Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 26 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 989987
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
GS.TSKH Nguyễn Duy Tiến - Người dạy xác suất, thống kê của nhiều thế hệ sinh viên ĐHQGHN

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Duy Tiến sinh ngày 1.11.1942 tại Đô Lương (Nghệ An) song quê ông là làng Hoàng Mai, một làng cổ của đất Kinh kỳ Thăng Long xưa (nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1965, ông được giữ lại làm giảng viên của Khoa Toán và tiếp tục giảng dạy ở đó cho tới nay. Năm 1971, ông sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh và năm 1974 bảo vệ luận án tiến sĩ tại Tbilisi (nay thuộc Cộng hòa Grudia). Năm 1981, ông sang Balan làm thực tập sinh cao cấp và bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học tại Viện Toán học Wroclap năm 1983. Năm 1991, ông được phong học hàm Giáo sư.

GS. Nguyễn Duy Tiến là một trong những nhà toán học Việt Nam có uy tín trong lĩnh vực Xác suất - Thống kê. Ông là tác giả và đồng tác giả của 44 công trình khoa học có giá trị được đăng tải trên những tạp chí có uy tín trong nước và quốc tế. Ông đã hướng dẫn thành công nhiều luận án tiến sĩ (trong đó có một nghiên cứu sinh người Tây Ban Nha) nhiều lần làm phản biện hoặc tham gia các hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp nhà nước.

Ông chủ trì nhiều xêmina về Giải tích ngẫu nhiên, sinh hoạt khá đều dặn thu hút nhiều cán bộ trẻ tham gia. Năm 2002, ông là Trưởng Ban tổ chức Hội nghị Xác suất - Thống kê toàn quốc lần thứ II và năm 2002 tại Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ VI ông lãnh trách nhiệm làm Trưởng tiểu ban Xác suất - Thống kê.

GS. Nguyễn Duy Tiến là một nhà sư phạm tâm huyết với nghề. Ông đã giảng dạy ở nhiều trường đại học trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam của đất nước và một số trường đại học ở nước ngoài (Nga, Ba Lan, Tây Ban Nha). Sau 40 năm đứng trên bục giảng đến nay ông đã có rất nhiều học trò. Họ là các sinh viên đại học, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Những vấn đề trừu tượng và sâu sắc của Toán học và Lý thuyết xác suất đã được ông giảng hấp dẫn và dễ hiểu. Với tài năng sư phạm của mình, ông đã khiến cho các lý thuyết Toán học khô khan "đầy màu xám" trở nên thú vị, mang hơi thở của cuộc sống và màu xanh của cây đời.

Ông có nhiều đóng góp trong công tác biên soạn, cải tiến chương trình, giáo trình, một khâu có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác nâng cao chất lượng đào tạo. Ông luôn luôn quan tâm trăn trở đến chương trình giảng dạy Toán học nói chung và chuyên ngành Xác suất - Thống kê nói riêng, mong muốn chúng vừa hiện đại vừa tinh giản và phù hợp với điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Cho đến nay, ông là tác giả và đồng tác giả của 9 cuốn sách về Giải tích, Lý thuyết độ đo và tích phân, Lý thuyết xác suất, quá trình ngẫu nhiên. Cuốn sách: "Lý thuyết xác suất và các kết luận thống kê" (viết chung) xuất bản lần đầu năm 1969 là cuốn sách Xác suất đầu tiên do các tác giả Việt Nam biên soạn.

Một đặc điểm nổi bật ở GS. Nguyễn Duy Tiến là ông rất quan tâm tới việc bồi dưỡng, giúp đỡ và khuyến khích các tài năng trẻ trong toán học. Năm 1965, lớp Toán đặc biệt đầu tiên (tiền thân của khối Chuyên Toán ngày nay) của nước ta được thành lập trong Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông là một trong những người đầu tiên trực tiếp giảng dạy ở đó và một số học trò cũ của ông ở lớp Toán ấy sau này đã thành danh, như GS.TSKH Trần Văn Nhung, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS.TSKH Đào Trọng Thi, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong suy nghĩ và hành động của mình, ông luôn luôn tỏ ra tin tưởng vào lớp trẻ, dám mạnh dạn giao phó cho lớp trẻ những trách nhiệm để họ mau chóng trưởng thành.

Tấm lòng ấy cộng với vốn kiến thức uyên bác, sự từng trải và phong thái trẻ trung của ông đã khiến nhiều sinh viên và các cán bộ trẻ yêu mến ông. Một số bạn trẻ đã coi ông như thần tượng của mình. Đến với ông, ngoài những hướng dẫn tận tình về nghiên cứu khoa học, họ còn nhận được từ ông những lời động viên, khuyên bảo chân tình, ân cần về các vấn đề khác nhau trong cuộc sống.

PGS.TSKH Đặng Hùng Thắng (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) kể lại:

"Tháng 2.1976, tôi bảo vệ luận văn tốt nghiệp một cách xuất sắc, nhưng kịp ăn mừng thì nhận được một tin "sét đánh": Thi tốt nghiệp môn Chính trị tôi được có 3 điểm (trong khi tôi đinh ninh rằng mình phải được ít nhất là 7 điểm vì tôi rất thuộc bài, viết tới 6 trang giấy). Thành thử tôi chưa thể tốt nghiệp được và phải ở nhà chờ sang năm thi lại. Để xua đi nỗi buồn chán, tôi xin phép thầy Nguyễn Bác Văn (Chủ nhiệm Bộ môn Xác suất - Thống kê lúc đó) đến dự xêmina hàng tuần của Bộ môn. Đúng vào lúc đó, theo lời mời của Bộ trưởng GS. Tạ Quang Bửu, Giáo sư L.Schwartz (nhà Toán học Pháp nổi tiếng, giải thưởng Field tương đương giải Nobel về Toán học) sắp sửa sang Việt Nam trong 1 tháng để giảng về lý thuyết độ đo Radon, xác suất trụ và các ánh xạ p-tổng hoá. Để chuẩn bị kiến thức cần thiết cho việc nghe các bài giảng của Giáo sư L.Schawartz, bộ môn đề nghị anh Tiến thuyết trình tại xêmina nhiều buổi về độ đo xác suất trên không gian Banach và các vấn đề liên quan. Anh Tiến khi ấy vừa mới từ Liên Xô về Khoa, sau khi đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ ở Tbilisi (bấy giờ gọi là phó tiến sĩ). Tôi cảm thấy rất thích thú với hướng nghiên cứu này, dù chưa hiểu nhiều lắm. Có thể do cách nói hấp dẫn, có lửa của diễn giả đã chinh phục tôi. Tại xêmina, tôi cũng mạnh dạn hỏi anh một số câu hỏi. Anh rất nhiệt tình trả lời và hẹn tôi đến nhà anh chơi để thảo luận thêm.

Vào một buổi chiều, tôi đến nhà anh, ở số nhà 34 phố Điện Biên Phủ. Đây vốn một biệt thự cũ kiểu Pháp khá đẹp, lúc này biến thành một khu tập thể có rất nhiều hộ chen nhau ở chung. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy căn phòng anh ở rất hẹp (chừng 9m2) chỉ kê được một chiếc giường và một chiếc bàn. Anh chỉ vào một thằng bé chừng 5 tuổi đang ngủ trên giường và bảo: "Đây là thằng Kiên, con trai tớ" và chỉ vào một người phụ nữ đeo kính đang ngồi viết ở bàn "Đây là cô Lan vợ tớ, dạy Văn ở trường cấp III Ba Đình".

Thế là bắt đầu thời kỳ cộng tác của chúng tôi. Dạo ấy, hầu như ngày nào tôi cũng gặp anh Tiến để bàn luận, đàm đạo về các vấn đề toán học. Tôi coi anh như một người thầy, một người anh, một người bạn lớn của mình. Anh Tiến đối xử với tôi rất ân cần, chân tình, coi tôi như một người em, như một cộng sự thân tín. Anh động viên khen ngợi tôi khi tôi chứng minh hay phát hiện được một cái gì mới. Tôi đã học được ở anh rất nhiều điều về phương pháp nghiên cứu, cách đọc sách, tích luỹ kiến thức và thu thập thông tin.

Thời kỳ những năm 70 - 80 thế kỷ trước, cuộc sống ở Việt Nam rất nghèo khổ, hết sức khó khăn. Các nhà giáo lại còn khó khăn gấp bội, nhiều thầy cô giáo phải có thêm nghề phụ mới tồn tại được, thậm chí có khi nghề phụ còn mang lại thu nhập cao hơn nghề dạy học. Hai vợ chồng anh Tiến làm thêm bằng nghề cuốn thuốc lá, rồi đem bỏ mối ở hàng nước. Những lúc phải nhường chiếc bàn duy nhất trong nhà cho chị Lan chấm bài, anh Tiến lại kéo tôi xuống một gian nhà kho, vốn là nơi chứa củi cho nhiều hộ trong khu tập thể ấy, để làm việc.

Không có một động lực nào (vật chất hay tinh thần) thôi thúc chúng tôi làm toán say sưa như thế. Chỉ có sự tò mò muốn khám phá điều chưa biết, lòng khao khát chinh phục cái đẹp, chỉ là một nhu cầu nội tại muốn chia sẻ và thể hiện, đã gắn bó chúng tôi làm toán với nhau. Trong vòng 3 năm (1977 - 1980), chúng tôi đã viết chung và công bố 8 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành, trong đó có những tạp chí hàng đầu về Lý thuyết xác suất ở nước ngoài. Phải chăng vì tôi và anh Tiến đã đến với "nàng Toán học" khó tính và đỏng đảnh ấy bằng một tình yêu trong sáng, vô tư, không vụ lợi cho nên đã được nàng để mắt tới và ban cho ít "lộc"?

Cánh trẻ trong Khoa chúng tôi đều rất mến anh Tiến coi anh ấy như một thủ lĩnh, có điều gì mắc mớ đều tìm đến anh để hỏi ý kiến. Như một thông lệ, tối mồng hai Tết, chúng tôi thường tụ tập trong căn phòng bé nhỏ của anh để vui Tết. Một không gian ấm cúng, huyền diệu, tràn ngập tiếng cười. Tôi gặp anh Đào Trọng Thi lần đầu tiên chính tại căn phòng này vào tối mồng hai Tết năm 1977, lúc đó anh Thi vừa mới về nước sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ ở Liên Xô.

30 năm đã trôi qua, nhưng những năm tháng đó vẫn mãi mãi đọng lại trong ký ức tôi như những kỷ niệm đẹp chẳng thể phai mờ. Tôi cảm thấy mình đã may mắn khi được gặp anh Tiến và được anh hướng dẫn dìu dắt đi những bước đầu tiên trên con đường gập ghềnh của Toán học.

GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN) kể lại:

"Hồi ấy, anh Tiến thường làm việc trong một cái kho nhỏ, rộng chừng 1m2, vốn là nơi chứa củi, nằm ngay cạnh nhà vệ sinh. Đây là nhà vệ sinh kiểu cổ dùng cho các hộ trong số nhà ấy nên dù quét dọn thế nào nó cũng rất hôi. Một lần tôi đến chơi, thấy anh Tiến đang xoay trần ra ở cái nhà kho ấy,vừa viết vừa đập muỗi. Ở nơi ẩm thấp thế này muỗi nhiều vô kể. Từ gian nhà kho ấy, anh Tiến đã cộng tác với Đặng Hùng Thắng viết ra bao công trình đẹp đẽ. Cặp thầy trò Tiến - Thắng có lẽ là cặp bài trùng đầu tiên của nền Toán học Việt Nam. Thêm một lần nữa ta thấy các tác phẩm hay thường không ra đời trong nhung lụa.

Theo tôi, làm Toán cũng như làm thơ có lẽ là một nhu cầu nội tại. Để làm Toán được người ta cần giữ cho cái tâm được tĩnh. Khi nghèo quá, hay giàu quá hoặc bon chen quá thì tâm khó tĩnh, người ta đều khó làm toán. Nhìn cảnh anh Tiến và vài anh em khác làm Toán những năm 70-80 đó tôi nghiệm ra như thế.

Dạo ấy chúng tôi thường đá bóng ở trong trường. Đá xong kéo nhau ra quán nước ông Long cụt tay ở chợ Xanh. Bấy giờ chẳng ai có đủ tiền để thết người khác. Anh Tiến thường làm chủ hội bằng cách xoè ra một cái mũ, ai có thể góp được bao nhiêu tiền thì tự tay bỏ vào đó. Chúng tôi cũng chỉ tự đủ tiền để uống nước chè, ăn kẹo lạc và hút mấy điếu thuốc trong cái lạnh ghê người. Thế mà vui, niềm vui mà ngày nay nhiều người giàu chưa dễ có được. Một hôm anh Tiến hồ hởi bảo tôi: "Này Hoàng Quốc Toàn vừa có bài báo mới in trong tạp chí Phương trình vi phân. Mày nhớ chúc mừng nó nhé". Cứ như thế, ào ào và bỗ bã, anh Tiến dường như một chính trị viên của chúng tôi, khi mà chúng tôi rất cần dựa vào nhau để trấn an rằng mình chưa đến nỗi thần kinh trong các việc làm Toán vất vả và nghèo đói này".

TS. Nguyễn Hồng Hải (Trung tâm Khoa học và Kỹ thuật, Bộ Quốc Phòng) nhớ lại:

"Vào những ngày đầu tháng 11.1965, tôi được gặp thầy Nguyễn Duy Tiến lần đầu tiên. Năm đó, theo quyết định của Thủ tướng Phạm Văn Đồng lớp chuyên Toán đầu tiên của nước Việt Nam được thành lập (gọi là lớp Toán Đặc biệt) và đặt tại Khoa Toán, Trường ĐHTH Hà Nội. Chúng tôi, gồm 19 học sinh, được gọi tập trung tại địa chỉ 19 Lê Thánh Tông rồi sau đó được đưa lên khu sơ tán của Trường tại một vùng núi thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Có 5 thầy trực tiếp dạy môn Toán cho chúng tôi lúc đó: Thầy Hoàng Tụy dạy logic mệnh đề và lý thuyết đồ thị; thầy Phan Đức Chính dạy Đại số, thầy Hoàng Hữu Đường dạy Hình học, thầy Đặng Hữu Đạo chữa bài tập Đại số và thầy Nguyễn Duy Tiến chữa bài tập Hình học. Thầy Tiến là thầy trẻ nhất trong số 5 thầy đó, đồng thời là anh phụ trách Đội thiếu niên tiền phong của chúng tôi là Đội thiếu niên tiên phong duy nhất của Trường Đại học Tổng hợp lúc đó, nên chúng tôi được Trường, Khoa đặc biệt là các thầy cô phụ trách rất cưng chiều.

Trẻ con là chúng tôi lần đầu tiên xa bố mẹ xa quê hương, lạ lẫm, lần đầu tiên thấy núi, thấy rừng, lần đầu tiên nằm ngủ một mình... vui đấy, thích đấy nhưng lòng cứ thấy bâng khuâng chống chếnh thế nào ấy. Trong tâm trạng đó của bọn trẻ con chúng tôi, thầy Nguyễn Duy Tiến, với cương vị là người thầy và anh phụ trách Đội đã để lại cho tôi những tình cảm và ấn tượng khó quên.

Giờ đây gặp lại thầy, anh phụ trách Đội trẻ trung vui tính, chơi đàn ghi ta giỏi, hát hay ngày nào, nay đã qua tuổi 60, tôi rất xúc động...".

Những đóng góp của GS. Nguyễn Duy Tiến cho Bộ môn Xác suất - Thống kê, Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN và cho cộng đồng Toán học Việt Nam là rất đáng ghi nhận. Các thế hệ học trò, các cán bộ trẻ, các đồng nghiệp đánh giá cao và rất biết ơn những đóng góp đó của GS. Nguyễn Duy Tiến. Với uy tín của mình ông đã được bầu vào Ban Chấp hành Hội Toán học Việt Nam và là Uỷ viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước ngành Toán.

Cho phép tôi được thay mặt các đồng nghiệp của Khoa Toán và các thế hệ học trò chân thành cám ơn GS. Nguyễn Duy Tiến về những công lao và đóng góp quý báu đó. Xin kinh chúc GS. Nguyễn Duy Tiến và gia đình mạnh khoẻ, hạnh phúc và như một cây đàn quý, đàn càng cũ thì tiếng càng hay. Chúc GS. Nguyễn Duy Tiến tiếp tục có thêm nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, cho nền Toán học và cho chuyên ngành Xác suất - Thống kê của nước nhà./.

Đặng Hùng Thắng [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» GS. Dương Hữu Thời - Người thầy, nhà khoa học, người kỹ sư mang bí danh "Phương Thanh"
» Đại sứ Fredesmán Turró González
» GS. Lưu Hữu Phước, cây đại thụ của nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam
» PGS. Nguyễn Hoàng Phương, nhà khoa học uyên thâm, một trái tim nhân hậu
» Đàm Trung Đồn - Nhà khoa học tài ba mà khiêm nhường
» GS. Trần Phương - nhà kinh tế học và sự nghiệp trồng người
» Chiến sĩ cách mạng kiên cường, học giả, nhà văn hoá lớn Tôn Quang Phiệt
» GS. Hà Minh Đức, như tôi nghĩ...
» GS. Phùng Hữu Phú - nhà giáo, nhà khoa học ưu tú, cán bộ lãnh đạo tài năng, gương mẫu
» Nguyễn An Ninh - nhà văn hóa, lãnh tụ lớn của phong trào yêu nước Việt Nam trước Cách mạng tháng 8.1945
» Nguyễn Kim Đính - "Ông đồ Nghệ" giảng dạy văn học Nga
» Trường Chinh - Lãnh tụ cách mạng, nhà văn hoá, nhà tư tưởng lớn
» GS. Nguyễn Đức Chính với những cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy nghiên cứu ngoại ngữ
» GS. Trần Văn Nhung - ông thứ trưởng mang cốt cách người thầy
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn