Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 17 Tháng 9 Năm 2024    Số người truy cập: 1102657
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Chiến sĩ cách mạng kiên cường, học giả, nhà văn hoá lớn Tôn Quang Phiệt

Tôn Quang Phiệt sinh ra trong một gia đình nhà nho, ở một vùng quê vốn có truyền thống ham học và yêu nước Nghệ An, mảnh đất được mệnh danh là "đất học" với sông Lam, núi Hồng mà trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã nổi tiếng với phong trào Cần vương kháng Pháp của các bậc sĩ phu yêu nước như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu... Ông là con cháu của dòng họ Tôn Huy, một dòng họ vốn đã nổi tiếng khắp vùng về truyền thống hiếu học, yêu nước, cương nghị, thanh bạch. Sớm chịu ảnh hưởng và tiếp thu tinh thần hiếu học, yêu nước của gia đình, dòng họ, quê hương cho nên ngay từ lúc còn là một cậu thiếu niên, Tôn Quang Phiệt đã nổi tiếng hiếu học, cương nghị và có chí khí, được mệnh danh là "cậu học".

Được gia đình cho vào học bậc Thành chung trong trường Quốc học Vinh, Tôn Quang Phiệt đã được các bạn đồng môn, đồng tuế của ông xem là "cậu tràng trưởng mực thước" (chữ dùng của Đặng Thai Mai) vì bao giờ ông cũng mặc áo dài thâm, quần trắng, đi đứng khoan thai, nói năng đúng mực, luôn luôn tỏ thái độ vui vẻ, chững chạc, tự trọng trong cách ứng xử với mọi người. Cũng ngay từ khi đó, ông đã sớm cùng với một số người bạn thân thiết của mình như: Đặng Thai Mai, Nguyễn Sĩ Sách, Phạm Thiều... tụ tập để luận đàm chính trị, bàn những chuyện quốc gia đại sự, khâm phục tinh thần yêu nước và nhiệt huyết cứu nước của các ông, có người đã làm thơ để gửi gắm và ca ngợi tinh thần yêu nước đó:

"Núi sông long lở chờ vai gánh,

Xã hội suy đồi mỏi mắt trông,

Hăm mốt tuổi rồi còn thế mãi,

Bao giờ cho sạch nợ tang bồng..."

Với tinh thần đó, khi ra Hà Nội vào học trong Trường Cao đẳng Sư phạm thuộc Đại học Đông Dương, ông lại tập hợp những thanh niên cùng chí hướng thành lập nhóm Việt Nam Nghĩa đoàn, Hội Phục Việt sau đổi thành Hội Hưng Nam, rồi lại đổi thành Việt Nam Cách mạng Đảng, Việt Nam Cách mạng đồng chí hội, Đảng Tân Việt (năm 1927), đến năm 1929 đổi tên lần cuối cùng là Đông Dương Cộng sản liên đoàn và gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930.

Như vậy, có thể thấy, trong một thời gian rất ngắn, Tôn Quang Phiệt đã có những sự thay đổi vượt bậc về mặt tư tưởng, mà trước hết là về mặt tư tưởng, đường lối cứu nước. Từ chỗ yêu nước thiết tha, hoạt động thủa ban đầu với vũ khí là chủ nghĩa yêu nước chân chính, ông đã dần dần giác ngộ và trở thành một chiến sĩ yêu nước, chiến sĩ cách mạng đội ngũ những người vô sản. Với tinh thần và nhiệt huyết muốn phụng sự Tổ quốc, trong quãng thời gian hoạt động cách mạng từ 1925 đến 1930, ông đã 3 lần bị địch bắt, bị kết án tù và lần bị bắt thứ ba năm 1930, ông bị địch kết án tù 7 năm rồi đày vào Nhà tù Ban Mê Thuột. Tuy nhiên, sự khắc nghiệt của chế độ thực dân trong các nhà tù đã không thể bẻ gãy ý chí chiến đấu và nhiệt huyết cách mạng của Tôn Quang Phiệt.

Ra khỏi nhà tù của thực dân Pháp năm 1934, lại bị kẻ thù quản thúc ở quê nhà, ông vẫn không từ bỏ con đường cách mạng mà xin vào dạy học trong trường tư thục ở Vinh một thời gian để che mắt địch và tìm cách liên lạc với tổ chức của Đảng, rồi sau đó vài tuần ông vào Huế xin mở Trường tư thục Thuận Hoá để dạy học và tìm cách liên lạc với phong trào cách mạng. Tại đây, ông đã nhanh chóng liên lạc được với các tổ chức và phong trào cách mạng, tham gia Hội truyền bá Quốc ngữ và hoạt động trong phong trào Đại hội Đông Dương, tham gia Mặt trận dân chủ. Rồi sau đó ông đã tham gia hoạt động trong chi bộ Việt Minh Nguyễn Tri Phương (lúc ấy gọi là Thành bộ Việt Minh Nguyễn Tri Phương) ở Huế. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông được cử giữ chức Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Cách mạng Lâm thời Thừa Thiên - Huế.

Từ năm 1946 cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, ông liên tục là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, từng tham gia Uỷ ban dự thảo Hiến pháp năm 1946. ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó: Phó trưởng ban Thường trực Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội...

Là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, ông đã tận trung, tận hiếu với dân với nước cho đến hơi thở cuối cùng. Ông mất đột ngột trong một chuyến đi công tác tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Đánh giá về phẩm giá của ông với tư cách là một chiến sĩ cách mạng kiên trung của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, trong Điếu văn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đọc tại buổi tang lễ của ông có đoạn viết: "Trong suốt cuộc đời mình, lúc bị tù đày cũng như lúc đi dạy học, lúc hoạt động cũng như lúc đã giành được chính quyền, đồng chí (Tôn Quang Phiệt) luôn luôn khiêm tốn, đoàn kết với đồng chí và đồng nghiệp, cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà nhân dân, Đảng và Nhà nước giao phó. Là đại biểu Quốc hội, đồng chí luôn luôn chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, và đã góp phần xứng đáng của mình vào những thành tích của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất... Đồng chí không còn nữa, nhưng tinh thần của đồng chí còn sống mãi trong lòng chúng tôi" (Trích: Điếu văn Tôn Quang Phiệt - Báo Nhân dân, số 7160, ngày 5.12.1973).

Trong các hoạt động quốc tế, với các cương vị là Chủ tịch Uỷ ban đoàn kết nhân dân Á - Phi của Việt Nam; Phó hội trưởng Hội hữu nghị Việt - Trung; Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Việt - Xô, Tôn Quang Phiệt đã có nhiều cố gắng góp phần làm sáng tỏ tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam trước bạn bè thế giới. Qua đó góp phần vào việc thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, các nước Á, Phi, Mỹ - Latinh. Ông là người được bạn bè quốc tế tin cậy, quý mến.

Là một người thầy giáo, Tôn Quang Phiệt nổi tiếng là một người thầy mẫu mực, hết lòng thương yêu học trò, kiến thức sâu rộng, giàu tinh thần yêu nước...

Là một nhà sử học, từ sau Cách mạng tháng Tám, Tôn Quang Phiệt đã để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về lịch sử cận đại của nước nhà. Ông đã làm nhiều thơ, văn, song đặc biệt ông rất thích và đam mê nghiên cứu lịch sử. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã dành thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu và nghiền ngẫm về lịch sử, văn hoá của dân tộc. Sau này, trong những năm tháng hoạt động cách mạng và dạy học, được đến nhiều nơi, nhiều địa bàn ông lại càng có điều kiện để tập trung nhiều hơn cho việc tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử, văn hoá.

Năm 1948, ông viết cuốn sách "Lịch sử Việt Nam dưới thời Pháp thuộc" (1882 - 1945), lên án chính sách xâm lược và cai trị của chủ nghĩa tư bản Pháp, đồng thời tỏ thái độ tức giận trước sự đầu hàng nhục nhà của triều đình nhà Nguyễn, ca ngợi ý chí và tinh thần quật cường của nhân dân ta trong các cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp xâm lược.

Năm 1950, để tuyên truyền, chứng minh cho đường lối "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi" của Đảng và Bác Hồ đề ra, Tôn Quang Phiệt đã viết và cho xuất bản cuốn sách "Trên đường tranh đấu của nhân dân Việt Nam". Ông đã dùng phương pháp chứng minh bằng lịch sử đấu tranh của dân tộc ta qua các thời kỳ lịch sử giữ nước và phân tích cuộc kháng chiến chống Pháp là phải trường kỳ thì thắng lợi nhất định sẽ đạt được, nhân dân các dân tộc Việt Nam sẽ ca khúc khải hoàn vì có chính nghĩa.

Sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc, ông đã tham gia Ban nghiên cứu Sử - Địa và có nhiều công trình nghiên cứu về các nhà yêu nước và cách mạng như: Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Phú... Năm 1958, ông cho ra mắt bạn đọc cuốn sách "Phan Bội Châu và một giai đoạn lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam". Đây là cuốn sách đầu tiên nghiên cứu và giới thiệu kỹ lưỡng về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cụ Phan Bội Châu, vì thế mà trong giới nghiên cứu khoa học lúc bấy giờ có người đã gọi đó là "tập đại thành" về việc nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp cứu nước của Phan Bội châu, tạo ra được một "chiến lược nghiên cứu" về "bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng". Ngoài ra, ông còn có những trang viết đăng trên các báo và tập san có tính chất nghiên cứu lịch sử như: "Phan Bội Châu và xu hướng võ trang cách mạng"; "Phong trào nông dân Yên Thế và vai trò của Hoàng Hoa Thám"...

Trên lĩnh vực thơ ca, Tôn Quang Phiệt là tác giả của một số tác phẩm như: "Thanh khí tương cầu" (thơ lục bát) hay cuốn truyện thơ "Khách không nhà"; hoặc tiểu phẩm "Bẻ nạng chống trời"; "Duyên nợ bên hồ"; "Một ngày ngàn thu" (Nhà in Đắc Lập, Huế, 1937)... Vì thế, có người ca ngợi ông là đã "để lại non sông một mối tình".

Không những thế, nói đến Tôn Quang Phiệt, người ta còn nhớ đến ông là một dịch giả Hán học nổi tiếng. Sinh ra trong một gia đình Nho học, lại được đào tạo Hán học từ nhỏ, với tư chất thông minh cho nên ông rất am hiều về Hán văn, chính vì thế mà dịch phẩm của ông được giới nghiên cứu rất tin cậy, thường dùng để trích dẫn. Các tác phẩm dịch thuật của ông như: "Phan Bội Châu niên biểu" (do ông và Phạm Trọng Điền dịch từ hồi ở Việt Bắc, in lần đầu năm 1955 và năm 1957 được Nhà xuất bản Văn - Sử - Địa in lần thứ hai); "Việt Nam nghĩa liệt sư" (một tác phẩm của Phan Bội Châu viết về những sự việc các đồng chí của ông đã hy sinh oanh liệt) in năm 1959.

Tôn Quang Phiệt đã đi từ một người hoạt động chính trị - xã hội đến với sự nghiệp "trồng người" - giáo dục, rồi từ sự nghiệp giáo dục đi vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học lịch sử và văn hoá. Với ông, đó chỉ là một bước, nhưng không phải ai cũng làm được như ông. Ông đã nghiên cứu lịch sử thông qua đứng trên bục giảng ở trường Thuận Hoá và từ bục giảng ông nghiên cứu về văn hoá. Phải có một tri thức, kiến thức liên ngành sâu rộng về dân tộc học, sử học, ngôn ngữ học, Hán học... mới xử lý được các "sự cố" trong nghiên cứu khoa học cũng như trong các văn bản dịch thuật mà người xưa để lại. Đánh giá về sự nghiệp "trồng người" và những hoạt động khoa học của Tôn Quang Phiệt, một học trò của ông đã viết như sau: "Tôn Quang Phiệt với ý thức và nguyên tắc làm việc của ông, ông đã không chỉ truyền thụ tri thức văn hoá, mà mọi động tĩnh như ăn, mặc, nói năng, ứng xử... đều có văn hoá mang tính giáo dục cao, có tác dụng giáo hoá nhiều thế hệ học sinh trong Trường Thuận Hoá" (Nguyễn Thúc Chuyên: Tôn Quang Phiệt con đường từ chính trị - xã hội đến văn hoá - giáo dục, Văn hoá Nghệ An, số 68, tháng 1.2006, tr.15)./.

Phạm Hồng [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» GS. Hà Minh Đức, như tôi nghĩ...
» GS. Phùng Hữu Phú - nhà giáo, nhà khoa học ưu tú, cán bộ lãnh đạo tài năng, gương mẫu
» Nguyễn An Ninh - nhà văn hóa, lãnh tụ lớn của phong trào yêu nước Việt Nam trước Cách mạng tháng 8.1945
» Nguyễn Kim Đính - "Ông đồ Nghệ" giảng dạy văn học Nga
» Trường Chinh - Lãnh tụ cách mạng, nhà văn hoá, nhà tư tưởng lớn
» GS. Nguyễn Đức Chính với những cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy nghiên cứu ngoại ngữ
» GS. Trần Văn Nhung - ông thứ trưởng mang cốt cách người thầy
» GS. Phan Cự Đệ - 50 năm trên bục giảng với một niềm đắm say khoa học
» Vị hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Y khoa của nước Việt Nam độc lập
» GS. Nguyễn Văn Mậu - nhà toán học đầu ngành
» Phan Đình Diệu - Nhà khoa học và khát vọng phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam
» GS. Nguyễn Quang Mỹ - nhà giáo, chuyên gia hàng đầu về hang động Việt Nam
» GS. Hoàng Xuân Nhị - người đặt nền móng cho việc giảng dạy Văn học Nga ở Việt Nam
» GS. Nguyễn Văn Đạo - Vị giáo sư của sáng tạo và sáng lập
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn