Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 20 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 984600
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
GS. Nguyễn Hoán, Chủ nhiệm đầu tiên của khoa Hóa học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội

Viết về GS. Nguyễn Hoán là một việc rất khó, vì tư liệu quá ít, có thể nói hầu như không có, ngay cả đến những cuốn giáo trình in roneo của thầy hiện nay cũng không còn nữa.

Tư liệu hiện tại về thầy chỉ còn lưu giữ trong ký ức của tất cả các thế hệ sinh viên và những ai đã tiếp xúc với thầy. Với tấm lòng của một người học trò, tôi sẽ cố gắng ghi lại những gì mình còn nhớ về thầy và tình cảm của các bạn đồng nghiệp của tôi đối với thầy.

Chiều nay, tôi đến nhà số 30 Nguyễn Huy Tự (Hà Nội), nơi gia đình thầy Hoán - cô Túc sống hồi trước, gặp bà Ninh là người giúp việc của gia đình thầy cô đến nay đã hơn 50 năm. Bà Ninh nay đã sang tuổi 86, trí nhớ sút kém nhiều nên không thể cung cấp những thông tin về thầy. Trong nhà thầy hiện có cháu Nguyễn Thúy Vân con của ông Nguyễn Tùng là em ruột của thầy. Bác Nguyễn Tùng là bộ đội thời chống Pháp nay cũng đã mất, cháu Vân thì còn trẻ không biết nhiều về thầy. Cả 4 người con của thầy hiện đang ở Pháp, và tôi được biết Quốc Cảnh con trai đầu của thầy nay đã có một cháu trai và một cháu gái. Như vậy là thầy đã có cháu đích tôn nối dõi. Tôi xin thắp nén hương lên bàn thờ thầy cô, mong vong linh thầy, cô cho phép tôi một lần nữa viết về thầy.

Khung cảnh trong vườn, phòng khách, hành lang, nhà bếp vẫn như xưa. Tôi vẫn cảm thấy như thầy, cô đang còn đâu đây. Thời gian trôi quá nhanh, vừa mới ngày nào đó mà đến nay thầy, cô đã đi vào cõi vĩnh hằng được gần 30 năm rồi.

Thầy Nguyễn Hoán sinh ngày 15.8.1916 tại thôn Phượng Dực, xã Phượng Vũ, huyện Phú Xuyên thuộc tỉnh Hà Đông cũ. Từ bé, Nguyễn Hoán đã tỏ ra thông minh và say mê học tập. Năm 20 tuổi, Nguyễn Hoán tốt nghiệp tú tài và quyết tâm tìm đường ra nước ngoài để vừa làm vừa học. Đầu tiên, anh sang Nhật (1937) được 1 năm rồi sang Pháp (1938) và ở lại Pháp để học và làm việc liên tục 17 năm (1938 - 1955). Giai đoạn này tình hình chính trị ở Pháp rất sôi động vì đúng vào thời kỳ Đại chiến thế giới lần thứ II (1939 - 1945). Ngoài việc học tập và kiếm sống, anh thanh niên Nguyễn Hoán đã tích cực tham gia hoạt động chính trị rồi gia nhập đảng Cộng sản Pháp và bền bỉ hoạt động trong các phong trào chống chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương. Năm 1954, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ quốc gia về Hóa học tại Paris. Ngay sau đó, anh được nhận vào làm việc trong phòng thí nghiệm Hóa học của GS. Bửu Hội, nhà khoa học nổi tiếng về lĩnh vực Tổng hợp hữu cơ lúc bấy giờ. Tại phòng thí nghiệm này, cách đây hơn nửa thế kỷ, anh Nguyễn Hoán đã say sưa tiến hành các phản ứng ghép vòng, thơm hóa các hợp chất hữu cơ, một lĩnh vực khá lý thú hồi đó. Nhưng tình hình chính trị trong nước ta lúc đó đang có những biến chuyển lớn. Sau 9 năm kháng chiến trường kỳ (1946 - 1954) quân dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang với trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, miền Bắc Việt Nam hoàn toàn giải phóng. Khí thế đó đã thôi thúc anh thanh niên Nguyễn Hoán từ giã thành phố Paris hoa lệ, từ giã phòng thí nghiệm hiện đại của GS. Bửu Hội để tình nguyện về Hà Nội nhận công tác.

Ngày 4.6.1956, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định số 2184/TC thành lập 5 trường đại học là Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm, Đại học Y dược, Đại học Bách khoa, Đại học Nông - Lâm. Ngày 14.9.1956 Bộ Giáo dục ra nghị định số 775/ND bổ nhiệm GS. Ngụy Như Kontum làm Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp, GS. Lê Văn Thiêm làm Chủ nhiệm Khoa Toán - Lý, GS. Nguyễn Hoán làm Chủ nhiệm Khoa Hóa - Vạn, GS. Đặng Thai Mai làm Chủ nhiệm Khoa Văn - Sử. Đến năm 1961, Khoa Hóa - Vạn tách ra làm hai là Khoa Hóa học và Khoa Sinh vật học. Từ đó trở đi GS. Nguyễn Hoán làm Chủ nhiệm Khoa Hóa học kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Hóa hữu cơ. Bên cạnh công tác Chủ nhiệm khoa, GS. Nguyễn Hoán còn là Uỷ viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là Trưởng ban Hóa học của Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước và là Chủ nhiệm đầu tiên của tờ Tạp chí Hóa học.

Thời gian hơn 20 năm GS. Nguyễn Hoán làm Chủ nhiệm Khoa Hóa có thể phân thành hai giai đoạn:

1. Chín năm phát triển trong hòa bình (1956 - 1964).

Với cương vị là Chủ nhiệm khoa, ngay buổi ban đầu GS. Nguyễn Hoán đã gặp rất nhiều khó khăn. Điều này cũng dễ hiểu vì đối với một trí thức được đào tạo một cách hoàn chỉnh, hệ thống, trong trường đại học có tiếng ở Paris, sau 17 năm trời quá quen với cách làm việc nề nếp, phân công cụ thể ở Pháp, nay bắt tay vào làm việc ở Việt Nam, một nước nghèo vừa mới ra khỏi chiến tranh, do đó làm sao tránh khỏi vấp váp. Thế nhưng nhờ vào lòng nhiệt tình của người trí thức yêu nước, nhờ vào lòng yêu mến và sự ủng hộ của số đông cán bộ, sinh viên trong khoa, nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo nhà trường và cấp trên, GS. Nguyễn Hoán đã vượt qua tất cả, đã đặt nền tảng cho những bước đi ban đầu của Khoa Hóa học và đóng góp to lớn vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Hóa học Việt Nam.

Trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn phải dành nhiều thời gian cho công tác quản lý GS. Nguyễn Hoán vẫn bảo đảm đầy đủ các giờ lên lớp, hướng dẫn và trực tiếp tiến hành công việc nghiên cứu khoa học.

Về giảng dạy, rất nhiều thế hệ sinh viên học ở Khoa Hóa trong giai đoạn này đều cho rằng nhờ kiến thức uyên bác về lý thuyết và thực tiễn cộng với khả năng truyền đạt sôi nổi, hấp dẫn, nhiệt tình, thầy Nguyễn Hoán giảng bài có sức cuốn hút sinh viên một cách đặc biệt. Tôi còn nhớ, vào cuối năm thứ 3 (1959) anh Hồ Sĩ Thoảng do mê giờ giảng của thầy Hoán đã viết đơn xin được đi theo lĩnh vực Hoá hữu cơ của thầy. (Nhưng sau này do tổ chức phân công anh Thoảng phải đi về lĩnh vực Hoá Lý và đã trở thành giáo sư - tiến sĩ khoa học đầu tiên của Khoa Hoá học). Nhờ đặc tính sôi nổi chân thành của thầy Hoán làm cho lớp Hoá khóa 1 chúng tôi số đông là con em ở nông thôn mới ra Hà Nội đã có lòng tự tin, say mê học tập và rất yêu ngành Hoá.

Về công tác quản lý, GS. Nguyễn Hoán rất nhiệt tình, thích cái mới, ai có cái mới thì hết sức giúp đỡ, đặc biệt trong khâu gắn liền giữa giảng dạy lý thuyết với thực tập ở phòng thí nghiệm và thực tế sản xuất. Thời gian này ngoài việc giảng dạy ở Khoa, GS. Nguyễn Hoán còn đi xuống nhiều địa phương, nhà máy, nông trường để phổ biến khoa học, tìm cách ứng dụng những thành tựu nghiên cứu khoa học vào sản xuất. Tôi không thể quên được hình ảnh những ngày thầy tập gánh nước và cùng làm việc đồng áng với bà con nông dân ở Cao Viên (Thanh Oai, Hà Tây). Kết quả của những việc kết hợp thực tế đó đã đóng góp nhiều trong công tác cải tiến chương trình và giáo trình.

Về nghiên cứu khoa học, thầy Hoán đã thu được nhiều kết quả trong lĩnh vực nghiên cứu các hợp chất dị vòng, các hợp chất cơ phốt pho, phức vòng càng và ankyl hoá dãy phenol với xúc tác là axit polyphotphoric. Thầy đã công bố trên 40 công trình khoa học ở các tạp chí danh tiếng trong và ngoài nước.

2. Những năm chống Mỹ cứu nước (1965 - 1975)

Năm 1965, đế quốc Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại lần thứ nhất trên miền Bắc. Tháng 8.1965 Khoa Hoá học theo Trường Đại học Tổnh hợp sơ tán về xã Văn Yên, Đại Từ, Bắc Thái. Ngày 15.10.1965, năm học chống Mỹ cứu nước đầu tiên của Khoa Hoá học bắt đầu ở xóm Bầu, xóm Bậu, xóm Núi (xã Văn Yên, Đại Từ, Bắc Thái). Thời kỳ này tất cả sinh viên, giáo viên, cán bộ công nhân viên của Khoa vô cùng vất vả, tất nhiên là cán bộ lãnh đạo từ tổ Bộ môn đến Ban chủ nhiệm khoa lại càng vất vả hơn. Tôi còn nhớ ngôi nhà thầy Hoán ở ngay bên bờ suối xóm Bậu. Có lần thầy đi họp về lội qua suối thì trời đổ mưa to, suối ngập sâu (mưa rừng, bão biển thường đột ngột như vậy), thầy sơ ý làm trôi mất chiếc mũ. Một cán bộ xã Văn Yên nhặt được chiếc mũ ở ven suối, thấy trên mũ có đề tên Nguyễn Hoán (cái tên mà bà con xã Văn Yên đã quen thuộc và mến phục), anh hốt hoảng tưởng là tin dữ vội vã chạy về xóm Bậu, nhưng đến nơi thấy thầy đang ở nhà, nở nụ cười đầm ấm, phúc hậu - anh thở phào nhẹ nhõm.

Đến 1969, giặc Mỹ buộc phải tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc. Khoa Hoá học lại theo trường chuyển về Hà Nội vào giữa năm 1970. Mọi công việc di chuyển nhà cửa, phòng thí nghiệm… còn chưa kịp ổn định thì tháng 4.1972 giặc Mỹ lại ồ ạt ném bom miền Bắc mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai. Một lần nữa, Khoa Hoá học lại phải thu xếp gói mọi thứ để sơ tán về Ứng Hoà (Hà Tây) rồi tiếp đến sang Hiệp Hòa (Hà Bắc).

Mặc dù chiến tranh ngày một ác liệt, phải di chuyển liên tục nhưng mọi công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Khoa Hoá học vẫn không bị đình trệ.

Sau Hiệp định Paris (1.1973) và đại thắng mùa xuân năm 1975, cả nước được thống nhất. Đại gia đình Khoa Hoá học lại trở về khu 19 Lê Thánh Tông. Những hàng cây xà cừ cổ thụ trước sân Khoa hôm đó cũng lay động đùa dỡn với gió để đón mừng chia vui cùng thầy trò chúng tôi.

Trở về 19 Lê Thánh Tông, Khoa Hoá học bắt tay vào thu xếp phòng thí nghiệm, thư viện, giảng đường rồi tiến hành ngay công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Giai đoạn này thầy Hoán đã bắt đầu giảm sút sức khoẻ, nhưng ngoài công tác quản lý, thầy vẫn lên bục giảng, nhiều lần còn sang giảng bên Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc.

Sang năm 1976, thầy thường bị viêm họng và ho nên thỉnh thoảng phải sang Bệnh viện Việt - Xô để khám, điều trị và điều dưỡng. Cuối năm 1977, bệnh ho càng nặng thêm và phát hiện có triệu chứng ung thư vòm họng. Năm 1978, thầy sang Đức để chữa bệnh và đến ngày 1.6.1978 thầy vĩnh viễn ra đi mà chưa kịp hoàn thiện 2 cuốn giáo trình Hoá hữu cơ.

Tôi nhớ mãi một ngày giữa tháng 6.1978, Bộ Đại học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cùng gia đình cô Túc (vợ thầy) tổ chức trọng thể tang lễ tiễn đưa thầy trước đại sảnh khu 19 Lê Thánh Tông. Trong buổi tiễn đưa hôm đó, ngoài đại gia đình Khoa Hóa học còn có nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng - Nhà nước và thành phố Hà Nội đến dự.

Mặc dầu vào mùa hạ ở Hà Nội thường nắng nóng nhưng hôm đó trời im ắng, hàng cây xà cừ cổ thụ ở sân Khoa hình như cũng trầm lặng để tiễn biệt thầy, người thầy Chủ nhiệm khoa đã làm việc tận tụy nơi đây hơn 20 năm trời.

Hiện nay, mộ thầy đã được đưa về khu nghĩa trang Phượng Vũ bên cạnh mộ hai cụ thân sinh và mộ người em trai của thầy. Cầu mong vong linh của thầy được yên nghỉ nơi quê nhà, nơi mà thầy đã xa cách hơn 50 năm trời.

Chúng em, tất cả thầy trò Khoa Hoá học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm xưa, nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN nguyện giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học sao cho đạt được ước mong của thầy hồi còn sống là đưa nền Hoá học Việt Nam lên ngang tầm các nước tiên tiến./.

Phan Văn Tường [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» Nguyễn Thái Học - Vị lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng, một trí thức yêu nước bất khuất
» GS. NGuyễn Thừa Hợp - Người "đưa đò"... thầm lặng
» GS. Cao Xuân Huy - Nhà sư phạm mẫu mực, nhà tư tưởng uyên bác, cây cổ thụ của cánh rừng văn hoá phương Đông
» Nguyễn Văn Huyên - Nhà bác học cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp khoa học và giáo dục nước nhà(*)
» PGS.TS Trần Đình Hượu - Nửa thế kỷ tìm biết với những niềm khắc khoải tri thức
» GS. Đinh Gia Khánh - Người thầy của những khởi đầu
» GS. Trần Văn Khê - Nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống làm vinh danh nước Việt
» GS. Ngụy Như Kontum - Thầy hiệu trưởng trường tôi năm ấy
» GS. Lê Đình Kỵ - Người thầy tài hoa nghệ sĩ
» GS. NGND Vũ Đình Liên: Thầy giáo tiếng Pháp với bài thơ "ông Đồ"
» GS.NGND Phan Huy Lê, một chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam
» GS. Lê Đức Tố - nhà Hải dương học hàng đầu Việt Nam
» Trần Văn Giàu - Nhà cách mạng tiêu biểu, học giả lớn, một nhân cách lớn
» GS. Nguyễn Khánh Toàn - nhà kiến trúc sư trong giai đoạn đầu của nền giáo dục cách mạng
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn