Đinh Chí Dưỡng là một trong số những người bạn thân yêu của chúng ta đã lên đường nhập ngũ trong đợt tổng động viên đầu tiên trong sinh viên, ngày 6/9/1971 và là người lính sinh viên đầu tiên của K15 ngã xuống trên mảnh đất Quảng Trị khốc liệt ngày 4/7/1972.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, ông cụ thân sinh ra Dưỡng đã vào thăm nơi Dưỡng hy sinh và đưa được hài cốt của Dưỡng về an táng tại quê ở Hà Đông. Ngày còn học trong Trường, Dưỡng gây ấn tượng lập tức với tất cả các bạn cùng lớp với chiều cao vượt trội một cách không khiêm tốn tý nào. Dưỡng nổi tiếng trong sân chơi bóng đá với vị trí hậu vệ thòng và lối chơi tỉnh táo nhẹ nhàng. Hơn ba mươi năm đã qua. Tất cả K15 lại bồi hồi xúc động khi nhìn thấy Dưỡng trong tấm ảnh đen trắng ngày nào, khuôn mặt khôi ngô tuấn tú và ánh mắt trong sáng ngỡ ngàng của một chàng trai mới lớn. Nhân dịp chuyến viếng thăm gia đình Dưỡng, tất cả các bạn K15 có mặt hôm đó đã giành một phút tưởng niệm trước bàn thờ Dưỡng Lăng đã tặng lại cho gia đình bản nhạc ca khúc Mãi mãi tuổi hai mươi, được sáng tác với lời đề tặng Tặng Dưỡng, Thạc, Y, Minh và những đồng đội, những người sống mãi tuổi hai mươi. Và tất cả đã lặng nghe tiếng hát vang lên theo nhịp điệu hùng tráng của khúc quân hành "Chúng tôi lên đường, tuổi hai mươi, vì một tình yêu cháy bỏng, ngàn năm Thăng Long vẫy gọi..." (Nguyễn Nam Hải)
*
Các bạn!
Mình cứ băn khoăn mãi về việc chị dâu của Dưỡng có nguyện vọng gặp ai đó là đồng đội bên cạnh Dưỡng khi hy sinh để hỏi lại cho rõ ngày hy sinh của Dưỡng. Không hiểu vì lí do gì mà chị ấy (và có thể cả gia đình nữa) nghi ngờ về ngày 4/7 - là ngày Dưỡng hy sinh được ghi trong giấy báo tử và Khanh cũng viết thư về như vậy. Ngay tại nhà Dưỡng mình không nhớ ra, nhưng khi về nghĩ lại thì mình thấy sự thật đúng là có nhầm lẫn ở đây: vì ngày 10/7 (là ngày mình được kết nạp vào Đảng nên mình nhớ rõ) thì đơn vị còn đang ở Quảng Bình, đến ngày 23/7 đơn vị mới vượt sông Bến Hải. Theo tính toán của mình thì ngày Dưỡng hy sinh phải vào khoảng 25 hay 26/7 gì đó mới đúng. Minh đã hỏi lại anh Đào Anh San (lớp Văn với Phùng Huy Thịnh) cùng Trung đội trinh sát với mình thì rất hay là anh ấy cũng xác nhận đúng như vậy. Chính anh ấy đã cùng vài người đặt Dưỡng lên cánh cửa và khiêng đi mai táng. Ngày chính xác thì anh ấy phải xem lại nhật kí đã. Bọn mình (anh em đồng đội cũ ở Tiểu đoàn bộ D14) sẽ đến thăm lại gia đình Dưỡng thông tin lại ngày giỗ chính xác của Dưỡng và để anh San có thể kể lại cho gia đình nghe những giây phút cuối của Dưỡng. Thật là may mắn vì cuối cùng chúng ta cũng đã có thể cho gia đình biết những thông tin đầy đủ, tin cậy về một người bạn học của chúng ta đã ngã xuống vì Tổ quốc thân yêu. ( Quang Minh)
Mình gọi đến gặp chị dâu của Dưỡng và kể lại chuyện Minh đã băn khoăn rất nhiều về nguyện vọng của gia đình và nói Minh cùng anh em đồng đội sẽ đến thăm gia đình một ngày gần đây để kể lại cho gia đình nghe về những giây phút cuối cùng của Dưỡng. Chị ấy rất cảm động. Qua câu chuyện mình thấy chị ấy nói vì những lý do tâm linh thế nào đó mà gia đình nghĩ là ngày hy sinh của Dưỡng không phải là ngày 4/7. Năm ngoái trước khi bố Dưỡng mất, có một chuyện nào đó đã xảy ra khiến gia đình nghĩ rằng Dưỡng có thể mất ngày 25/7. (Nguyễn Hải Nam)
|