Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 29 Tháng 3 Năm 2024    Số người truy cập: 960609
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
GS. Nguyễn Đức Chính với những cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy nghiên cứu ngoại ngữ

Năm 2005, Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường Ngoại ngữ (1955 - 2005), đơn vị tiền thân của Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN ngày nay.

Với biết bao thành tích và niềm tự hào về những đóng góp của nhà trường cho xã hội trong suốt 50 năm qua, các thế hệ thầy trò và cán bộ, công nhân viên Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN đã phấn đấu bền bỉ, liên tục vượt qua nhiều khó khăn với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo đã xây dựng trường phát triển vững mạnh, nâng vị trí của trường thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học ngoại ngữ hàng đầu của Việt Nam. "Ăn quả nhớ người trồng cây", là những sinh viên thế hệ sau này của trường, chúng tôi luôn nhớ đến lớp người đi trước với những tình cảm nồng thắm và lòng biết ơn sâu sắc.

Một trong những tấm gương tiêu biểu cho lớp người đi trước của Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN chúng tôi muốn nói về người Hiệu trưởng thứ 5 của trường, giai đoạn 1990 - 1997, GS.TS.NGƯT Nguyễn Đức Chính, sau này trở thành Phó giám đốc ĐHQGHN. Không phải là người đầu tiên góp phần đặt nền móng xây dựng Trường Đại học Ngoại ngữ từ những ngày đầu mới thành lập, song những cống hiến của ông cho ngành ngoại ngữ, cho sự nghiệp dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam thật đáng trân trọng.

Tốt nghiệp Khoa tiếng Nga, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1965, những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đang bước vào thời kỳ khốc liệt, anh sinh viên trẻ Nguyễn Đức Chính, lúc này mới 22 tuổi, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của Trường. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn lúc bấy giờ, thầy giáo trẻ Nguyễn Đức Chính vẫn không ngừng phấn đấu vươn lên, chịu khó học hỏi, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, khẳng định vị trí của mình trong giảng dạy ngoại ngữ luôn được đồng nghiệp và sinh viên kính trọng.

Sau thời gian làm nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Lêningrat và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Ngữ văn (1980), thầy Nguyễn Đức Chính tiếp tục về công tác tại Khoa tiếng Nga của Trường. Năm 1981, thầy giáo Nguyễn Đức Chính được cử làm Chủ nhiệm Bộ môn Dịch, Khoa tiếng Nga, một năm sau đó (1982) được cử làm Phó chủ nhiệm Khoa tiếng Nga, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Với vốn kiến thức tích luỹ được, Thầy đã cùng tập thể Ban chủ nhiệm và cán bộ giảng dạy Khoa tiếng Nga vượt qua nhiều khó khăn, xây dựng Khoa tiếng Nga nhiều năm liền đạt danh hiệu đơn vị lao động tiên tiến của trường, trở thành đơn vị có truyền thống bề dày thành tích trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác. Chính thời kỳ trực tiếp giảng dạy và làm công tác quản lý từ tổ bộ môn đến khoa đã hình thành khả năng độc lập nghiên cứu, tính sáng tạo, ý chí khao khát vươn lên tiếp cận cái mới của nhà khoa học và nhà quản lý tương lai sau này.

Nhìn thấy khả năng phát triển và để bồi dưỡng cán bộ trẻ cho tương lai, năm 1987, thầy Nguyễn Đức Chính được cử đi học thực tập sinh cao cấp tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Đây là người thứ hai trong Khoa tiếng Nga vào thời điểm đó được cử đi học theo hình thức cao cấp này ở nước ngoài, đòi hỏi tính độc lập cao trong nghiên cứu và tích luỹ kiến thức. Thời gian này, việc dạy và học ngoại ngữ đang phát triển rộng khắp trong cả nước: nhiều cơ sở mới đào tạo giáo viên ngoại ngữ được hình thành ở trong Nam, ngoài Bắc. Lúc đó, việc chi viện giáo viên và cán bộ quản lý cho các cơ sở đào tạo giáo viên ngoại ngữ mới thành lập được đặt ra cấp bách. Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội đã cử nhiều cán bộ, giáo viên vào tham gia giảng dạy và lãnh đạo các khoa, trường của cơ sở Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng.

Năm 1988, sau khi hoàn thành khoá học thực tập sinh cao cấp tại Liên Xô về nước, thầy giáo Nguyễn Đức Chính được Bộ Giáo dục phân công về làm Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, trực tiếp làm Trưởng ban phụ trách cơ sở Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng. Một thử thách mới đang chờ đợi thầy ở phía trước. Với cương vị là Trưởng ban phụ trách cơ sở đào tạo mới, kiêm Chủ nhiệm Khoa tiếng Nga, thầy đã phấn đấu không biết mệt mỏi, khắc phục mọi khó khăn thiếu thốn, từ nơi ăn, chốn ở, giáo trình, tài liệu, cơ sở vật chất và đặc biệt là đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm để đưa việc giảng dạy của Trường nói chung và của Khoa tiếng Nga nói riêng đi vào nề nếp. Vừa làm quản lý, thầy còn trực tiếp lên lớp giảng dạy cho sinh viên năm cuối, vừa tổ chức bồi dưỡng giáo viên trẻ để họ có thể vững vàng đảm trách nhiệm vụ của mình. Tác phong làm việc, tinh thần tận tụy xả thân trong công việc của thầy đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng các đồng nghiệp và nhiều thế hệ sinh viên của cơ sở Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng. Ông được phong học hàm Phó giáo sư năm 1991, giáo sư năm 1996.

Công việc tại cơ sở Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng đang tiến triển tốt đẹp, vào đầu năm 1990, qua thăm dò tìm hiểu, Bộ Giáo dục và Đào tạo có dự định để thầy Nguyễn Đức Chính về tham gia làm ứng viên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nơi ông đã cống hiến tuổi trẻ và đã trưởng thành cả trong công tác chuyên môn và trong công tác quản lý. Việc kiện toàn Ban giám hiệu của Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thành uỷ Hà Nội quan tâm chỉ đạo sâu sắc. Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương cho tiến hành bầu Hiệu trưởng nhà trường nhiệm kỳ 1990 - 1994 một cách công khai, dân chủ theo quy trình của Bộ quy định và trực tiếp chỉ đạo thực hiện.

Ngày 17. 4.1990 là một ngày đáng nhớ tại Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Cán bộ, giáo viên, công nhân viên toàn trường hồ hởi đi bầu Hiệu trưởng mới. Kết quả bầu cử nói lên sự nhất trí khá cao của toàn trường. Thầy Nguyễn Đức Chính được bầu làm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội nhiệm kỳ 1990 - 1994 với tỷ lệ phiếu cao (84%). Việc bầu Hiệu trưởng thắng lợi đã tạo ra một nguồn phấn khởi mới, một niềm tin mới, chắc chắn nhà trường sẽ được củng cố hơn nữa, ổn định hơn nữa để tiến lên trong sự nghiệp đổi mới tiếp theo.

Vào tuổi 47, thầy Nguyễn Đức Chính trở thành Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, một trung tâm đào tạo giáo viên ngoại ngữ lớn hàng đầu của cả nước. Bao khó khăn, bao thử thách mới đang đợi đang chờ tân hiệu trưởng ở phía trước. Cùng công tác với Hiệu trưởng Nguyễn Đức Chính trong thời gian này tại Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, chúng tôi càng cảm phục sức làm việc, năng lực sáng tạo, sự nhạy bén với cái mới, tầm nhìn của ông về những vấn đề đặt ra trước sự nghiệp đào tạo ngoại ngữ nói riêng và ngành giáo dục nói chung.

Thành công lớn nhất trong thời gian GS. Nguyễn Đức Chính làm Hiệu trưởng (1990 - 1994) là Nhà trường đã trở thành một tập thể đoàn kết, hợp tác, bước đầu thoát ra khỏi tình trạng trì trệ, quần chúng rất phấn khởi, tin tưởng vào lãnh đạo nhà trường. Công tác đào tạo đã có nhiều bước tiến lớn. Quy mô đào tạo được mở rộng, song vẫn có bước tiến đáng kể về chất lượng do cải cách quy trình đào tạo. Chủ trương đa dạng hoá các loại hình đào tạo của nhà trường được cán bộ, sinh viên hoan nghênh và hưởng ứng, chủ trương gắn việc đào tạo phù hợp với cơ chế thị trường và chính sách mở cửa, tạo cho người học có năng lực tự tìm việc làm trong nền kinh tế nhiều thành phần hiện nay được xác định trong thời gian này đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự và tính đúng đắn của nó.

Có thể nói, thời kỳ xây dựng Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội từ năm 1990 đến năm 1993 và những năm tiếp theo trước khi gia nhập Đại học Quốc gia Hà Nội là thời kỳ ổn định và phát triển khá rực rỡ của Trường. Tháng 8.1990, Khoa tiếng Trung năm sau bị giải thể (năm 1982) nay được mở lại. Năm 1993, nhà trường được Chính phủ cho phép đào tạo nghiên cứu sinh ngành ngoại ngữ. Đây là trường đại học đầu tiên của ngành ngoại ngữ được phép đào tạo bậc sau đại học. Trường đã có những bước đổi mới toàn diện, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, xây dựng môi trường sư phạm, từng bước nâng cao đời sống của cán bộ, công nhân viên, sinh viên, học sinh.

Năm 1992, Trường được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, được Bộ tặng Cờ thi đua tiên tiến xuất sắc năm học 1991 - 1992. Những thành tích này là công sức phấn đấu của cả tập thể cán bộ, công nhân viên, sinh viên toàn trường, song trong đó có những đóng góp to lớn của Ban giám hiệu, đặc biệt là của Hiệu trưởng Nguyễn Đức Chính.

Ngày 10.12.1993, Chính phủ ra Nghị định thành lập ĐHQGHN, trên cơ sở ba trường đại học lớn ở Hà Nội, trong đó có Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội nay là Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN. GS. Nguyễn Đức Chính vừa là Phó giám đốc ĐHQGHN, vừa đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ. Trong thời kỳ 1994 - 1997, công việc chính của ông vẫn là lãnh đạo Trường Đại học Ngoại ngữ. Vượt lên những hoài nghi về chủ trương thành lập cũng như hiệu quả hoạt động của ĐHQGHN, Hiệu trưởng Nguyễn Đức Chính cùng tập thể Đảng uỷ và Ban giám hiệu Nhà trường đã tập trung chỉ đạo công tác tư tưởng, động viên cán bộ yên tâm công tác, sẵn sàng đón nhận sự hoà nhập, cùng chung lưng đấu cật với các đơn vị thành viên xây dựng ĐHQGHN ngày một lớn mạnh.

Từ định hướng lớn nêu trên, các hoạt động của Trường vẫn tiếp tục ổn định, đi vào nền nếp và có hướng tăng trưởng về chất lượng. Giờ đây Trường Đại học Ngoại ngữ đã trở thành trường đào tạo ngoại ngữ đa hệ, nhiều nghề, đào tạo nhiều thứ tiếng phù hợp với xu thế hội nhập và chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước ta. Trường Đại học Ngoại ngữ tiếp tục khẳng định vị trí của mình trong ĐHQGHN đang dần dần trở thành trung tâm đào tạo cán bộ ngoại ngữ có uy tín của cả nước.

Năm 1997, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội được vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Nhà nước trao tặng, Hiệu trưởng Nguyễn Đức Chính vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Có thể nói, tên tuổi của GS. Nguyễn Đức Chính gắn liền với những đổi mới của nhà trường.

Nhiều vấn đề mới trong công tác đào tạo, như đổi mới quy trình đào tạo cử nhân ngoại ngữ theo quan điểm lấy người học làm trung tâm, cải tiến phương pháp giảng dạy bộ môn, đổi mới chương trình, giáo trình các hệ đào tạo, xây dựng công nghệ kiểm tra - đánh giá, xây dựng chiến lược dạy - học ngoại ngữ xuyên suốt các bậc học... đã được cán bộ, giáo viên nhà trường tập trung nghiên cứu và đề xuất hướng giải quyết có tính đột phá, góp phần đẩy mạnh việc dạy và học ngoại ngữ không chỉ trong phạm vi nhà trường mà còn cho xã hội, một lần nữa thể hiện tính nhạy bén, thái độ trách nhiệm và vai trò đầu tàu của Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ.

Mặc dù phải dành nhiều thời gian, trí tuệ cho công tác quản lý, nhưng GS. Nguyễn Đức Chính vẫn rất tâm huyết với những vấn đề khoa học về ngôn ngữ nói chung và ngoại ngữ nói riêng. Trong thời gian này, ông đã chủ trì nhiều đề tài khoa học cấp Bộ, được nghiệm thu và đánh giá đạt loại xuất sắc, như đề tài: "Đổi mới quy trình đào tạo cử nhân ngoại ngữ tại Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội" (năm 1994), "Chuẩn đánh giá và công nghệ kiểm tra - đánh giá môn thực hành tiếng hệ đào tạo tại chức" (năm 1995), "Chiến lược dạy - học ngoại ngữ xuyên suốt các bậc học" (năm 1996). Ông còn hướng dẫn 2 luận án tiến sĩ chuyên ngành ngôn ngữ và các luận án đã được bảo vệ thành công năm 1996.

Tháng 11.1997, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, GS. Nguyễn Đức Chính đã thôi kiêm chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ để tập trung hoàn thành trọng trách Phó giám đốc ĐHQGHN, nhằm tăng cường chỉ đạo các hoạt động của ĐHQGHN. Thời gian GS. Nguyễn Đức Chính giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ không dài (1990 - 1997), song những cố gắng không mệt mỏi của ông cho sự phát triển của trường ở tầm cao mới, đã để lại trong lòng các cán bộ, giáo viên, công nhân viên, sinh viên, học sinh nhà trường những dấu ấn khó phai mờ.

Rời Trường Đại học Ngoại ngữ, GS. Nguyễn Đức Chính về công tác tại Cơ quan ĐHQGHN với cương vị Phó giám đốc phụ trách công tác kế hoạch tài chính - xây dựng cơ bản và sau này là khoa học và hợp tác quốc tế. Đây là lĩnh vực hết sức mới mẻ đối với những người làm công tác khoa học chuyên về lĩnh vực ngôn ngữ, ngoại ngữ như ông. Song một lần nữa phẩm chất vốn có của nhà khoa học và bản lĩnh của nhà quản lý đã được thử thách và tôi luyện đã giúp ông hoàn thành những nhiệm vụ được giao.

Năm 1998, ông được bổ nhiệm kiêm chức Giám đốc Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Đào tạo và Nghiên cứu Phát triển Giáo dục, ĐHQGHN. Đây là thời cơ thuận lợi để ông tiếp tục triển khai các dự định trong nghiên cứu khoa học mà ông đã ấp ủ từ lâu. Cùng tập thể cán bộ của Trung tâm, ông đã chủ trì tổ chức triển khai đề tài độc lập cấp Nhà nước "Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo dùng cho các trường đại học Việt Nam". Đề tài đã được nghiệm thu năm 2001 và đạt loại xuất sắc. Đây là một công trình khoa học đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về lĩnh vực kiểm định chất lượng trong giáo dục đại học, một lĩnh vực đang rất được quan tâm. Đề tài cấp Nhà nước này có giá trị thực tiễn cao đã giúp các đơn vị đào tạo đại học xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng của riêng mình, góp phần xây dựng các đại học có chất lượng cao. Công trình nghiên cứu này đã được ĐHQGHN xét và tặng Giải thưởng công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc ĐHQGHN năm 2003. Cùng với đề tài này, GS. Nguyễn Đức Chính còn cho công bố 12 bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước về vấn đề chất lượng giáo dục đại học và các tiêu chí để kiểm định và công nhận chất lượng giáo dục đại học.

Rời các chức vụ lãnh đạo và quản lý ở ĐHQGHN, từ năm 2003 đến nay, GS. Nguyễn Đức Chính tiếp tục công tác tại Khoa Sư phạm, ĐHQGHN với chức danh Giảng viên cao cấp. Sau hơn 15 năm liên tục làm công tác quản lý trên các cương vị lãnh đạo khác nhau, thời điểm này là cơ hội tốt để người thầy giáo với hơn 40 năm công tác trong ngành giáo dục trong đó có hơn 30 mươi năm trực tiếp đứng trên bục giảng, lại được phát huy lòng nhiệt huyết của mình với công việc dạy học và nghiên cứu khoa học. Với vốn kiến thức được tích luỹ trong hơn 40 năm qua và kinh nghiệm quản lý quý báu của mình, GS. Nguyễn Đức Chính đang dần truyền thụ lại cho các cán bộ, học viên và sinh viên của Khoa Sư phạm, một cơ sở đào tạo đại học và sau đại học còn non trẻ. Ông đang giúp Khoa xây dựng và tổ chức triển khai lộ trình nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó công tác đổi mới kiểm tra - đánh giá môn học, đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng hồ sơ môn học đặc biệt được ông quan tâm và đóng góp những ý kiến quý báu và nhiều ý tưởng hay.

Ở tuổi 63 này, ông vẫn còn sung sức, còn khả năng cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục nói chung, công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học nói riêng.

Đối với chúng tôi, các thế hệ học trò của GS. Nguyễn Đức Chính năm nào, ông vẫn là tấm gương về lao động sáng tạo, ý chí vươn lên, luôn tâm huyết và cống hiến hết mình cho sự nghiệp dạy và học ngoại ngữ. Và trên mọi cương vị công tác, câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 10.7.1967 với các cán bộ lãnh đạo và một số cán bộ giảng dạy ngoại ngữ "Vì vị trí nước ta, vị trí quốc tế của nước ta, đòi hỏi chúng ta phải có rất nhiều người thực sự giỏi tiếng nước ngoài" luôn thôi thúc GS.TS.NGƯT. Nguyễn Đức Chính vươn lên phía trước./.

Trần Hữu Hoan [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» GS. Trần Văn Nhung - ông thứ trưởng mang cốt cách người thầy
» GS. Phan Cự Đệ - 50 năm trên bục giảng với một niềm đắm say khoa học
» Vị hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Y khoa của nước Việt Nam độc lập
» GS. Nguyễn Văn Mậu - nhà toán học đầu ngành
» Phan Đình Diệu - Nhà khoa học và khát vọng phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam
» GS. Nguyễn Quang Mỹ - nhà giáo, chuyên gia hàng đầu về hang động Việt Nam
» GS. Hoàng Xuân Nhị - người đặt nền móng cho việc giảng dạy Văn học Nga ở Việt Nam
» GS. Nguyễn Văn Đạo - Vị giáo sư của sáng tạo và sáng lập
» GS. Đặng Văn Ngữ - người dành trọn đời cho ngành Ký sinh trùng Việt Nam
» TS. Phạm Quang Nghị - những câu chuyện nhỏ mà tôi đã biết
» Người tìm đường cho ngành khoa học địa chất
» Người thầy nghệ sĩ GS. Hoàng Như Mai
» Người khai thác những mỏ vàng lộ thiên từ cuộc sống
» Nguyễn Phan Chánh - Người xây nền cho tranh lụa Việt Nam
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn