Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 26 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 990382
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - Thành công bắt nguồn từ đam mê và sáng tạo

Đã có người ví GS.VS Nguyễn Văn Hiệu như một “tượng đài khoa học”, thuộc thế hệ các nhà khoa học đầu đàn của nền khoa học Việt Nam.

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu là người dành cả cuộc đời cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Ông đồng thời là một giảng viên đại học mẫu mực, một nhà quản lý ở cấp vĩ mô có tầm nhìn chiến lược, một người luôn đau đáu, trăn trở tìm giải pháp cho sự tiến bộ của nền giáo dục nước nhà,…

Không thể dùng một vài từ để cắt nghĩa cuộc đời ông cũng như lý giải những điều ông đã làm. Thế giới luôn chuyển động và nhãn quan của mỗi người cũng sẽ thay đổi theo năm tháng.

*

Nguyễn Văn Hiệu sinh ngày 21.7.1938 tại thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây, trong một gia đình có bố là một cán bộ cách mạng. Gia đình có bảy anh chị em, chỉ trông vào gánh hàng xén của mẹ. Tuổi thơ của cậu bé Hiệu lớn lên trong những ngày cả gia đình nay đây mai đó vì tản cư, chạy giặc. Vì là anh cả, không ít lần Nguyễn Văn Hiệu có ý định bỏ học để phụ giúp mẹ kiếm tiền nuôi các em. Nhưng ý chí khát khao hiểu biết và học tập đã thôi thúc cậu đến trường. Cậu học sinh Nguyễn Văn Hiệu đã hoàn thành chương trình phổ thông trong tám năm, khi gia đình đi tản cư từ Hà Nội vào Thanh Hoá.

Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Nguyễn Văn Hiệu thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Khoa học và theo học ngành Vật lý với mong muốn trở thành một giáo viên. Đại học khi ấy chỉ học hai năm và không có nghỉ hè. Năm 1956, khi mới có 18 tuổi, với kết quả tốt nghiệp xuất sắc, tân cử nhân Nguyễn Văn Hiệu được phân về giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - một ngôi trường mới được thành lập năm đó. Các sinh viên vào học khóa 1 Khoa Vật lý năm ấy vẫn còn nhớ nguyên hình ảnh anh giảng viên trẻ tuổi tên Hiệu có gương mặt sáng ngời, giọng nói sôi nổi và đôi mắt như có lửa.

Sau 4 năm giảng dạy tại Khoa Vật lý, tháng 10.1960, cùng gần 30 tân cử nhân khác, Nguyễn Văn Hiệu được gửi đi nghiên cứu tại Liên Xô. Đây là lứa trí thức đặc biệt, được Nhà nước và Chính phủ Việt Nam gửi đi đào tạo tại nước ngoài, nhằm xây dựng đội ngũ các nhà khoa học làm nòng cốt cho việc thành lập các viện nghiên cứu trong nước.

Như nắng hạn gặp mưa rào, anh thanh niên Nguyễn Văn Hiệu say sưa đọc và nghiền ngẫm nguồn tài liệu đầy ắp trong các thư viện. Trong thời gian nghiên cứu và học tập tại Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Đúpna - Liên Xô, tiềm năng trí tuệ của Nguyễn Văn Hiệu được phát huy hiệu quả. Sự bền bỉ nghiên cứu khoa học và say mê sáng tạo của nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Hiệu đã cảm phục được các giáo sư người Nga. Trong hai năm 1961 đến 1963, Nguyễn Văn Hiệu đã hoàn thành nhiều công trình về lý thuyết tương tác yếu giữa các hạt cơ bản - một trong những lĩnh vực nghiên cứu đang có “tính thời sự” lúc đó. Tiếp đó, Anh đã bắt tay vào nghiên cứu một lĩnh vực rất mới: các tính chất của các biên độ tán xạ các hạt nhân năng lượng cao. Những nghiên cứu của Anh đã gây một tiếng vang rộng lớn trong các nhà vật lý khi chứng minh được các hệ tiệm cận của các biên độ tán xạ. Kết quả lý thú nổi bật này giúp nhà vật lý trẻ tuổi Việt Nam Nguyễn Văn Hiệu bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ chỉ một năm sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Khi ấy, Nguyễn Văn Hiệu vừa tròn 26 tuổi, là tiến sĩ trẻ tuổi nhất của Việt Nam và Liên Xô. Cùng năm đó, TS. Nguyễn Văn Hiệu được đặc cách công nhận chức danh Phó giáo sư. Chỉ bốn năm sau đó, năm 1968, Nguyễn Văn Hiệu được phong học hàm Giáo sư. Khi đó, Nguyễn Văn Hiệu vừa tròn 30 tuổi và là vị giáo sư trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa học nước nhà. Được một nhà báo phỏng vấn về trường hợp đặc biệt này, Viện sĩ M. Máccốp đã nhận xét: “Đôi khi trong cuộc đời, có người gặp may, tìm thấy những ý tưởng thiên tài dẫn đến những kết quả quan trọng, tựa như tìm thấy một mỏ vàng. Còn Nguyễn Văn Hiệu là một trường hợp khác. Như người ta thường nói, Anh không ngồi đợi khoa học bố thí cho mình. Anh đã đạt được những kết quả làm cho mọi người ngạc nhiên bằng cách lao động rất nhiều, bằng năng lực lao động rất lớn,… ”

Năm 1964, cuộc chiến tranh cứu nước của nhân dân Việt Nam càng trở nên khốc liệt với hành động Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Sự sống của mỗi con người đều có thể bị đe doạ. Đảng và Chỉnh phủ Việt Nam khuyến khích những người có điều kiện thì tiếp tục ở lại học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước bạn vì nước nhà vẫn đang chiến tranh. Với thành tích nổi trội trong quá trình nghiên cứu tại Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Đúpna, TS. Nguyễn Văn Hiệu được Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp mời làm Phó giáo sư, rồi Giáo sư kiêm nhiệm. Tại đây, Anh tiếp tục khai phá và hoàn thành nhiều công trình khoa học. Công trình “Lý thuyết đối xứng các hạt cơ bản” của Anh đã được xuất bản thành sách tại Liên Xô và được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Cùng với GS.TS Lôgunốp và một số nhà vật lý khác, Nguyễn Văn Hiệu đã phát minh ra quy luật mới trong lĩnh vực vật lý hạt nhân năng lượng cao - quy luật “bất biến kích thước của tiết diện các quá trình sinh hạt”. Với công trình này, Nguyễn Văn Hiệu là một trong số rất ít những nhà khoa học của Việt Nam được Uỷ ban Nhà nước Liên Xô về phát minh và sáng chế cấp Bằng phát minh. Những năm sau này, với sự say mê nghiên cứu không mệt mỏi, Nguyễn Văn Hiệu là tác giả và đồng tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu có giá trị về những vấn đề lý thuyết thống nhất tương tác giữa các hạt cơ bản và lý thuyết chất rắn. Trong lĩnh vực nghiên cứu về lý thuyết chất rắn, các nhà khoa học của Việt Nam và thế giới luôn coi GS.VS Nguyễn Văn Hiệu là người anh cả và là chuyên gia hàng đầu của lĩnh vực này.

Với những thành quả trong nghiên cứu khoa học mang tính vượt trội, Nguyễn Văn Hiệu được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô năm 1982 và năm 1986, ông vinh dự được trao tặng Giải thưởng Lênin về Khoa học kỹ thuật. Tập hợp các công trình nghiên cứu của Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ, năm 1996. Đây là những phần thưởng cao quý nhất trao tặng cho nhà khoa học có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học công nghệ của Liên Xô và Việt Nam.

*

Năm 1969, Nguyễn Văn Hiệu trở về Việt Nam. Lúc này, Chính phủ đang chủ trương thành lập một số viện nghiên cứu khoa học. GS. Nguyễn Văn Hiệu được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tin tưởng, trực tiếp giao nhiệm vụ làm Viện trưởng Viện Vật lý. Ông là một Viện trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa học Việt Nam. Hơn ba mươi năm đã trôi qua, kể từ khi ông đảm nhận cương vị Viện trưởng Viện Vật lý, nhưng ký ức về một thời gian khổ của những người trí thức đi mở đường của một ngành khoa học vẫn còn sống động trong vị Giáo sư tuổi đã gần thất thập nhưng vẫn hoạt bát và sung sức. Ông nhớ ngày đó, các cán bộ của Viện Vật lý đã không quản ngại khó khăn, gian khổ đã cùng ông ngược lên Phú Thọ mua tre, nứa để dựng trụ sở rồi trộn bùn với rơm để trát tường. Ngay sau khi hoàn thiện trụ sở, cả Viện Vật lý đã hân hoan chào đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm. Thủ tướng thấy hoàn cảnh của anh chị em cán bộ trong Viện khó khăn quá nên đã ký lệnh cấp cho mỗi người một chiếc xe đạp để thuận tiện cho công việc. “Bây giờ mỗi lần nghĩ về kỷ niệm ấy tim tôi vẫn còn thắt lại vì xúc động” - GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã từng tâm sự với các học trò như vậy.

Ngày 30.4.1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đầu tháng 5.1975, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu được cử làm đại biểu Quốc hội và được tháp tùng đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đi thị sát các tỉnh phía Nam. Ngày 4.7.1975, Trung ương Cục miền Nam Việt Nam ra quyết định thành lập Viện Khoa học Kỹ thuật miền Nam trực thuộc Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và cử GS. Nguyễn Văn Hiệu làm Viện trưởng. Với đội ngũ các nhà khoa học rất ít ỏi, ông lại bắt tay vào gây dựng một cơ ngơi mới. Tháng 6.1976, sau ngày cả nước đi bầu Quốc hội lần đầu tiên sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, GS. Nguyễn Văn Hiệu trở ra Bắc để đảm nhận chức vụ Phó viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam. Đến năm 1983, ông trở thành Viện trưởng. Từ năm 1993, ông là Giám đốc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia kiêm Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu. Suốt những năm tháng này, bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về vật lý chất rắn, ông còn có đóng góp đặc biệt trong việc tổ chức đưa cây thanh hao hoa vàng vào trồng đại trà ở miền núi phía bắc, tạo nguồn nguyên liệu sản xuất quy mô công nghiệp thuốc chữa bệnh sốt rét, phục vụ cho người dân ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm 1999, nhận lời mời đặc biệt của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội GS.VS Nguyễn Văn Đạo - người đồng nghiệp đã gắn bó với ông nhiều năm trên quãng đường công tác, ông trở về ngôi nhà chung Đại học Quốc gia Hà Nội - nơi ông đã từng học tập và giảng dạy khi mới bắt đầu sự nghiệp - đảm đương chức vụ Chủ nhiệm Khoa Công nghệ. Năm 2004, Trường Đại học Công nghệ - một mô hình trường đại học công nghệ hiện đại trong đại học đa ngành, đa lĩnh vực được thành lập, và ông lại là người Hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường này. Suốt những năm qua, tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên của trường vẫn luôn khắc ghi hình ảnh vị giáo sư tóc đã bạc luôn say sưa trong các bài giảng, thân tình cởi mở và thẳng thắn trong đời sống thường nhật với tất cả mọi người.

Là một người gắn bó và trưởng thành cùng với sự phát triển của nền khoa học và giáo dục Việt Nam, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đồng thời là một người quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp giáo dục và việc đào tạo thế hệ trẻ. Không ít người trong ngành giáo dục đã biết đến những đóng góp mang ý nghĩa quan trọng của ông khi ông còn là đại biểu Quốc hội. GS.VS Nguyễn Văn Hiệu là uỷ viên Trung ương Đảng các khoá V, VI, VII, VIII và là đại biểu Quốc hội nhiều khoá. Ông cũng là một trong những người đi tiên phong trong việc nhìn nhận cần có cải cách tiền lương cho ngành giáo dục. Theo ông, để đảm bảo sự công bằng cho đội ngũ những “người đứng bục” cần có các mức phụ cấp khác nhau cho những từng đối tượng làm công tác giảng dạy: phụ cấp dành cho giảng viên - thạc sĩ phải có sự khác biệt với giảng viên - tiến sĩ hoặc giáo sư. Gắn bó nhiều năm với giảng đường đại học, ông không ngừng suy nghĩ và trăn trở về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Ông cho rằng: “Chất lượng giảng dạy phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có hai yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất. Yếu tố thứ nhất là người học muốn học và có động cơ học tập chân chính: học để hiểu biết, thành người có tài phục vụ cho xã hội và làm giàu cho bản thân. Yếu tố thứ hai là người thầy. Để học trò đạt được những mơ ước chân chính cần phải có những người thầy hết sức tâm huyết, muốn giúp cho học trò của mình đạt được điều đó”. Trong cương vị một người thầy, ông có một mong muốn thật giản dị nhưng rất thiết thực với đời sống: “Làm sao giảng dạy được cho các học trò của mình: nếu là kỹ sư trong nhà máy thì làm việc thật tốt, nếu là nhà khoa học thì có nhiều phát minh, nếu là thầy giáo thi giảng bài thật hấp dẫn và truyền thụ được nhiều kiến thức cho học trò…”.

Hơn 50 năm gắn bó với khoa học và giảng đường đại học, mặc dù đã gần 70 tuổi nhưng ở ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết cho nhiều kế hoạch lớn. Cho đến tận hôm nay, người ta vẫn thấy rằng, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã và đang truyền nhiệt huyết của mình cho một thế hệ các nhà khoa học mới hăng say học tập, nghiên cứu để chiếm lĩnh một lĩnh vực khoa học và công nghệ mới. Đó là khoa học và công nghệ nanô. Theo ông và các nhà khoa học trên thế giới, trong vài thập kỷ tới, ngành khoa học và công nghệ này sẽ tạo ra những chuyển biến lớn lao như những gì mà ngành công nghệ thông tin đã cống hiến cho loài người trong thời gian qua.

Với GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, thành công nào cũng bắt nguồn từ đam mê, nhiệt huyết và sáng tạo./.

Trần Đỗ Diệp Anh [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» GS. Nguyễn Hoán, Chủ nhiệm đầu tiên của khoa Hóa học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội
» Nguyễn Thái Học - Vị lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng, một trí thức yêu nước bất khuất
» GS. NGuyễn Thừa Hợp - Người "đưa đò"... thầm lặng
» GS. Cao Xuân Huy - Nhà sư phạm mẫu mực, nhà tư tưởng uyên bác, cây cổ thụ của cánh rừng văn hoá phương Đông
» Nguyễn Văn Huyên - Nhà bác học cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp khoa học và giáo dục nước nhà(*)
» PGS.TS Trần Đình Hượu - Nửa thế kỷ tìm biết với những niềm khắc khoải tri thức
» GS. Đinh Gia Khánh - Người thầy của những khởi đầu
» GS. Trần Văn Khê - Nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống làm vinh danh nước Việt
» GS. Ngụy Như Kontum - Thầy hiệu trưởng trường tôi năm ấy
» GS. Lê Đình Kỵ - Người thầy tài hoa nghệ sĩ
» GS. NGND Vũ Đình Liên: Thầy giáo tiếng Pháp với bài thơ "ông Đồ"
» GS.NGND Phan Huy Lê, một chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam
» GS. Lê Đức Tố - nhà Hải dương học hàng đầu Việt Nam
» Trần Văn Giàu - Nhà cách mạng tiêu biểu, học giả lớn, một nhân cách lớn
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn