Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 29 Tháng 3 Năm 2024    Số người truy cập: 960217
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Người khai thác những mỏ vàng lộ thiên từ cuộc sống

"Tôi nhận thấy tất cả các sự sống xung quanh tôi thật vô cùng quyến rũ. Tại sao những chiếc lá không màu nảy sinh từ hạt giống lại chuyển sang màu xanh khi đi từ bóng tối ra ngoài ánh sáng? Tại sao máu lại có màu đỏ... Tại sao thịt bò khi xào lâu với dứa lại nát vụn?... Những câu hỏi như vậy đã hấp dẫn tôi" - GS. Phạm Thị Trân Châu

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Thị Trân Châu đã tìm được câu trả lời cho không ít những câu hỏi tại sao về "các hệ thống sống" khi vào học ngành Sinh học, và nhất là sau khi chuyên sâu về Hoá - Sinh học. Bà đã dấn bước và đã tiến xa trên con đường khoa học rộng mở, nhiều chông gai và thử thách. Với lòng đam mê khoa học, sự ham hiểu biết cháy bỏng, mong muốn được cống hiến thật nhiều nên bà đã đạt được nhiều thành quả khoa học: 126 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước; chủ biên, hoặc đồng tác giả của 11 cuốn sách; chủ nhiệm 11 đề tài khoa học cấp Nhà nước và 9 đề tài cấp Bộ và Trường và chủ trì nhiều đề tài nhánh cấp Nhà nước đã được nghiệm thu và đánh giá cao. Trong đó, có một số đề tài đã được ứng dụng vào thực tiễn trong chế biến thực phẩm, nông nghiệp, y tế.

Lĩnh vực nghiên cứu chính của GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu là về proteinase và các chất ức chế proteinaz (PI). Proteinaz là các enzim xúc tác cho quá trình phân giải protein thành các đoạn ngắn hơn hoặc phân giải hoàn toàn thành các axit amin. Vì vậy, proteinaz không chỉ có vai trò quan trọng đối với quá trình tiêu hoá mà còn tham gia vào nhiều quá trình quan trọng khác như thụ tinh, nảy mầm, đông máu, các quá trình bệnh lý, hay quá trình gây bệnh của nhiều loại virus, vi khuẩn, ký sinh trùng sốt rét... Do đó, proteinaz đã được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế. Các chất ức chế proteinaz (PI) cũng đã và đang được nghiên cứu nhiều để làm thuốc chữa bệnh kể cả các bệnh hiểm nghèo như ung thư, AIDS, viêm gan; làm thuốc trừ sâu bệnh hại cây.

Proteinaz và các chất ức chế proteinaz có vai trò quan trọng như vậy nhưng muốn ứng dụng có hiệu quả, bền vững và an toàn cần có những nghiên cứu cơ bản để hiểu biết kỹ về các đặc tính của chúng. Bà hiểu rằng, nghiên cứu cơ bản, có hệ thống là cơ sở vững chắc cho việc ứng dụng, mở rộng phạm vi ứng dụng, phát triển ứng dụng ở tầm cao hơn.

Khi Nhà nước gửi bà đi đào tạo ở nước ngoài, bà đã được tiếp cận với những vấn đề, hướng nghiên cứu cơ bản có tính thời sự, có nhiều ý nghĩa khoa học và nhiều tiềm năng ứng dụng nên đã khởi đầu được một số hướng nghiên cứu ở nước ta từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng như: bromelain (proteinaz của dứa), protein ức chế proteinaz. Quy trình sản xuất prozima (một chế phẩm bromelain dùng trong chế biến thực phẩm) và sử dụng để sản xuất nước mắm ngắn ngày, sản xuất Bột dinh dưỡng cao cấp cho trẻ em.

Ai đã làm việc với GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu cũng đều phải kính nể phong cách làm việc hết mình: nghiêm túc, say mê và chính xác. Đã vào việc là chỉ có công việc, mọi chuyện riêng tư đều được gác hết ra ngoài. Bà đã dạy cho nhiều học trò của mình lấy công việc, lao vào công việc để có thể quên đi những cú sốc trong cuộc sống đời thường. Ai đã trải qua những chuyện như vậy mới cảm nhận được tấm lòng người mẹ của bà. Bà rất thương và muốn học trò của mình biết vượt lên nỗi đau, biết dùng khoa học để cân bằng lại cuộc sống. Bà đã từng nói: "Khoa học là người bạn đời mà ngay cả khi ta yêu đơn phương cũng không bao giờ bị phản bội". GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu đã ươm mầm, khơi dậy tình yêu khoa học mạnh mẽ và tha thiết cho biết bao thế hệ học trò.

Mới đây, tôi đến thăm bà tại phòng làm việc vào một chiều đông đẹp trời. Ánh nắng xuyên qua ô cửa màu xanh và giàn hoa giấy nhảy nhót lấp lánh trên những chồng tài liệu dày cộp. Căn phòng như nhỏ lại bởi trên tường, trên bàn, thậm chí dưới gầm bàn cũng đầy ắp tài liệu. Xung quanh bà ngập tràn các công trình nghiên cứu khoa học, các mẫu tiêu bản... Các thành quả của hơn 45 năm giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Bà cười thật hiền. Giọng bà nhẹ và êm. Bà liên tục giải quyết công việc nhanh nhẹn và chuẩn mực. Bàn tay nhỏ nhắn của bà có lẽ đã lật giở hàng triệu trang sách, bà đã xem qua và ghi nhớ biết bao kiến thức để truyền dạy cho các thế hệ học trò, vận dụng vào biết bao những nghiên cứu khoa học, góp phần vào những thành công trong giảng dạy, đưa được kết quả nghiên cứu ứng dụng vào cuộc sống đời thường.

Còn nhớ sản phẩm "Bột dinh dưỡng cao cấp" dễ hấp thu nhưng chỉ có giá thành bằng tiền bát cháo sườn, quý như thế nào đối với các bà mẹ trẻ những năm 80 của thế kỷ XX. Ít người biết rằng đó chính là nhờ đã sử dụng bromelain tách từ những chồi dứa bỏ đi, để thuỷ phân các protein khó tiêu hoá đối với trẻ em có trong thịt bò, đậu tương và các loại đậu khác, thành dạng dễ hấp thụ. Sản phẩm "Bột dinh dưỡng cao cấp" này đã được bán tại các cửa hàng bách hóa tổng hợp Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác trong những năm 1988 - 1990, góp phần phục vụ chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn. Prozima cũng đã được nghiên cứu sử dụng thành công để rút ngắn thời gian sản xuất nước mắm. Một dạng chế phẩm khác của bromelain được đặt tên là "prozimabo" được sử dụng điều trị bỏng, đã được dùng thử trên người tình nguyện ở Viện Bỏng Quốc gia. Kết quả được đánh giá tốt... Mãi sau này, tôi mới biết đó là kết quả từ những năm tháng nghiên cứu kiên trì, bền bỉ của GS. Phạm Thị Trân Châu và các cộng sự từ các nghiên cứu rất cơ bản đến các thử nghiệm ứng dụng tại Phòng Công nghệ Enzim - Protein.

Bề dày các công trình nghiên cứu cơ bản nhiều năm về proteinaz, các chất ức chế proteinaz và ứng dụng thành công chúng trong thực tế đã được ghi nhận với giải thưởng Kovalepxkaia năm 1988. Sau đó bà liên tục được nhận nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý: Nhà giáo ưu tú, Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 10 năm liên tục xuất sắc (1978 - 1988), Huân chương Lao động hạng Ba, rồi Huân chương Lao động hạng Nhì, bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và nhiều bằng khen khác các cấp về công tác nghiên cứu, giảng dạy và quản lý.

Từ lòng ham muốn khám phá và đóng góp vào thực tiễn bằng những giải pháp khoa học của nghiên cứu cơ bản, trước thực tiễn hàng loạt các vụ ngộ độc cấp và mạn tính do dư lượng thuốc trừ sâu hoá học, đã thúc đẩy GS. Phạm Thị Trân Châu cùng các cộng sự quyết tâm nghiên cứu "thuốc trừ sâu sạch" không gây hại cho người và môi trường. Ngoài thuốc trừ sâu có bản chất protein là Bt được coi là sạch, một số nghiên cứu gần đây cho thấy protein ức chế proteinaz (PPI) tách từ thực vật cũng có tác dụng tiêu diệt bàn trùng mặc dù đến nay vẫn chưa được sử dụng rộng rãi. Kinh nghiệm nghiên cứu cơ bản nhiều năm về PI từ thời làm luận án tiến sĩ khoa học ở nước ngoài và hướng dẫn các cộng sự tiếp tục nghiên cứu PI của nhiều đối tượng khác nhau ở Việt Nam, bà đã phát hiện được hạt gấc giàu PI nhất. Hợp tác với các đồng nghiệp nước ngoài nghiên cứu sâu hơn về các PI này, bà đã lần đầu tiên phát hiện được kiểu cấu trúc mới của các PI họ bí. Kết quả này có ý nghĩa cả về khoa học và thực tiễn, thêm một lần nữa (sau beta-caroten) các chất quý giá từ gấc của Việt Nam được đăng tải trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. Mặt khác, giáo sư cũng đã phát hiện được các PI của hạt gấc có tác dụng kìm hãm mạnh sự sinh trưởng và phát triển của một số loại sâu hại rau. Từ đó với nguồn kinh phí của các đề tài Nhà nước thuộc chương trình Công nghệ sinh học, chế phẩm thuốc trừ sâu Hoá sinh momosertatin, rồi đến chế phẩm MM ra đời. Để đạt được một chế phẩm thuốc trừ sâu sạch, phải tốn bao công sức và mồ hôi của tác giả Phạm Thị Trân Châu và các cộng sự từ mày mò trong phòng thí nghiệm đến việc tìm cách tạo ra các thiết bị chuyên dụng, rẻ tiền "made in Vietnam" 100%; từ thử nghiệm ngoài đồng ruộng phải thử nghiệm liều lượng dùng để diệt được sâu, thử nghiệm đánh giá độ độc trên chuột, dư lượng thuốc theo thời tiết, thời gian cách ly trước khi sử dụng, ảnh hưởng của thuốc đến đặc tính cảm quan, thành phần dinh dưỡng của rau… tổ chức tập huấn đầu bờ cho nông dân. Khi thử nghiệm ngoài ruộng còn phải phối hợp với Viện chuyên ngành bảo vệ thực vật để tiến hành đánh giá tác dụng thuốc có bài bản, đúng quy trình. Trước khi thử nghiệm bà cũng phải thoả thuận với nông dân sẽ đền bù nếu không thành công. Đến năm 2005, các chế phẩm momosertatin, MM đã được sử dụng thử nghiệm nhiều đợt trên các ruộng rau su hào, bắp cải với diện tích vài chục hecta, được nông dân đánh giá tốt.

Bà Phạm Thị Trân Châu đã yêu thích Enzim học từ những ngày mới bắt đầu tốt nghiệp đại học, nhưng bà thật sự bắt đầu đi sâu nghiên cứu về proteinaz từ đợt đi thực tập khoa học một năm ở Đại học Tổng hợp Bắc Kinh (1965). Bà đã được sự hướng dẫn của một chuyên gia về Enzim học, GS. Trương Long Tường, một người thầy mà bà hết sức kính trọng và mãi mãi xem là một tấm gương sáng về nghị lực và sự uyên bác. Sau đó, bà đã định hướng cho hành trình tới miền khám phá và gắn bó suốt đời với Enzim học, đặc biệt là proteinaz.

Niềm say mê nghiên cứu khoa học bền bỉ của bà như được xuất phát từ một nguồn mạch dồi dào. Đã gần cái tuổi "thất thập cổ lai hy", nhưng bà vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát. Hàng ngày bà vẫn say mê đọc sách, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, rồi lên lớp, dự các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế.

Có thời, ngoài nhiệm vụ làm Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học của Đại học Quốc gia Hà Nội, GS. Phạm Thị Trân Châu còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác: đại biểu Quốc hội, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khoá X, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng Chính sách Khoa học Công nghệ Quốc gia, Uỷ viên Hội đồng Học hàm chuyên ngành Sinh học, Uỷ viên Uỷ ban Giải thưởng Kovalepxkaia của Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng Quỹ hỗ trợ sáng tạo tài năng nữ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng hội các ngành Sinh học Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng Hoá Sinh và Sinh học phân tử Châu Á - Thái Bình Dương, thành viên Ban chủ nhiệm Ban chỉ đạo chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước về Công nghệ sinh học, Uỷ viên Hội đồng biên tập Tạp chí Sinh học và một số tạp chí khoa học liên ngành khác v.v. Công việc xã hội bận rộn là vậy nhưng bà vẫn kiên trì giữ được nếp làm việc thường xuyên ở phòng thí nghiệm.

Sau khi nghỉ hưu, ngoài nhiệm vụ là Uỷ viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học và Giáo dục của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Hoá Sinh Việt Nam… Bà đã dành hầu hết thời gian cho công việc nghiên cứu khoa học, đọc và viết sách. Bây giờ bà thật hạnh phúc vì hầu như được chủ động sử dụng quỹ thời gian của mình.

Với bà, gia đình là nơi bình yên nhất sau khi hoàn thành công việc khoa học trong ngày. Bà may mắn có người bạn đời cùng làm công tác nghiên cứu khoa học, hiểu, thông cảm và giúp bà rất nhiều trong cuộc sống. Chỉ có sự miệt mài, cần mẫn và say mê đặc biệt mới có thể giúp bà có những thành công như ngày hôm nay. Người bạn đời của bà, PGS. Nguyễn Hữu Xý - nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã giúp đỡ bà rất nhiều trong công việc gia đình cũng như cuộc sống. Mong muốn nhìn thấy "sự tiến bộ của phụ nữ trong các lĩnh vực khoa học", nhưng bà cũng thấy "đó là điều hết sức khó khăn đối với nhiều phụ nữ". Để có một gia đình hạnh phúc, lại có thời gian dành cho khoa học, người phụ nữ phải biết tổ chức thời gian thật tốt, sao cho cuộc sống gia đình và công việc chuyên môn, hoạt động xã hội phải hài hoà với nhau để bổ sung cho nhau. Với GS. Phạm Thị Trân Châu, khoa học bao giờ cũng là người bạn đồng hành, là nơi bà có thể chia sẻ buồn vui. Bà nói vui: "Cũng có lúc mình cũng phải có sự hy sinh để dành thời gian cho khoa học. Dù có được một gia đình êm ấm, hạnh phúc thì cũng có lúc không được hài lòng như mình mong muốn, nhưng khoa học thì luôn đem lại cho mình niềm vui, sự thoả mãn vì luôn khai phá được nhiều điều mới mẻ. Càng chìm đắm trong khoa học càng cảm thấy vững thêm đôi cánh bay trong bầu trời hiểu biết và làm thêm được nhiều điều có ích cho đời".

Hơn 45 năm giảng dạy và nghiên cứu, rất nhiều thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đã được bà dìu dắt. Rất nhiều học trò của bà đã thành đạt, đã là những trụ cột của ngành. Bà cũng đặc biệt chú ý tới sự phát triến của phụ nữ trong khoa học. Nhằm hỗ trợ cho những phụ nữ đang bắt đầu sự nghiệp khoa học của mình, bà đã thành lập một câu lạc bộ Phụ nữ trong khoa học (1991 - 1996) dành cho các cô giáo và nữ sinh viên Khoa Sinh học. Đây là nơi để các cán bộ và sinh viên nữ gặp gỡ, trao đổi về chuyên môn cũng như giúp nhau giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống, trên con đường theo đuổi sự nghiệp khoa học. GS. Phạm Thị Trân Châu đã truyền được cho những phụ nữ làm công tác khoa học một ý chí và niềm tin: bạn đã lựa chọn cho mình một sự nghiệp khoa học thì cần phải biết đó không phải là một con đường dễ dàng, bằng phẳng, mọi thứ không diễn ra suôn sẻ mà thường có rất nhiều khó khăn cần phải vượt qua. Cần làm sao để tạo cho mình có được một cuộc sống bình yên, thanh thản về tinh thần để tĩnh tâm sáng tạo, giữ mãi niềm đam mê khoa học. Phải có ý chí, niềm tin vào sự thành công, với phương pháp làm việc khoa học, kiên trì, không nản lòng khi thất bại, lúc khó khăn về cuộc sống vật chất và tinh thần, thì bạn sẽ thành công. Có thể tin chắc rằng nếu ta luôn chung thuỷ với khoa học, thì sẽ luôn được đền đáp xứng đáng.

Đã ngần ấy năm miệt mài nghiên cứu và giảng dạy, nhưng những nét xuân sắc một thời vẫn dễ nhận thấy. Thời gian với sức tàn phá ghê gớm hầu như đã bị khuất phục. Có lẽ chính tình yêu và sự say mê khoa học đã làm GS. Phạm Thị Trân Châu trẻ mãi, càng thêm tuổi, sức làm việc càng bền bỉ, dẻo dai hơn.

GS. Phạm Thị Trân Châu thực sự là niềm tự hào của các nhà khoa học nữ Việt Nam nói riêng và của phụ nữ Việt Nam nói chung - một tấm gương sáng về sự say mê học tập và nghiên cứu khoa học./.

Nguyễn Thị Thúy Hằng [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» Nguyễn Phan Chánh - Người xây nền cho tranh lụa Việt Nam
» GS. Đào Duy Anh, Nhà sử học và văn hóa lớn
» GS.TSKH.NGND Đào Huy Bích - Chuyên gia hàng đầu về Cơ học Vật rắn biến dạng
» Ngô Bảo Châu và vinh quang toán học
» Phác họa chân dung một nhà vật lý thực nghiệm
» Nhà ngôn ngữ học lao động không mệt mỏi
» Cù Huy Cận - Người suốt đời gắn bó với cách mạng và thơ
» GS.VÕ QUÝ:
“Được nhận giải thưởng Hành tinh xanh là một vinh dự lớn đối với tôi”
» GS. Cao Xuân Huy, nhà sư phạm, nhà tư tưởng uyên bác, cây cổ thụ của cánh rừng văn hóa phương Đông
» Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo
» Cố NGND.GS Nguyễn Thạc Cát - Nhà hóa học tài đức vẹn toàn
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn