Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 29 Tháng 3 Năm 2024    Số người truy cập: 960262
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Võ Nguyên Giáp, cựu sinh viên Trường Luật - Đại học Đông Dương

Mùa hè năm 1925, Võ Nguyên Giáp rời Trường Tiểu học Đồng Hới ở quê nhà Quảng Bình để vào Huế ôn thi vào Trường Quốc học Huế. Chính cụ thân sinh là Võ Quang Nghiêm tự mình dẫn con đi.

Đặt tên con là Nguyên Giáp, nhà nho học tài thi phận này thầm mong ước con mình sẽ lập được thành tích sáng chói trong học tập nhưng Võ Nguyên Giáp thì chỉ đăng ký tên mình vào hồ sơ xin học là Võ Giáp; về sau biết chuyện, ông cụ rất tức giận và bắt phải khai lại đúng như tên ông đã đặt: Võ Nguyên Giáp . Một bạn học cũ ngồi cùng bàn - sau này là Giáo sư Toán học Nguyễn Thúc Hào - còn nhớ cách bà giáo người Pháp đọc hai tiếng "Vo Giap" theo lối phát âm tiếng Pháp, không có dấu và không có chữ "Nguyên". GS. Nguyễn Thúc Hào còn kể: Tại kỳ thi nhập học năm đó, tôi đỗ đầu, còn anh Giáp đỗ thứ hai, nhưng suốt cả năm đệ nhất niên, tháng nào anh ấy cũng đứng đầu lớp.

Võ Quang Nghiêm là một nhà nho nghèo, đã qua nhiều kỳ thi Hương, kể cả khoa cuối cùng năm Mậu Ngọ (1918) nhưng đều không đậu. Làm hương sư và thầy thuốc Đông y, ông được nhân dân địa phương rất kính trọng. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông bị Pháp bắt, đưa về giam ở Huế và mất trong tù.

Gia đình Võ Nguyên Giáp làm nghề nông, mức sống chật vật, việc cho Võ Nguyên Giáp vào tận Huế học tập là một cố gắng gần như quá sức của gia đình. Võ Nguyên Giáp biết rõ điều đó nên càng quyết chí học tập. Vừa đặt chân vào trường Quốc học, anh đã nghe tiếng những bạn học giỏi ở các lớp trên như Tạ Quang Bửu và Phan Bôi. Anh được học với các thầy giáo đầy tâm huyết như Võ Liêm Sơn (1888 - 1949), Cao Xuân Huy (1900 - 1983), Đặng Thai Mai (1902 - 1984)... Đây là thời gian mà ở Huế cũng như trên toàn quốc đang sôi nổi phong trào đấu tranh đòi ân xá Phan Bội Châu, truy điệu Phan Châu Trinh. Tại Trường Quốc học Huế, Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều), Võ Nguyên Giáp... tổ chức đi lấy chữ ký vào đơn gửi Toàn quyền Varenne đòi ân xá cho Phan Bội Châu. Trước áp lực đấu tranh của nhân dân Việt Nam, Pháp đã phải hủy bản án khổ sai chung thân cho Phan Bội Châu và đưa cụ về an trí tại Huế. Sự hiện diện của Phan Bội Châu ở Huế - người mà Nguyễn Ái Quốc đã mệnh danh là "Bậc anh hùng", "Vị thiên sứ", "Đấng xả thân vì độc lập" đã khuấy động mạnh mẽ nhiệt tình yêu nước của nhân dân, đặc biệt là thanh niên, học sinh của thành phố Huế vốn lặng lẽ, trầm mặc. Nhiều nhân sĩ, trí thức và thanh niên khắp cả nước, bất chấp sự theo dõi của mật thám, đã đến xin yết kiến cụ, để được nghe cụ bình thơ, hoặc giải đáp cho một vấn đề thế sự nào đó; cũng có lần cụ đến thăm trường Quốc học Huế. Một học sinh cũ, nhà thơ Khương Hữu Dụng đã gợi lại cuộc gặp gỡ đó: "Anh em học sinh chúng tôi tập trung trong sân chơi của trường. Bỗng rào rào như ong vỡ tổ, hàng ngũ học sinh xáo động. Một ông già quắc thước, áo dài thâm, quần vải trắng, với đôi mắt sáng quắc, chùm râu quai nón đốm bạc, xuất hiện uy nghi, trượng phu... Mọi người cố chen nhau đến gần cụ như muốn được nghe rõ hơn, thấu đáo hơn tiếng nói của con người gần như đã trở thành huyền thoại. Cụ già trìu mến nhìn đám học sinh trẻ. Giọng Nghệ An âm vang như tiếng cồng: "Anh em khỏi phải chen nhau, tôi nói to lắm, tận sân ngoài cũng có thể nghe rõ"... Cụ cứ láy đi láy lại một điệp khúc duy nhất, thức tỉnh: "Rượu tây, cơm tây, quần áo tây, xe tây, lầu tây... Học đường nô lệ, giáo dục nô lệ, nhân tài nô lệ, nô lệ ưu đẳng".

Mật thám Pháp nhận ra người cầm đầu phong trào học sinh Quốc học Huế là Nguyễn Chí Diểu. Nhân kỳ thi Toán cuối học kỳ Đệ nhị niên (1926 - 1927), Võ Nguyên Giáp ngồi bàn trước, Nguyễn Chí Diểu ngồi bàn sau, giám thị bèn vu cho Nguyễn Chí Diểu đã "copy" bài của Võ Nguyên Giáp và đuổi học anh. Sự thực thì Nguyễn Chí Diểu là một học sinh giỏi và không làm việc đó. Còn đối với Võ Nguyên Giáp thì Nguyễn Chí Diểu là người bạn thân thiết lớn tuổi, quen nhau ngay từ lớp ôn thi vào Quốc học Huế và cùng ở chung ký túc xá. Võ Nguyên Giáp đã viết đơn, trình bày với Hiệu trưởng sự oan uổng của Nguyễn Chí Diểu. Đơn bị trả lại, Võ Nguyên Giáp bèn bàn với Nguyễn Khoa Văn tổ chức bãi khóa. Học sinh nhiều trường khác, nơi ít nơi nhiều, như nữ học Đồng Khánh, Bách nghệ Thuận Hóa, cả Trường Hậu bổ Quốc Tử giám, Trường Chaigneau, Trường Paul Bert và Trường đạo Pèllerin đều lần lượt hưởng ứng. Cuộc bãi khóa của học sinh Trường Quốc học Huế đã biến thành cuộc bãi khóa của một bộ phận học sinh toàn thành phố. Sau 1 tháng phong trào tan dần, nhà cầm quyền công bố một danh sách học sinh bị đuổi học, đứng đầu sổ là Nguyễn Chí Diểu, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Khoa Văn, Phan Bôi...

Bị đuổi học, Võ Nguyên Giáp trở về quê. Năm 1928, quê hương Võ Nguyên Giáp có lụt to. Nguyễn Chí Diểu đi đò đến nhà, trao cho Võ Nguyên Giáp bài phát biểu của Nguyễn Ái Quốc tại cuộc họp của Liên đoàn các dân tộc bị áp bức trên thế giới ở Bruxelles (Bỉ). Lúc này, Nguyễn Chí Diểu là Uỷ viên Kỳ bộ Trung Kỳ của Tân Việt Cách mạng Đảng, đã thay mặt tổ chức kết nạp Võ Nguyên Giáp vào Tân Việt, sau đó, giới thiệu Võ Nguyên Giáp vào làm việc ở Huế, tại Nhà xuất bản Quan hải tùng thư do Đào Duy Anh sáng lập và ở báo Tiếng dân của Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây, Võ Nguyên Giáp bắt đầu học nghề làm báo, chuẩn bị cho giai đoạn hoạt động báo chí sôi nổi trong thời Mặt trận Bình dân.

Khoảng đầu tháng 10.1930, trong cuộc khủng bố Xô Viết Nghệ - Tĩnh, Võ Nguyên Giáp bị bắt và bị giam ở nhà lao Thừa phủ (Huế), cùng với người yêu là Nguyễn Thị Quang Thái, em trai là Võ Thuần Nho và các thầy giáo Đặng Thai Mai, Lê Viết Lượng... Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế đỏ của Pháp, Võ Nguyên Giáp được trả tự do nhưng lại bị Công sứ Pháp tại Huế ngăn cấm không cho ở lại Huế tiếp tục làm báo Tiếng dân, Võ Nguyên Giáp bèn trở về quê rồi ra Hà Nội, miệt mài tự học chương trình hai lớp đệ tam, đệ tứ trung học và chương trình bằng Tú tài phần I. Lúc này, Trường Trung học Albert Sarraut tại Hà Nội mở một lớp thí sinh tự do cho những ai muốn dự thi Tú tài phần II. Võ Nguyên Giáp đăng ký thi và đã đỗ đầu. Bạn học cùng lớp này có Phạm Huy Thông. Sau khi có bằng tú tài toàn phần, Võ Nguyên Giáp được nhận vào dạy ở Trường tư thục Thăng Long về Lịch sử và Pháp văn.

Thời gian này, phong trào Mặt trận Bình dân sôi nổi ở nước ta, nhất là ở các thành phố lớn. Cùng với đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp lãnh đạo các báo Đảng tại Hà Nội, trực tiếp thành lập báo Le Travail (Lao động) và được bầu làm Chủ tịch Báo giới Bắc Kỳ.

Song song với các hoạt động trên, Võ Nguyên Giáp ghi tên học Trường Luật của Đại học Đông Dương, chú trọng về Luật kinh tế. Chế độ học ở đây, số giờ lên lớp nghe giảng thì ít, nhưng giáo trình và tài liệu tham khảo phải mang về nhà tự nghiên cứu thì rất nhiều và cuối năm phải qua một kỳ thi kiểm tra. Võ Nguyên Giáp đã ôm sách ra bờ đê sông Hồng tìm một nơi vắng vẻ để ôn thi. Đặc biệt, Võ Nguyên Giáp đã dự cuộc thi sinh viên giỏi toàn Đông Dương với đề tài: Cán cân thanh toán và cán cân thương mại của Đông Dương và đã đoạt giải nhất. Giáo sư Khérian, phụ trách giảng dạy môn Luật ở Đại học Đông Dương đã đánh giá luận văn này nội dung sáng sủa, có phương pháp và có bản sắc cá nhân. Giáo sư cũng cho biết: theo thể lệ quy định, người đoạt giải nhất sẽ được cấp học bổng đi du học Pháp nhưng cần điều chỉnh nhãn quan chính trị. Võ Nguyên Giáp đã trả lời: "Cám ơn nhưng niềm tin của tôi đã được xác định".

Cũng trong thời gian học ở trường Albert Sarraut và Trường Luật ở Hà Nội, Võ Nguyên Giáp đã cộng tác với một giáo sư khác là Pierre Gourou, giúp ông thu thập thông tin và dữ liệu về các kiểu nhà ở của nông dân miền Trung và nhất là thực trạng đời sống của nông dân Việt Nam. Đây là một vấn đề Võ Nguyên Giáp đã quan tâm ngay từ khi chứng kiến tình cảnh nghèo khổ của bà con nông dân ở quê nhà. Trong hoạt động báo chí, bên cạnh các bài về các cuộc đình công của công nhân nhà máy xe lửa Trường Thi, Nhà máy sợi Nam Định... Võ Nguyên Giáp còn viết nhiều bài phơi bày cuộc sống cực khổ của nông dân. Với bút danh Vân Đình, Võ Nguyên Giáp đã cộng tác với Trường Chinh (ký bút danh là Qua Ninh) viết cuốn "Vấn đề dân cày" (1937).

Cùng với C. Robequain, tác giả cuốn "Tỉnh Thanh Hóa" (1929), P.Gourou là một nhà địa lý nhân văn chuyên nghiên cứu về nông thôn nhiệt đới châu Á. Ông quan tâm tìm hiểu mối quan hệ tương hỗ giữa con người và môi trường tự nhiên. Tháng 8.1994, trong lần gặp nhà dân tộc học người Hà Lan John Kleinen đến phỏng vấn ông tại nhà riêng ở Bruxelles, vị giáo sư già đang tiến đến tuổi thọ 100 này vẫn còn minh mẫn gợi lại một vài đức tính của người học trò cũ của mình: chăm chú nghe giảng, tò mò tìm hiểu, trí tuệ sớm phát triển... Ông cũng cho biết, ông đã không nêu đích danh tên người cộng tác quý báu khi xuất bản công trình chỉ vì ở thời điểm đó Võ Nguyên Giáp đang là một cựu chính trị phạm. Sự cộng tác giữa một giáo sư người Pháp và một sinh viên người Việt, khuynh hướng tư tưởng khác nhau, diễn ra trong hoàn cảnh chủ nghĩa thực dân Pháp còn thống trị ở Việt Nam, phải chăng có thể xem đó là một biểu hiện có ý nghĩa của sự gặp gỡ về văn hóa?

Tháng 5.1940, một chiều thứ sáu, sau giờ dạy cuối cùng ở trường tư thục Thăng Long, Võ Nguyên Giáp đi lên Hồ Tây như thể đi hóng gió. Dưới một gốc cây trên đường Cổ Ngư, người vợ trẻ của ông - Nguyễn Thị Quang Thái - bế con gái nhỏ đầu lòng chưa đầy năm, đang chờ sẵn. Họ chỉ kịp trao đổi với nhau vài lời từ biệt; cả hai đều không ngờ đó lại là lần gặp nhau cuối cùng. Cùng với Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp vượt biên giới sang Trung Quốc. Tại Côn Minh, lần đầu tiên Võ Nguyên Giáp được gặp nhân vật huyền thoại của cách mạng Việt Nam - Nguyễn Ái Quốc, mà trước đó ở Trường Quốc học Huế ông chỉ mới được thấy hình ảnh Nguyễn Ái Quốc đội mũ phớt đen trong một bức ảnh cũ đã mờ. Bấy giờ Nguyễn Ái Quốc đã mang một tên mới: Hồ Chí Minh. Có thể nói, ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên này, nhà cách mạng tinh tường và từng trải đã phát hiện ra Võ Nguyên Giáp.

Hồ Chí Minh đã cử Võ Nguyên Giáp đi Diên An, căn cứ địa của Cách mạng Trung Quốc, nhưng mới được nửa đường thì ông được lệnh phải gấp rút quay về nước. Tình hình thế giới đang chuyển biến mau lẹ, tạo ra cho cách mạng Việt Nam những thời cơ mới.

Tháng 12.1944, tại chiến khu Cao - Bắc - Lạng, Võ Nguyên Giáp được cử làm chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Cách mạng thành công, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và từ đầu năm 1948, sau Chiến thắng Việt Bắc, ông được phong quân hàm Đại tướng, Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ Việt Nam.

Tại Đại hội II, III, IV của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và là Uỷ viên Bộ Chính trị. Ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam từ khóa I đến khóa VIII. Có thể nói, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ và trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, Võ Nguyên Giáp luôn là một trong những nhân vật lịch sử đứng ở hàng đầu trong cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Trong số các nhà lãnh đạo Việt Nam thời hiện đại, có lẽ Võ Nguyên Giáp là nhân vật được đề cập và bàn luận nhiều nhất ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Nhà sử học quân sự người Mỹ Cecil Currey đã ca ngợi ông "Chiến thắng bằng mọi giá - Võ Nguyên Giáp, thiên tài của Việt Nam" nhưng sẽ là xác đáng hơn nếu nói như một đồng đội của ông - Thượng tướng Trần Văn Trà: Võ Nguyên Giáp là vị Tổng tư lệnh biết quý từng giọt máu của chiến sĩ, hay như nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam người Ý, Pino Tagliazucchi, người đã đến Hà Nội phỏng vấn Võ Nguyên Giáp về quá trình chuyển biến tư tưởng từ Phan Bội Châu sang Nguyễn Ái Quốc, đã viết: "Nên tránh việc trình bày Võ Nguyên Giáp như một vị tướng cổ điển, một diện mạo kiểu Napoléon, trái lại, Võ Nguyên Giáp là một nhà chiến lược thực sự vĩ đại một cách đương đại và là một nhà chính trị". Do những cống hiến của ông, Võ Nguyên Giáp đã được thưởng Huân chương Sao vàng, huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước./.



) Hng Cư: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thi tr, NXB Thanh niên, Hà Ni, 2004, trang 56.

Đặc san k nim Quc hc Huế 95 năm (1896 - 1991).

Nguyn Ái Quc: Nhng trò l hay là Varenne và Phan Bi Châu, báo Le Paria, s 36-37, tháng 9 - 10.1925.

Đặc san k nim Quc hc Huế 95 năm (1896 - 1991).

) Nguyn Thành: Hot động báo chí ca Đại tướng Võ Nguyên Giáp, NXB Lý lun Chính tr, 2005.

Gourou, Pierre: Les Paysans du Delta tonkinois, Étude de géographie humaine, Paris, Les Edition d’Art et d’Histoire, 1936 (Publications de l’EFEO).

- Esquisse dune Étude de lhabitation Annamite dans lAnnam Septentrional et central du Thanh hoa au Binh dinh, Paris, les Editions d’Art et d’Histoire, 1936 (Publications de l’EFEO).

Pierre Gourou, Tunis 1900 - Bruxelles, 1999.

John Kleinen: Ethnographic Praxis and the Colonial State in Vietnam, Báo cáo tại Hội thảo quốc tế EuroViet ở Aix - en - Provence, tháng 5.1995, in trong Vietnam - Sources el Approches, Đại học Provence, 1996, tr.15-48.

- John Kleinen: Tropicality and Topicality: Pierre Gourou and the genealogy of French colonial scholarship on rural Vietnam, in trong Singapore Journal of Tropical Geography, 2005, tr.339-358.

Võ Nguyên Giáp: Nhng chng đường lch s, NXB Văn học, HN, 1976, tr.24-28.

Cecil Currey, Victory at Any Cost - Genius of Vietnam’s Gen, Vo Nguyen Giap, Brassey’s INC, Washington - London, 1997.

Trần Văn Trà: Tổng tư lệnh biết quý từng giọt máu mỗi chiến binh, báo Tiền phong, xuân Canh Thìn, 2000.

Pino Tagliazucchi: Võ Nguyên Giáp, Contributo per una Biografia, Tạp chí Việt Nam (Quaderni Vietnamiti) số 2, 2003.

Nguyễn Văn Hoàn [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» Hoàng Kim Giao - Chiến sĩ phá bom nổ chậm - Cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội(*)
» GS.TSKH Nguyễn Duy Tiến - Người dạy xác suất, thống kê của nhiều thế hệ sinh viên ĐHQGHN
» GS. Dương Hữu Thời - Người thầy, nhà khoa học, người kỹ sư mang bí danh "Phương Thanh"
» Đại sứ Fredesmán Turró González
» GS. Lưu Hữu Phước, cây đại thụ của nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam
» PGS. Nguyễn Hoàng Phương, nhà khoa học uyên thâm, một trái tim nhân hậu
» Đàm Trung Đồn - Nhà khoa học tài ba mà khiêm nhường
» GS. Trần Phương - nhà kinh tế học và sự nghiệp trồng người
» Chiến sĩ cách mạng kiên cường, học giả, nhà văn hoá lớn Tôn Quang Phiệt
» GS. Hà Minh Đức, như tôi nghĩ...
» GS. Phùng Hữu Phú - nhà giáo, nhà khoa học ưu tú, cán bộ lãnh đạo tài năng, gương mẫu
» Nguyễn An Ninh - nhà văn hóa, lãnh tụ lớn của phong trào yêu nước Việt Nam trước Cách mạng tháng 8.1945
» Nguyễn Kim Đính - "Ông đồ Nghệ" giảng dạy văn học Nga
» Trường Chinh - Lãnh tụ cách mạng, nhà văn hoá, nhà tư tưởng lớn
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn