Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 29 Tháng 3 Năm 2024    Số người truy cập: 960804
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
GS.TSKH.NGND Đào Huy Bích - Chuyên gia hàng đầu về Cơ học Vật rắn biến dạng

Như một nhân duyên định sẵn, GS. Đào Huy Bích đã đến với nghề dạy học khi ông vừa tròn 17 tuổi với cương vị là Hiệu trưởng Trường cấp I Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên.

Sau đó, ông vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tốt nghiệp khóa 1 Khoa Toán năm 1959. Kể từ đó, GS.TSKH.NGƯT. Đào Huy Bích đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp trồng người của đất nước.

Nói đến GS. Đào Huy Bích là nói đến một nhà sư phạm tâm huyết, một người thầy mẫu mực. Những bài giảng của ông có hàm lượng khoa học cao, cập nhật thông tin và hấp dẫn. Những bài toán Cơ học tưởng chừng như khô khan và phức tạp đã được ông minh họa bằng những ứng dụng phong phú có ý nghĩa thực tiễn đã cuốn hút sinh viên nhiều thế hệ thêm yêu ngành nghề mà họ đã chọn. Ông thường có những gợi mở, khích lệ cán bộ trẻ cũng như sinh viên giỏi làm quen với nghiên cứu khoa học.

Ông đã giảng dạy nhiều môn học từ cơ bản đến các chuyên đề, không chỉ cho sinh viên ngành cơ học mà còn giảng dạy cho các học viên cao học và nghiên cứu sinh trong Đại học Quốc gia Hà Nội và nhiều trường đại học khác. Ông đã đào tạo được nhiều thế hệ học trò. Tất cả những ai đã học ông đều có chung một niềm tự hào, kính trọng và biết ơn sự dìu dắt của ông.

Ngay từ những năm tháng đất nước còn gian khó và thiếu thốn, từ nơi sơ tán ở Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên), ông đã dành một phần không nhỏ thời gian để biên soạn bài giảng, viết sách giáo khoa với một mong muốn đơn giản là sinh viên có tài liệu học tập. Với kiến thức sâu rộng và lòng tâm huyết, đến nay ông đã cho xuất bản được 17 giáo trình và chuyên khảo. Đó là những cẩm nang cho sinh viên cũng như cán bộ cơ học tham khảo. Nhiều quyển sách hay, có tính sư phạm cao như: "Lý thuyết đàn hồi", "Lý thuyết dẻo", "Cơ học lý thuyế"t đã được tái bản nhiều lần.

Ông cũng là người có nhiều đóng góp trong công tác biên soạn, cải tiến chương trình đại học và sau đại học. Ông thường xuyên quan tâm đến mục tiêu đào tạo, tính hiện đại, tính khoa học và hợp lý của chương trình để phù hợp với điều kiện cụ thể ở Việt Nam.

Đối với thế hệ chúng tôi, GS. Đào Huy Bích còn là một nhà khoa học chân chính, đam mê và bền bỉ trong nghiên cứu khoa học. Những năm tháng học tập ở Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp đối với ông là những năm tháng miệt mài phấn đấu và trưởng thành. Ông đã tự khẳng định được con đường khoa học của mình bằng việc bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 1965 và luận án tiến sĩ khoa học năm 1988. Ông là tác giả và đồng tác giả của 60 công trình khoa học có giá trị đã được công bố trên các tạp chí có uy tín trong nước và quốc tế. Có thể nói, hiện nay GS. Đào Huy Bích là một trong những chuyên gia hàng đầu của nước ta về lĩnh vực Cơ học vật rắn biến dạng. Hướng nghiên cứu của ông về lý thuyết quá trình đàn dẻo và phân tích phi tuyến kết cấu bằng vật liệu composite vừa mang tính mới về khoa học vừa có định hướng ứng dụng, đã thu hút được nhiều nhà cơ học trẻ tham gia nghiên cứu. Ông đã hướng dẫn thành công 7 luận án tiến sĩ, nhiều luận văn thạc sĩ và vẫn đang tiếp tục công tác đào tạo này. Đặc biệt, ông rất quan tâm đến việc phát hiện bồi dưỡng và giúp đỡ các tài năng trẻ vươn lên. Ông là một trong những người sáng lập tổ chức Olympic Cơ học - Olympic sinh viên đầu tiên trong toàn quốc. Niềm say mê khoa học của ông như ngọn lửa hồng cứ bừng lên rồi lan truyền hơi ấm tạo nên sự hứng khởi cho các thế hệ học trò vững tin đi vào con đường khoa học, mặc dù biết rằng đấy là con đường vô cùng gian truân, nhưng rất huyền diệu. Trong số các học trò được ông dìu dắt đến nay đã có 1 giáo sư, 2 tiến sĩ khoa học, 2 phó giáo sư và biết bao cán bộ khác đã trưởng thành.

Từ năm 1982 đến nay, GS. Đào Huy Bích luôn chủ trì xêmina về Cơ học vật rắn biến dạng. Đây thực sự là một môi trường khoa học bổ ích và hấp dẫn, đã quy tụ được nhiều cán bộ trong và ngoài trường tham gia. Nhiều vấn đề khoa học mới, nhiều thông tin cập nhật đã được trình bày và thảo luận ở đây. Nhiều cán bộ trẻ, nghiên cứu sinh đã được bồi dưỡng đào tạo từ các xêmina này. Với các xêmina này, chúng tôi không chỉ thu lượm được kiến thức mà còn san sẻ với nhau những trăn trở trong cuộc sống, trong công việc khiến tâm hồn trở nên thanh thản và trong sáng hơn.

GS. Đào Huy Bích đã chủ trì 5 đề tài nghiên cứu cơ bản cấp Nhà nước, 2 đề tài cấp Bộ. Hầu hết các đề tài đều được đánh giá cao.

Nói về GS. Đào Huy Bích, GS.TSKH Nguyễn Đăng Bích (Viện Khoa học và Công nghệ xây dựng Hà Nội), một học trò của ông đã viết: "GS. Đào Huy Bích viết rất nhiều sách trong đó có sách chuyên khảo, sách giáo khoa. Đọc những cuốn sách do thầy viết mới thấy sự làm việc kiên trì không biết mệt mỏi của thầy trong việc biên tập, trình bày những chuyên đề trong nhiều lĩnh vực Toán học, Cơ học, Vật lý. Nhiều khái niệm, nguyên lý trừu tượng được diễn giải chặt chẽ, dễ hiểu mang tính khoa học và sư phạm cao. Viết sách là việc làm nặng nhọc, tốn nhiều thời gian, công sức, nhưng viết sách là để truyền dạy, đào tạo thế hệ tương lai, nên tuy sức không còn khỏe, thầy vẫn làm việc miệt mài nhiều giờ trong ngày.

GS. Đào Huy Bích đã truyền đến các học trò và những người con của mình lòng say mê và tình yêu khoa học, khơi gợi và thức tỉnh khả năng, ý chí của họ, khiến họ vững tâm đi trên con đường khoa học đầy gian nan, thử thách và có đủ quyết tâm để đi đến đích. Nhiều người cha, người mẹ có thể rất thành công trong việc dìu dắt học trò nhưng ít thành công trong việc dìu dắt những người con của mình đi trên con đường khoa học. GS. Đào Huy Bích là một trong số ít người thành công cả hai".

Không chỉ hết mình cống hiến cho khoa học và đào tạo, GS. Đào Huy Bích còn tham gia tích cực công tác đoàn thể và có trách nhiệm trong công tác quản lý. Ông là Phó chủ nhiệm Khoa Toán - Cơ (1970 - 1986), Chủ nhiệm Bộ môn Cơ học (1988 - 2002), Đảng ủy viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội rồi Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN (1990 - 1996), Phó chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam. Với uy tín của mình, ông đã được bầu vào Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước ngành Cơ học.

Để ghi nhận những thành tích và cống hiến của GS. Đào Huy Bích đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), trong hơn 40 năm qua, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội đã trao tặng ông nhiều huân chương, huy chương và bằng khen: Huân chương Kháng chiến hạng Ba (1986), danh hiệu Nhà giáo nhân dân (1998), Chiến sĩ thi đua toàn quốc (2001), Huân chương Lao động hạng Nhất (2003), Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng (2004)…

Hiện nay, GS. Đào Huy Bích vẫn tích cực tham gia giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu Cơ học. Dường như tuổi tác và thời gian không làm giảm đi lòng yêu nghề và đam mê khoa học của ông. Tôi nhớ trong một lần ông đến nói chuyện với sinh viên Toán - Cơ về ngành nghề, một sinh viên đã hỏi ông: "Bí quyết nào để Giáo sư vừa thành công trong khoa học lẫn trong cuộc sống?" GS. Đào Huy Bích đã trả lời: "Hạnh phúc là sự cố gắng hài hòa trong nhiều mặt". Đây phải chăng là định lý về cuộc đời hay định lý bảo toàn năng lượng trong cơ học mà chúng tôi đã từng học và suy ngẫm.

Chắc chắn còn rất nhiều kỷ niệm của GS. Đào Huy Bích mà chúng tôi vẫn còn chưa biết hoặc không thể nêu hết được ở đây. Cho phép tôi được thay mặt các đồng nghiệp Khoa Toán - Cơ - Tin học, Bộ môn Cơ học và các thế hệ học trò chân thành cảm ơn GS.TSKH Đào Huy Bích về những công lao và đóng góp quý báu đó. Xin kính chúc Giáo sư và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc Giáo sư tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho khoa học, cho sự nghiệp giáo dục góp phần đào tạo nên những thế hệ trẻ Việt Nam có tri thức và phẩm chất tốt, mang lại phồn vinh cho đất nước./.

Đào Văn Dũng [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» Ngô Bảo Châu và vinh quang toán học
» Phác họa chân dung một nhà vật lý thực nghiệm
» Nhà ngôn ngữ học lao động không mệt mỏi
» Cù Huy Cận - Người suốt đời gắn bó với cách mạng và thơ
» GS.VÕ QUÝ:
“Được nhận giải thưởng Hành tinh xanh là một vinh dự lớn đối với tôi”
» GS. Cao Xuân Huy, nhà sư phạm, nhà tư tưởng uyên bác, cây cổ thụ của cánh rừng văn hóa phương Đông
» Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo
» Cố NGND.GS Nguyễn Thạc Cát - Nhà hóa học tài đức vẹn toàn
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn