Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 20 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 984585
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Mái trường của chúng tôi

Sự kiện ĐHQGHN tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày thành lập là một tin vui lớn đối với nhiều thế hệ học sinh, sinh viên đã được đào tạo, bồi dưỡng và trưởng thành dưới mái trường này.

Được bày tỏ tâm sự của mình về mái trường đã tạo dựng cho mình những bước đi đầu tiên, về thầy cô kính yêu và bạn bè yêu mến; được cùng nhau nhắc lại và nhớ về những kỷ niệm không thể nào quên của thời cắp sách tới trường là một niềm hạnh phúc lớn của mỗi người. Ban biên tập Bản tin ĐHQGHN xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những dòng tâm sự của các cựu sinh viên đã từng học tập ở ĐHQGHN.

Cựu sinh viên K8 Khoa Ngữ văn, Dương Quang Minh

ÔNG DƯƠNG QUANG MINH
, cựu sinh viên khóa 8, Khoa Ngữ văn, hiện đang công tác tại Văn phòng Chính phủ:

Đại học Quốc gia Hà Nội tròn 100 tuổi, hẳn có khoảng chừng ấy khóa sinh viên? Không rõ khóa Ngữ văn chúng tôi (1963 -1967) là khóa thứ mấy? Tôi nhớ ngày khai trường năm ấy, trên bục danh dự tại giảng đường lớn 19 Lê Thánh Tông có ông Nguyễn Văn Huyên - Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, thầy Ngụy Như Kontum - Hiệu trưởng nhà trường và các vị giáo sư chủ nhiệm các khoa như: Hoàng Xuân Nhị, Hoàng Tụy, Nguyễn Hoán, Hoàng Phương v.v. Chúng tôi cứ ngắm các ông hoài - những thần tượng trí thức cuốn hút chúng tôi đến với mái trường ĐHTHHN.

Về ký túc xá Láng, học văn, chúng tôi nhận được biết bao kiến thức “đông tây kim cổ” qua những buổi lên lớp của các nhà giáo danh tiếng: Đặng Thai Mai, Nguyễn Tài Cẩn, Đinh Gia Khánh, Hoàng Như Mai, Tôn Gia Ngân, Đỗ Đức Hiểu, Bạch Năng Thi, Lê Đình Kỵ, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Chu Xuân Diên, Nguyễn Văn Khỏa, Nguyễn Văn Tu, Nguyễn Phan Cảnh, Hoàng Hữu Yên, Hoàng Thị Châu, Phan Ngọc, Cao Xuân Hạo; lại được học thêm môn Sử với các thầy “Lâm, Lê, Tấn, Vượng” - trụ cột của Khoa Lịch sử, tứ trụ của nền Sử học Việt Nam. Rõ là chúng tôi thật sung sướng! Riêng tôi, từ đồng ruộng xứ Nghệ đến được với trường đại học danh giá này, tự thấy mình quá đỗi hạnh phúc!

Lớn lên với Trường, rồi ra Trường, 40 năm qua, lớp chúng tôi tung cánh khắp bốn phương trời, ai cũng mang theo danh tiếng của Trường nên nỗ lực làm việc hết mình, góp phần vun đắp cho truyền thống vinh quang của Trường. Trong kháng chiến chống Mỹ, 5 bạn khóa tôi đã vào quân đội; 10 bạn làm báo ở miền Nam, hơn 20 bạn làm báo tại các vùng chiến sự ác liệt phía bắc. Bước sang thời bình, 8 bạn trở thành Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Vào giai đoạn đổi mới và công nghiệp hóa, 12 bạn trở thành giáo sư, tiến sĩ, trên 50 bạn giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan văn hóa; lại thêm một bạn là ủy viên Trung ương và một bạn nữa là ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Do vậy, lớp chúng tôi được nhiều thầy cô cho là “Lớp thành đạt nhất của Trường trong thời gian qua”.

Giờ đây, Trường tròn 100 tuổi, chúng tôi tròn 40 năm tốt nghiệp. Cả hai sự kiện gây xúc động nhiều. Nhớ trường, ơn thầy và nhớ bạn là nỗi lòng của tôi trong lúc này...

Cựu sinh viên K17 Khoa Toán, Dương Đình Giám

TS. DƯƠNG ĐÌNH GIÁM
, cựu sinh viên Khoa Toán K.17, Đại học Tổng hợp Hà Nội, hiện là Tổng biên tập Tạp chí Công nghiệp

Năm 2006 này, chúng ta, các thế hệ thầy và trò của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tiền thân là Trường Đại học Đông Dương và nay là Đại học Quốc gia Hà Nội, vui mừng và tự hào tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trường. Mỗi lần vào những dịp như thế này, chúng tôi lại không khỏi bồi hồi xúc động nghĩ đến thời điểm được gặp lại các thầy, các bạn ở tại cái nơi mà mình đã từng gắn bó trong những năm học đại học.

Mặc dầu đã xa rời giảng đường của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội gần 30 năm và sau này, nhiều người trong chúng tôi còn tiếp tục tham gia nhiều khóa đào tạo đại học và trên đại học ở cả trong và ngoài nước, nhưng những tình cảm gắn bó với mái trường thân yêu này mãi mãi còn là những kỷ niệm không bao giờ phai.

Chúng tôi tự hào vì đã được học tập dưới mái trường này, một trong những trường đại học danh tiếng nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Hình ảnh của các thầy giáo lãnh đạo Nhà trường, như các thầy Ngụy Như Kontum, Phan Hữu Dật và các thầy lãnh đạo Khoa, như các thầy Phan Văn Hạp, Hoàng Hữu Như, Đào Huy Bích... luôn chăm lo đến cuộc sống và nề nếp học tập của học sinh; rồi hình ảnh tận tụy lên lớp của các thầy, như Thao (Giải tích), thầy Toản (Đại số), thầy Đường (Phương trình vi phân), thầy Hợp (Phương trình đạo hàm riêng), thầy Bội (Cơ lý thuyết)... và nhiều thầy cô khác nữa, trong những căn nhà nửa nổi nửa chìm nơi sơ tán hay trên giảng đường khi về Hà Nội, luôn là những tấm gương về hoạt động khoa học mà chúng tôi vẫn hằng ngưỡng mộ và noi theo.

Người ta vẫn thường nói, “Toán học là bà hoàng của các khoa học”. Quả đúng là như vậy và chúng tôi tự hào vì đã được là sinh viên Khoa Toán của Trường ĐHTHHN. Kiến thức và tư duy toán học mà chúng tôi thu nhận được từ các thầy, cô giáo của mình, đã giúp chúng tôi rất nhiều trong công việc và trong cuộc sống sau này. Ở trong Trường, sinh viên Khoa Toán tự hào vì học giỏi và đá bóng hay. Ra trường, sinh viên Khoa Toán cũng tự hào vì có thể đảm nhận và hoàn thành xuất sắc các công việc được xã hội phân công, từ cương vị là nhà quản lý, nhà kinh doanh, thầy giáo... kể cả những công việc tưởng chừng như chẳng có liên quan gì đến toán học cả, như viết văn và làm thơ. Thành công đó chúng tôi có được, như trên đã nói, chính là nhờ tư duy toán học và đạo đức làm người mà chúng tôi đã được các thầy cô trong Khoa dạy bảo.

Nhìn lại chặng đường 50 năm phát triển của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, và xa hơn là 100 năm Đại học Đông Dương mà ngày nay là ĐHQGHN, với những gì mà các thế hệ thầy và trò Nhà trường đã đạt được, chúng tôi vô cùng tự hào và luôn thầm nhủ, hãy sống và làm việc với tư cách là một người được đào tạo tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, một trong những trường đại học danh tiếng nhất Việt Nam.

Chúc cho mái trường ĐHQGHN thân yêu này tiếp tục đạt được những thành tích cao trong sự nghiệp trồng người của chúng ta.

Cựu sinh viên K19 & 22 Khoa Ngữ văn Phạm Văn Tình

TS. PHẠM VĂN TÌNH, cựu sinh viên K19 & 22, Khoa Ngữ văn, ĐHTHHN, nay là cán bộ Viện Ngôn ngữ học:

Tôi là một trong số ít những học sinh hai lần được làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Cách đây đúng 31 năm, ngày 19/4/1975, tôi đã cùng với rất nhiều các thầy giáo, các bạn sinh viên ở nhiều khoa, nhiều khóa khác nhau tạm xa mái Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội gia nhập quân đội (ở Khoa Ngữ văn, có thầy Đinh Xuân Dũng dạy Lý luận văn học, các bạn Nguyễn Sĩ Đại, Đỗ Quang Hạnh, Đỗ Kim Ngư, Nguyễn Văn Thành, Trần Nhật Chính, Đỗ Đăng Sáu, Nguyễn Văn Thỉnh, Trần Doãn Đãng… cùng nhập ngũ đợt này). Lúc đó, quân ta đã đánh xong Ban Mê Thuột và ngày nối ngày, tiến từng bước vào sâu “Tô đỏ dần các tỉnh miền Nam/ Những mắt na đang chín” (Hữu Thỉnh). Nhưng, trong tình thế lúc đó, không ai nghĩ rằng cuộc chiến sẽ nhanh chóng kết thúc. Cả dân tộc đã xác định là sẽ còn phải trường kỳ gian khổ “Tự do lớn quá, mênh mông quá/ Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi”. Gọi là “tạm xa” như một lời hứa hẹn lúc chia tay, chứ mấy ai lên đường lại biết rằng mình cầm súng ra đi bao giờ sẽ trở lại? Mà có trở lại không? Biết bao đồng đội đã hy sinh mãi mãi không về. Chúng tôi dự đêm chia tay tại Ký túc xá Mễ Trì trong một không khí thật cảm động:

Nhớ lắm Tình ơi, sinh viên Văn khoa

Những nụ cười thường là rất trẻ

Gấp trang giáo trình hôm nào còn mới mẻ

Tình lên đường, đến với tiền phương”

Đó là những câu thơ trong bài thơ “Tình ơi!” mà anh Phạm Quốc Tuấn, bộ đội về học cùng lớp Văn K19 viết tặng tôi. Tôi đã mang theo trong hành trang của một chiến sĩ thuộc binh chủng radar cảnh giới. Vẫn còn đang “trên đường hành quân ra mặt trận” thì ngày 30/4/1975, Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng. Tôi thành anh lính binh nhì thời “nửa chiến tranh, nửa hòa bình” đúng 2 năm rưỡi. Tháng 10/1977, tôi được quân đội chuyển về trường học tiếp. Điều mong mỏi đến khó tin năm xưa (được trở lại mái trường) nay đã đến. Tôi lại bắt đầu làm thủ tục vào lại năm thứ nhất. Theo quy định sinh viên đang học trở về sẽ học tiếp năm đã học (các môn thi rồi nếu đạt khá trở lên thì được miễn). Tuy nhiên, tôi xin chuyển ngành Văn sang học ngành Ngôn ngữ. Tôi lại được học tại dãy giảng đường nhà cấp 4 năm nào. Lại gặp lại bạn cũ K19 đang lục tục sắp ra trường. Tất cả như vẫn thế mà không còn như thế. Tôi đã khoác trên mình bộ quân phục, đã lớn hơn và rắn rỏi hơn rất nhiều. Vinh dự hơn, tôi đã đứng vào hàng ngũ của Đảng vừa tròn 1 năm. Thời gian đã làm cho tôi trưởng thành thật sự. Bao nhiêu đêm vào ca trực ban trắc thủ, cùng đồng đội canh giữ bầu trời Tổ quốc, tôi cứ hình dung tự hỏi không biết Hà Nội, không biết trường đại học của mình nằm ở vị trí nào trên màn huỳnh quang radar quay tròn 3600 kia. Ước gì mình trở lại Hà thành, được ngắm những hàng cây, ngắm bầu trời, được hít thở không khí của Thủ đô yêu dấu. Hình như làn gió nơi đây, mảnh đất nơi đây, con người nơi đây cũng có gì đặc biệt hơn thì phải.

Rời lán trại quân đội, tôi về ký túc xá nằm giường tầng, ở cùng phòng với 11 sinh viên khác. Phụ cấp 22 đồng (bộ đội xuất ngũ hơn sinh viên khác có 4 đồng), hai bữa cơm bo bo chia chậu, uống nước thùng quân dụng. Thời gian tôi học ở khóa 22 (1977 - 1981) cũng là những năm tháng khó khăn nhất của đất nước. Nhưng, những gì mà chúng tôi từng trải qua cùng bạn bè, đồng chí đã làm tôi thấm thía hơn những gì mình được hưởng. Tôi đã trở về bình yên, trọn vẹn. Được học tiếp những trang giáo trình còn dang dở. Còn gì hạnh phúc hơn thế!

Từ đó đến nay, 25 năm trở thành công chức nhà nước rồi, tôi vẫn còn rất gắn bó với mái trường của mình. Năm 1997, tôi về Trường học tiếp các chuyên đề cao học (với tư cách nghiên cứu sinh của Viện Ngôn ngữ gửi). Rồi tôi trở thành giáo viên thỉnh giảng cho Khoa Ngôn ngữ - Trường ĐHKHXH&NV và Khoa Sư phạm (ĐHQGHN). So với ngày xưa, ĐHQGHN hôm nay đã đổi thay nhiều lắm, quy mô đã lớn hơn nhiều lắm, nhưng mái trường này đi đâu tôi cũng thấy thân thương. Tôi đã âm thầm ghi lại bao nhiêu suy nghĩ của mình, với bao nỗi niềm tâm trạng và gửi cho Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội. Các bạn đọc chắc sẽ thấy. Dễ đến 3 hay 4 năm rồi, Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội luôn có tôi góp mặt. Tôi say sưa viết, say sưa đọc, vì mỗi trang tạp chí bao giờ cũng làm sống dậy trong tôi bao nhiêu cảm xúc - cảm xúc của một người được trở về nhà.

Trong đời mình, tôi đã từng nhận vài tấm huy chương. Nhưng có lẽ tấm huy chương, đáng nhớ nhất, đặc biệt nhất là được mang trong mình một danh hiệu tự hào: Sinh viên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.

Cựu sinh viên K23 Khoa Lịch sử Nông Lệ Hằng

THS. NÔNG LỆ HẰNG, cựu sinh viên K23 Khoa Lịch sử, ĐHTHHN, đang công tác tại Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cao Bằng:

Tôi còn nhớ như in những ngày đầu mới đặt chân xuống Hà Nội, bỡ ngỡ bước vào giảng đường Khoa Lịch sử, Trường ĐHTHHN. Vốn là sinh viên dân tộc Thái thuộc hệ cử tuyển, ban đầu tôi thực sự mang tâm lý mặc cảm, tự ti, chỉ khép mình vào một góc và không giao tiếp với ai cả. Nhưng rồi chính những người thầy, những người bạn xung quanh đã giúp tôi tự tin hơn, tôi tham gia nhiệt tình vào các phong trào, chính thầy Lê Mậu Hãn đã có lần bảo rằng: “Tôi tin, sau này cô sẽ theo con đường chính trị” và quả thực, lời tiên đoán năm nào của thầy đã đúng…

Hàng ngày đến giảng đường, thỉnh thoảng cúi nhìn tấm biển đeo bên ngực áo trái in dòng chữ nổi “Đại học Tổng hợp”, tôi cảm nhận một sự tươi trẻ, pha niềm tự hào lâng lâng, dù hồi đó vẫn phổ biến một sự “xếp hạng”: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được… Bách khoa, Tổng hợp… qua loa, ngoài ra mới đến Sư phạm…”. Lớp chúng tôi hồi ấy chiếm gần một nửa là các anh chị đảng viên lớn tuổi đã ít nhiều kinh qua các “trường đại học cuộc sống” cả trong kháng chiến và trong xây dựng hòa bình vậy mà bầu không khí trong lớp luôn tươi trẻ, vui nhộn, chan hòa tình thân ái, không hề có sự phân biệt đối xử. Mọi người cố gắng thi đua học tập, tận tình giúp đỡ lẫn nhau và góp ý, xây dựng thẳng thắn. Có lẽ, quãng đời đẹp nhất đối với riêng tôi là được học dưới mái trường ĐHTHHN (giờ đây là ĐHQGHN), ngày nối ngày, tháng nối tháng nghe các thầy giảng về lịch sử dân tộc, về các nền văn minh trên thế giới. Bên cạnh đó, còn biết bao bộ môn quan trọng và cần thiết cho người trí thức mới xã hội chủ nghĩa trong tương lai. Đã mấy chục năm trôi qua kể từ ngày nhận tấm bằng tốt nghiệp, bạn bè tứ tán mỗi người một phương trời nhưng tất cả những kỷ niệm về mái trường xưa vẫn cùng tôi, cùng tất cả bạn bè tôi, có mặt trên mọi mặt trận khoa học - nghệ thuật và văn hóa - tư tưởng ở mọi nơi, mọi lúc; cả trong thắng lợi, niềm vui và những nỗi bất hạnh. Nhận được tin về Lễ kỷ niệm 100 năm ĐHQGHN một dịp tình cờ khi đọc báo Đời sống Pháp luật, tôi cảm thấy rất vui mừng và xúc động. Tôi sẽ cố gắng sắp xếp thời gian để dịp 15/5 này có thể về Hà Nội, để được dự ngày hội lớn này…

Cựu sinh viên K15 Khoa Vật lý Tôn Thọ Lễ

ÔNG TÔN THỌ LỄ, cựu sinh viên K15 Khoa Vật lý, Trường ĐHTHHN, đang công tác tại Phòng Tổ chức Cán bộ huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc:

Tôi nghĩ rằng, trong cuộc sống, có những cái chỉ mỏng manh như cánh hoa, ẩn hiện như bóng mây và thậm chí, thoảng qua như một ngọn gió lành, thế mà bền vững, mà trường tồn, đầy sức sống. Với tôi, mỗi lần nhắc tới những kỷ niệm gắn với mái trường ĐHTHHN, lòng lại trào dâng những nỗi niềm khó tả. Ngày còn ngồi trên giảng đường Khoa Vật lý, chúng tôi vẫn thường hỏi nhau về thời điểm ra đời của trường mình, vậy mà chẳng ai có câu trả lời. Nhiều bạn bè tôi đã đem thắc mắc ấy tòng quân vào mặt trận và nằm lại mãi mãi không về. Khi biết tiền thân của ĐHQGHN (thời chúng tôi học là Trường ĐHTHHN) chính là Đại học Đông Dương, ra đời năm năm 1906 quả thực tôi rất ngỡ ngàng và vui sướng, những người bạn của tôi ở dưới “lòng đất sâu” biết được điều này chắc là cũng cảm thấy mát lòng. Sự kiện 100 năm ĐHQGHN là một sự kiện lớn, mỗi cựu sinh viên như chúng tôi đều cảm thấy tự hào và hy vọng rằng đúng ngày hội lớn của trường chúng tôi sẽ có mặt tại ĐHQGHN để gặp gỡ lại và chia sẻ niềm vui cùng thầy cô một thời, bạn bè một thuở…

Mai Anh - Minh Trường (thực hiện)
[100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Cảm xúc 100 năm
» Từ lần gặp gỡ và giao lưu đó, mình có được những người bạn mới…
» E-mail thế hệ: Trường xưa và những bài học mới
» "Các bạn sinh viên ĐHQGHN rất mạnh về nghiên cứu khoa học…"
» Tôi luôn giữ mãi những kỉ niệm đẹp về những ngày ở Hà Nội
» Mình nhớ dịp mình ra Hà Nội giao lưu năm 2003 đúng vào dịp Hà Nội đang tổ chức SEAGAMES 22
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn