Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 14 Tháng 9 Năm 2024    Số người truy cập: 1100717
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Thắp sáng ngọn lửa tuổi hai mươi

Mình tình cờ may mắn có được bản sao lưu bút của một cháu học vừa qua lớp 11. Các cháu chuẩn bị viết lưu bút cho nhau từ lớp 11 bởi vì sợ rằng lớp 12 sẽ rất bận học.

Trong lưu bút này mình thấy các cháu nói với nhau rất nhiều về cuốn sách nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi". Đọc thấy ngộ nghĩnh và cũng rất thú vị vì nó cho mình thấy được các cháu - thế hệ trẻ ngày nay đã và đang suy nghĩ như thế nào. Những tâm sự của cô bé có thể rất có ích cho các bậc làm cha làm mẹ chúng ta đấy.
Mình giới thiệu dần để các bạn tham khảo:

Tớ đã đọc những cảm nhận của Chi về “Mãi mãi tuổi hai mươi” mà Chi viết trong lưu bút của tớ. Chi nói là sẽ còn muốn nói thật nhiều nữa về “Mãi mãi tuổi hai mươi”. Tớ rất vui về điều đó. Những dòng Chi viết, những trang Chi viết về “Mãi mãi tuổi hai mươi” là một bài văn rất đặc biệt. Bởi đó là một bài phân tích, một bài phát biểu cảm nghĩ về một tác phẩm bên ngoài sách giáo khoa. Tớ rất thích bài văn ấy (mỗi tội có vài lỗi chính tả).
Tớ viết sắp tới đây có thể sẽ rất lan man, không thành bài văn đâu.
Giá mà chúng mình có nhiều, thật nhiều thời gian để nói về “Mãi mãi tuổi hai mươi” nhỉ. Năm học đã cận kề. Phải nhanh lên thôi.
Sáng hôm ấy, tớ không nhớ rõ là ngày nào, chỉ nhớ rằng tớ đang ăn sáng thì xem trên chương trình “Chào buổi sáng” mục “Mỗi ngày một cuốn sách” thấy giới thiệu cuốn “Mãi mãi tuổi hai mươi” (tớ ít khi xem chương trình này lắm, hôm ấy tình cờ xem, may thật đấy).

Phải nói là tớ đã xem không bỏ lấy nửa phút, đến giờ đi học rồi mà tớ vẫn còn nán lại chờ đến hết mới tắt tivi đi. Lúc trên đường đi tớ cứ nghĩ về cuốn ấy mãi và cứ lẩm nhẩm “Phải mua mới được, phải mua mới được!”. Chỉ với một khoảng thời gian được giới thiệu ngắn ngủi trên truyền hình, cuốn Nhật ký đã gây cho tớ ấn tượng rất mạnh bởi liệt sỹ còn rất trẻ - chưa tròn 20, vào quân ngũ chưa được một năm, thế mà đã viết được một cuốn nhật ký dày, lại còn rất hay. Và thật đặc biệt khi người ấy là một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà Nội – nơi tớ, Chi và bao nhiêu người bạn thân yêu của chúng mình đang sống và học tập. Đặc biệt hơn nữa người ấy lại yêu văn – giống chúng mình nhỉ. Chỉ có điều khác người ấy là chúng mình – văn chương chỉ ở vào loại “lội nước theo sau thôi”, theo sau nhiều lắm. Giải nhất Văn toàn miền Bắc, cũng chính là giải nhất Văn của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhỉ. Lúc đó miền Nam chưa được giải phóng nên có thể coi giải nhất của Thạc là giải nhất toàn quốc không nhỉ?
“Giải nhất Văn toàn quốc” – 5 chữ đó tớ không bao giờ dám mơ tới. Xa vời quá Chi ạ.
Sang năm cố lên Chi nhé!
Tớ hy vọng Nguyễn Văn Thạc – xin phép Người cho Giang gọi là anh – anh ấy sẽ đem lại may mắn cho chúng mình, sẽ “phù hộ” cho chúng mình.
Nếu về năm sinh thì chiến sỹ Nguyễn Văn Thạc còn nhiều tuổi hơn bố mẹ chúng mình ấy nhỉ. Nhưng Nguyễn Văn Thạc – “Mãi mãi tuổi hai mươi”, chỉ hơn chúng mình 3 tuổi thôi. Mẹ tớ bảo: “Mấy năm nữa mà đọc thì không khéo gọi người ấy là bạn”.
Tớ rất hay nhìn rất lâu vào đôi mắt của Nguyễn Văn Thạc ở bìa sách và ở trang 315. Hai tấm ảnh – không, vẫn là một tấm ảnh đó thôi mà sao trông anh ấy khác quá.
Ở trang 315 là tấm ảnh nguyên gốc, lúc anh ấy 18 tuổi – trông có vẻ gì vừa thư sinh yếu đuối lại vừa mạnh mẽ, phơi phới ước mơ, khát vọng của tuổi “18 vào đời”. Tớ thấy thật thế đấy.
Còn ở trang bìa - ảnh đã được làm mờ nhòe đi, trông như tranh vẽ. Tớ thấy mắt Thạc buồn buồn sao ấy. Tớ nhìn lâu lắm và cứ bị hút vào ánh mắt ấy. Tớ cứ có cảm giác như thể đây là ảnh Thạc sắp hy sinh, anh ấy nhìn những người ở lại và muốn nói bao điều, nhiều lắm, nhưng anh không đủ sức để nói. Anh chỉ còn có thể nói qua ánh mắt. Tớ có cảm giác anh nói:
“Hãy nhớ đến Thạc và sự nghiệp còn dang dở của Thạc – chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và viết văn, làm thơ phục vụ nhân dân”.
Cuộc chiến đấu giành lại độc lập tổ quốc đã hoàn thành từ trước khi chúng ta sinh ra. Còn Văn học? Văn học vẫn là một dòng chảy bất tận cùng thời gian. Dù tớ văn chương cũng “thường thường bậc trung” nhưng tớ bị ám ảnh bởi ánh mắt Nguyễn Văn Thạc. Tớ cứ nghĩ suốt: “Sau này mình phải làm được một tác phẩm gì đó có ích cho nhiều người, phải có ích cho xã hội”. Làm thơ – không phải chỉ cho mình đọc, không phải chỉ viết về mình, về một cái gì riêng tư. Làm thơ – phải lớn hơn, rộng hơn, phải có tính chiến đẫu nữa. Cho dù là lãng mạn thì cũng không được bi lụy. Viết văn cũng vậy. Trong “Đời thừa” của Nam Cao, tớ thích nhất đoạn:

Một tác phẩm giá trị, phải vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau thương lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình ... Nó làm cho người gần người hơn.
Cậu có thấy Nguyễn Văn Thạc cũng có quan điểm phương châm như vậy không? Thật tiếc quá là anh đã ra đi khi chưa đạt được tâm nguyện là viết thật nhiều, đóng góp thật nhiều cho Văn học chống Mỹ cứu nước (như lời anh nói).
16 tập thơ của anh – nhiều thật Chi nhỉ. Nhưng bây giờ chẳng còn ai biết chúng ở đâu. Trong ấy viết gì – cũng chỉ mình Thạc biết (có lẽ vậy). Nhưng chắc hẳn là 16 tập thơ ấy phải bám rất sát cuộc sống chiến đấu rồi. 16 tập thơ viết ở chiến trường, cả ở hậu phương trong thời gian huấn luyện nữa chứ - đã theo anh ngủ yên trong lòng đất mẹ quê hương Việt Nam rồi.
Bài thơ “Màu tím hoa mua” hay nhỉ. Đọc tên bài thơ ấy tớ nghĩ đến bài “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan đấy. Màu tím của hoa rừng – tình yêu của con người – thời nào và ở đâu cũng thế - mãi vẫn là màu tím thủy chung – tình yêu bất diệt.
Cứ mỗi lần hành quân qua đây
Lòng tôi lại nhớ em da diết

Màu tím hoa mua chẳng phải chưa hề biết
Nhưng tới giờ tôi mới hiểu màu hoa”
Nguyễn Văn Thạc lúc nào cũng nghĩ tới Như Anh, đâu phải chỉ khi hành quân qua đây mới nhớ. Nhưng có lẽ khi qua đây, Thạc nhớ Như Anh da diết hơn vì ở đây có hoa mua – loài hoa màu tím thủy chung gợi người ta nghĩ đến người mình yêu dấu. Với Thạc hoa mua còn gợi lên màu mực tím học trò – thuở học trò tươi đẹp, mộng mơ với báo kỷ niệm ở bên cô bạn Như Anh và bao thầy cô bè bạn ở mái trường Yên Hòa thân yêu.
Tình yêu của Thạc dành cho Như Anh theo cảm nhận của Giang thì nó có sự mãnh liệt, cao cả của tình yêu của người chiến sỹ chiến đấu vì tổ quốc và lại có cả sự hồn nhiên trong trẻo, dịu dàng của tuổi học trò.
Dường như chiến sỹ Thạc chiến đấu kiên cường, dũng cảm trên chiến trường, lăn lộn với nắng cháy mưa dầm vẫn là cậu học trò Thạc vô tư, trong sáng, lãng mạn – một thư sinh Hà Thành chính gốc.
Ở Hà Nội này chẳng có hoa mua. Nhưng qua thơ văn, nhất là qua đợt huấn luyện ở Hà Bắc, chắc chắn Thạc biết hoa mua. Nhưng tại sao tới giờ - khi sắp vượt qua giới tuyến là vĩ tuyến 17 thì Thạc mới “hiểu màu hoa”?
Vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải – cầu Hiền Lương, dường như đó là biên giới giữa Ngày và Đêm, giữa Sự Sống và Cái Chết. Đã bao nhiêu chiến sỹ giải phóng quân vượt qua ranh giới này để đi vào vùng đất miền Nam – nơi quân thù gây bao đau thương tang tóc cho đồng bào ta – nơi lửa chiến tranh, lửa đạn, lửa căm hờn cao vút lên đến trời xanh – nơi bom đạn, khói súng, mồ hôi, nước mắt và máu làm mặt đất nóng bỏng. Vậy mà có mấy người được bình an trở về?
Quảng Trị - 10 người chết 9”.
Những người con đã hy sinh vì Tổ quốc – các anh nằm xuống yên nghỉ ở khắp đất mẹ Việt Nam này. Nhưng Quảng Trị - đó là nơi chiến trận khốc liệt nhất. Tớ xem một bộ phim thấy người ta nhắc đến Quảng Trị với 3 chữ “Cối xay thịt” – Một anh bộ đội sau ngày giải phóng miền Nam đã trở về Hà Nội và kể cho người dân Hà Nội nghe như thế. Anh bộ đội do nghệ sỹ Chí Trung đóng, dù hơi nhược điểm là béo nhưng vẫn thể hiện rất đạt hình tượng anh lính Cụ Hồ - luôn tươi cười và lạc quan.
Bài “Màu tím hoa mua” viết ở Quảng Bình – đã gần kề Quảng Trị rồi, chắc chắn Nguyễn Văn Thạc đã thấy sự khốc liệt của cuộc chiến, đã nhìn thấy cái chết ở phía trước. Và tớ nghĩ trong hoàn cảnh thử thách gay go đến tột cùng như thế, Thạc mới thấy ý nghĩa của sự sống, của tình yêu lớn lao đến thế nào. Thấy hoa là thấy sự sống, thấy màu tím là nghĩ đến tình yêu, có lẽ Thạc tới giờ mới yêu hoa mua. Bởi bây giờ anh mới hiểu ý nghĩa của màu hoa ấy. Tớ có cảm giác rằng Thạc đã lo rằng tình yêu chung thủy cũng không thể
giúp được anh đoàn tụ với Như Anh bởi cuộc chiến quá khôc liệt, Tình yêu chỉ cứu được tâm hồn, không thể cứu được tính mạng.

Ảnh: nguồn Internet


Chẳng giấu lòng, chẳng phải dấu lòng ta
Tôi biết cô gái nào chẳng khóc
Khi đưa tiễn người con trai thân nhất
Hoa tím chín chiều nói hộ với lòng anh”.
Đọc đoạn thơ này tớ lại nhớ tới bài thơ “Hương thầm
“...
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm
Bên ấy có người ngày mai ra trận...
... Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu...”
Có lẽ trong những cuộc chia ly, người ta chẳng nói được nhiều lời đâu nhỉ. Tớ cứ có cảm giác là nếu nói ra thành lời thì khó mà nói trôi chảy, và nước mắt cứ chực rơi, có thể òa ra bất cứ lúc nào. Và thế là họ kìm nén lòng mình, im lặng và “nói với nhau ngàn lời qua đôi mắt xanh”. Người ta cảm nhận tình cảm qua ánh mắt nhau, qua những màu hoa, hương hoa làm sao xuyến lòng người.
Nhưng tớ chưa hiểu câu này lắm: “Hoa tím chín chiều nói hộ với lòng anh” – tại sao lại là “Hoa tím chín chiều”? “chín chiều” nghĩa là thế nào?
Không dừng lại đâu giữa đất nước mênh mông
Tôi cúi xuống với cành hoa lặng lẽ
Màu hoa tím như chưa bao giờ tím thế
Cánh mỏng cánh mềm mát ngón tay ta
”.
Đọc tới đây tớ hình dung cảnh anh bộ đội Nguyễn Văn Thạc dường như là người đi cuối cùng của đoàn quân. Anh dừng lại, chỉ trong chốc lát thôi để từ biệt đóa hoa rừng. Thạc cúi xuống vuốt ve cánh hoa “mềm” yếu, “mỏng” manh như một người con gái liễu yếu đào thơ. Tớ còn tưởng tượng Thạc sẽ hôn cả lên cánh hoa – một nụ hôn biệt ly. Loài hoa màu tím thủy chung – Tình yêu với người con gái thanh tú đất Hà Thành không thể níu anh lại, không thể buộc anh dừng lại, ở lại. Anh phải từ biệt những bông hoa nhỏ bé, xinh xắn như người yêu anh để đến những nơi xa trên “đất nước mông mênh” (tại sao không phải là “mênh mông” nhỉ?). Anh phải thực hiện nghĩa vụ với Người mẹ Tổ quốc đã sinh ra anh, nuôi anh lớn khôn, cho anh có gia đình, bè bạn, có cơm ăn áo mặc và cho anh gặp một người để anh yêu. Anh phải đi.
Để tớ nói về “mênh mông” và “mông mênh” nhé. “mênh mông” có nghĩa là rộng lớn, có lẽ chỉ là thế thôi. Còn “mông mênh”, theo tớ là rộng lớn và chứa nhiều bí ẩn. Nguyễn Văn Thạc cũng chỉ mới biết là vào Nam, còn phải đi những đâu cụ thể, diễn biến cuộc chiến thế nào ... anh cũng chưa thể biết trước được. Con đường của Thạc đang đi trên đất nước này còn nhiều bất định lắm. Chỉ có một điều không thay đổi là tinh thần chiến đấu của Thạc và đồng đội, đồng chí, đồng bào ta.
Đọc câu “Chẳng dừng lại đâu ...” tớ cứ nhớ đến bài “Tống biệt hành”. Người thanh niên trai trẻ sẽ ra đi không hẹn ngày về, có thể ra đi mãi mãi, một đi không trở lại.
Chi này, giữa đất trời nóng bỏng vì nắng gió miền Trung, vì đạn pháo mà lại có được cảm giác mát mẻ nơi ngón tay, chắc là Thạc sẽ thấy hạnh phúc lắm. Hoa mua chẳng những làm mát tay Thạc mà còn làm mát dịu cả tâm hồn anh. Như Anh cũng như hoa kia, như một làn gió mát lành, như một dòng nước mát trong làm dịu tâm hồn Thạc, đem lại sinh khí cho thạc để Thạc thêm vững bước trên con đường còn đầy gian khổ phía trước.
Tớ nhìn bức ảnh Như Anh in trong cuốn sách. Như Anh đúng là lặng lẽ như cành hoa ấy thật. Sao Như Anh không cười nhỉ? Có phải Như anh đang nặng trĩu nỗi buồn nhớ quê hương, đất nước, nhớ gia đình và nhớ Thạc không?
Tớ đã được nhìn Như Anh của ngày hôm nay – trên ti vi thôi, ở chương trình giới thiệu về “Mãi mãi tuổi hai mươi” ấy. Như Anh bây giờ đã là một người phụ nữ tuổi ngoài 50 – vẫn hiền lành, phúc hậu như ngày nào. Người chồng hiện nay có yêu Như Anh nhiều như Thạc không nhỉ?
Dù sao thì Như Anh cũng đã tìm được hạnh phúc. Thạc cũng có thể yên tâm về Như Anh. Tớ nghĩ chồng của Như Anh nếu đọc nhật ký của Thạc sẽ không ghen mà còn cảm thấy tự hào, hạnh phúc vì có được người vợ tuyệt vời là Như Anh. Qua lời kể của Thạc, ai cũng thấy Như anh thật tuyệt vời.

Lễ ra mắt Quỹ mãi mãi tuổi 20

 Đúng là, như Chi nói – nếu Thạc không hy sinh thì cuốn Nhật ký này sẽ không bao giờ được in thành sách, phát hành rộng rãi cả. Bởi Thạc không muốn nổi tiếng đâu. Nhưng Nguyễn Văn Thạc – người lính ấy đã hy sinh rồi. Thật may là cuốn Nhật ký đã không bị thất lạc.
Đúng là đây không phải là cuốn nhật ký bình thường. Chi biết không, với tớ thì một cuốn nhật ký bình thường là một cuốn nhật ký có nội dung hẹp – có thể chỉ có mỗi hai nhân vật là người viết và “một ai đó”, nội dung chỉ xoay quanh “their love story” thôi. Còn nhật ký của Nguyễn Văn Thạc và của nhiều chiến sỹ nữa, chứa đụng rất nhiều điều: bức tranh sinh động về cuộc sống, cuộc chiến đấu, những quan niệm, lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu của tuổi trẻ - tuổi yêu, gắn liền với tình yêu Tổ Quốc. Đọc “Mãi mãi tuổi hai mươi”, đúng thật là như được quay về quá khứ, sống trong những ngày đất nước sôi sục khí thế đứng lến đánh giặc, cho chúng phải cút xéo khỏi non sông tươi đẹp này. “Mãi mãi tuổi hai mươi” không chỉ cho tớ hiểu biết thêm về qúa khứ mà con cho tớ bao bài học về viết văn, về lý tưởng của một người cầm bút. Và hơn cả là những bài học về lý tưởng, lối sống của thanh niên. Thế hệ thanh niên đi trước họ sống ra sao? Họ làm những gì? Vì sao lại làm như vậy? Có người nói rằng thế hệ Nguyễn Văn Thạc và thế hệ ngay trước đó – tức là thời Thế chiến thứ II ấy; rằng con người trên toàn thế giới gắn liền với “TIẾNG NGA và CỐNG HIẾN”; Còn thời đại @ ngày nay, con người sống trong thời kỳ lên ngôi của “TIẾNG ANH và TIÊU DÙNG”.
Chi thấy sự thay đổi ấy thế nào? Tớ thấy buồn vì những 8X, 9X ... ngày càng xa lánh quá khứ, thờ ơ với quá khứ, sống gấp gáp, sống cẩu thả, sống thử, chơi bời trác táng ... Không phải tất cả những người trẻ tuổi đều như thế. Nhưng số “dân lắc” bị bắt là 8X cứ ngày càng tăng lên, các loại tội phạm liên tục được trẻ hóa, thanh thiếu niên vô cảm với lịch sử, văn học, với cộng đồng là hiện tượng ngày càng phổ biến. Ví dụ như vụ Nguyễn Phi Thanh với “bài văn lạ” trong kỳ thi học sinh giỏi Văn Thành phố Hà Nội. Thật đáng buồn.
Có một bài báo nói về “dân lắc” bay ở mấy vũ trường, quán bar – karaoke. Phóng viên đi theo bọn chúng, lúc 3 giờ sáng bọn chúng vẫn quay cuồng điên loạn trong “động”. Còn ngoài đường, từng đoàn người đang còng lưng đẩy xe thồ chở rau vào thành phố.
Thế đấy. Sau 30 năm, đất nước đã sạch bóng quân thù mà cũng chưa sạch được. Vẫn còn mấy vết nhơ như thế đấy. Tham nhũng, tham ô, tiêu cực trong thi cử, tiêu cực ở các cơ quan, công sở, tệ nạn xã hội: ma túy, mại dâm, ăn chơi thác loạn ...
Trong các vết nhơ ấy có bao bàn tay của 8X dính vào. Bằng tuổi của các 8X bây giờ, Nguyễn Văn Thạc và bao đồng đội đã đi chiến đấu, đã hy sinh. Để làm gì chứ? Để có độc lập, hòa bình. Để người Việt Nam sống tự do, hạnh phúc, được học tập, lao động, làm giàu cho bản thân và đất nước. Đất nước hòa bình rồi, kinh tế nước nhà khá lên nhiều rồi. Thế mà rất nhiều thanh niên lại không học tập, lao động mà lại ăn chơi thác loạn, tiêu tiền như ném qua cửa sổ.
Chi ạ, tớ cứ lo, (kể ra cũng có vẻ lo xa, hâm hâm) lo rằng liệu bây giờ mà một nước nào đó công nước ta thì thanh niên có thể lên đường như thời của Nguyễn Văn Thạc và đồng đội không? Hay là – phải đến một nửa ấy chứ, sẽ nhút nhát, trốn quân ngũ, ru rú ở nhà hoặc tồi hơn nữa là làm việc cho kẻ thù, đi lính cho kẻ thù – với lương cao, thừa sức nuôi cả nhà, lại còn tiêu sài thoải mái?

Nguyễn Nam Hải sưu tầm [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Nhớ lại những ngày đầu gian khó
» Cô nữ sinh Văn khoa và bài thơ gây chấn động dư luận 20 năm trước…
» Từ bài thơ gây chấn động dư luận và “đêm trước đổi mới”
» Hai thế hệ tuổi hai mươi
» Không có buổi học cuối cùng
» Thi đua ngày ấy (trích Nhật ký “Một ngày nhớ mãi”)
» Nước non Cao Bằng - Đường lên Việt Bắc
» Tìm nguồn
» Đã có một làng đại học như thế
» “Vệ túm” - kỷ niệm không thể nào quên
» Nhớ về đồng đội
» Hoàng hôn Đồng Lộc
» Bài học ngày ra trận
» Nước mắt và nụ cười
» Nỗi niềm CK một thời, một thuở
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn