Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 29 Tháng 3 Năm 2024    Số người truy cập: 960691
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Trường Chinh - Lãnh tụ cách mạng, nhà văn hoá, nhà tư tưởng lớn

Trường Chinh (tên thật là Đặng Xuân Khu) sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học nổi tiếng của một làng khoa cử lừng danh cả nước - làng Hành Thiện thuộc tổng Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Truyền thống Nho học yêu nước của gia đình và quê hương sớm có tác động tích cực tới quá trình hình thành nhân cách và chí hướng của chàng thanh niên Đặng Xuân Khu.

Sang đầu năm 1926, sự kiện nhà yêu nước Phan Chu Trinh qua đời vào ngày 24.3 là một trong những nguyên cớ thổi bùng lên làn sóng đấu tranh yêu nước của nhân dân ta. Ở Nam Định, một số nhà nho yêu nước đã đứng ra xin phép nhà cầm quyền thực dân tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh, nhưng bị từ chối. Lập tức, học sinh trường Thành Chung do nhóm Đặng Xuân Khu đứng đầu đã bãi khoá, kéo theo cuộc bãi khoá đồng loạt của học sinh toàn thành Nam. Trước áp lực đó, nhà cầm quyền thực dân buộc phải nhượng bộ. Lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh đã được tổ chức trang trọng tại nghĩa trang Bắc Tế có sự tham gia của hàng ngàn người.

Hai sự kiện lớn trên đã trực tiếp thôi thúc, lôi cuốn một lớp thanh niên trí thức anh tài tuấn kiệt dấn thân vào con đường đấu tranh cứu nước, trong đó có Trường Chinh. Ngay sau cuộc vận động để tang và truy điệu Phan Chu Trinh, Trường Chinh cùng với gần 200 học sinh thành Nam khác đã bị bắt rồi bị đuổi học.

Rời trường Thành Chung Nam Định, Trường Chinh lên Hà Nội nộp đơn xin theo học Trường Cao đẳng Thương mại thuộc Đại học Đông Dương. Ông vừa đi học, vừa tự kiếm sống bằng nghề gia sư, vừa nỗ lực tìm đường tham gia phong trào yêu nước. Đầu năm 1927, người thanh niên sẵn bầu nhiệt huyết sục sôi tinh thần yêu nước đó đã bắt được liên lạc và gia nhập Hội Việt Nam Kách mệnh Thanh niên. Từ đó, Trường Chinh nguyện hiến dâng trọn vẹn cuộc đời mình, tinh thần, tài năng, trí tuệ, tình cảm và cả tính mạng cho sự nghiệp cách mạng - cứu quốc theo ngọn cờ lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Những năm 1927, 1928 là thời gian rất quan trọng trong quá trình phát triển của tổ chức Thanh niên. Vừa học ở Hà Nội, Trường Chinh vừa tranh thủ về làng Hành Thiện lập ra tờ báo Dân cày để mở rộng tuyên truyền cách mạng trong các tầng lớp dân chúng địa phương. Từ khoảng cuối năm 1928, đầu năm 1929, để đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ của phong trào yêu nước và phong trào công nhân, một nhóm cán bộ ưu tú của Thanh niên ở Bắc Kỳ đã khởi xướng phong trào vô sản hoá và xúc tiến cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản. Trường Chinh là một trong những người tán thành và ủng hộ mạnh mẽ chủ trương này. Trường Chinh được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và sau đó, từ đầu năm 1930, sau khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản nói trên, lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, Trường Chinh có vinh dự là một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng.

Từ giữa năm 1930, phong trào tranh đấu của nhân dân ta trở thành một cao trào cách mạng với hàng trăm cuộc biểu tình, bãi công của quần chúng công nông, mà đỉnh cao là sự ra đời của chính quyền Xô Viết tại Nghệ An và Hà Tĩnh. Để dập tắt cao trào cách mạng của nhân dân ta, thực dân Pháp đã dùng nhiều biện pháp đàn áp dã man. Hàng nghìn đảng viên cộng sản và chiến sĩ yêu nước đã bị giết hại hoặc bị bắt giam. Cuối tháng 12.1930, Trường Chinh bị sa vào tay mật thám Pháp. Chính quyền thực dân kết án ông 12 năm tù. Sau một thời gian giam giữ và tra tấn ông ở Hoả Lò (Hà Nội), chúng đày ông đi nhà tù Sơn La.

Ở trong tù, cùng với Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) và một số cán bộ kiên trung của Đảng, Trường Chinh đã sớm lập ra chi bộ Đảng và một số tổ chức, đoàn thể hữu ái của tù nhân tại nhà tù Hoả Lò và nhà tù Sơn La. Trường Chinh được chi bộ phân công biên soạn một loạt các tài liệu lý luận sơ giản và phụ trách một số tờ báo bí mật của Đảng ở trong tù, vừa làm tài liệu huấn luyện đảng viên mới, vừa là vũ khí lý luận trong cuộc đấu tranh chính trị tư tưởng gay gắt giữa các chiến sĩ cộng sản với các nhóm tù nhân vốn là đảng viên của Việt Nam Quốc dân Đảng. Có thể nói, Trường Chinh đã khởi đầu sự nghiệp hoạt động lý luận, tuyên truyền và văn hoá của mình ở trong chính nhà tù thực dân - trường học vĩ đại của cách mạng Việt Nam.

Cuối năm 1936, nhờ thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp và do sức đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta, chính quyền thực dân Pháp buộc phải ân xá hàng nghìn tù chính trị ở Đông Dương, trong đó có Trường Chinh. Cánh chim bằng gặp gió, Trường Chinh hăng hái lao mình vào phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân. Cùng với Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Hạ Bá Cang, Lương Khánh Thiện... ông tích cực xúc tiến việc thành lập lại Xứ uỷ Bắc Kỳ, nhanh chóng khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng ở các cấp tại các khu vực nông thôn và thành thị.

Đường lối mới của Đảng đã nhận được sự ủng hộ hết sức mạnh mẽ của quảng đại các tầng lớp nhân dân. Trong bối cảnh đó, Đảng ta xác định rõ vai trò rất quan trọng của công tác tuyên truyền. Đảng chủ trương lập ra một loạt các tờ báo, tạp chí công khai bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương, đường lối của Đảng, mở ra một mặt trận đấu tranh công khai về chính trị, tư tưởng và văn hoá với chính quyền thực dân, thông qua đó mà vận động quần chúng, khuếch trương uy tín và ảnh hưởng trong các tầng lớp nhân dân. Một số đảng viên ưu tú, có khả năng và trình độ được Đảng phân công hoạt động trên mặt trận này, trong đó, tiêu biểu nhất là Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Bùi Công Trừng, Nguyễn Khoa Văn, Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp v.v.

Địa bàn hoạt động chủ yếu của Trường Chinh trong thời kỳ 1936 - 1939 là ở Bắc Kỳ. Có thể nói, ông chính là linh hồn, là người lãnh đạo nhóm cán bộ Đảng hoạt động báo chí tuyên truyền công khai ở Bắc Kỳ. Ông trực tiếp tham gia lãnh đạo một số tờ báo công khai lớn nhất của Đảng như tờ Le Travail, Tin tức, Đời nay, Notre voix..., đồng thời trực tiếp biên soạn nhiều tài liệu huấn luyện, tuyên truyền phục vụ cho công tác vận động quần chúng của Đảng. Với bút danh Qua Ninh, cùng với Võ Nguyên Giáp (bút danh Vân Đình), ông biên soạn và công bố cuốn "Vấn đề dân cày" vào năm 1937. Đây là một công trình có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn đối với công tác vận động nông dân của Đảng.

Tháng 11.1940, Hội nghị Trung ương 7 đã diễn ra tiếp tục phân tích tình hình, hoàn thiện một bước chủ trương điều chỉnh chiến lược cách mạng của Đảng một cách thận trọng. Tại hội nghị này Trường Chinh được cử làm quyền Tổng Bí thư của Đảng.

Năm 1941, Trung ương Đảng bắt liên lạc được với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở phía nam Trung Quốc. Sau đó Người đã khẩn trương tìm đường về nước. Từ ngày 10 đến 19.5.1941 Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng 8 diễn ra bên bờ Khuổi Nậm, Pắc Bó (Cao Bằng).

Trong Hội nghị, Trường Chinh đã trình bày chủ trương chiến lược cách mạng của Đảng trong giai đoạn trước mắt: đặt quyền lợi của giai cấp và bộ phận dưới sự sinh, tử tồn vong của toàn dân tộc; tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất của cách mạng Việt Nam là giành cho kỳ được độc lập dân tộc. Theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, tại Hội nghị, Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Chia tay với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt và các cán bộ khác của Trung ương về xuôi, khẩn trương triển khai các quyết định của Hội nghị Trung ương 8 tới các cơ sở đảng trong toàn quốc để khẳng định hướng đi tới của cuộc vận động cách mạng theo phương hướng chiến lược mới. Bên cạnh công tác theo dõi và lãnh đạo phong trào trên toàn quốc, Trường Chinh đặc biệt chú trọng, dành tâm sức cho ba lĩnh vực công tác đặc biệt quan trọng là: công tác tư tưởng; công tác xây dựng an toàn khu (ATK) và công tác vận động, xây dựng lực lượng ở thành thị.

Về công tác tư tưởng, điều Trường Chinh quan tâm đặc biệt là xây dựng và củng cố ý chí thống nhất của toàn Đảng trên cơ sở đường lối chiến lược đã được vạch ra tại Hội nghị trung ương 8. Đây chính là cơ sở quan trọng nhất, cội nguồn sức mạnh của Đảng trong giai đoạn đầy thử thách ác liệt của cách mạng Việt Nam. Ngay đầu năm 1942, Trường Chinh quyết định lập ra tờ báo Cứu quốc làm cơ quan cổ động trung ương của Việt Minh. Tiếp theo, tháng 10.1942 ông lại lập ra tờ báo Cờ giải phóng làm cơ quan ngôn luận trung ương của Đảng, đồng thời cho xuất bản Tạp chí Cộng sản làm diễn đàn chính trị tư tưởng của Đảng. Trường Chinh trực tiếp phụ trách các cơ quan tuyên truyền nói trên, viết hàng chục bài phân tích kỹ những chủ trương chiến lược và sách lược của Đảng, kịp thời uốn nắn, chỉ đạo phong trào ở từng địa phương cũng như trên phạm vi toàn quốc.

Một sáng kiến độc đáo có tầm chiến lược của Trường Chinh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng trong thời kỳ này là xây dựng hệ thống ATK vững chắc ở các vùng phụ cận Hà Nội, trung tâm đầu não của chính quyền thực dân, phát xít. Tại đây, cơ sở đảng và Việt Minh được Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo theo một loạt quy tắc nghiêm ngặt, do đó thực sự trở thành chỗ đứng chân vững chắc của cách mạng Việt Nam. Công tác vận động các tầng lớp dân chúng thành thị cũng được Trường Chinh đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Trong thời gian này, bên cạnh công tác vận động công nhân, việc vận động lôi cuốn lớp trí thức, công chức và các tầng thị dân khác rất quan trọng. Sau một thời gian suy ngẫm, tháng 2.1943 Trường Chinh đã soạn thảo và đưa ra bản "Đề cương văn hoá Việt Nam". Đây cũng là lần đầu tiên Đảng ta đưa ra một tuyên ngôn về vấn đề văn hoá. Những luận điểm mà Trường Chinh nêu ra, đặc biệt là ba nguyên tắc xây dựng nền văn hoá Việt Nam mới Dân tộc, Khoa học và Đại chúng đã xua tan những nghi ngại, mặc cảm của tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ... đối với chủ nghĩa cộng sản, với Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng thời tạo cho họ niềm tin để yên tâm đứng dưới ngọn cờ cứu quốc đại nghĩa do Đảng và Việt Minh giương cao. Có thể nói đây là một trong những thành công lớn của cách mạng Việt Nam trước giờ phút quyết liệt, trong đó Trường Chinh là người có đóng góp trực tiếp và quan trọng.

Từ ATK, thông qua các cơ sở nội tuyến, Trường Chinh luôn theo dõi cẩn trọng, sát sao các diễn biến ở Hà Nội. Ngày 8.3.1945, nhận được tin Toàn quyền Jean Decoux bị Đại sứ Nhật mời gấp vào Sài Gòn, quân đội Nhật được lệnh cấm trại, ông đã xác đoán ngay: Nhật lật Pháp tới nơi! Ngay lập tức ông phái người liên lạc và triệu tập gấp Hội nghị Ban thường vụ Trung ương mở rộng. Tối ngày 9.3.1945, đúng lúc Hội nghị vừa khai mạc thì cũng là lúc cuộc đảo chính Nhật - Pháp bắt đầu.

Dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trường Chinh, Hội nghị đã phán đoán chính xác và phân tích kỹ cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc ở Việt Nam sau cuộc đảo chính, đồng thời nêu ra những quyết sách quan trọng cả về chiến lược và chiến thuật, phát động cao trào kháng Nhật cứu quốc, dự kiến thời cơ và phương thức tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Sau hội nghị, Trường Chinh chắp bút bản chỉ thị lịch sử "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Ngày 12.3, bản Chỉ thị này được khẩn trương phổ biến tới các cơ sở Đảng và Việt Minh khắp ba kỳ, kịp thời vạch hướng cho cuộc vận động yêu nước trong giờ phút quyết liệt. Cùng với Bác Hồ và các đồng chí Phạm Văn đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, trên cương vị Tổng Bí thư, Trường Chinh đã góp phần rất quan trọng vào việc chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam trong lúc băng ghềnh, vượt thác hiểm nghèo. Sau khi được tin Nhật đầu hàng, Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc được thành lập do Trường Chinh đứng đầu, phát đi mệnh lệnh khởi nghĩa vào 23 giờ đêm ngày 13.8.1945. Ba ngày sau, tại Quốc dân Đại hội ở Tân Trào, thay mặt Đảng Cộng sản Đông Dương, Trường Chinh đã trình bày ngắn gọn chủ trương phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước và đã được Đại hội nhiệt liệt tán thành.

Ngày 2.9.1945 nước Việt Nam DCCH ra đời, nhưng đã phải sớm đương đầu với muôn vàn thử thách ác liệt gây ra bởi ba thứ "giặc": giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, ngay từ cuối tháng 8.1945 Hồ Chí Minh đã đề nghị cải tổ thành phần Uỷ ban Dân tộc giải phóng (do Quốc dân Đại hội bầu ra) lập ra Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trường Chinh và một số cán bộ cao cấp của Đảng đã tự nguyện rút lui khỏi thành phần của Chính phủ, nhường chỗ cho một số nhân sĩ yêu nước tiến bộ. Để giảm bớt áp lực của các thế lực ngoại xâm và phản động, tháng 11.1945 Đảng Cộng sản Đông Dương cũng tuyên bố tự giải tán, thực chất là rút vào hoạt động bí mật. Tuy không nắm giữ vị trí nào trong chính quyền cách mạng, nhưng Trường Chinh vẫn ngày đêm cùng với Hồ Chí Minh và các cán bộ Đảng cao cấp khác chỉ đạo sát sao cuộc đấu tranh xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng.

Theo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, Trường Chinh đã sớm quan tâm tới việc nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm tổ chức chính quyền cách mạng, đặc biệt là tổ chức kháng chiến theo hình thái chiến tranh nhân dân. Vì vậy, tiếp theo Chỉ thị "Hoà để tiến", sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Trường Chinh đã viết ngay một loạt bài trên báo Cứu quốc để phổ biến và cụ thể hoá đường lối kháng chiến, kiến quốc "toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính". Đầu năm 1951, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II đã diễn ra ở chiến khu Việt Bắc. Tại Đại hội này Trường Chinh đã trình bày bản báo cáo quan trọng bàn về những đặc điểm, tính chất của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân Việt Nam. Có thể nói, đây là một bước quan trọng hoàn chỉnh hệ thống lý luận của Đảng về cách mạng Việt Nam. Trường Chinh được Đại hội bầu làm Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam.

Với chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (7.1954), cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta giành thắng lợi vẻ vang. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Bắc phấn khởi bắt tay vào công cuộc kiến thiết xã hội mới. Một trong những nhiệm vụ trọng yếu nhất lúc đó là tiếp tục hoàn thành cuộc cải cách ruộng đất đã được phát động từ cuối năm 1953, đầu năm 1954. Đây là một cuộc vận động mang ý nghĩa kinh tế và chính trị to lớn mà Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp theo dõi và chỉ đạo. Tới cuối năm 1955, cuộc cải cách ruộng đất đã giành được những thắng lợi căn bản, nhưng do nhiều nguyên nhân mà trong quá trình chỉ đạo và thực hiện ta đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng, nhất là để xảy ra tình trạng quy kết sai thành phần, đấu tố tràn lan. Ngay sau đó, Trung ương Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương tiến hành sửa sai để ổn định tình hình. Với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh công khai nhận sai lầm trong cải cách ruộng đất và nghiêm khắc tự kiểm điểm trước Quốc hội. Trên cương vị Tổng Bí thư, Trường Chinh cũng đứng ra nhận khuyết điểm trước Đảng và Quốc hội. Vốn là người khẳng khái và vô cùng nghiêm khắc với bản thân mình, ông đã xin rút lui khỏi vị trí Tổng Bí thư của Đảng tháng 10.1956.

Từ năm 1958 đến 1986, Trường Chinh tiếp tục được Đảng, Quốc hội và Nhà nước phân công phụ trách nhiều công tác quan trọng khác nhau. Trên cương vị Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Lý luận Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Uỷ ban dự thảo hiến pháp, rồi Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, ông đã có nhiều đóng góp xuất sắc vào công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, tái thiết đất nước sau chiến tranh.

Tháng 7.1986, tại Hội nghị đặc biệt của Ban Chấp hành TW Đảng, Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư. Đây là thời điểm cách mạng Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt lớn lao với những thử thách đầy cam go. Cùng với tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành TW, Tổng Bí thư Trường Chinh đã dành toàn bộ tâm sức, trí tuệ khảo sát kỹ càng tình hình đất nước, tham khảo kinh nghiệm các đảng anh em, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, nhanh chóng đưa ra những biện pháp cấp thời và cẩn trọng chuẩn bị những giải pháp chiến lược để phát động công cuộc đổi mới theo tinh thần "lấy dân làm gốc", từng bước đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và mở đường đưa cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên.

Tháng 12.1986, Đại hội Đảng lần thứ VI đã chính thức thông qua đường lối đổi mới do Tổng Bí thư Trường Chinh và Ban Chấp hành TW đề xuất. Tại Đại hội này, do tuổi cao, sức yếu, ông đã xin rút khỏi Ban Chấp hành TW. Đại hội đã trân trọng tuyên dương công trạng, ghi nhận những đóng góp xuất sắc của ông đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng thời cử ông làm Cố vấn cho Ban Chấp hành TW mới.

Xuất thân từ gia đình Nho học yêu nước của một vùng quê nổi tiếng về truyền thống khoa bảng, Trường Chinh là một trong những gương mặt tiêu biểu của lớp trí thức Tây học sớm dấn thân vào sự nghiệp cứu nước. Là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt hơn 60 năm hoạt động cách mạng, Trường Chinh bằng cả Tâm, Đức, Trí, Dũng của mình đã có nhiều đóng góp nổi bật và cống hiến lớn lao vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước. Với nhân cách, bản lĩnh và tài năng xuất chúng dường như ông được lịch sử dân tộc thế kỷ XX chọn là con người của những bước ngoặt lịch sử, và chính thông qua những đóng góp to lớn của ông tại những thời khắc lịch sử ấy đã khẳng định tầm vóc của ông. Tổ quốc ghi công ông, nhân dân yêu mến ông, vị lãnh tụ cách mạng, nhà tư tưởng, nhà văn hoá lớn của dân tộc trong thế kỷ XX.

Phạm Việt Khanh [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» GS. Nguyễn Đức Chính với những cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy nghiên cứu ngoại ngữ
» GS. Trần Văn Nhung - ông thứ trưởng mang cốt cách người thầy
» GS. Phan Cự Đệ - 50 năm trên bục giảng với một niềm đắm say khoa học
» Vị hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Y khoa của nước Việt Nam độc lập
» GS. Nguyễn Văn Mậu - nhà toán học đầu ngành
» Phan Đình Diệu - Nhà khoa học và khát vọng phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam
» GS. Nguyễn Quang Mỹ - nhà giáo, chuyên gia hàng đầu về hang động Việt Nam
» GS. Hoàng Xuân Nhị - người đặt nền móng cho việc giảng dạy Văn học Nga ở Việt Nam
» GS. Nguyễn Văn Đạo - Vị giáo sư của sáng tạo và sáng lập
» GS. Đặng Văn Ngữ - người dành trọn đời cho ngành Ký sinh trùng Việt Nam
» TS. Phạm Quang Nghị - những câu chuyện nhỏ mà tôi đã biết
» Người tìm đường cho ngành khoa học địa chất
» Người thầy nghệ sĩ GS. Hoàng Như Mai
» Người khai thác những mỏ vàng lộ thiên từ cuộc sống
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn