Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 20 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 985147
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Tại sao tôi lại đến Việt Nam?

Thật khó để mô tả bằng vài lời về những gì tôi đã từng trải ở Việt Nam. Tôi đến Hà Nội với tư cách là sinh viên theo khung thoả thuận hợp tác về văn hoá giữa Rumani và Việt Nam. Tôi bắt đầu hành trình vào ngày 24 tháng 3 năm 1971 và trở về Rumani vào ngày 17 tháng 2 năm 1976. Như vậy, tôi đã ở Việt Nam 5 năm.

Cha tôi, người đã từng chiến đấu ở mặt trận phía Đông trong Thế Chiến thứ 2, cực kỳ lo lắng về quyết định của tôi khi đến một đất nước đang bị chiến tranh chia cắt, nhưng ông không phản đối. Tôi đã đến Việt Nam và nhập học vào Khoa Văn học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với hai lý do chính. Trước hết, tôi thuộc lớp thế hệ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi phong trào hoạt động xuyên biên giới, đồng cảm với những lý tưởng của Hồ Chí Minh, Che Guevara, Martin Luther King, Nelson Mandela và nhiều người khác đấu tranh cho tự do và công lý của xã hội, và góp phần đổi thay thế giới này ngày một tốt đẹp và công bằng hơn. Vì vậy, tôi muốn trở thành một chứng nhân chân thực của quá trình lịch sử. Lý do thứ hai, cũng không kém phần thuyết phục so với lý do thứ nhất, đó là sự cuốn hút đặc biệt của ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Tôi là một độc giả mê say và ngưỡng mộ nhà Phương Đông học người Rumani - tiểu thuyết gia Mircea Eliade. Ông là người Rumani đầu tiên nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt, bị vẻ đẹp độc đáo của ngôn ngữ này cuốn hút. Đọc cuốn tiểu thuyết “Nhật báo” của ông, tôi nảy ra ý tưởng: tiếp tục cuộc hành trình nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Hồi đó, đang học tại Viện Nghiên cứu Phương Đông, khoa Tiếng ả Rập thì tôi được biết về cơ hội chọn học một “ngôn ngữ hiếm có” khác (những ngôn ngữ không được biết đến ở Rumani mà Rumani lại đang hết sức cần để đào tạo các chuyên gia) và cơ hội đi du học theo diện học bổng của Chính phủ. Do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, tôi quyết định bỏ học tiếng ả Rập mà không chút luyến tiếc, và đến Việt Nam. Tôi mong ước trở thành một đạo diễn phim và sẽ sử dụng những trải nghiệm đúc kết được ở Việt Nam, như thế sẽ kết hợp được cả hai lý do cho hành trình của mình tại Việt Nam. Nhưng thật không may, dự định này không thành hiện thực, bằng chứng nghệ thuật duy nhất, ghi nhận cho những gì tôi trải nghiệm ở Việt Nam là một tập thơ có tên "Chứng mất ngủ nhiệt đới".

Điều đầu tiên tôi thấy ở Việt Nam thật trái ngược với những lời lẽ liên quan đến sự tàn khốc của chiến tranh. Thật sự gây ấn tượng với tôi là vẻ đẹp của Hà Nội, sự bình dị của cuộc sống và của người dân. Triết lý về sự sống và cái chết gợi tôi nhớ tới cuốn tiểu thuyết "Con đường hoàng gia" nổi tiếng của nhà văn Pháp Andre Malraux. Tôi đã phát hiện vẻ đẹp độc đáo của một đất nước vẫn còn nguyên vẹn, chưa được khai phá, sự hiếu khách nồng ấm, tình bạn đích thực và tâm trạng luôn lạc quan của người Việt Nam. Chiến tranh chỉ là một phần cuộc sống đời thường. Nó cũng trở thành một phần của cuộc sống đời thường của tôi.

Khi tôi đến học tại Khoa Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, trường Đại học Tổng hợp, tôi thấy chất lượng giáo dục rất cao, các giáo sư rất giỏi, các nhóm bạn đến từ châu Âu, châu Mỹ La tinh và châu á thật tuyệt vời. Tất cả các giáo sư và nhân viên hành chính đều luôn hết lòng giúp đỡ. Tôi học ở Khoa một năm, tập trung luyện tiếng trong một lớp học có hai sinh viên người Rumani.

Mùa thu năm 1972, tôi nhập học Khoa Văn học, ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc, nơi trường Đại học Tổng hợp sơ tán sau những trận bom liên tiếp bắt đầu từ tháng 4 năm 1972 và kéo dài đến cuối tháng 12. Tôi sống trong một ngôi đình cổ với vài bạn sinh viên nước ngoài còn ở lại khi phần lớn các bạn người châu Âu khác đều đã hồi hương. Sau những đêm dài dưới hầm trú ẩn tránh bom, tôi hay đạp xe tới những làng quê nơi các bạn cùng lớp tôi đang sơ tán, nơi Khoa Văn học vẫn đang hoạt động trong những điều kiện thiếu thốn. Chiến tranh thật tàn ác! Cuộc sống vẫn tiếp diễn! Sự dũng cảm và anh dũng của các bạn đồng khóa, của các giáo sư đã để lại trong tâm trí tôi những hình ảnh về những tháng ngày không bao giờ quên, mang đến cho tôi sự dũng cảm và sức mạnh. Vào mùa xuân năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tôi trở về Trường Đại học Tổng hợp và bắt đầu một “cuộc sống bình thường hơn", không còn chiến tranh. Tôi sống trong Ký túc xá cùng với các bạn sinh viên nước ngoài khác đang học tại Khoa Tiếng Việt của Trường Đại học Bách Khoa. Tôi luôn nhớ sự nhiệt tình và say sưa của các giảng viên và các bạn cùng lớp, sự giúp đỡ tận tình và tình hữu nghị chan hòa. Tôi cũng luôn nhớ những chuyến đi tham quan thực tế đầy hứng thú đã giúp tôi học hỏi thêm về văn hóa, phong tục tập quán và lịch sử Việt Nam.

Arteni Valeriu
Nguyên Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Rumani tại nước CHXHCN Việt Nam [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Cảm xúc 100 năm
» "Dù ở xa, trái tim tôi vẫn cùng nhịp đập với các bạn!"
» "Trong thâm tâm của chúng tôi là đến thăm cái nôi của nền giáo dục đại học Việt Nam"
» "Các thầy cô luôn cập nhật những kiến thức mới nhất truyền đạt đến sinh viên…"
» Mái trường của chúng tôi
» Từ lần gặp gỡ và giao lưu đó, mình có được những người bạn mới…
» E-mail thế hệ: Trường xưa và những bài học mới
» "Các bạn sinh viên ĐHQGHN rất mạnh về nghiên cứu khoa học…"
» Tôi luôn giữ mãi những kỉ niệm đẹp về những ngày ở Hà Nội
» Mình nhớ dịp mình ra Hà Nội giao lưu năm 2003 đúng vào dịp Hà Nội đang tổ chức SEAGAMES 22
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn