TSKH Ngô Thị Thuận - một trong những người phụ nữ đầu tiên được nhận bằng TSKH, chị đã có hơn 100 công trình khoa học và sách nghiên cứu được xuất bản.

Hiện nay, thế hệ các nhà khoa học đầu tiên này đã quá tuổi nghỉ hưu, nhưng các chị vẫn hăng say nghiên cứu và hoạt động có hiểu quả trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Các chị đã biên soạn và xuất bản 65 đầu sách và giáo trình chuyên môn, đã đăng 299 bài báo trong các tạp chí chuyên ngành, sách tham khảo hoặc kỷ yếu hội thảo; chủ trì 31 đề tài các cấp và đã hướng dẫn được 16 thạc sĩ và 27 tiến sĩ. Tính trung bình mỗi nhà khoa học nữ ở thế hệ này đã tham gia biên soạn 10,8 đầu sách, 49,8 bài báo, chủ trì 5,2 đề tài các cấp, hướng dẫn được 2,7 thạc sĩ và 4,5 tiến sĩ. Có thể coi thế hệ I chính là những nhà khoa học hàng đầu đào tạo nên nhiều thế hệ các nhà khoa học không chỉ riêng ở ĐHQGHN mà cả các trường trên cả nước.

Thế hệ thứ hai của các đội ngũ khoa học nữ ĐHQGHN là những chị sinh ra sau những năm 1940, tốt nghiệp đại học ở trong nước (chiếm 32,9%) và ngoài nước (chiếm 61,1%) vào cuối những năm 1960 – 1970. Có đến 70% các chị bảo vệ luận án TS, TSKH ở nước ngoài, chủ yếu ở các nước XHCN như Liên Xô, CHDC Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungari... vào những năm 1970-1980 và được phong học hàm PGS đợt 1991 hoặc 1996. So với thế hệ đầu, thế hệ thứ hai có số lượng về học hàm, học vị đông đảo hơn, chiếm khoảng 20% đội ngũ khoa học nữ toàn ĐHQGHN.

Nhìn chung, các nữ GS, PGS, TS thế hệ hai hầu hết tập trung ở lĩnh vực khoa học tự nhiên (bao gồm các chị thuộc trường ĐH KHTN hoặc các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN) - có 22 chị, chiếm 70,9%. Trường ĐHNN có 7 chị, chiếm 22,6% và trường ĐH KHXH&NV chỉ có 2 chị, chiếm 6,5%.

Nói đến các nhà khoa học nữ tiêu biểu của thế hệ thứ hai, không thể không nhắc tới các chị, như: GS.TS Sinh học Nguyễn Thị Kim Ngân và PGS.TSKH Vật lý Kiều Thị Xin, mỗi chị có hơn 40 công trình nghiên cứu khoa học ở các cấp, các bài báo và các sách đã công bố. PGS.TS Hóa học Lê Viết Kim Ba với 12 công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng, đạt giải thưởng Kovalepxkaia năm 1990 và giải thưởng sáng tạo Khoa học công nghệ năm 1999. PGS.TS Sinh học Nguyễn Thị Chính với hơn 40 công trình nghiên cứu khoa học, sách và giáo trình đã xuất bản và đạt giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ 2003. Trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn, PGS. TS Sử học Lê Thị Quý, giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới và phát triển, thuộc trường ĐH KHXH&NV, với hơn 50 công trình nghiên cứu khoa học, sách và giáo trình đã xuất bản và có hơn 30 bài viết được in trong các sách tham khảo... Còn rất nhiều tên tuổi các nhà khoa học nữ tiêu biểu khác mà chúng tôi không thể liệt kê hết.

Những đóng góp của thế hệ hai trong nghiên cứu khoa học nói riêng và trong sự phát triển của ĐHQGHN nói chung là vô cùng to lớn. Các chị đã biên soạn và xuất bản 58 đầu sách và giáo trình chuyên môn; đã đăng 310 bài báo trong các tạp chí chuyên ngành, sách tham khảo hoặc kỷ yếu hội thảo; chủ trì 67 đề tài các cấp và đã hướng dẫn được 55 thạc sĩ và 28 tiến sĩ. Tính trung bình mỗi nhà khoa học nữ ở thế hệ này đã tham gia biên soạn 2,8 đầu sách, 14,8 bài báo, chủ trì 3,2 đề tài các cấp, hướng dẫn được 2,6 thạc sĩ và 1,3 tiến sĩ.

Thế hệ thứ ba là thế hệ các chị sinh từ 1951 - 1960, đa phần các chị tốt nghiệp đại học trong nước (chiếm tỷ lệ 72,1%) vào thời điểm những năm 1970 - 1980. Gần một nửa thế hệ thứ III được bảo vệ luận án Tiến sĩ trong những năm 1980 - 1990 tại nước ngoài (chiếm 40.1%). So với các thế hệ khác thì thế hệ các chị ít có cơ hội được bảo vệ Tiến sĩ tại nước ngoài nhất

Có một sự phát triển về số lượng các nữ PGS, TS các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở thế hệ thứ ba so với thế hệ thứ hai. Nếu như ở thế hệ thứ hai, các GS, PGS, TS chủ yếu thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên - chiếm 70,9%, thì ở thế hệ thứ ba, các chị thuộc lĩnh vực khoa học này chỉ chiếm tỷ lệ rất ít - 19,2%. Trong khi đó, các nữ PGS, TS thuộc lĩnh vực KHXH&NV chiếm số lượng đông nhất - 57,7%. Điều này phản ánh một sự phát triển không liên tục của đội ngũ nữ tiến sĩ ĐHQGHN, với sự hụt hẫng lớn trong đội ngũ cán bộ nữ có học hàm học vị cao ở lĩnh vực KHTN và sự vươn lên nhanh chóng để khẳng định vị thế của lĩnh vực KHXH&NV.

Đội ngũ các nữ PGS, TS thế hệ thứ ba của ĐHQGHN có 52 chị chiếm 41,7% toàn ĐHQGHN, trong đó có 23 PGS chiếm 54,8% số PGS toàn ĐHQGHN (42 chị). Đây là thế hệ đông đảo nhất trong đội ngũ các nhà khoa học nữ, và thế hệ này đang trong thời kỳ sung sức nhất về mặt nghiên cứu khoa học, làm quản lý cũng như kỹ năng giảng dạy. Có thể kể ra một vài gương mặt tiêu biểu của thế hệ này, như: PGS.TS Sử học Vũ Thị Phụng với 50 công trình khoa học (bao gồm các đề tài làm chủ trì, các bài báo, sách và giáo trình tham gia biên soạn), hiện chị là Phó chủ nhiệm khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng. PGS.TS Tâm lý học Trần Thị Minh Đức với 50 công trình khoa học, hiện chị là chủ nhiệm bộ môn Tâm lý học xã hội, khoa Tâm lý học và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Phụ nữ - ĐHQGHN. PGS.TS Tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Lộc với 30 công trình khoa học, hiện nay chị là Chủ nhiệm khoa Sư Phạm - ĐHQGHN. PGS.TS Hóa học Trần Thị Như Mai với gần 30 công trình khoa học, hiện chị là Phó chủ nhiệm khoa Hóa, ĐH KHTN. PGS TS Ngôn ngữ Nguyễn Thị Việt Thanh với gần 30 công trình khoa học, hiện chị là trưởng ban CT&CT HSSV, ĐHQGHN. TS Khảo cổ học Lâm Thị Mỹ Dung với hơn 100 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành, hiện chị là Giám đốc Bảo tàng Nhân học thuộc trường ĐH KHXH&NV...

Có thể nói các nhà khoa học thuộc thế hệ thứ ba được đào tạo ở thế kỷ XX nhưng đang và sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển khoa học của ĐHQGHN trong thế kỷ XXI. Cho đến nay các chị đã tham gia biên soạn 108 đầu sách và giáo trình chuyên môn, đã đăng 741 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành hoặc kỷ yếu hội thảo, chủ trì 127 đề tài các cấp, hướng dẫn được 158 thạc sĩ và 22 tiến sĩ. Tính trung bình mỗi nhà khoa học nữ ở thế hệ này đã tham gia biên soạn 2,45 đầu sách, 16,8 bài báo, chủ trì 2,9 đề tài các cấp, hướng dẫn 3,6 thạc sĩ và số tiến sĩ đã hướng dẫn là 0,5 người.

Thế hệ thứ tư là thế hệ của các nữ tiến sĩ trẻ, họ là những sinh viên tốt nghiệp đại học từ năm 1990 đến nay, chiếm 32,2% đội ngũ GS, PGS, TS nữ toàn ĐHQGHN (có 37 chị, trong đó có duy nhất 1 PGS, số còn lại là TS). Đây là thế hệ vẫn còn tiếp tục phát triển trong nhiều năm tiếp theo. Xét về tương quan giữa các ngành KHTN, KHXH&NV và Ngoại ngữ thì thế hệ này có sự phát triển đồng đều hơn. Rất nhiều chị được đào tạo ở các nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại như Mỹ, Nhật, Pháp, Úc, Thụy Điển, Anh... Những khó khăn về kinh tế, điều kiện sống và điều kiện làm việc của thế hệ những nhà khoa học nữ lớp trước đã không còn là nỗi lo hàng đầu đối với thế hệ này. Thách thức lớn nhất đối với thế hệ thứ tư của ĐHQGHN là đáp ứng trình độ khoa học của thế kỷ XXI và trở thành những chuyên gia khoa học trong lĩnh vực chuyên môn của mình để khẳng định vai trò kế cận đội ngũ các nhà khoa học nữ thế hệ trước.

Thế hệ I được đánh dấu bằng số lượng không nhiều số GS, PGS, TS nhưng các công trình khoa học mà các chị để lại đã rất đồ sộ, đặc biệt là các sách và giáo trình (xem phần thế hệ I). Trong khi đó, các nữ PGS.TS thuộc thế hệ thứ IV của ĐHQGHN, mặc dù tuổi đời còn trẻ, nhưng các chị cũng đã đạt được những thành tựu khoa học đáng kể (biểu đồ 7). Các chị đã tham gia biên soạn được 64 đầu sách và giáo trình chuyên môn, đăng 416 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành hoặc kỷ yếu hội thảo và chủ trì 22 đề tài các cấp, hướng dẫn được 72 thạc sĩ và 1 tiến sĩ. Tính trung bình mỗi nhà khoa học nữ ở thế hệ này đã tham gia biên soạn 2 đầu sách, đăng 13 bài báo, chủ trì 2,8 đề tài các cấp, hướng dẫn được 2,3 thạc sĩ và 0,2 tiến sĩ.

Độ tuổi trung bình đạt được học vị tiến sĩ của các nhà khoa học nữ toàn ĐHQGHN là tương đối cao - 38 tuổi, và được phong học hàm PGS là 50,7 tuổi. Xét trong từng thế hệ, độ tuổi trung bình đạt học vị và học hàm ở ĐHQGHN đang có xu hướng giảm

Xem xét thời điểm đăng các bài báo khoa học, số liệu cho thấy hơn 40% các chị có ít nhất 5 bài báo khoa học (có một số chị đã đăng trên 20 bài) trước khi bảo vệ luận án Tiến sĩ. Có 30% các GS, PGS,TS có ít nhất 20 bài báo khoa học, trong đó có người viết hơn 100 bài báo. Biểu đồ dưới đây mô tả số lượng trung bình các bài báo viết trước và sau khi đạt học vị Tiến sĩ của các thế hệ.

Bên cạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, nhiều nhà khoa học nữ còn tham gia công tác quản lý, số lượng các chị đã và đang đảm nhiệm các vị trí quản lý ở cấp bộ môn và khoa chiếm 31,9% đội ngũ nữ PGS, TS của ĐHQGHN. Tuy nhiên, nếu xem xét trên toàn bộ đội ngũ cán bộ của ĐHQGHN thì các GS, PGS, TS nữ giữ chức vụ quản lý bộ môn, khoa chỉ chiếm xấp xỉ 2%. Mặt khác, số lượng các chị tham gia công tác quản lý, lãnh đạo đang có xu hướng giảm dần từ thế hệ 1 (50% các chị tham gia công tác quản lý) đến thế hệ 3 (giảm còn 21,2%) và bắt đầu có sự tăng lên trong thế hệ 4

Như vậy, những đóng góp của đội ngũ khoa học nữ đối với sự phát triển của ĐHQGHN nói riêng và toàn bộ đội ngũ cán bộ nữ ĐHQGHN nói chung rất lớn. Có thể tóm tắt những thành tựu khoa học của nữ GS,PGS,TS ĐHQGHN (thống kê trên 104 GS, PGS, TS có hồ sơ).

Sách, giáo trình đã xuất bản : 289 (bao gồm cả viết chung)

Đề tài chủ trì : 323 đề tài

Bài báo khoa học : 1766 bài

Hướng dẫn thành công Thạc sĩ : 301 người

Hướng dẫn thành công Tiến sĩ : 63 người

Đã và đang tham gia quản lý : 37 (cấp bộ môn và khoa)

Với những đóng góp hết mình cho ĐHQGHN, các chị và các tập thể khoa học nữ đã xứng đáng được nhận nhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý, trong đó có các giải thưởng như: giải thưởng Kovalepxcaia về khoa học và các giải thưởng khác của Nhà nước về Khoa học công nghệ, giải thưởng VIFOTEC...

Cuốn sách Nữ Tiến sĩ Đại học Quốc gia Hà Nội do Trung tâm Nghiên cứu về Phụ nữ - ĐHQGHN chủ biên, giới thiệu cùng bạn đọc những gương mặt nữ GS, PGS, TS của ĐHQGHN đúng vào thời điểm kỷ niệm 100 năm Đại học Quốc gia Hà Nội, nhằm tổng kết những hoạt động khoa học của các nhà khoa học nữ (giai đoạn từ năm 1956 - khi bắt đầu hình thành trường ĐHTH Hà Nội), khẳng định sự trưởng thành và khuynh hướng phát triển tất yếu của đội ngũ khoa học nữ trong tương lai. Chúng tôi hy vọng cuốn sách này có thể cung cấp những thông tin vắn tắt về đội ngũ cán bộ nữ của ĐHQGHN trong thời gian qua, nhằm khích lệ đội ngũ nữ tiếp tục vươn lên đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp đào tạo, NCKH với chất lượng cao của ĐHQGHN có bề dày truyền thống.

Các Giáo sư:

Hoàng Thị Châu; Phạm Thị Trân Châu;

Nguyễn Thị Kim Ngân; Ngô Thị Thuận.

Các Phó Giáo sư:

Lê Viết Kim Ba; Nguyễn Thị Chính; Trần Thị Minh Đức; Trần Thị Thái Hà; Đặng Thị Hạnh; Nguyễn Thị Huệ; Lưu Lan Hương; Đào Thanh Lan; Ngô Giang Liên; Trần Thị Mỹ Linh; Nguyễn Thị Mỹ Lộc; Trần Thị Như Mai; Trịnh Thị Hoa Mai; Nguyễn Phương Nga; Vũ Thị Ngân; Nguyễn Thị Bảo Ngọc; Triệu Thị Nguyệt; Nguyễn Thị Hoài NhânNgụy Tuyết Nhung; Vũ Thị Phụng; Nguyễn Thị Quỳ; Lê Thị Quý; Nguyễn Thị Ngọc Quyên; Phạm Thị Tâm; Nguyễn Thị Minh Thái; Đỗ Thị Vân Thanh; Nguyễn Thị Việt Thanh; Lý Hoài Thu; Trương Thị Tiến; Phan Thị Tình; Nguyễn Thị Diễm Trang; Kiều Thị Xin;

Các Tiến sĩ:

Dương Hồng Anh; Nguyễn Hoàng Anh; Nguyễn Thị Quế Anh; Nguyễn Thị Vân Anh; Nguyễn Ngọc Bích; Lê Thị Thanh Bình; Đỗ Thị Châu; Lâm Thị Mỹ Dung; Ngô Thị Thu Dung; Nguyễn Thị Bích Đào; Trần Thị Đệ; Đỗ Thu Hà; Lê Thu Hà; Nguyễn Thị Hà; Nguyễn Thị Thu Hà; Lê Thị Tuyết Hạnh; Nguyễn Thị Hiền; Nguyễn Thị Kim Hoa; Nguyễn Thị Phương Hoa; Trần Thị Hồng; Đỗ Thị Hòa Hới; Đinh Thị Thu Huyền; Cao Thị Thanh Hương; Ngô Thu Hương; Nguyễn Thị Liên Hương; Nguyễn My Hương; Nguyễn Việt Hương; Tô Thị Thu Hương; Đặng Thị Lan; Trịnh Cẩm Lan; Võ Thị Thương Lan; Ngô Giang Liên; Trần Thị Mỹ Linh; Nguyễn Thị Loan; Nguyễn Thị Mỹ Lộc; Nguyễn Thị Hồng Minh; Lê Thiếu Ngân; Nguyễn Thị Hồng Ngọc; Phan Bích Ngọc; Nguyễn Thị Nguyệt; Dương Thị Nụ; Đoàn Thị Minh Oanh; Phạm Thị Oanh; Nguyễn Thị Phương; Trần Thị Quý; Nguyễn Huỳnh Minh Quyên; Đặng Thị Sâm; Đặng Thị Sy; Chu Thị Thanh Tâm; Hà Cẩm Tâm; Nguyễn Thị Minh Tâm; Trần Thị Tâm; Mai Thị Kim Thanh; Phan Phương Thảo; Tạ Thị Thảo; Vũ Phương Thảo; Phạm Thị Thật; Hoàng Anh Thi; Đinh Thị Kim Thoa; Lê Thị Hoài Thu; Nguyễn Thị Hồng Thu; Lê Thị Thu Thủy; Trần Thị Thu Thủy; Nguyễn Thị Thư; Nguyễn Viết Triều Tiên; Trần Thị Chung Toàn; Phạm Thị Trâm; Mai Thị Thanh Xuân; Nguyễn Thị Linh Yên.

(Danh sách này được tính đến tháng 4/2006)

Nguồn: Trung tâm nghiên cứu về phụ nữ, ĐHQGHN [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» TS. Phạm Thị Thật
» TS. Nguyễn Thị Bích Lộc
» PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Nhân
» PGS.TS. Lê Viết Kim Ba
» PGS.TS Triệu Thị Nguyệt
» PGS.TS Nguyễn Thị Chính
» GS.TSKH Ngô Thị Thuận
» PGS.TS Vũ Thị Phụng
» PGS.TS Nguyễn Thị Quỳ
» PGS.TS Lê Thị Quý
» PGS. TS. Trần Thị Minh Đức
» PGS. Phạm Thị Tâm
» PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái
» PGS.TS. Trần Thị Thái Hà
» PGS. Đặng Thị Hạnh
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn