Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 25 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 989582
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Nguyễn Kim Đính - "Ông đồ Nghệ" giảng dạy văn học Nga

"Hát gì thì hát, làm gì thì làm. Nhưng đừng làm bẩn dơ những bông tuyết đầu mùa..."

Mỗi lần nhớ về thầy hoặc nghe một ai nhắc đến nền văn học Nga, nhắc đến Puskin, Đôxtôiepxki, Gorky tôi lại bần thần nhớ đến những câu thơ ấy của nhà thơ Xô Viết Xiđôrenkô, những câu thơ có lần thầy đã đọc cho tôi nghe. "Bông tuyết đầu mùa..." - thầy nói - "...một hình tượng rất đẹp. Con người ta có thể có nhiều bông tuyết đầu mùa: Buổi đầu tiên mẹ dẫn ta đến trường; lần đầu tiên ta phát hiện ra một tình bạn thân thiết; buổi đầu tiên hò hẹn cùng người yêu gặp gỡ... và đối với thầy, văn học Nga mãi mãi là bông tuyết đầu thanh khiết trong tâm hồn, trí tuệ...".

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống Nho học, cha là giáo viên dạy Tiểu học, thầy đã có một tuổi thơ khá êm đềm ở thành phố Thanh Hóa, khi ấy vẫn còn là một thị xã nhỏ. Quê gốc thầy ở xã Đức Trường, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, mặc dù là một trí thức Tây học, một thầy giáo giảng dạy văn học Nga, nhưng trong cốt cách, phong thái, cử chỉ của thầy vẫn toát lên dáng dấp một ông đồ Nho xứ Nghệ. Ở những bài giảng, bên cạnh mảng kiến thức chuyên ngành cơ bản bao giờ thầy cũng cố gắng truyền tải đến học trò một phương pháp học và nghiên cứu khoa học hiệu quả, gói gọn trong 10 chữ thầy rất tâm đắc: bác học (học rộng), thẩm vấn (hỏi cho thật kỹ), thận tư (suy nghĩ sâu sắc, cẩn thận), minh biện (biện luận cho rõ ràng), đốc hành (ra sức thực hành). Đó là 10 chữ vàng trong sách Trung dung mà thầy được ông bác dạy chữ Hán, giảng cho từ thuở thiếu thời...

Tôi đến thăm thầy vào một buổi sáng mùa đông se sắt lạnh trên căn phòng làm việc gác 2 ấm cúng. Thầy, GS.NGND Nguyễn Kim Đính năm nay đã 75 xuân, cái độ tuổi của những người "xưa nay hiếm" nhưng đôi mắt vẫn còn tinh anh và trí nhớ vẫn minh mẫn lắm. Đã nghỉ hưu nhiều năm nay vậy mà thầy không lúc nào ngừng làm việc, cũng bởi một tâm niệm luôn canh cánh bên lòng "học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện..." (học không biết chán, dạy không biết mỏi - trích Luận ngữ). Không biết bao nhiêu thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đã trưởng thành, nhiều người trở thành những nhân vật nỗi tiếng, những học giả đầu ngành nhưng họ vẫn còn lưu giữ những kỷ niệm rất cảm động về thầy, về tình thương yêu, sự cảm thông và sẻ chia sâu sắc của ông "thầy giáo Nghệ" đó với học trò.

Tính từ năm 1950, khi thầy bắt đầu đi dạy ở trường dân lập Quảng Xương (Thanh Hóa), trừ 3 năm học đại học và 4 năm thực tập sau đại học tại nước ngoài, đến nay thầy đã có 50 năm đứng trên bục giảng. Thầy kể: "Khi còn là học sinh từ lúc học tiểu học cho đến khi đặt chân vào lớp đại học, tôi học đồng đều và giỏi ở tất cả các môn, đặc biệt là môn Toán. Niềm đam mê các môn khoa học tự nhiên đã giúp tôi ham thích công việc nghiên cứu, và chắc chắn rằng nếu không có những biến động thời cuộc thì tôi đã đi vào ngành Toán. Thực chất ở một số trường hợp mình không có quyền lựa chọn, có lẽ định mệnh làm thầy đã sớm tìm đến tôi...", thầy ngừng nói và mỉm cười, đôi mắt nhìn ra xa xăm như lục tìm lại những ký ức của một thời...

Năm 1943, chàng thanh niên Nguyễn Kim Đính vào học bậc trung học ở trường Đào Duy Từ cho đến ngày Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Thầy chính là một trong những hạt nhân nòng cốt của đội Thiếu niên Tiền phong thị xã, từng cùng một số bạn bè trong đó có nhà văn Vũ Bão tự biên tập và ra tờ Tiền phong, in tipô (tất nhiên cũng chỉ ra được có 1 số). Cũng từ đây, thầy được làm quen với những lý thuyết về chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa xã hội... Lý tưởng cách mạng của một cậu học trò trung học dần hình thành và không ngừng được bồi đắp. Vẫn tại trường Đào Duy Từ, tháng 6.1948, thầy thi đỗ tốt nghiệp và chuyển lên học hệ trung học chuyên khoa ở ban duy nhất của trường, Ban Toán - Lý - Hóa. "Thời điểm mà tôi vừa kết thúc phần II của hệ trung học chuyên khoa và chuyển lên lớp dự bị đại học cũng chính là lúc hoàn cảnh gia đình ngày càng sa sút, cha tôi lại nghỉ hưu, thu nhập giảm đi, khó khăn chồng chất khó khăn. Là con trưởng trong nhà (trên tôi có 1 chị gái, dưới tôi còn 4 người em), tôi đã quyết định nghỉ và không theo lớp dự bị đại học nữa mà xin đi dạy để thay cha lo cho các em. Đó là những năm 1950 - 1951; Trường cấp 2 dân lập Quảng Xương nơi tôi dạy được mở ở đình làng, đời sống của thầy và trò vô cùng gian khổ. Các lớp học ban đêm với đèn dầu tù mù; bàn ghế thì không ra bàn ghế; do đói quá mà số học sinh cứ giảm liên tục; suất ăn của thầy cũng chỉ có rau má, củ chuối độn vào một phần cơm ít ỏi. Nhưng cũng chính giai đoạn này đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tôi, đó là bài học về tình thân ái cộng đồng, về tấm lòng nhân hậu, thơm thảo của nhân dân. Họ sẵn sàng nhịn đói để nhường suất ăn cho thầy giáo có sức mà giảng bài..." - kể đến đó, giọng thầy trùng xuống. Như "lửa thử vàng, gian nan thử sức", từ những bước đi đầu tiên vất vả, bản lĩnh và phẩm chất sư phạm ở thầy đã dần dần hình thành và được tích lũy. Không nề hà khó khăn, thầy đã đảm nhận dạy cả 4 môn gồm Toán, Lý, Hóa, Văn với niềm mong mỏi được truyền bá tri thức đến các thế hệ học trò. Vài năm sau đó, chàng thanh niên Nguyễn Kim Đính được ra Hà Nội. Giảng đường Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, 19 Lê Thánh Tông đã "mở rộng vòng tay" chào đón lứa sinh viên khóa 1 (1956) trong đó có thầy. Ngoài thời gian đến giảng đường học, thầy vẫn tiếp tục tham gia dạy ở các trường tư thục để có kinh phí trang trải cho bản thân và đưa các em ra Hà Nội học tập. Tất cả các em của thầy giờ đây đều đã " công thành, danh toại", có người đã lên chức ông bà. Thầy đã kể cho tôi nghe về những năm tháng sinh viên thật trẻ trung, sôi nổi với ăm ắp những kỷ niệm khó phai mờ. Ngoài thời gian học, vào ngày chủ nhật, sinh viên thế hệ các thầy lại hào hứng tham gia các buổi lao động xã hội chủ nghĩa. "Tôi tự hào vì mình đã được học tập, rèn luyện và trưởng thành ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cái nôi tri thức của nước Việt Nam mới. Ở đây cùng học với tôi là những sinh viên ưu tú nhất được quy tụ về từ khắp các vùng miền, còn dạy chúng tôi là những người thầy giỏi nhất, những giáo sư danh tiếng như Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Xuân Nhị... Chính những người thầy lớn ấy đã trang bị cho tôi những cộng cụ cơ bản nhất để bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu và làm khoa học...". Như một tiền duyên, chàng thanh niên giỏi Toán lại là một độc giả mê đắm văn học Nga ngay từ lúc còn theo học trường Trung học Pháp - Việt (trước Cách mạng tháng Tám) qua những bản dịch tiếng Pháp các tác phẩm của Đôxtôiepxki, Liep Tônxtôi... Càng đọc, tìm hiểu và khám phá, càng yêu nền văn học này, chàng sinh viên Văn khoa đã nuôi dự định sẽ chọn đề tài về tiểu thuyết của Đôxtôiepxki để làm luận văn tốt nghiệp. Bước rẽ quyết định trong sự nghiệp của thầy đó là năm 1959, ngay sau lễ phát bằng tốt nghiệp, một số sinh viên được mời lên gặp thầy Hiệu trưởng Ngụy Như Kontum. "Các em sẽ tham gia lớp học bồi dưỡng chính trị 1 tháng sau đó sẽ được đưa đi đào tạo ở Liên Xô. Đây là niềm vinh dự cũng là nhiệm vụ phải hoàn thành thật tốt...", mọi người đều lặng đi vì bất ngờ và sung sướng. Tháng 9 năm ấy, chuyến tàu liên vận chở đoàn sinh viên Việt Nam cập ga Matxcơva. Những chàng trai, cô gái trẻ lần đầu rời xa Tổ quốc háo hức đặt chân lên thềm của Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp. Mang theo hoài bão, khát vọng được học tập và nghiên cứu để trở về xây dựng quê hương, phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc, thầy và bè bạn bắt đầu 4 năm miệt mài "truy thu" những tri thức khoa học. "Ngoài những giờ học ở giảng đường do các giáo sư đầu ngành của Liên Xô trực tiếp dạy, chúng tôi lại tìm đến thư viện để đọc và nghiên cứu không chỉ một mà rất nhiều loại sách thuộc các lĩnh vực khác nhau. Muốn hiểu sâu và giảng hay được về nền văn học Nga thì phải giỏi về ngôn ngữ Nga, phải biết nhiều về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, nếp sống, nếp nghĩ của người Nga. Những ngày chủ nhật, những dịp nghỉ lễ, nghỉ hè tôi thường bắt xe đến thăm hầu khắp các viện bảo tàng ở thủ đô Matxcơva và vùng lân cận, ở những nơi ấy tôi có thêm nhiều thông tin về các nhà văn nổi tiếng mà mình yêu mến. Tôi nhớ nhất là kỷ niệm ở Lêningrat, nơi tôi may mắn được dừng chân gần 1 tháng để thăm lại tất cả những địa danh có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Đôxtôiepxki. Tôi đã đến nơi ông thường ngồi uống cà phê, đặt tay mình lên chiếc bàn mà ngày trước nhà văn thường ngồi thâu đêm để sáng tác, rồi đứng lặng hàng giờ trước mộ của văn hào. Không hiểu sao ngay từ lúc ấy tôi đã có cảm giác mình sẽ gắn bó lâu dài với văn nghiệp của tác giả này... Kỷ niệm về đất nước Nga luôn tồn tại trong tiềm thức của tôi đẹp vô cùng, trong sạch và thiêng liêng như một bông tuyết đầu mùa trong thơ của Xiđôrenkô. Ngày về nước, hành lý mà chúng tôi mang theo ngoài 1 cái xe đạp, 1 chiếc đài, 1 chiếc quạt tai voi là hàng tạ sách, ai cũng sẵn sàng bỏ tiền túi để có thể chuyển khối tài sản vô giá ấy về nhà...".

Năm 1963, thầy về Việt Nam và bắt đầu đảm nhiệm công việc giảng dạy văn học Nga tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khó khăn chung của hoàn cảnh đất nước có chiến tranh không hề làm giảm nhiệt huyết, lòng yêu nghề và niềm đam mê nghiên cứu khoa học ở thầy. Sống ở phòng tập thể, đi dạy bằng xe đạp, một phần lớn thời gian trong ngày làm việc cùng cây bút và cuốn sách, tài sản nhiều nhất và đáng giá nhất là sách. Thầy bồi hồi nhớ lại kỷ niệm của những năm 70, 80 của thế kỷ trước, thời điểm khó khăn nhất mà những trí thức giảng viên như các thầy không bao giờ quên...

Nhiều năm liên tục giữ cương vị là Chủ nhiệm Bộ môn văn học Nga - phương Tây, Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), Trưởng Ban Thanh tra Đào tạo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN), ở bất cứ vị trí công tác nào, thầy cũng nhận được sự tin tưởng của cấp trên, sự tín nhiệm, yêu quý của anh em, bạn bè, đồng nghiệp. "Không làm thì thôi, còn khi đã nhận sự giao phó của tổ chức thì phải nhiệt tình, năng nổ và làm hết khả năng của mình, đó là điều mà tôi luôn tự nhắc..." - thầy bộc bạch. Tham gia công tác nhưng không bao giờ quên nhiệm vụ, phần lớn thời gian của thầy dành cho nghiên cứu và giảng dạy văn học. Thầy là chuyên gia đầu ngành về văn học Nga; người có thể giảng dạy một cách hệ thống suốt từ Puskin đến văn học Nga hiện đại; một nhà nghiên cứu đặc biệt có "duyên" với thi pháp tiểu thuyết Nga. Những công trình, những cuốn sách của thầy từ lâu đã trở thành công cụ tham khảo, giảng dạy, học tập, nghiên cứu ở hầu khắp các trường cao đẳng, đại học có chuyên ngành văn học trong cả nước. Đó là bộ "Lịch sử văn học Nga và Xô Viết" gồm 6 quyển mà thầy là đồng chủ biên, cùng hàng chục cuốn sách nghiên cứu có giá trị khác trong đó có cuốn "Macxim Gorky" trong "Tủ sách Danh nhân Văn hóa" đã được nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến. Thầy còn thực hiện 6 chuyên đề về lý luận và văn học Nga cho sinh viên cuối cấp; các chuyên đề về "Tiểu thuyết Đôxtôiepxki" (những vấn đề tư tưởng và thi pháp), về "Bakhơtin và nghệ thuật ngôn từ", "Một số vấn đề hiện đại về văn hóa học" dành cho nghiên cứu sinh và học viên cao học. Ngoài ra thầy còn là tác giả của rất nhiều bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí chuyên ngành với đề tài về văn học Nga và lý luận văn học. Bằng những đóng góp của mình, thầy Nguyễn Kim Đính đã nhận được các danh hiệu và phần thưởng cao quý của Nhà nước: danh hiệu Nhà giáo ưu tú (1990), học hàm Giáo sư (1991), Huân chương Lao động hạng Ba (1991), Huân chương Lao động hạng Nhất (1997), danh hiệu Nhà giáo nhân dân (2000), danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc (2001) và hơn hết là sự yêu mến, kính trọng của bạn bè, đồng nghiệp, anh em cùng các thế hệ học trò.

"Triết lý của một người thầy", tôi còn nhớ như in đã có lần may mắn đọc được một đoạn trong bài mà tác giả Nguyễn Chí Hoan đã viết về thầy. Chân dung của một người thầy, một giáo sư giảng dạy văn học Nga được vẽ lên nho nhã, thanh tao mang đậm cốt cách của một ông đồ Nghệ, một mẫu hình trí thức mà ở trong phong cách và lối sống có sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa những nét đẹp của truyền thống và hiện đại, sự giao thoa hoàn mỹ giữa hai phương thức ứng xử phương Đông và phương Tây. "Thích kỷ dĩ giáo nhân giả nghịch. Chính kỷ dĩ giáo nhân giả thuận" (Buông thả mình mà đi dạy người là nghịch, giữ mình cho chính để dạy người mới là thuận) - đó chính là triết lý sống mà GS.NGND Nguyễn Kim Đính đã theo, đã dùng để ứng xử với bạn bè, đồng nghiệp, học trò. Xin trích lại ở đây nguyên văn đoạn tri ân đầy tình cảm mà tác giả Nguyễn Chí Hoan đã nghĩ về thầy: "Khi kể về quá khứ, giáo sư nhắc nhiều hơn cả, kể một cách hài lòng hơn cả về kỷ niệm với những người thầy học cũ, về những bài học làm người mà các thầy cô là người làm gương. Ông vốn là người đọc nhiều, đọc rộng từ nhỏ và không bao giờ ngừng học cho đến ngày nay. Nhưng, cũng như sách đã nói, cái đạo người quân tử là phải đem ra thi hành, chứ không thể chỉ là chữ ở sách, là lời ở miệng... Ông bảo: "Tôi luôn tin ở đạo thầy trò". Nhưng có lẽ hơn ai hết ông hiểu đạo lý thầy trò ấy không chỉ bó hẹp trong bốn bức tường lớp học. Đằng sau một tiếng "chính kỷ" phải là cả một đời học tập, trau dồi, đấu tranh và sống làm gương; với hai chữ "trọng đạo" là cả một kỷ cương rộng khắp, không được phút giây trễ nải cả với thầy và trò, từ bục giảng ra đường, từ gia đình đến cộng đồng rộng lớn; với một chữ "đạo" đầy tinh thần lý tưởng và dồi dào ý nghĩa, mấy ai dám nói mình đã chu toàn bổn phận. Ông quan niệm rằng, do "trọng đạo" mà "tôn sư" chứ không phải là do "tôn sư" mà "trọng đạo"...".

Giờ đây, thầy ngồi đó, nhẹ nhõm mà thanh thản, ung dung, tâm thế của một người cảm thấy an tâm về con đường mình đã chọn, đã trung thành cống hiến đến cùng cho lĩnh vực mà mình tâm đắc. Trong công việc, ngay cả khi đã nghỉ hưu, thầy vẫn luôn tìm thấy niềm vui, sự hứng thú trước mỗi một phát hiện mang tính học thuật và có lẽ cũng nhờ vậy mà cuộc đời đã nhận được từ thầy thật nhiều điều, ông đồ Nghệ - một "cánh chim đầu đàn" trong lĩnh vực văn học Nga...

Nguyễn Minh Trường [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» Trường Chinh - Lãnh tụ cách mạng, nhà văn hoá, nhà tư tưởng lớn
» GS. Nguyễn Đức Chính với những cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy nghiên cứu ngoại ngữ
» GS. Trần Văn Nhung - ông thứ trưởng mang cốt cách người thầy
» GS. Phan Cự Đệ - 50 năm trên bục giảng với một niềm đắm say khoa học
» Vị hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Y khoa của nước Việt Nam độc lập
» GS. Nguyễn Văn Mậu - nhà toán học đầu ngành
» Phan Đình Diệu - Nhà khoa học và khát vọng phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam
» GS. Nguyễn Quang Mỹ - nhà giáo, chuyên gia hàng đầu về hang động Việt Nam
» GS. Hoàng Xuân Nhị - người đặt nền móng cho việc giảng dạy Văn học Nga ở Việt Nam
» GS. Nguyễn Văn Đạo - Vị giáo sư của sáng tạo và sáng lập
» GS. Đặng Văn Ngữ - người dành trọn đời cho ngành Ký sinh trùng Việt Nam
» TS. Phạm Quang Nghị - những câu chuyện nhỏ mà tôi đã biết
» Người tìm đường cho ngành khoa học địa chất
» Người thầy nghệ sĩ GS. Hoàng Như Mai
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn