Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 19 Tháng 3 Năm 2024    Số người truy cập: 955261
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
GS. Nguyễn Văn Mậu - nhà toán học đầu ngành

Không ít nhà khoa học tài danh, có nhiều đóng góp cho xã hội xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, tuổi thơ của họ lam lũ, không có điều kiện "học thêm", không có điều kiện vật chất để mua sách vở, một buổi giúp việc nhà và một buổi được cắp sách tới trường đã là may mắn. Họ thành tài, thành danh là nhờ nghị lực, chí tiến thủ và chút thông minh trời cho. Một trong những người như thế là GS.TSKH Nguyễn Văn Mậu.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê chiêm trũng nghèo thuộc xã Tân Phong, Ninh Giang, Hải Dương, ngay từ những ngày còn theo học phổ thông, Nguyễn Văn Mậu đã bộc lộ tư chất và khả năng của mình. Nhà nghèo, đông anh em, trường ở xa, tài liệu tham khảo, sách giáo khoa thiếu, nhưng Nguyễn Văn Mậu nổi tiếng là một thanh niên học giỏi. Nhắc đến tên anh, cả vùng ai cũng biết. Chịu suy nghĩ, chịu lật ngược vấn đề, trăn trở với những điều mới, điều lạ là lối tư duy của anh. Và lối tư duy ấy theo anh mãi những năm tháng sau này…

Tốt nghiệp phổ thông với thành tích xuất sắc, năm 1967, Nguyễn Văn Mậu là một trong những thanh niên được nhà nước chọn đi học ở Liên Xô. Bất ngờ quá! Con một nông dân đi học nước ngoài. Song ở một góc độ nào đó lại chẳng bất ngờ. Anh học giỏi và tư chất. Được đi học nước ngoài là xứng đáng. Cả nhà mừng. Và cả xã mừng. Đây là vinh dự và niềm tự hào của vùng quê nghèo.

Những năm anh học ở nước ngoài, đất nước đang có chiến tranh. Bom Mỹ ném xuống thành phố, ném xuống ruộng đồng. Để đền đáp nghĩa tình quê hương không gì hơn là gắng học giỏi để sau này có dịp phục vụ Tổ quốc. Và Nguyễn Văn Mậu đã làm được điều ấy! Năm học đầu tiên anh đoạt giải nhất trong kỳ thi Toán dành cho sinh viên nước ngoài học đại học ở Matxcơva. Với đà ấy, khi tốt nghiệp Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Minxk, anh đã đạt được bằng đỏ. Và đấy là cơ sở đầu tiên để dần dà anh trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu của Toán học Việt Nam.

Về nước, Nguyễn Văn Mậu được phân công công tác tại Viện Toán. Đấy là ước mơ của bất kỳ một sinh viên nào. Song, như thể là định mệnh, anh không làm công tác nghiên cứu đơn thuần mà cuộc đời lại gắn với nhà trường, với nghề dạy học.

Năm 1974, Việt Nam chính thức đăng ký dự thi Olympic Toán quốc tế. Để có người đủ năng lực "đưa chuông đi đấm nước người", nhà nước rất cần học sinh giỏi, đã đành, mà cũng rất cần có giáo viên giỏi để giảng dạy, hướng dẫn. Một đội ngũ giáo viên có năng lực, nhiệt tình là yếu tố quan trọng để tạo nên đội ngũ học sinh đủ khả năng dự thi. Trong hoàn cảnh ấy, Nguyễn Văn Mậu được cử về Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lúc bấy giờ, tức Trường ĐHKHTN ngày nay, để làm nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi. Cuộc đời nhà giáo của anh bắt đầu từ đấy và trong gần 30 năm qua, với cương vị giáo viên rồi sau này là hiệu trưởng, bằng khả năng và tài trí của mình anh đã góp phần quan trọng tạo dựng được một đội ngũ học sinh giỏi, giành nhiều kết quả cao trong các cuộc thi toán quốc tế, đào tạo được nhiều trí thức cho đất nước và xây dựng nhà trường trở thành đơn vị anh hùng.

Sau 5 năm dạy lớp chuyên Toán ở Trường, nhiều học sinh của anh đã đoạt giải cao trong các kỳ thi toán quốc tế. Đó là các em Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Tiến Dũng, Ngô Bảo Châu…

Năm 1978, anh vừa làm nhiệm vụ giảng dạy hệ chuyên Toán phổ thông, vừa là giảng viên đại học. Dạy Toán sơ cấp và dạy Toán cao cấp, anh đều dạy giỏi. Đó là niềm tự hào, là sự kính trọng của học sinh, sinh viên, là uy tín đối với nhà trường. Song năng lực cũng phải chịu thiệt thòi. Trước mắt nhà trường rất cần những giáo viên có khả năng như anh, bởi vậy Nguyễn Văn Mậu không được cử đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Thế là anh quyết định tự nghiên cứu. Những năm đầu thập niên 80, anh công bố nhiều công trình khoa học toán học. Và năm 1982 được đặc cách bảo vệ luận án tiến sĩ và bảo vệ thành công. Đây là một giảng viên trẻ đầu tiên bảo vệ thành công tiến sĩ Toán học trong nước. Vừa giảng, vừa dạy, vừa nghiên cứu, vừa làm luận án, ở lĩnh vực nào anh cũng thể hiện khả năng vốn có của mình.

Trong thập niên 80, nhà nước cử nhiều người đi nước ngoài làm nghiên cứu sinh cao cấp. Nguyễn Văn Mậu may mắn là một trong số đó. Trong thời gian nghiên cứu ở Ba Lan, anh đã hoàn thành 2 cuốn sách chuyên khảo bằng tiếng Anh, được bạn bè và các giáo sư hoan nghênh và đánh giá cao. Việc viết hai cuốn sách bằng tiếng Anh không chỉ thể hiện học vấn chuyên ngành mà còn thể hiện khả năng ngoại ngữ ở anh.

Hoàn thành việc bảo vệ luận án tiến sĩ, năm 1990 anh trở lại trường và ngoài vai trò là một giảng viên, anh lần lượt đảm nhận các cương vị chủ nhiệm bộ môn Toán giải tích, Khoa Toán - Cơ - Tin học (1991); Phó hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy (1995), Hiệu trưởng (1997). Trong cương vị nào anh cũng có những đóng góp đáng trân trọng.

Trường ĐHKHTN không chỉ là đơn vị dẫn đầu về thành tích đào tạo cán bộ khoa học cơ bản, là nơi cung cấp cán bộ giảng dạy về khoa học cơ bản cho các trường đại học và cao đẳng trong nước, cung cấp cán bộ khoa học cho các viện nghiên cứu, mà còn là nơi dẫn đầu về thành tích đào tạo tài năng trẻ cho đất nước. Các hệ THPT chuyên mà nhà giáo Nguyễn Văn Mậu đã tham gia giảng dạy ngay từ đầu đã đào tạo hơn 2.000 học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông giỏi và xuất sắc cho các trường đại học. Học sinh hệ chuyên đã đoạt 99 huy chương (20 vàng, 42 bạc, 37 đồng) trong các kỳ thi Olympic quốc tế; đoạt 209 giải (27 giải nhất, 94 giải nhì, 88 giải ba) trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Năm 1995, trong cương vị Trưởng đoàn dẫn học sinh Việt Nam tham dự cuộc thi toán quốc tế tại Canađa, thầy giáo Nguyễn Văn Mậu đã góp phần đưa đoàn Việt Nam đoạt thứ hạng cao. Lần đầu tiên đoàn Việt Nam xếp thứ 4, trong 6 em đi dự thi có 4 em đoạt huy chương vàng, 2 em đoạt huy chương bạc. Các giải thưởng quốc tế và trong nước đã đem lại niềm tự hào cho nền giáo dục - đào tạo Việt Nam. Số huy chương vàng ở các giải thi quốc tế của hệ THPT chuyên (ĐHKHTN) chiếm hơn 2/3 tổng số huy chương vàng mà học sinh cả nước đoạt được. Đây là niềm vinh quang của nhà trường, cũng là niềm tự hào của GS.TSKH Nguyễn Văn Mậu.

Trong cương vị Phó hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng, anh đã góp phần cùng các giáo sư, giảng viên và các cán bộ công nhân viên nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa Trường ĐHKHTN trở thành một trung tâm đào tạo có uy tín trong nước, ở khu vực và quốc tế, được xã hội tín nhiệm, Đảng và nhân dân đánh giá cao.

Để đào tạo nhân tài cho ngành khoa học cơ bản, từ năm 1997, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Mậu và Nhà trường đã đưa ra mô hình hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng, được Bộ GD&ĐT chấp nhận. Hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng đã thu hút được nhiều học sinh giỏi trong cả nước, 70% số sinh viên ở hệ này là những em đã đoạt giải cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế và quốc gia. Mô hình này được các trường đại học trong cả nước hưởng ứng. Và hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng đã được mở vào những năm tiếp theo ở các trường như: ĐHBKHN, ĐHSPHN, ĐHKHTN (ĐHQG TP.HCM)… Chất lượng của hệ này được đánh giá cao, có nhiều sinh viên đủ tiêu chuẩn để được cử sang nước ngoài, học ở những trường đại học danh tiếng, nhiều em đứng đầu các kỳ thi Olympic giữa các trường đại học trong nước.

Một trong những trọng tâm mà Hiệu trưởng Nguyễn Văn Mậu và lãnh đạo Nhà trường đặt ra là tích cực đổi mới phương thức đào tạo, nhà trường đã chuẩn hóa 133 bộ giáo trình ở tất cả các ngành, các bậc học, xuất bản hơn 300 giáo trình mới, nhân bản 300 đầu sách giáo khoa của các nước Nga, Anh, Mỹ, Nhật, Úc …, và 6830 sách chuyên đề khoa học lớn. Bên cạnh đó chú ý nâng cấp mở rộng các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn khu vực… Bởi vậy chất lượng đào tạo được nâng cao.

Là nhà giáo, song GS.TSKH Nguyễn Văn Mậu còn là nhà khoa học, là người làm công tác quản lý. Anh coi công tác nghiên cứu khoa học là khâu quan trọng của nhà trường. Bởi vậy Trường ĐHKHTN là nơi dẫn đầu về thành tích nghiên cứu khoa học cơ bản trong cả nước. Chỉ tính 5 năm qua, Nhà trường đã thực hiện 660 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có nhiều đề tài cấp nhà nước, 10 dự án sản xuất thử, thử nghiệm 50 hợp đồng chuyển giao công nghệ… Kinh phí nghiên cứu khoa học hơn 4,5 triệu USD. Nhiều thiết bị hiện đại được tiếp nhận thông qua hợp tác quốc tế. Trường có quan hệ với hơn 20 trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới. Trong đó 1000 công trình khoa học đăng ở các tạp chí khoa học quốc tế, nhà giáo Nguyễn Văn Mậu góp nhiều công trình toán học có giá trị. Cá nhân anh đã có hơn 40 bài báo đăng trong các tạp chí quốc tế, 9 đầu sách và giáo trình toán học…

Bận công việc quản lý, bận công tác dạy học nhưng thầy Nguyễn Văn Mậu luôn dành thời gian cho nghiên cứu khoa học. Anh quan niệm rằng muốn dạy tốt phải nghiên cứu và nghiên cứu tốt để dạy học có hiệu quả. Đào tạo và nghiên cứu cùng song hành. Bằng những thành tích của mình, Trường ĐHKHTN đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại đặc biệt năm 2001 được tuyên dương là đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Thành tích thuộc về tập thể các giáo sư, các giảng viên và công nhân viên của Nhà trường song vai trò của người đứng đầu, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Mậu góp phần không nhỏ. Anh là một Nhà giáo ưu tú, một nhà khoa học, chuyên gia về toán học. Anh là một nhà quản lý giỏi và anh còn là một nhà hoạt động xã hội. Nhiều năm anh là ủy viên Ban Chấp hành Hội Toán học Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Toán học Bộ GD&ĐT, Phó chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí Toán học và Tuổi trẻ.

Bằng học vấn, tài năng, kinh nghiệm và sự nhiệt tâm, tận tình và chí cốt của mình trong việc đào tạo các cán bộ khoa học cho bộ môn khoa học cơ bản anh được học sinh, sinh viên kính trọng, đồng nghiệp vị nể và cấp trên tin tưởng./.

Đình Kính
Theo: [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» Phan Đình Diệu - Nhà khoa học và khát vọng phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam
» GS. Nguyễn Quang Mỹ - nhà giáo, chuyên gia hàng đầu về hang động Việt Nam
» GS. Hoàng Xuân Nhị - người đặt nền móng cho việc giảng dạy Văn học Nga ở Việt Nam
» GS. Nguyễn Văn Đạo - Vị giáo sư của sáng tạo và sáng lập
» GS. Đặng Văn Ngữ - người dành trọn đời cho ngành Ký sinh trùng Việt Nam
» TS. Phạm Quang Nghị - những câu chuyện nhỏ mà tôi đã biết
» Người tìm đường cho ngành khoa học địa chất
» Người thầy nghệ sĩ GS. Hoàng Như Mai
» Người khai thác những mỏ vàng lộ thiên từ cuộc sống
» Nguyễn Phan Chánh - Người xây nền cho tranh lụa Việt Nam
» GS. Đào Duy Anh, Nhà sử học và văn hóa lớn
» GS.TSKH.NGND Đào Huy Bích - Chuyên gia hàng đầu về Cơ học Vật rắn biến dạng
» Ngô Bảo Châu và vinh quang toán học
» Phác họa chân dung một nhà vật lý thực nghiệm
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn