Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 26 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 989989
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
GS.VÕ QUÝ:
“Được nhận giải thưởng Hành tinh xanh là một vinh dự lớn đối với tôi”
GS. Võ Quý (bên phải) tại lễ trao giải Hành tinh xanh, năm 2003

Với những chương trình nghiên cứu và phổ biến kiến thức khoa học trên truyền hình, Giáo sư Võ Quý đã trở thành một gương mặt gần gũi và tin yêu của công chúng trên truyền hình cả nước.

Một nhà khoa học Anh đã viết: “Giáo sư Võ Quý là người có tầm nhìn rộng, có tình yêu thiên nhiên bao la và niềm đam mê khoa học rộng lớn. Từ đầu những năm 1970 ông đã có những đóng góp trong việc bảo tồn môi trường tự nhiên Việt Nam. Ông bắt đầu công việc này từ lúc còn chiến tranh và trở thành một trong những người đứng đầu của phong trào bảo vệ môi trường...”

Ở tuổi 74, Giáo sư vẫn tiếp tục tham gia các hội đồng khoa học và cống hiến sức lực, tài năng của mình cho đất nước. Giải thưởng môi trường quốc tế “Hành tinh xanh” (The Blue Planet Prize) là giải thưởng quốc tế thứ bảy mà Giáo sư được nhận. Nhân dịp này, phóng viên Bản tin ĐHQGHN đã có cuộc trò chuyện với ông.

- Thưa Giáo sư, xin Giáo sư cho biết cảm nghĩ của mình khi được
nhận giải thưởng môi trường quốc tế “Hành tinh xanh”?

Tôi rất xúc động khi nhận được tin mình được trao giải thưởng Hành tinh xanh. Tin vui này đến với tôi quá bất ngờ, vì đây là giải thưởng tuyên dương các nhà khoa học có thành tích xuất sắc góp phần giải quyết những vấn đề môi trường ngày nay trên toàn hành tinh này. Đây không những là vinh dự lớn đối với tôi, mà còn là vinh dự lớn đối với đất nước chúng ta, với các nhà khoa học về môi trường Việt Nam. Tôi xin được chia xẻ vinh dự này với cơ quan, bạn bè, đồng nghiệp và sinh viên của tôi, những người luôn luôn ủng hộ, giúp đỡ, động viên tôi trong mọi công việc.

Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và sự suy thoái của môi trường. Nhân dân Việt Nam đã phải nỗ lực vươn lên từ những phá huỷ chiến tranh. Chúng ta đang cố gắng phát triển kinh tế đất nước đồng thời với bảo tồn tài nguyên và bảo vệ thiên nhiên. Tôi rất vui mừng khi được đề cử nhận giải thưởng Hành tinh xanh sau hơn 30 năm hoạt động và góp phần cống hiến cho hoạt động lớn này ở Việt Nam.

Giải thưởng “Hành tinh xanh” đã động viên tôi, cho tôi một cơ hội lớn để tiếp tục cống hiến với hy vọng rằng loài người sẽ được sống trong hoà bình và sự cân bằng sinh thái.

- Ai là người đã giới thiệu Giáo sư cho Hội đồng xét duyệt giải thưởng này?

Tôi chỉ biết năm nay có 2.500 người đề xuất 138 người thuộc 134 nước trên thế giới, trong đó có tên tôi, nhưng hoàn toàn không biết ai và bao nhiêu người đã giới thiệu tôi. Vừa rồi Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho tôi biết ông vừa nhận được thư cám ơn về việc đã giới thiệu tôi để Hội đồng chọn trao giải thưởng Hành tinh xanh, nhưng ông nói thêm là ông đã giới thiệu tôi khoảng năm 1996 hay 1997 mà họ còn lưu lại đến năm nay. Theo thể lệ, người giới thiệu không được tự giới thiệu mình hay người cùng cơ quan.

- Giáo sư là người thành lập Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (TT NCTN&MT) đầu tiên ở Việt Nam. Cho đến nay Trung tâm này đã hoạt động và phát triển như thế nào?

Tôi là người thành lập và chỉ đạo Trung tâm NCTN&MT từ năm 1985 đến 1995. Từ năm 1996 đến nay, tôi được Trung tâm tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm. Khi mới thành lập Trung tâm, tôi cũng chưa có kinh nghiệm gì, chỉ cảm thấy cần phục vụ cho nghiên cứu và đào tạo thì làm. Lúc đó, Trung tâm này là một trong bảy trung tâm trực thuộc trường ĐHTH Hà Nội và là trung tâm đầu tiên cả nước nghiên cứu và đào tạo về vấn đề môi trường. Từ năm 1993 Trung tâm NCTN&MT dưới sự chỉ đạo và quản lý của ĐHQGHN. Trải qua gần hai chục năm xây dựng và phát triển, hiện nay Trung tâm NCTN&MT là một trung tâm lớn mạnh, có đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo nghiêm túc, có mạng lưới cộng tác viên ở hầu khắp các tỉnh và có mối quan hệ quốc tế khá rộng rãi. Trung tâm và cán bộ của trung tâm đã có 3 trên 5 nhiệm kỳ được chọn chủ trì các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước về môi trường.

- Thưa Giáo sư, Giáo sư là người chuyên nghiên cứu về chim và các động vật khác, cũng là người chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của chất độc đến môi trường, bảo vệ môi trường. Vậy hai vấn đề này có gì liên quan đến nhau?

Qua nghiên cứu về chim và các loài động thực vật khác, chúng tôi có
thể đánh giá nhanh tình trạng về môi trường. Như các cụ ta thường nói: “Đất lành chim đậu” - nơi nào môi trường tốt thì chim đông đúc. Trong thời kỳ chiến tranh, tôi cùng đồng nghiệp (mà phần lớn là các cán bộ khoa học của ĐHTH Hà Nội) được cử vào miền Nam để nghiên cứu về hậu quả của chiến tranh do Mỹ gây ra, chúng tôi dùng vật chỉ thị là động vật hay thực vật, riêng tôi vật chỉ thị môi trường mà tôi dùng để xác định mức ô nhiễm là các loài chim. Ví như ở đồng bằng sông Cửu Long, khi xây dựng các khu bảo tồn, kết quả theo dõi tình trạng biến đổi hàng năm của các loài chim ở các sân chim, máng chim hay chủng quần sếu đầu đỏ ở Đồng Tháp Mười có thể phản ánh sự diễn biến về sức khoẻ của môi trường của cả vùng.

- Trong những năm gần đây, tệ phá rừng diễn ra khá trầm trọng. Giáo sư làm cách nào để vận động nhân dân không phá rừng?

Công việc này rất gian truân và cũng là công việc của cả nước. Đầu tiên tôi cũng chỉ làm thử ở một xã tại vùng núi nghèo ở Hà Tĩnh. Khi đến với dân, tìm hiểu cuộc sống của họ tôi đã hiểu ra rằng rừng và tài nguyên rừng (như người Việt Nam thường nói) là: bát cơm, manh áo của người nghèo. Ngăn những người đói không được ăn bát cơm duy nhất đặt trước mặt họ là điều không thể được, thậm chí là không thể chấp nhận được. Vậy, cách duy nhất là làm thế nào để thay bát cơm này bằng bát cơm khác cho người nghèo để họ khỏi phá rừng. Kinh nghiệm cho thấy, trong trường hợp này, tịch thu, xử phạt, tuyên truyền, giáo dục hiếm khi mang lại thành công. Nếu không có những biện pháp xử lý kịp thời, thì những khu rừng cần được bảo vệ sẽ nhanh chóng bị tàn phá. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao đáp ứng được những nhu cầu cấp bách của người dân địa phương, xoá đói giảm nghèo, giúp họ nâng cao dần cuộc sống mà không cần phải phá rừng. Hợp tác với dân địa phương, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ rồi cùng với họ bàn cách nâng cao cuộc sống mà không phá rừng là biện pháp bảo vệ rừng hiệu quả hơn nhiều so với việc chỉ dùng biện pháp giáo dục và thúc ép bằng pháp luật.

- Quá trình vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng của Giáo sư diễn ra như thế nào?

Để nhân dân có ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường không dễ chút nào. Tôi đã về Hà Tĩnh - quê tôi, cùng với chính quyền tỉnh xây dựng một dự án nhỏ để hỗ trợ một xã nghèo, ở đó tệ phá rừng đang xảy ra trầm trọng... Và tôi được đưa đến xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là một trong những xã nghèo nhất tỉnh, dân phá rừng nhiều nhất mà chưa có cách gì ngăn chặn được. Dự án này có sự tham gia của rất nhiều người, trong đó có các cán bộ địa phương, đồng nghiệp và sinh viên của tôi ở Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường. Chúng tôi đã đến Kỳ Thượng để tìm hiểu đời sống thực tế của bà con địa phương. Và chúng tôi thấy, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ thì người dân ở đây phá rừng là tất nhiên, vì dân ở đây rất nghèo, họ sống chủ yếu dựa vào rừng, hàng ngày họ phải vào rừng tìm nguồn sống cho gia đình, cho bản thân mình. Khi hỏi, dân trả lời: “Chúng tôi đủ ăn thì không vào rừng”. Sau khi bàn kỹ với dân, bước đầu là phải nâng cao năng suất lúa và quyết định thay đổi giống lúa trên diện tích gieo trồng ở địa phương. Chúng tôi cử người ra Hà Nội tìm giống lúa phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở địa phương mang về Kỳ Thượng cho dân vay, có cam kết đầy đủ: nếu được mùa dân sẽ không đi phá rừng, nếu mùa thất bại thì chúng tôi sẽ đền cho dân bằng sản lượng như một vụ lúa bình thường mà dân thu hoạch được. Kết quả là vụ lúa đó được mùa. Không những thế, người dân địa phương còn có thể lấy lúa đó mang bán để làm lúa giống, vì thế thu nhập của họ tăng gấp đôi.

Mục đích của chúng tôi bước đầu đã thành công. Nhưng rồi một số dân vẫn đi chặt gỗ, hỏi ra mới biết là gạo đủ ăn nhưng cần thêm một số tiền mặt cho mọi chi dùng hàng ngày, khoảng chừng 50.000 đồng/hộ/tháng. Lại bàn bạc để dân quyết định biện pháp và từng bước dự án đã giúp dân tạo nghề nuôi ong, rồi làm thuỷ điện nhỏ cho gia đình, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm, làm trường học, cho phụ nữ vay vốn tín dụng để sản xuất, làm bếp tiết kiệm củi và không khói... Đời sống của nhân dân xã Kỳ Thượng được cải thiện rõ rệt, trình độ văn hóa của dân cũng được nâng cao hơn và điều quan trọng là họ đã hiểu tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống của họ và tự nguyện tham gia bảo vệ rừng.

- Giáo sư có bí quyết gì chăng?

Có được những thành công này không phải là dễ. Cái chính là chúng

GS. Võ Quý với nhân dân Đắc Lắc

tôi đã biết tự cố gắng, tổng kết lại kinh nghiệm trong nghiên cứu của bản thân, đặc biệt là sau những thất bại. Kinh nghiệm đưa đến thành công là gần dân, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ rồi cùng bàn bạc với họ là họ cần gì, muốn gì, để họ quyết định các công việc cần làm và dự án giúp họ giải quyết những khó khăn, như kỹ thuật, công nghệ, tiền vốn... Còn tuyên truyền và giáo dục bảo vệ rừng phải đi đôi với các việc làm thiết thực, mà không phải là các bài giảng suông.

- Công việc chính của Giáo sư hiện nay là gì?

Hiện nay tôi làm việc ở nhà là chính. Tôi vẫn tiếp tục những nghiên cứu trước đây của mình và có tham gia các Hội đồng khoa học, Ban biên tập Từ điển Bách khoa Việt Nam, Ban điều hành chương trình nghiên cứu Việt Nam - Hà Lan, Ban chấp hành TƯ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Hội Sinh thái học Việt Nam..., và hiện nay đang là cố vấn cho dự án IFAD “Dự án Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh”.

- Giáo sư dự định sẽ sử dụng giải thưởng năm nay như thế nào?

Giải thưởng Hành tinh xanh là một vinh dự lớn đối với tôi, nhưng bên cạnh đó cũng không thể không nhắc tới sự đóng góp của bạn bè, các sinh viên, các cộng tác viên và nhân dân ở những vùng tôi đã từng công tác. Tôi dự định dùng số tiền của phần thưởng này (50 triệu yên Nhật) vào việc gì đó có ích cho đất nước. Ví như, lập Quỹ môi trường - hàng năm trích tiền ra để tổ chức các lớp về môi trường, chủ yếu là để bổ túc kiến thức về môi trường cho những người đang làm công tác này ở các tỉnh. Đây là công việc của nhà nước, nhưng nhà nước chưa thể làm hết được. Mục đích của tôi là đóng góp một phần sức mình vào công việc đó một cách hữu ích, lâu dài. Tôi sẽ cùng với Trung tâm NCTN&MT tổ chức lại các lớp học này khi có tiền. Bên cạnh đó, số tiền này cũng có thể dùng để giúp đỡ những xã nghèo cần nâng cao cuộc sống để bảo vệ môi trường, hoặc làm phần thưởng cho những tập thể, cá nhân có sáng kiến về môi trường.

- Theo chúng tôi được biết, cả gia đình Giáo sư đều theo ngành

GS Võ Quý và vợ tại Lễ trao giải Hành tinh xanh, 2003.

Sư phạm, đều có những đóng góp cho ĐHQGHN. Xin Giáo sư cho biết thêm đôi điều về gia đình mình?

Tôi đã tham gia giảng dạy tại ĐHTH ngay từ những ngày đầu thành lập trường, năm 1956. Vợ tôi đã là cán bộ giảng dạy Khoa Tiếng Việt cho đến lúc về hưu, hai con trai tôi hiện nay là cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường thuộc ĐHQG Hà Nội. Hai em trai tôi và cả hai em dâu tôi nữa cũng là giáo viên.

- Giáo sư đã đạt được nhiều thành công trong con đường sự nghiệp, phải chăng Giáo sư có một “hậu phương” rất vững mạnh?

Ra trận mà không có hậu phương vững mạnh thì làm thế nào mà thắng được địch. Tôi có hậu phương là vợ tôi. Vì công việc, tôi thường phải đi xa nhà, vợ tôi là người thay tôi lo lắng mọi việc trong gia đình hết sức chu đáo: nuôi dạy con cái, chăm sóc mẹ già, giúp đỡ các em tôi cho đến lúc trưởng thành vì bố tôi mất sớm mà tôi là anh cả phải lo toan mọi việc cho cả gia đình. Công việc đó thật không dễ dàng chút nào đối với người phụ nữ, nhất là những lúc khó khăn trước đây.

- Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện này. Chúc Giáo sư luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và có nhiều cống hiến hơn nữa cho đất nước nói chung và cho ĐHQGHN nói riêng.

Đôi nét về giải thưởng “Hành tinh xanh” năm 2003

Giải thưởng Hành tinh xanh (The Blue Planet Prize) là giải thưởng quốc tế lớn do tổ chức Asahi Glass bảo trợ và trao hàng năm, bắt đầu từ năm 1992. Mỗi năm có hai giải thưởng được trao cho 2 cá nhân hay tổ chức có nhiều thành tích xuất sắc về nghiên cứu khoa học và áp dụng khoa học vào việc giải quyết những vấn đề về môi trường toàn cầu.
Năm 2003 là năm thứ 12, tổ chức Asahi Glass trao giải thưởng này. Mỗi giải được tặng một bằng danh dự, một vật kỷ niệm và 50 triệu Yên Nhật.
Lễ trao giải thưởng năm 2003 được tổ chức vào ngày 22/10, tại Khách sạn Hoàng tử Akasaka (Chiyoda, Tokyo).
Năm 2003, Hội đồng Giám đốc và Hội đồng Cố vấn đã chọn lựa và quyết định trao hai giải cho:

1- GS.NGƯT.TS. Võ Quý - Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội - về vai trò chủ chốt của ông trong việc bảo tồn và phục hồi môi trường bị tàn phá trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam và khởi xướng các dự án bảo tồn có sự tham gia của cộng đồng.
GS.Võ Quý đã nghiên cứu hậu quả của chiến tranh lên môi trường và đã là Uỷ viên Uỷ ban quốc gia điều tra hậu quả của các chất hoá học dùng trong chiến tranh (Uỷ ban 10-80). Năm 1985, ông đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ - nay thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) - trung tâm nghiên cứu và đào tạo đầu tiên ở Việt Nam về môi trường. Ông đã giữ vai trò quan trọng trong việc đề xuất quan điểm mới về phát triển bền vững liên quan đến việc phát triển kinh tế ở Việt Nam. Thêm vào đó, ông đã góp phần giáo dục nhân dân địa phương về tầm quan trọng của rừng, và dưới sự chỉ đạo của ông, họ đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc thực hiện quan điểm bảo tồn có sự tham dự của cộng đồng. GS.Võ Quý là một nhà khoa học nghiên cứu về chim, đã có những cống hiến một cách rộng rãi trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần bảo tồn các loài chim di cư và các động vật khác.

2- Giáo sư, tiến sĩ Gene E.Likens - Chủ tịch, kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Hệ sinh thái, và Giáo sư, tiến sĩ F.Herbert Bormann - trường Đại học Lâm nghiệp và Nghiên cứu môi trường Yale (Hoa Kỳ) về vai trò của họ trong việc tìm hiểu một cách đầy đủ tác động của con người lên các hệ sinh thái bằng cách do đạc lâu dài các dòng nước và các chất hoá học tại các khu vực đầu nguồn.
Công trình Nghiên cứu hệ sinh thái Hubbard mà hai ông đã thực hiện trong khoảng 4 thập kỷ, kể từ năm 1963, đã trở thành một mô hình nghiên cứu hệ sinh thái bằng cách đánh giá một cách kỹ lưỡng tác động của các hoạt động của con người và những biến đổi của các điều kiện tự nhiên như không khí, đất, nước, hệ thực vật và hệ động vật. Qua các kết quả phân tích hoá học các chất ngưng tụ, công trình nghiên cứu đã nói lên mối quan hệ giữa các chất đốt hoá thạch được sử dụng ở Bắc Mỹ với mưa axít và đã cung cấp những tư liệu hết sức đầy đủ cho Hội nghị của Hoa Kỳ năm 1990 Tu chỉnh Đạo luật về Không khí trong lành. Thêm vào đó, các kết quả nghiên cứu về thực nghiệm khai thác gỗ của hai ông đã được sử dụng để hướng dẫn chính sách bảo tồn rừng ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ.

LƯU MAI ANH (thực hiện)
Bản tin ĐHQGHN số 149, ra tháng 7/2003 [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» GS. Cao Xuân Huy, nhà sư phạm, nhà tư tưởng uyên bác, cây cổ thụ của cánh rừng văn hóa phương Đông
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn