Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 29 Tháng 3 Năm 2024    Số người truy cập: 960540
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Cố NGND.GS Nguyễn Thạc Cát - Nhà hóa học tài đức vẹn toàn

Đúng 2 giờ ngày 10/7/2002 (tức ngày 1/6 năm Nhâm Ngọ) NGND.GS Nguyễn Thạc Cát đã qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội hưởng thọ 90 tuổi. Tất cả bà con thân thích trong họ hàng, gia đình, các bạn bè và học trò cũ của Thầy đến vô cùng thương tiếc, tôn vinh tài đức cống hiến của Thầy cho ngành Hoá học và sự nghiệp giáo dục đào tạo của đất nước:

Toàn vẹn chữ tài trọn chữ tâm
Suốt đời Thầy tự học chuyên cần
Khoan dung độ lượng, say sáng tạo
Rạng danh khoa học đất Hồng Lam.

Thầy sinh ngày 3/12/1913 tại quê hương Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Xuất thân từ một gia đình nhà Nho hiếu học, khi được đi học ở trường Albert Sarraut - Hà Nội, Thầy là người có chí lớn, quyết tâm học tập giỏi để chứng tỏ “học sinh Việt Nam có trí, thông minh chẳng thua gì học sinh Pháp”.

Là một học sinh giỏi, có đầu óc tư duy Toán học, sau khi tốt nghiệp tú tài vào năm 1933, Thầy theo học ngành Luật tại trường Đại học Đông Dương vì lúc đó ngành Khoa học tự nhiên chưa mở. Sau đó Thầy bỏ học vì ngành Luật không phù hợp với sở trường và nguyện vọng của mình, đành đi dạy tư để kiếm sống và chờ thời.

Năm 1941, khi trường Đại học Đông Dương bắt đầu mở ngành Khoa học tự nhiên, Thầy theo học khoá đầu tiên và tốt nghiệp cử nhân khoa học vào tháng 8/1945, đúng vào lúc cuộc cách mạng của dân tộc thành công rực rỡ.

Thầy hăng hái hiến dâng tri thức ngành Hoá học làm việc tại Sở khoáng chất, mới tiếp quân từ tay bọn Nhật, rồi gắn bó suốt cuộc đời với ngành Hoá học và đào tạo cán bộ khoa học cho đất nước ta.

Tháng 12/1946, nghe theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, Thầy đã cùng các nhà tri thức yêu nước khác hăng hái rời Hà Nội, hành quân lên Việt Bắc. Trên chiến khu, núi rừng Việt Bắc, Thầy tham gia nhiều công tác khác nhau góp phần vào cuộc kháng chiến chống bọn xâm lược Pháp, tham gia giảng dạy ở trường Trung học kháng chiến Việt Bắc, Trưởng ban học vụ Bộ Giáo dục.

Năm 1954, cùng đoàn quân trùng điệp trở về giải phóng thủ đô Hà Nội, Thầy về tiếp quản trường đại học, Thầy tiếp tục cùng các đồng nghiệp xây dựng ngành Hoá học Việt Nam, tìm tòi phương hướng, nội dung và phương pháp đào tạo những cán bộ chuyên môn ngành Hoá phân tích.

Năm 1956, khi trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, Thầy trở thành vị Phó Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Hóa học trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội, nay là trường ĐH Khoa học Tự nhiên thuộc ĐHQGHN. Từ đó Thầy liên tục công tác tại trường với nhiều công trình khoa học có giá trị lớn, đồng thời góp phần đào tạo nhiều nhà khoa học cho đất nước.

Cuộc đời NGND.GS Nguyễn Thạc Cát tượng trưng cho một bản lĩnh quyết tâm học tập, tự đào tạo, tự nghiên cứu để thành một giáo sư đại học, một nhà khoa học đầu đàn.

Tháng 8/1945, tốt nghiệp trường Đại học Đông Dương, Thầy phấn khởi tham gia cách mạng và kháng chiến chống Pháp, dạy trường Trung học kháng chiến Việt Bắc. Thầy tự học, tự nghiên cứu, nâng cao trình độ để tham gia giảng dạy trường khoa học cơ bản và trường Sư phạm cao cấp Trung ương. Ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ giảng dạy môn Hoá học ở trường đại học, trong tay Thầy không có một giáo trình nào ngoài mấy quyển sách giáo khoa bằng tiếng Pháp, tiếng Anh mà Thầy tìm đọc ở thư viện ở khu học xá thuộc Nam Ninh (Trung Quốc), Thầy khổ công đọc sách, nghiền ngẫm, chọn lọc những tri thức cơ bản, hiện đại, trao đổi thêm với đồng nghiệp để xây dựng chương trình và biên soạn giáo trình phục vụ cho việc đào tạo cán bộ khoa học của đất nước. Nắm vững phương châm học kết hợp với hành, lý thuyết kết hợp với thực tiễn, Thầy đã dựa vào giáo trình những vấn đề hiện đại của ngành Hoá học kết hợp với những vấn đề cần thiết của thực tế Việt Nam để giảng dạy.

Năm 1956, là giảng viên, Phó chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Hóa học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Thầy đã dành thời gian khảo sát ở Liên Xô để tìm tòi phương thức, cách thức đào tạo đại học ở trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Matxcơva). Nghiên cứu kinh nghiệm tiên tiến của đại học nước ngoài, tham khảo ý kiến của các đồng nghiệp, Thầy đã nỗ lực tư duy khoa học cao và sự tận tụy hết mình để đề xuất được những phương pháp dạy học ở đại học nói chung và các phương pháp dạy Hóa học ở trường đại học nói riêng.

Trong giảng dạy ở đại học, Thầy chú trọng truyền đạt, trang bị cho sinh viên phương pháp tư duy các vấn đề khoa học, cách thức nắm bắt các quy luật và vận dụng các tri thức khoa học vào thực tiễn đời sống. Trong thời gian làm lãnh đạo Khoa Hóa Thầy luôn suy nghĩ đổi mới chương trình giảng dạy, đưa việc giảng dạy cơ sở lý thuyết của Hoá học lên dạy ở năm đầu, giúp sinh viên nắm vững các quy luật về Hoá học, từ đó vận dụng vào học tập các chuyên ngành cụ thể như: Vô cơ, Hữu cơ, Phân tích, Kỹ thuật...

Năm 1962, Trường ĐHTH Hà Nội thành lập được 6 năm, chương trình Hóa học năm thứ tư là các môn chuyên đề hẹp và sâu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Thầy lại một mình vừa xây dựng chương trình vừa giảng dạy cả 4 chuyên đề chính. Dưới sự dẫn dắt của Thầy, bộ môn Hoá phân tích phát triển mạnh về số lượng và chất lượng: bộ môn vững mạnh, có đầy đủ các chuyên đề hiện đại, với 7 chuyên ngành hẹp do 16 giảng viên phụ trách. Giảng viên hầu hết là tiến sĩ khoa học và tiến sĩ do GS. Nguyễn Thạc Cát đào tạo nên.

Được trực tiếp xin ý kiến chỉ đạo của Thầy về phương pháp tự học và tự bồi dưỡng nghiên cứu khoa học, tôi ghi nhớ mãi lời dạy của Thầy để tự mình học tập, nghiên cứu khoa học, đồng thời cũng truyền đạt những ý kiến đó cho sinh viên đại học và học viên sau đại học qua 2 bộ môn tôi giảng dạy: Phương pháp dạy học đại học và Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục.

Thầy dạy: “Theo suy nghĩ và kinh nghiệm dạy học và nghiên cứu khoa học của tôi, muốn tự học, tự bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học có hiệu quả, ta phải dựa vào sức mình là chính, huy động hết nghị lực và khả năng của mình trước khi sử dụng sự hỗ trợ của bên ngoài. Do hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, do trình độ khoa học và giáo dục đào tạo của ta còn hạn chế nên ta phải tìm ra một cách thức tối ưu để vươn lên đạt trình độ cao. Đó là cách thức hướng dẫn sinh viên biết nỗ lực tư duy theo chiều sâu, lấy phương pháp toán học làm phương pháp đòn bẩy để chuyển tải nội dung tri thức khoa học của loài người, biến thành trình độ tri thức bên trong của cá nhân người học.”

Thầy giáo phải hướng dẫn cho sinh viên biết sử dụng nhiều loại tư duy, biết tiến hành thành thạo các thao tác tư duy để tư duy một cách chính xác, nhạy bén, linh hoạt, nhiều chiều, hiệu quả, tối ưu trong quá trình tự học, tự bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học.

Trong quá trình học tập, nghiên cứu khoa học của Thầy, để phát triển khoa học và kinh tế của đất nước, Thầy nỗ lực tìm tòi, phát huy tư duy sáng tạo của mình, cố gắng tìm được cách thức giải quyết đơn giản nhất, nhạy bén nhất, hiệu quả nhất. Chẳng hạn khi nghiên cứu giải các bài toán cân bằng trong dung dịch, Thầy đã đề ra phương pháp viết phương trình từ sản phẩm ở trạng thái cân bằng và bài toán giải trở thành đơn giản, ngắn gọn và rất tổng quát. Cách giải này đã được các nhà Hoá phân tích của Pháp, Hà Lan, Liên Xô công nhận.

Thầy là giáo sư đầu tiên nghiên cứu và hướng dẫn sinh viên, cán bộ khai phá về Hóa học các nguyên tố đất hiếm ở nước ta.

Thầy là người đầu tiên đóng góp tích cực và sáng tạo cho việc chuẩn hóa thuật ngữ Hóa học. Thầy cùng tham gia biên soạn bộ “Từ điển tiếng Việt”, “Từ điển Bách khoa”, chủ biên và biên soạn nhiều loại từ điển Hóa học...

Thầy đã dành nhiều thời gian, công sức vào việc đặt nền móng ban đầu cho môn Hóa học ở trường phổ thông của nước ta.

NGND.GS Nguyễn Thạc Cát với cương vị là Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Phân tích Hóa, Lý và Sinh học Việt Nam trong thời gian dài, đã đóng góp nhiều thành tích cho nền khoa học nước nhà.

Trong bài báo Nhân dân số 12590 tháng 11/1998, nhà báo Lâm Thao đã viết: “Bản thân thầy Cát là một tấm gương suốt đời tự học, luôn luôn vươn tới và luôn luôn xứng đáng ở vị trí của một nhà khoa học đầu đàn”.

“... Chữ tâm và chữ tài phải chăng dây là cái cốt lõi trong con người làm khoa học và con người nhà giáo của GS. Nguyễn Thạc Cát”.

Đúng như thế, hoạt động khoa học và giảng dạy đại học của Thầy rất phong phú, rất vẻ vang. Cuộc sống riêng tư của Thầy rất giản dị, đạm bạc mà bao la tình người. Căn phòng nhỏ xếp đầy sách báo, chiếc giường để nghỉ ngơi, cái bàn đơn sơ để thầy làm việc đã từng là nơi Thầy đã mở cửa, dang tay tiếp các bạn đồng nghiệp, các nhà khoa học, các sinh viên đến trao đổi công tác khoa học, giáo dục. Đôi mắt sáng, vầng trán cao rộng suy tư của Thầy, lời nói rõ ràng và dịu dàng của Thầy đã để lại ấn tượng không bao giờ phai mờ trong tâm khảm chúng tôi - những sinh viên cũ, những bạn đồng nghiệp, những cán bộ khoa học đã có dịp được tiếp xúc với Thầy. Thầy giáo Trần Tử Hiếu, GS.TS Khoa Hóa học trường ĐHKHTN - ĐHQGHN, trong bài “Người xây dựng và vun trồng ngành Hoá phân tích nước ta” [ĐHQGHN số 137, tháng 7/2002] đã viết về Thầy Cát:

“... Đất lành chim đậu”, câu tục ngữ này đúng hoàn toàn với tập thể bộ môn Hóa phân tích, bởi lẽ những ai về công tác tại bộ môn đều quyến luyến, đoàn kết xung quanh Thầy Cát; cho nên dù họ đi công tác hay học tập ở đâu nhưng cuối cùng họ lại mong muốn trở về bộ môn công tác, bởi lẽ họ biết rằng ở đó có Thầy Cát của họ, một người thầy đức độ, nêu gương sáng cho họ trong việc làm, thương yêu nâng đỡ họ, đưa họ bước lên những bước cao trong khoa học. Họ đều biết rằng: ngày nay họ làm được một điều gì đó cũng là công lao chỉ bảo của Thầy, họ học được phương pháp làm việc và tinh thần tự lực và cách tư duy khoa học của Thầy”.

Thầy mở rộng lòng bao dung độ lượng, vui vẻ lạc quan đối với mọi người, động viên sinh viên, cán bộ học tập tốt, nghiên cứu khoa học nghiêm túc để đáp ứng yêu cầu chuyên môn và phục vụ đất nước.

Thầy coi niềm vui hạnh phúc lớn lao là được đào tạo lớp thanh niên trở thành những cán bộ khoa học cho sự phát triển ngành Hóa học Việt Nam. Thầy đã cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cho niềm hạnh phúc đó. Thật là cảm động và biết ơn Thầy khi đã ở tuổi 80, 90 Thầy vẫn dốc tâm huyết tham gia đào tạo đại học, sau đại học, hướng dẫn, đóng góp ý kiến cho các đề tài nghiên cứu khoa học, trao đổi chuyên môn với từng cán bộ trong tổ bộ môn.

Tôn vinh Thầy, nhiều cán bộ, sinh viên cũ của Thầy đều chung một ấn tượng sâu sắc: Trí tuệ của GS. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thạc Cát thật lớn lao, tầm nhìn và phong cách tư duy của Thầy thật rộng lớn và nhạy bén. Nhưng điều lớn lao nhất mà mọi người cũng như thế hệ sinh viên phải noi theo: Thầy là một nhà giáo, một nhà hóa học tài đức vẹn toàn! Nhà nước đã phong học hàm Giáo sư cho Thầy năm 1980, Nhà giáo Nhân dân năm 1988, Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1985 và nhiều huân chương các loại.

Thầy làm việc hết mình cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học cho tận tuổi 90. Suốt hơn 56 năm công tác, trải qua 2 cuộc kháng chiến gian khổ, Thầy đã dày công vun đắp, đặt nền móng để phát triển ngành Hóa học nói chung và ngành Hoá phân tích ở nước ta; đồng thời Thầy đã kiên tâm đào tạo một đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ cho đất nước.

Tưởng niệm Thầy - NGND.GS Nguyễn Thạc Cát, chúng em những học trò cũ của Thầy xin noi gương đức độ, khoan dung, yêu thương của Thầy; tinh thần tận tụy, tự lực học tập, nghiên cứu khoa học, phong cách tư duy sáng tạo của Thầy, phấn đấu trở thành người công dân tốt, cán bộ khoa học vững vàng để phụng sự tổ quốc Việt Nam quang vinh./.

admin [100 Năm Đại Học Đông Dương]
Các bài liên quan
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn