Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 13 Tháng 9 Năm 2024    Số người truy cập: 1100552
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
GS. Trần Văn Nhung - ông thứ trưởng mang cốt cách người thầy

 Quả thực, khi gọi điện chuẩn bị cho cuộc gặp này, tôi không nghĩ người ngồi trước mặt mình lại dễ gần và thân thiện như thế. Tôi chưa hề gặp ông trước đấy, mặc dù đã có lần nghe báo, đài nhắc đến tên ông. Tuy công việc rất bận rộn, ông vẫn dành được gần 1 giờ để trò chuyện cùng tôi tại căn phòng làm việc "đặc biệt" của mình. Nói là đặc biệt bởi trong căn phòng bài trí khoa học, gọn gàng ấy, điều gây ấn tượng nhất là một giá sách lớn với các loại sách thuộc nhiều lĩnh vực, bằng các thứ tiếng khác nhau, thậm chí có những cuốn sách khó có thể tìm thấy ở các nhà sách. Cái cách ông giới thiệu về nguồn gốc cũng như giá trị nội dung của những cuốn sách văn học, những ấn bản văn hóa nghệ thuật đã làm cho tôi ngạc nhiên và thú vị. Dường như tôi quên mất ông là một nhà quản lý giáo dục, một nhà toán học, bởi lẽ chỉ có những người thích đọc sách thì mới có thể giới thiệu một cách say sưa, hào hứng đến vậy…

GS.TSKH Trần Văn Nhung sinh ngày 1.10.1948 tại xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình (sau đó đi tản cư, học hành và lớn lên ở xã Hải Châu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) trong một gia đình nông dân mà cả cha và mẹ đều theo đạo Phật. Ông mồ côi mẹ khi mới 12 tuổi. Vốn tính hiếu kỳ lại chịu khó quan sát, học hỏi, ngay từ nhỏ cậu bé Nhung đã có một vốn kiến thức, hiểu biết tốt về văn hóa, đời sống. Điều đặc biệt là cậu thích học cả văn lẫn toán. Cũng như bao bạn bè đồng trang lứa, tuổi thơ của cậu bé Nhung trôi đi êm đềm cùng những trò chơi dân dã, những hoạt động sinh hoạt Đội, rồi Đoàn sôi nổi trong hoàn cảnh đất nước nửa hòa bình, nửa chiến tranh. Thiếu thốn bàn tay chăm sóc của người mẹ, có khó khăn, gian khổ nhưng việc học tập của cậu chưa lúc nào bị gián đoạn, cậu luôn là một trong những gương mặt nổi bật trong lớp, ngoài trường. "Ngày còn học ở trường làng, kết quả học tập của tôi thường được các thầy cô giáo khen ngợi, nhưng thú thực có lúc hạnh kiểm lại xếp thấp hơn các bạn khác bởi tôi thuộc tốp học sinh nghịch ngợm, táo tợn. Tất nhiên là khi tin ấy đến tai bố tôi thế nào tôi cũng bị ngay một trận đòn ra nhẽ!" - ông ngừng kể và se sẽ mỉm cười như gặp lại những kỷ niệm thời thơ ấu.

Học xong lớp 8, cậu rời gia đình lên Hà Nội vào học lớp 9 và 10 ở Khối THPT chuyên Toán khóa 1 (Đại học Tổng hợp Hà Nội, khi ấy những khóa đầu chỉ có 2 lớp cuối): "Tôi còn nhớ rõ cảm giác lâng lâng của những ngày mùa thu tháng 9.1965 khi được cầm trên tay tờ giấy gọi vào học lớp chuyên Toán khóa đầu tiên, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội…". Từ một vùng quê nghèo thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, bất chấp máy bay Mỹ bắn phá Nam Định, Phủ Lý, ông khăn gói bắt xe lên Hà Nội. Cả lớp lúc ấy chỉ có 38 học sinh, vừa gặp nhau đã phải lục tục "hành quân" lên vùng sơ tán Đại Từ (Bắc Thái). Lớp học sinh đợt đó được triệu tập từ nhiều tỉnh, thành phố trên miền Bắc trong đó có cả những học sinh miền Nam theo gia đình tập kết. Lúc đầu, lớp này được gọi là "lớp Toán đặc biệt", về sau được đổi thành "lớp Toán dự bị" và ngày nay là Khối THPT chuyên Toán - Tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (thuộc ĐHQGHN). Sự ra đời của lớp chuyên Toán đầu tiên (1965) giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn vô cùng khốc liệt trên cả hai miền Nam, Bắc càng cho thấy tầm nhìn sâu rộng và chiến lược của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giáo dục. Mô hình và thiết kế của lớp chuyên Toán đầu tiên này mặc dù còn mới mẻ, nhưng đã khá khoa học và thể hiện rõ chủ trương đào tạo học sinh toàn diện. Các môn chuyên ngành toán như: Đại số, Hình học, Lượng giác, Toán logic, Toán học hữu hạn,… được dạy một cách bài bản, chuyên sâu, nâng cao hơn so với khối đại trà. Ông và bạn bè có điều kiện được học trực tiếp các giáo sư, các nhà toán học trẻ tài ba lúc đó như Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, Phan Đức Chính, Hoàng Hữu Đường (đã mất), Nguyễn Thừa Hợp, Nguyễn Bác Văn, Lê Minh Khanh, Nguyễn Viết Phú, Nguyễn Duy Tiến, Đặng Hữu Đạo hay thầy Phạm Văn Điều (Chủ nhiệm lớp, giờ đã mất). Đối với các môn học khác như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Văn học, Lịch sử, Địa lý, Triết học, Ngoại ngữ, họ đều được dạy bởi các thầy, cô giáo giỏi từ các khoa của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ở khu sơ tán lúc đó. Vì vậy, không chỉ các môn toán mà cả các môn học khác, lứa học sinh khóa 1 và cả các khóa sau nữa được dạy dỗ rất nghiêm túc bởi các chuyên gia có uy tín… Được học tập, rèn luyện trong một môi trường thuận lợi có thầy giỏi, bạn giỏi, người học trò thành Nam hiếu học ngày càng được tôi luyện, trưởng thành.

Tốt nghiệp chuyên Toán năm 1967, Trần Văn Nhung chuyển lên học hệ đại học tại Khoa Toán - Cơ - Tin học (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội). Ngoài thời gian học trên giảng đường, thế hệ thanh niên thời đó còn sôi nổi tham gia các phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước. Suốt trong 4 năm đại học (1967 - 1971), ông luôn nằm trong tốp những sinh viên có thành tích học tập xuất sắc nhất để rồi sau ngày tốt nghiệp vinh dự được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Khoa. Là một cán bộ trẻ, có năng lực, bên cạnh công tác chuyên môn, ông còn tham gia rất tích cực vào các hoạt động phong trào, vào các hoạt động Đoàn thanh niên của Khoa, của Trường.

Năm 1982, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Toán học tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, Budapest, sau 4 năm học tập, làm nghiên cứu sinh ở đất nước Hungary. Trở về Việt Nam, mấy năm sau đó ông được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Khoa Toán - Cơ - Tin học, trực tiếp giảng dạy cho sinh viên. Năm 1988, ông quay trở lại Hungary để vừa giảng dạy cho sinh viên quốc tế, vừa nghiên cứu và năm 1990, ông đã đạt được học vị tiến sĩ khoa học tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary. Sau khi về nước, ông được bầu làm Chủ nhiệm Khoa Toán - Cơ - Tin học (1990 - 1991), rồi làm Phó hiệu trưởng phụ trách Đào tạo Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1992 - 1993). Mặc dù công tác quản lý ngày càng bận rộn nhưng ông vẫn dành thời gian đáng kể cho hoạt động chuyên môn, chuẩn bị bài giảng và nghiên cứu khoa học. Từ năm 1981 đến nay, ông đã nhiều lần được mời đi giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các nước như Đức, Pháp, Ý, Áo, Nga, Úc, Đông Âu… Là một nhà khoa học tâm huyết và có uy tín, ông từng giữ vai trò là Chủ tịch Hội Toán học thành phố Hà Nội (hai nhiệm kỳ,từ 1991 đến 2003), Phó chủ tịch Hội Toán học Việt Nam (hai nhiệm kỳ, từ 1995  đến 2004).

Khi được hỏi về những đóng góp cho lĩnh vực khoa học mà gần nửa cuộc đời ông theo đuổi, ông chỉ cười khiêm tốn: "Thú thực, những gì tôi làm và đóng góp được chỉ là rất nhỏ so với thế hệ các bậc đàn anh và đồng nghiệp. Tôi được vào học chuyên ngành Hệ động lực cũng là do sự quan tâm của Ban chủ nhiệm khoa và sự dạy dỗ trực tiếp của GS.TSKH Hoàng Hữu Đường (đã mất), GS.TS Nguyễn Thế Hoàn và các thầy cô giáo khác nữa. Mỗi con người đều có một niềm đam mê, mỗi nhà khoa học đều thuộc về một lĩnh vực và Toán học là sự lựa chọn của tôi. Tuy đã nhiều năm tham gia công tác quản lý tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, thường xuyên bận rộn với những chuyến công vụ trong và ngoài nước, nhưng tôi vẫn cố dành thời gian dù ít ỏi để liên hệ, cộng tác với các bạn đồng nghiệp tại Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (thuộc ĐHQGHN), với các nhà toán học Việt Nam và quốc tế để góp phần đào tạo các nhà toán học trẻ và nghiên cứu khoa học. Rất tiếc là khi đã tham gia công việc hành chính, tôi làm được rất ít cho việc này".

GS.TSKH Trần Văn Nhung là đồng tác giả của 2 cuốn sách chuyên khảo và là tác giả của hơn 30 bài báo khoa học trên các tạp chí có uy tín ở Việt Nam và quốc tế (trong đó có những bài viết chung). Ông cũng đã hướng dẫn chính cho 3 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Toán học, hàng trăm học trò của ông giờ đây đang công tác tại rất nhiều trường đại học, cao đẳng, các cơ quan, viện nghiên cứu trong cả nước. "Niềm vui lớn nhất của tôi là trong các chuyến công tác ở Trung ương và các địa phương hay ở nước ngoài, tình cờ gặp lại học trò cũ giờ đã thành đạt nhưng vẫn không quên các thầy giáo từng có công dạy mình. Những khoảnh khắc tay bắt, mặt mừng, thầy trò hàn huyên tâm sự đã để lại trong tôi những kỷ niệm thật đẹp…" - ông tâm sự như nói với chính mình.

Tháng 4.1993, GS.TSKH Trần Văn Nhung chuyển công tác từ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lên Bộ Giáo dục và Đào tạo trong cương vị Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế. Cùng với toàn ngành và Vụ Hợp tác Quốc tế, ông đã đóng góp công sức để mở rộng các mối quan hệ hợp tác về giáo dục - đào tạo giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tháng 4.2001, ông được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông đã được mời tham gia báo cáo khoa học và chủ trì các phiên toàn thể và tiểu ban tại các hội nghị quốc gia và quốc tế; từng làm chủ tịch, phản biện, ủy viên nhiều hội đồng chấm luận án tiến sĩ, tiến sĩ khoa học; là Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Ngành Toán - Tin học; Phó chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước; Ủy viên Hội đồng xét Giải thưởng Hồ Chí Minh ngành Toán - Tin học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ở cương vị công tác nào, ông cũng cố gắng hoàn thành công việc một cách nghiêm túc, có lý, có tình và với tinh thần trách nhiệm cao.

Trong cuộc trò chuyện với tôi, điều mà ông hay nhắc đến là những kỷ niệm về Khối THPT chuyên Toán - Tin, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN). Ông luôn cảm thấy may mắn vì mình đã được học tập, trưởng thành ở Khối, nơi ươm mầm cho những tài năng Toán học phát triển. Trong 10 năm trở lại đây, khi tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo, ông đã trực tiếp cùng các đoàn khách quốc tế và ASEAN về thăm khối THPT chuyên Toán - Tin và các trường, lớp chuyên ở Hà Nội cũng như ở một số địa phương khác; họ đã có những nhận xét, đánh giá rất tốt đẹp về chất lượng cao, về trình độ quốc tế của hệ thống đào tạo tài năng này của chúng ta. Một số nước trong khu vực và trên thế giới đã, đang và sẽ đến thăm, tham khảo kinh nghiệm của chúng ta, gửi giáo viên, học sinh, sinh viên sang ta học tập, nhận tài liệu, sách giáo khoa và mời giáo sư, giáo viên của ta sang giảng dạy, làm chuyên gia. Đó là những tín hiệu đáng mừng, nhưng để có thể đón nhận được những cơ hội mới, bản thân chúng ta cũng cần phải có sự chuẩn bị khẩn trương và nghiêm túc về trình độ tiếng Anh, tiếng Pháp và sử dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy và học. "Đất nước nào cũng vậy, để có được một đội ngũ những con người tài năng cần phải làm tốt quá trình gồm 3 giai đoạn: Phát hiện tài năng, đào tạo và bồi dưỡng tài năng và cuối cùng là sử dụng tài năng đó một cách hợp lý, hiệu quả. Nói một cách nôm na, quá trình này cũng giống như công việc của một người làm vườn có kinh nghiệm: phải phát hiện và chọn được giống tốt, tìm được mảnh đất màu mỡ để gieo hạt, rồi phải có chế độ chăm sóc phù hợp và diệt trừ sâu bọ để cây ra hoa kết trái, khi thu hoạch lại phải tính toán đến việc sử dụng sản phẩm. Tôi tin tưởng rằng với những thế mạnh và tiềm năng sẵn có, cùng với sự quan tâm, đầu tư, chỉ đạo của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên nói riêng và Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung, Khối THPT chuyên Toán - Tin sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công để xứng đáng với danh hiệu một đơn vị Anh hùng Lao động…" - ông dừng lời và mỉm cười, nụ cười tự hào của một cựu học sinh khi kể về mái trường mà mình hằng yêu quý, gắn bó. Nghe ông tâm sự, tôi mới thật hiểu cái điều mà người ta hay nói: Khi đã quan tâm rồi thì chẳng cần ngày ngày ở gần nhau mới biết, mới hiểu hết về nhau, cũng như ông vậy, thoát ly mái trường THPT và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã mấy chục năm vậy mà vẫn dõi theo từng thông tin, từng bước chuyển mình của nó…

"Ông Trần Văn Nhung là một con người cẩn thận, chỉn chu và rất lịch lãm", tôi chợt nhớ đến lời của một ai đó đã giới thiệu, khi ông bắt tay và tiễn tôi ra cửa. "Cậu cứ cảm nhận về tôi thế nào thì viết thế, càng dung dị, gần gũi và khiêm nhường bao nhiêu thì càng tốt. Thú thực, khi biết mình được chọn là 1 trong số 100 gương mặt tiêu biểu qua các thời kỳ phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội (1906 - 2006), tôi rất vinh dự nhưng vẫn có những băn khoăn. Đứng bên cạnh các bậc tiền bối, các giáo sư bậc thầy đã có công tạo nên diện mạo của một trung tâm đào tạo 100 năm tuổi ở Đông Nam Á, mới thấy mình bé nhỏ làm sao. Ngẫm cái nghiệp của mình mà thấy như dang dở: khoa học chưa đi đến cùng đường mà quản lý cũng chưa đi cho hết ngõ!…", lời dặn dò tâm huyết, hóm hỉnh của ông cứ líu díu theo bước chân tôi suốt chặng đường về. Cảm ơn cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đã cho tôi hiểu thêm về một nhà khoa học, một nhà quản lý, vị Thứ trưởng mang cốt cách một nhà sư phạm…

Minh Trường [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» GS. Phan Cự Đệ - 50 năm trên bục giảng với một niềm đắm say khoa học
» Vị hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Y khoa của nước Việt Nam độc lập
» GS. Nguyễn Văn Mậu - nhà toán học đầu ngành
» Phan Đình Diệu - Nhà khoa học và khát vọng phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam
» GS. Nguyễn Quang Mỹ - nhà giáo, chuyên gia hàng đầu về hang động Việt Nam
» GS. Hoàng Xuân Nhị - người đặt nền móng cho việc giảng dạy Văn học Nga ở Việt Nam
» GS. Nguyễn Văn Đạo - Vị giáo sư của sáng tạo và sáng lập
» GS. Đặng Văn Ngữ - người dành trọn đời cho ngành Ký sinh trùng Việt Nam
» TS. Phạm Quang Nghị - những câu chuyện nhỏ mà tôi đã biết
» Người tìm đường cho ngành khoa học địa chất
» Người thầy nghệ sĩ GS. Hoàng Như Mai
» Người khai thác những mỏ vàng lộ thiên từ cuộc sống
» Nguyễn Phan Chánh - Người xây nền cho tranh lụa Việt Nam
» GS. Đào Duy Anh, Nhà sử học và văn hóa lớn
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn