|
Khác với ấn tượng rất mạnh về Ngôn, tôi không nhớ được ấn tượng của mình về lần đầu tiên gặp Thạc như thế nào. Sau này có lần anh Bắc nói: “Trước mỗi sự kiện, sự vật, Thạc dường như hơi lùi lại để có thể nhìn nhận được tỉnh táo hơn, có suy nghĩ hơn”. Đúng là như vậy và có lẽ chính điều này làm mọi người ít có ấn tượng về Thạc trong những lần gặp gỡ ban đầu. Nhưng không vì thế mà Thạc là người không nhanh nhạy hay phản ứng chậm chạp trước các tình huống. Tôi vẫn nhớ ánh mắt lấp lánh của Thạc khi quan sát mọi người, những ánh mắt lúc vui vẻ, lúc diễu cợt, lúc sáng lên láu lỉnh, ... nhưng dù thế nào nó cũng vẫn luôn ấm áp tình bạn. Thạc đặc biệt nhanh nhẹn và khéo léo khi đá bóng và chơi rất hay. Tôi nhớ trong năm thứ nhất ấy, khóa mình chỉ có một trận đấu sân lớn với khoa Lý, trận ấy Ngôn bắt gôn, quân mình thắng. Thạc là người chơi rất hay, hay nhất phía trên, còn Dưỡng cũng rất hay ở hàng hậu vệ. Nhưng sau trận đấu, Thạc bảo Dưỡng hơi chậm, nếu gặp phải thằng nhanh như Cát lác thì Dưỡng không xoay trở kịp (Cát học khoa Lý, cùng khóa, nhưng không đá trận đó. Về sau, có lẽ do sức khỏe mà Cát không chơi được hay nữa). Sau này, quen với bóng đá hơn tôi mới nhận ra là anh Bắc cũng chơi rất hay ở vị trí trung vệ, còn Lăng cũng là tiền đạo hay, nhưng đấy là sau khi đi bộ đội về!.
Cũng giống đa số chúng tôi lúc đó, chẳng mấy đứa chú ý đến quần áo ăn mặc, có gì mặc nấy, không đòi hỏi. Thạc ăn mặc cũng đơn giản, tôi vẫn nhớ hình ảnh Thạc trong bộ quần áo "truyền thống - ưa thích" là cái quần bộ đội rộng thùng thình và cái áo màu xanh da trời hồi ấy còn gọi là màu trứng sáo. Sau này mới biết Thạc thích màu xanh ấy. Tôi nghĩ là Thạc cũng rất khéo tay. Không phải chỉ ở chỗ chữ viết rất đẹp, đều tăm tắp mà còn vì Thạc cũng biết vá quần áo. Hồi ấy chúng mình vẫn còn phải mặc quần áo vá, có lần tôi thấy Thạc tự vá áo, tôi cũng tự làm được việc này nên hai đứa thấy đồng ý với nhau về cách thực hiện các miếng vá sao cho tốt.
Trong số các bạn cùng Khóa, Thạc có lẽ là người có nhiều thành công nổi bật hơn cả. Không phải chỉ là thành tích nhất Văn toàn miền Bắc năm 1970. Ngay từ thời thiếu niên Thạc đã có sáng tác được in vào sách cho thiếu nhi. Tôi nhớ có lần cùng tâm sự, Thạc đã cho tôi xem một một tập sách của các tác giả thiếu nhi, trong đó cùng với những bài thơ của Trần Đăng Khoa (Khoa tốt nghiệp lớp 10 sau chúng ta một khóa) có một bài văn xuôi và khoảng hai bài thơ của Thạc viết với bút danh là tên em của Thạc, tập sách này còn có bài của một tác giả nữ sau này cũng khá nổi tiếng; mà hồi ấy Thạc bảo rằng cô này sướt mướt, bài nào của cô ấy cũng có nước mắt.
Những buổi tối rỗi rãi hay khi có tâm sự gì, ba chúng tôi thường đi dạo hay ngồi nói chuyện trong sân trường. Tại sao lại trong sân trường? sau cái nhà liên hợp, nơi sau này chúng ta đã tiễn Thạc và các bạn khác lên đường ngày 6/9, bởi vì sân trường không có điện, chỉ có ánh sáng hắt từ những ngôi nhà xung quanh thôi, và ở đó chúng tôi có thể nhìn thấy bầu trời sao, có thể thưởng thức ánh trăng như những ngày còn ở quê nhà. Trong nhiều buổi tối như thế Thạc đã nói với chúng tôi về chuyện văn thơ, Thạc nói hay đến nỗi Ngôn cũng trở nên lãng mạn hơn, bắt đầu biết lắng nghe các cảm xúc trong lòng mình và tập làm thơ. Thạc đã giảng cho chúng tôi nghe những nét đẹp tuyệt vời trong thơ của Khoa, tôi nhớ là Thạc rất thích bài “Hạt gạo làng ta …” của Khoa, có lẽ vì đồng cảm với những vất vả của người nông dân, đặc biệt là hình ảnh người mẹ trên cánh đồng nắng nóng "cua ngoi lên bờ mẹ em xuống cấy". Nhưng cũng có lần sau một thoáng suy nghĩ Thạc bảo tôi, đại ý: Khoa nó viết nhuyễn quá, ở tuổi này mà đã định hình rồi thì sau khi trưởng thành cũng khó mà thay đổi được, khó mà có cái mới hơn được. Thạc cũng kể cho tôi nghe về Hoàng Nhuận Cầm, có lẽ cùng là học sinh Hà Nội, giỏi văn thơ từ nhỏ nên Thạc và Cầm biết nhau qua các kỳ thi hay sinh hoạt câu lạc bộ gì đó, Thạc bảo Cầm có tài nên thơ đến với Cầm dễ dàng lắm, có lần đang đi chơi cả lũ với nhau, qua tòa soạn báo Nhân Dân, bỗng Cầm nảy ra một ý thơ, xé mẩu giấy nhỏ, viết nguyệch ngoạc bài thơ bốn câu, ký tên, thả vào hộp thư bên ngoài tòa báo, thế mà bài ấy cũng được đăng.
Thạc cũng là người giới thiệu với tôi tác giả Aimatop, hồi ấy được xem như tác giả nổi bật trong dòng văn học đương đại Nga, Thạc cho tôi mượn cuốn “Cây phong non quàng khăn đỏ”. Tôi đã đọc và bị cuốn hút mạnh mẽ, thức suốt đêm để đọc một mạch hết tập truyện đó, tôi đã khóc, cảm thấy trái tim mình tan nát, cảm thấy niềm tin của mình vào những điều tốt đẹp bị đổ vỡ thảm hại vì những câu chuyện trong tập sách đó (vừa rời hệ giáo dục phổ thông, niềm tin vào cuộc sống của tôi vẫn còn ngây thơ đẹp đẽ như trong chuyện cổ tích, ở hiền chắc chắn sẽ gặp lành, tôi đau đớn lắm khi thấy trong truyện những người rất tốt lại gặp bất hạnh, những cái đẹp cuối cùng lại vỡ vụn). Sáng hôm sau, khi trả Thạc tập truyện, biết được cảm xúc quá mạnh của tôi, Thạc không nói gì nhưng vỗ vai an ủi. Sau này tôi mới biết Thạc hiểu sâu hơn rất nhiều, Thạc hiểu ra hình tượng cao cả Đuy Sen và khâm phục Đuy Sen chứ không phải chỉ dừng ở cái tình cảm thương tiếc trẻ con của tôi.
|