Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 20 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 984568
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Thi đua ngày ấy (trích Nhật ký “Một ngày nhớ mãi”)

Tiến tới Đại hội thi đua toàn quốc thời kỳ đổi mới, vị thế đất nước ta trên trường quốc tế đã khác xưa nhiều lắm. Việt Nam được bạn bè khắp năm châu bốn biển biết đến với tình cảm đầy ngưỡng mộ một đất nước đúng với nghĩa của nó - Việt Nam đã có một nền văn hiến hơn bốn nghìn năm lịch sử.

Và Việt Nam cũng dang rộng bàn tay đón nhận bạn bè. Việt Nam đi lên trong tầm vóc Phù Đổng của thế kỷ XXI.

Từ suy nghĩ đó, tôi liên tưởng lại một đại hội thi đua tiên tiến xuất sắc toàn miền Bắc khi đất nước còn chia cắt, khi cả đất nước đang ra sức thi đua theo lời hiệu triệu của Bác Hồ:

“... đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên chiến sĩ đồng bào

Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn".

Lần giở những trang nhật ký cách đây 38 năm (ngày 18/5/1967) tôi bồi hồi xúc động, xin chép lại để ôn cố tri tân.

... Tôi được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp triệu tập về Bộ để nhận quyết định Trưởng đoàn cán bộ đi khảo sát tình hình đời sống sức khỏe của sinh viên các trường nơi sơ tán.

Sau chuyến đi công tác dài ngày với các điểm dừng chân ở trường Đại học Nông nghiệp, Đại học Tổng hợp, trường Bắc Lý (Thái Bình) - lá cờ đầu về thể dục thể thao, trường Ngô Quyền, Sở Giáo dục Hải Phòng đến các trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (sơ tán ở Đại Từ - Thái Nguyên), điểm cuối cùng cả đoàn gắng sức đến nơi xa nhất là tận Hang Trấu, Cao Bằng - địa điểm sơ tán của trường Đại học Bách khoa lúc đó. Vào thời điểm ấy, đi lại trong một điểm khảo sát chủ yếu là bằng đôi chân lội suối, trèo đèo. Thành phần trong đoàn lại nhiều anh em mới tốt nghiệp tại các trường ở Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu về nên chưa quen kham khổ, khó khăn. Đã có lúc khí thế như chùng lại, muốn chùn bước quay về, đành chịu tiếng "Chưa hoàn thành nhiệm vụ"! Nhưng rồi anh em cũng động viên nhau vượt qua được. Đi lên theo đường số 3, đi về theo đường số 4, qua Đông Khê, Thất Khê đến Na Sầm, Đồng Đăng (Lạng Sơn) mới đón được tàu hỏa về Hà Nội. Trong khi đoàn còn đang làm việc tại Cao Bằng thì tôi có điện về gấp, chưa hiểu có chuyện gì. Trong điện chỉ ghi “đúng 17h ngày 17 tháng 5 đồng chí có mặt tại khách sạn Ga Hàng Cỏ (Hà Nội) để nhận nhiệm vụ mới".

... Tàu hết chỗ ngồi, chỉ còn vé đứng, nhưng để kịp ngày theo điện triệu tập, tôi phải đáp chuyến tàu hàng. Người như nêm, hàng hóa, lợn gà... chèn xung quanh lẫn với người nên không còn chỗ để duỗi chân. Tôi về tới địa điểm tập kết may mắn sớm trước 1 giờ chiều hôm ấy! Về tới đây, tôi mới vỡ lẽ là mình được cử đi dự đại hội thi đua. Anh em các tỉnh thành đã về đây tề tựu đông vui. Khách sạn Ga chỉ là một điểm tập kết và còn nhiều khách sạn nữa của Hà Nội cũng đón tiếp các đại biểu từ khắp các địa phương về dự đại hội.

Một ý nghĩ nảy ra trong đầu tôi: Thời chiến mà cũng oách ra phết, chắc là ông Ngô Luân (tổng thư ký Uỷ ban Thể dục thể thao) mang kinh nghiệm từ Ganefo (Đại hội Thể thao Đông Nam á) về đây.

... Mới hôm qua còn nằm ngủ ở lán giữa rừng, hôm nay đã nằm giường nệm trắng trong căn phòng khách sạn đầy đủ tiện nghi, lại là trong thời chiến nên đầu óc tôi cứ lan man nghĩ ngợi mãi mới vào giấc ngủ.

Sáng hôm sau (18/5), đoàn đại biểu của ngành giáo dục, mỗi người được nhận khẩu phần: một cốc sữa, một cái bánh bao nhân thịt (!). Lại những dòng suy nghĩ lan man khi ăn, nhớ đến ngày hôm qua, mới ngày hôm qua thôi mà sao thay đổi nhanh thế này?!

Tiếng còi ô tô ngoài cổng giục mọi người ra xe. Xe đến đầu Cửa Nam thì rẽ ngược lên đưa chúng tôi đến Nhà hát lớn thành phố.

Sáng 18/5, một ngày trời quang mây tạnh, Nhà hát lớn thành phố tưng bừng cờ hoa và cả một dải băng rôn lớn với hàng chữ to "Nhiệt liệt chào mừng các đại biểu về dự đại hội!”.

Từng dãy ô tô xếp hàng dài (xe của đoàn 13) đã đủ nói lên "quan trọng lắm".

Xúc động hơn nữa khi mỗi đại biểu về dự Đại hội lại được phát một huy hiệu "tiên tiến xuất sắc". Chỉ một chiếc huy hiệu thôi mà sao thiêng liêng thế! Phấn chấn thế, phấn chấn đến khó tả! Và mỗi người về đây như quên hết mọi chuyện của ngày hôm qua.

Khi mọi người đã vào đúng vị trí theo đúng số ghế... Và đoàn chủ tịch đại hội bước vào. Cả hội trường nhà hát như vỡ ra trong tiếng vỗ tay hoan hô khi thấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng giơ cao tay tươi cười và nói to "Xin chào tất cả các đồng chí!".

Bừng lên, trang nghiêm khi đoàn quân nhạc cử "Tiến quân ca".

Đi theo Thủ tướng, tôi thấy có Bộ trưởng Nguyễn Văn Tạo (trưởng ban Thi đua toàn quốc), đồng chí Nguyễn Văn Huyên (Bộ trưởng Bộ Giáo dục), đồng chí Tạ Quang Bửu (Bộ trưởng Bộ Đại học), đồng chí Trần Hữu Dực, đồng chí Nguyễn Văn Trân, đồng chí Lê Đức Chỉnh, Bác sĩ Trần Duy Hưng (Chủ tịch Thành phố); đồng chí Nguyễn Công Hòa (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) và các anh hùng chiến sĩ thi đua tiêu biểu.

Sau lời khai mạc của Bộ trưởng Nguyễn Văn Tạo, đồng chí Ngô Luân (Tổng thư ký Uỷ ban Thể dục thể thao Trung ương) đọc báo tổng kết phong trào "Rèn luyện thân thế chống Mỹ, cứu nước" mở đầu bằng noi gương Bác Hồ "dân có cường, nước mới thịnh, mỗi người dân khỏe mạnh góp phần làm cho cả nước khỏe mạnh!... tự tôi ngày nào tôi cũng tập..."

Cả nước chuyển hướng với phong trào rèn luyện thân thể thời chiến "chạy, nhảy, bơi, bắn, võ..." đang hừng hực khí thế thượng võ của một dân tộc quyết tâm giành độc lập tự do, thống nhất đất nước.

Bác sĩ Trần Duy Hưng đọc lời chào mừng các đại biểu về thủ đô dự Đại hội và hứa quyết tâm đưa thủ đô đi đầu trong phong trào rèn luyện để "ba sẵn sàng", cùng cả nước quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.

Đồng chí Nguyễn Văn Trân (Bí thư Ban Bí thư TW) thay mặt trung ương phát biểu ý kiến...

Trong không khí hào hùng ấy, tôi cũng như các đồng chí về đây đều như bị hút vào các báo cáo điển hình của các đồng chí lái máy bay phản lực, “Tiếng trống Cổ Lũng” của đồng bào Thái, Mèo (miền Tây tỉnh Thanh Hóa), lời kể chuyện "Họ sống và chiến đấu ở Cồn Cỏ"...

Không khí đại hội có những giây phút lặng đi, hòa chung cùng tâm trạng trầm lắng, xúc động trong giọng ngâm của Châu Loan, của Tố Hoa; lại có lúc thì bừng lên mãnh liệt với "Chín phút cuối cùng của anh hùng Trỗi".

Âm hưởng của tiếng thơ vừa dứt thì một tâm trạng khác lại đến. Đó là khi anh Súy kể chuyện đánh địch trên không, bay cao 20 km, thiếu ôxy nhưng vẫn chịu đựng được (nhờ những ngày luyện tập chạy đường dài), khi bay thấp 50 m, con người trong trạng thái thay đổi không bình thường, phải chịu một sức ép mạnh, lúc ấy anh thấy tối cả mắt, nếu như không được rèn luyện thì điều gì đã xảy ra?. Cùng một lúc anh phải làm các nhiệm vụ như dẫn đường, cảnh giới, phát hiện địch, thông tin liên lạc với mặt đất, bóp cò nổ súng,... Xông xáo trên bầu trời như người lính xung kích, lúc bình thường lại khéo léo. Anh Súy cần có thần kinh thép để tránh những cảm giác không chính xác lúc bay đêm, bay trong sương mù, bay trên biển. Và trong một trận chiến đấu năm 1965, biên đội anh (4 máy bay) phải đương đầu với ba biên đội của địch. Đã có lúc anh phải dùng một lực tới 60 - 70 kg để điều khiển máy bay vào thế có lợi, lao thẳng trực diện công kích địch...! Cả hội trường vang động tiếng vỗ tay hoan hô người chiến sĩ không quân quả cảm!

Ngớt tiếng vỗ tay hoan hô, trên ghế chủ tịch đoàn, Thủ tướng đứng dậy cười sảng khoái rồi nói:

- Trung ương quyết tâm để các đồng chí họp ở đây là một cố gắng lớn, rất lớn... Vậy muốn khắc phục khó khăn ta phải làm gì? Ai phát biểu giơ tay?

Cả hội trường ồn ào, sôi động hẳn lên. Nhiều người giơ tay. Thủ tướng nhìn một lượt rồi chỉ tay. Sao lại rơi đúng vào tôi! Quả thực, lúc này, tôi chưa kịp nghĩ đầy đủ, nhưng không khí sôi động của hội trường đã giúp tôi mạnh dạn đứng lên:

- Thưa bác, có niềm tin, sự khổ luyện và quyết tâm sẽ vượt được khó khăn ạ!

Thủ tướng khen:

- Khá! Khá!

Nghị sự lại tiếp tục, đến lượt anh Bùi Văn Tiến (xã Cổ Lũng, Bá Thước, Thanh Hóa) lên báo cáo về tinh thần của bà con người Thái, người Mèo trong quá trình đưa bộ mặt văn hóa vùng cao thành một điển hình cho các dân tộc miền núi, vừa xây dựng bản làng, vừa sản xuất chiến đấu trong thời chiến. Mọi người có cảm giác như vừa được nghe một bản anh hùng ca của thời kỳ miền Bắc khi cả đất nước đang trong giai đoạn nước sôi, lửa bỏng. Có rất nhiều báo đã đưa tin, cổ vũ và ví Cổ Lũng như một bộ tộc Maragasca (Châu Phi) khi giống lên một hồi trống tại Hội nghị ba châu tổ chức tại Lahabana (Cuba) "Hãy ủng hộ người anh em Việt Nam đang đứng trên tuyến đầu chống Mỹ”.

Anh Chỉ đứng lên và nói về những giây phút vinh quang của Tổ quốc qua màu cờ và sắc áo khi thi đấu tại đấu trường Phnôm Pênh (Campuchia). Trước một ngày thi đấu, sức khỏe như cạn kiệt nhưng ý chí trỗi dậy đã giúp anh vượt lên đối thủ ở bước chân cuối cùng về đích. Phần thưởng riêng cho anh là tấm huy chương vàng, nhưng nếu chỉ có thể thì điều gì đã xảy ra - ngất lúc về đích, tỉnh lúc nhìn lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên tung bay trước hàng ngàn bà con Việt kiều ta bên đó (điều cần nhớ lúc này Phnôm Pênh gần sát Sài Gòn, còn đang là thủ đô của "Cộng hòa Việt Nam" dưới thời của Mỹ - Ngụy).

Cả hội trường vỗ tay. Đoàn quân nhạc cử tọa sôi động.

Điểm báo cáo của xạ thủ Trần Oanh đã làm bao con tim Việt kiều hồi hộp đợi chờ ở "Phát súng thứ sáu mươi" trúng vòng mười mà báo chí nước ngoài đăng tải ca ngợi với tít đầu trang nhất. “Phát súng thứ sáu mươi” của Trần Oanh - vận động viên của "Việt Nam dân chủ cộng hòa" lúc bấy giờ (!).

Bằng hành động thi đấu của mình, anh đã khẳng định cho thế giới biết rằng ở Việt Nam có nhiều Huỳnh Văn Đảnh bắn 84 phát, diệt 86 kẻ thù (Huỳnh Văn Đảnh, Tạ Thị Kiều trong đoàn anh hùng, dũng sĩ miền Nam được ra Bắc gặp Bác Hồ).

Không khí thi đua tràn ngập chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ai nấy cũng được tắm mình trong không khí vui tươi, tự hào của ngày hôm ấy (ngày 18/5/1967) nhưng rồi lại lắng đi và hình như mọi người sắp bật khóc vì quá xúc động khi tiếng thơ của nghệ sĩ âm vang: Chín phút cuối cùng của anh Trỗi trước lúc quân thù bắn anh, anh vẫn hô:

Hồ Chí Minh muôn năm,

Hồ Chí Minh... Hồ Chí Minh"

Mà kìa, Thủ tướng ngồi trên ghế chủ tịch đoàn đang khóc. Người đã khóc !.

Chúng tôi bật tiếng khóc theo người. Và hình như anh Trỗi cũng đang về dự đại hội với chúng tôi!

Thủ tướng lau nước mắt, chậm rãi đứng lên:

- Sự nghiệp chống Mỹ cứu nước còn nhiều gian nan, khó khăn đấy, nhưng nhất định thắng lợi, các đồng chí có nhất trí không?

Cả hội trường đứng dậy biểu lộ quyết tâm trong tiếng nhạc hùng tráng của đoàn quân nhạc: "Giải phóng miền Nam, chúng ta cũng quyết tiến bước..."

Ngày hôm sau (19 - 5) đúng vào ngày sinh nhật Bác, tôi lại khoác ba lô lên đường để kịp chuyến tàu tiếp tục cuộc hành trình với anh em đang làm nhiệm vụ tại Hang Trấu - Pắc Pó (Cao Bằng), nơi sơ tán của trường Đại học Bách khoa.

Đào Liên [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Nhớ lại những ngày đầu gian khó
» Cô nữ sinh Văn khoa và bài thơ gây chấn động dư luận 20 năm trước…
» Từ bài thơ gây chấn động dư luận và “đêm trước đổi mới”
» Nước non Cao Bằng - Đường lên Việt Bắc
» Tìm nguồn
» Đã có một làng đại học như thế
» “Vệ túm” - kỷ niệm không thể nào quên
» Nhớ về đồng đội
» Hoàng hôn Đồng Lộc
» Bài học ngày ra trận
» Nước mắt và nụ cười
» Nỗi niềm CK một thời, một thuở
» Vài suy nghĩ về mốc đầu tiên của ĐHQGHN
» Lớp tôi có gì đặc biệt?
» Cuộc gặp sau 20 năm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn