Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 25 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 988748
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
E-mail thế hệ: Trường xưa và những bài học mới

NGUYỄN QUANG HƯNG, cựu sinh viên K43, Trường ĐHKHXH&NV, đang công tác ở Tạp chí Sân Khấu:

“Nghĩ về quá khứ, không gì sinh động hơn những gì đã trải qua”. Dù những điều tôi và bạn bè mình có, thật ngắn ngủi trong dòng chảy của ĐHQGHN với lịch sử 100 năm đào tạo. Đó là những năm tháng ban đầu của tuổi trẻ, chúng tôi đã hạnh phúc được đi qua giảng đường đại học. Là những ngày chúng tôi đến phố Lê Thánh Tông, vào hội trường Lê Văn Thiêm, hội trường Nguỵ Như Kontum… đi theo những hành lang dài, những bậc đá mát lạnh, để thấy truyền thống ngôi trường lớn mơ hồ đang hiện hữu. Và trong gió, qua những ô cửa rộng, kiến thức trăm năm như một thân cây vòi vọi, tán xoè rộng kỳ vĩ trên cao. Bao nhiêu thế hệ các nhà khoa học, bao nhiêu lớp thầy và trò đã đắp nối để mãi mãi vút lên, rộng rãi và và dài lâu thêm những bầu trời tri thức ấy. Thân thuộc và tươi tắn, đó còn là khi chúng tôi say sưa với phong trào Đoàn, Hội của Trường ĐHKHXH&NV: Những mùa hè xanh tình nguyện, những đêm liên hoan văn nghệ, những dịp hội trại, cả những đợt hiến máu nhân đạo… Có thể với nhiều người, những khoảnh khắc ấy thật là hiếm hoi trong cuộc sống tất bật bây giờ, nhưng với chúng tôi những niềm vui phấn đấu như thế, đã giúp nhân lên những niềm vui khác - của cộng đồng, của cả tập thể…

Lê Trung Kiên

LÊ TRUNG KIÊN, cựu sinh viên K43, Trường ĐHKHTN, nghiên cứu sinh tại Pháp:

Là một cựu sinh viên của Trường ĐHKHTN (ĐHQGHN), dù giờ đây đang sống xa Tổ quốc nhưng tôi vẫn còn nhớ như in từng dãy nhà, hàng cây, từng gương mặt của bè bạn, thầy cô. Trong thời gian qua, nhờ những bài viết đăng tải trên mạng Internet và nguồn thông tin trên các phương tiện truyền thông cũng như qua liên lạc với các thầy giáo ở “bên nhà” mà tôi biết được chương trình tổ chức kỷ niệm 100 năm ĐHQGHN. Tôi đã đọc, đã nghe rất nhiều ý kiến xoay quanh sự kiện này trong đó có cả những luồng ý kiến trái chiều. Bản thân tôi cảm thấy rất vui khi dư luận đã dành một sự quan tâm không nhỏ đến mái trường tôi từng gắn bó suốt 4 năm học. Bạn bè cùng khoa, cùng khóa của tôi ở bên này khi nhận được tin, ai cũng vui bất ngờ và xen lẫn vào đó là niềm tự hào, phấn khởi. Xin chúc mừng ĐHQGHN, ngôi nhà chung của chúng ta đã vinh dự được đón nhận Huân chương Sao vàng, phần thưởng cao quý nhất do Đảng, Nhà nước trao tặng vào đúng dịp diễn ra lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐHQGHN (1906 - 2006)…

Bảo Thoa

BẢO THOA, cựu sinh viên K44, Khoa Kinh tế, hiện đang công tác tại Viêng Chăn, CHDCND Lào:

Đã khá lâu rồi hôm nay tôi mới vào lại trang Web: www.vnu.edu.vn và tình cờ biết sự kiện kỷ niệm 100 năm ĐHQGHN sẽ được tổ chức vào ngày 15/5 tới đây. Tôi thấy mình thật sự có lỗi lớn khi không biết và hiểu nhiều về nguồn gốc của sự kiện trọng đại này. Quả thực, các bạn sinh viên ĐHQGHN giờ đây may mắn hơn những người như chúng tôi rất nhiều. Họ không chỉ được sống và học tập trong một môi trường giáo dục giàu truyền thống, ngoài ra họ còn có cơ hội được tìm hiểu một cách kỹ càng về nguồn gốc nhà trường, về những mốc thời gian đáng nhớ trong suốt chặng đường dài 1 thế kỷ ĐHQGHN ra đời, phát triển, trưởng thành. Điều đó sẽ giúp họ có thêm nhiều động lực và sức mạnh tinh thần để phấn đấu học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học, để không hổ thẹn với những thành tựu mà các thế hệ đi trước đã đạt được. Ngay giờ phút này, khi ngồi viết những dòng tâm tình gửi về Tổ quốc, những cựu sinh viên đã ra trường như chúng tôi vẫn tự ý thức được một phần nào đó bổn phận trong việc vun đắp truyền thống của ngôi trường mình hằng yêu quý. Và từ đáy lòng mình, chúng tôi, những cựu sinh viên luôn mong muốn ĐHQGHN bằng điểm tựa là nền móng 100 năm sẽ mãi giữ vững vị trí đầu đàn trong nền giáo dục nước nhà và ngày càng phát triển vững mạnh…

Phạm Võ Thanh Hà

PHẠM VÕ THANH HÀ, cựu sinh viên K44, Trường ĐHKHXH&NV, đang công tác tại báo Nhân đạo & Đời sống:

Tôi viết đôi dòng tâm sự này khi Lễ kỷ niệm 100 năm ĐHQGHN đã đến rất gần, chỉ còn tính bằng ngày giờ ngắn ngủi. Ấy thế nhưng, chắc hẳn vẫn chưa hết còn những ý kiến băn khoăn đây đó về tính kế thừa hay pháp lý của sự kiện này - vài người vẫn muốn tìm ra cho được mối quan hệ “dây mơ, rễ má” giữa Đại học Đông Dương và ĐHQGHN mới “nghe”…

Nhưng theo tôi, có lẽ nên hiểu như thế này chăng: Cái ngày ông Toàn quyền Paul Beau ký sắc lệnh thành lập Đại học Đông Dương (1906) hoàn toàn xứng đáng là ngày truyền thống của nền giáo dục đại học Việt Nam và ĐHQGHN đủ tư cách để đứng ra đón nhận và kỷ niệm trọng thể mốc thời điểm quan trọng đó. Chẳng phải ĐHQGHN được xây nền, đắp móng từ mái trường ĐHTHHN - một “thương hiệu” mạnh, niềm tự hào của nền giáo dục đại học Việt Nam suốt mấy chục năm đó sao? Thử hỏi, những người thuộc thế hệ “5X”, “6X” (theo cách gọi hôm nay), ai không biết đến khẩu ngữ “nhất Tổng hợp, nhì Bách khoa” một thời - khẳng định giá trị và chất lượng đào tạo của ĐHTHHN ngày hôm qua và chính là ĐHQGHN ngày hôm nay.

Cá nhân tôi may mắn được theo học tại Trường ĐHKHXH&NV - một sự kế thừa xứng đáng khối các ngành khoa học xã hội - nhân văn của Trường ĐHTHHN. Trong suốt 4 năm, nói thực là không phải môn học nào tôi cũng thực sự hứng thú nhưng vẫn còn đây, trong tâm tưởng của tôi hình bóng và lời dạy của những bậc thầy đáng kính, nhiều niềm đam mê cả những kiến thức để hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc hiện tại. Cảm ơn Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN! …

Bùi Dũng

BÙI DŨNG, cựu sinh viên K45, Trường ĐHKHXH&NV, đang công tác tại báo điện tử VietnamNet:

Những bài báo tôi viết khi đang là sinh viên của Khoa Báo chí K45, ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) bây giờ đã cũ với thời gian, nhưng đó là những viên gạch đầu để tôi “xây” lên những sản phẩm mới khi rời ghế giảng đường…

Cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, tôi biết mình sẽ vẫn học ở trường. Nếu nói càng học càng thấy còn nhiều điều mình chưa biết thì 4 năm ở Trường dù có tận dụng tối đa thời gian cho việc học càng thấy mình cần nỗ lực hơn nữa để khi rời trường mình mới vững vàng, không bị trôi tuột đi trong dòng chảy cuộc sống… Một trong những bài học nằm lòng mà trường đại học dạy tôi là “tự học và học bất cứ lúc nào có thể”. Cho dù ra trường rồi, không chỉ nâng cao hơn kiến thức, sự hiểu biết của mình để tạo ra những sản phẩm tốt mà với sự soi chiếu từ thực tế, mình kiểm định xem kiến thức nào mình tiếp nhận ở trường mang nhiều giá trị và mình phát triển nó lên như thế nào… Dù học tập hay làm việc thì lúc nào cũng có sự cạnh tranh cả. Kiến thức không phải tô mì, người này ăn, người kia mất. Kiến thức cũng không nằm yên, bất động trong chiếc túi của người giảng viên, thầy cho bao nhiêu, sinh viên nhận bấy nhiêu. Chính người học, cạnh tranh với bạn bè mình, hơn cả là cạnh tranh với bản thân mình của ngày hôm qua và bản thân mình của ngày hôm nay để hành trang thời đại học đủ đầy, có thể kiến tạo kiến thức không kém người đồng môn, đồng khóa. Tôi nghĩ đó là một sự chuẩn bị tốt cho việc bước vào những cánh cửa mới mẻ, lạ lẫm đang mở ra trước mắt mà không ngỡ ngàng, không e ngại. Khi còn là sinh viên của ĐHQGHN tôi đã nghĩ vậy, nhưng khi đi làm, với nghề báo mà tôi đang theo đuổi, thì cạnh tranh cần đi liền với sự hợp tác. Nếu mình hợp tác tốt, sẽ thấy yêu hơn công việc của mình, yêu hơn cuộc sống của mình, những người xung quanh, thấy mình lại muốn học và ước “giá mà bây giờ trở lại thời sinh viên, mình cần nhiệt thành hơn nữa…”.

Tốt nghiệp được gần 2 năm rồi, sinh viên còn học trong trường là một mối nhịp cầu quan trọng của tôi với trường xưa. Đó là một mối quan hệ mà trường học dạy tôi là cần trân trọng như những mỗi quan hệ khác. Ngày đó, giáo trình có nhắc nhiều câu “con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội” mà. Thực tế cho thấy, cho dù thời sinh viên bạn có nhiều thiếu thốn, ao ước có một chiếc máy tính để bàn để gõ bài cho báo chẳng hạn thì cũng không bao giờ bằng việc có một người bạn để trao đổi bài vở hoặc cùng hợp tác để hiện thực hóa những ý tưởng hay. Trường dạy tôi biết “biến hóa” với chiếc máy tính để nó phục vụ mình và trường cũng dạy tôi biết thân thiện với những người mình gặp, dù đó là ai. Ngay một ví dụ nhỏ, nếu không nhờ sinh viên trong trường hoặc lên diễn đàn trên mạng của trường, “chat” với bạn đồng môn thì tôi khó mà biết được những thông tin sinh động diễn ra trong trường, trong lớp để có thể về đưa tin, viết bài - thực hiện công việc quen thuộc sẽ gắn bó lâu dài với mình. Nói đến đây thì trong tâm trí tôi nối tiếp nhau trở về biết bao hình ảnh cũ, nơi đó có bạn bè, thầy cô, trường lớp, có những ngày buồn - vui, hồi hộp - lo lắng… mà tôi tin là tất cả vẫn tiếp tục xuất hiện đâu đó trong cuộc sống và trong những tác phẩm báo chí của mình. Tôi nghĩ rằng, nếu mỗi sinh viên sau khi ra trường đều tìm kiếm và tạo ra được cho mình và cho mọi người những điều mới mẻ, có giá trị cho cuộc sống thì “trường xưa, lớp cũ” luôn mới, luôn tràn đầy sức sống, cho dù bao nhiêu năm có trôi qua… Nói gì thì nói mỗi lớp sinh viên tiếp bước nhau chính là linh hồn, là niềm tự hào làm nên “thương hiệu” trường mình và tôi tin rằng các thế hệ sinh viên của ĐHQGHN hôm nay sẽ kế thừa xứng đáng những thành tựu mà các thế hệ đi trước đã đạt được…

Minh Trường (thực hiện)
[100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Cảm xúc 100 năm
» "Các bạn sinh viên ĐHQGHN rất mạnh về nghiên cứu khoa học…"
» Tôi luôn giữ mãi những kỉ niệm đẹp về những ngày ở Hà Nội
» Mình nhớ dịp mình ra Hà Nội giao lưu năm 2003 đúng vào dịp Hà Nội đang tổ chức SEAGAMES 22
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn