Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 14 Tháng 9 Năm 2024    Số người truy cập: 1100721
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Thủ khoa Trần Thị Hồng Hạnh: “Học là một niềm yêu thích”
Sinh viên Trần Thị Hồng Hạnh - Lớp chất lượng cao K46 Khoa Ngôn ngữ, trường ĐHKHXH&NV

Với điểm số 8,96 toàn khóa, sinh viên Trần Thị Hồng Hạnh (Lớp chất lượng cao K46 Khoa Ngôn ngữ trường ĐHKHXH&NV) là thủ khoa của trường và là 1 trong 96 sinh viên của Hà Nội được tôn vinh lại Lễ tuyên dương các thủ khoa xuất sắc tại Văn Miếu ngày 19 tháng 8 năm 2005 vừa qua.

Sinh ra trong một gia đình có bố là chuyên gia về Ngôn ngữ học, mẹ là tiến sĩ Triết học, từ nhỏ Hạnh đã được làm quen với sách vở và không khí nghiên cứu khoa học trong gia đình. Việc học đối với bạn là một niềm yêu thích tự nhiên vì nó đem lại cho Hạnh nhiều điều mới, những kiến thức vô tận thoả mãn đầu óc tò mò và ham khám phá của bạn. Hạnh nói: “Nếu chị hỏi em tại sao học lại điểm cao như thế thì em sẽ trả lời là nhờ điều kiện gia đình. Đó là điều em may mắn hơn các bạn khác. Trong dòng họ gia đình em hiện tại có đến 6 vị tiến sĩ. Bố và mẹ em lại đều làm khoa học. Và điều lớn nhất mà em học được từ bố mẹ đó là tinh thần say mê nghiên cứu và cống hiến hết mình cho công việc. Chị xem, như thế thì em làm sao mà không cố gắng học được. Nhưng tất nhiên là không phải môn nào em học cũng giỏi cả đâu (cười). Một điều nữa là em chưa bao giờ coi việc học là nặng nhọc hay là một điều bắt buộc cả. Khi người ta tự nguyện làm một việc mà mình yêu thích thì chắc chắn sẽ có kết quả tốt thôi”.

Đỗ thủ khoa Khoa Tiếng Nhật, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội nhưng Hạnh lại chọn Khoa Ngôn ngữ, Trường ĐHKHXH&NV để theo học. Vì: “Em ngưỡng mộ bố. Bố em là một nhà ngôn ngữ học. Mỗi lần nhìn thấy thư viện với hàng ngàn cuốn sách của bố, em lại nghĩ nếu không ai kế tục và thừa hưởng nó thì... phí quá. Hơn nữa, Ngôn ngữ học tuy khó nhưng rất hay, đòi hỏi tư duy logic. Nó được coi là toán học của khoa học xã hội - nhân văn”.

Những buổi đầu làm quen với học đại học không phải là không có khó khăn. Thầy cô không giảng giải mọi điều kỹ lưỡng như khi học cấp ba. Sinh viên phải tự tìm hiểu, tự nghiên cứu trên cơ sở gợi ý từ bài giảng. Nhiều lúc Hạnh cảm thấy bị “ngợp” và hoang mang trước cách học mới và khối lượng kiến thức quá lớn. Nhưng chỉ qua học kỳ đầu, bạn đã nhanh chóng xác định cho mình cách học riêng.

Trước hết là phải chịu khó đọc sách, đặc biệt là các giáo trình cơ bản, nhưng đọc có chọn lọc, theo hệ thống, mục đích chứ không đọc tràn lan. Đọc để hiểu vấn đề, tóm lại các ý chính, trình bày lại vấn đề một cách đơn giản, dễ hiểu theo tư duy cá nhân mình. Theo Hạnh, nếu chọn được bạn để học nhóm cùng là tốt nhất.

Bên cạnh đó, học thi cũng phải có phương pháp. Hạnh kể: “Có lần hỏi bạn về một ý trong bài thi, em đã ngạc nhiên khi thấy bạn ấy đã phải ngồi một lúc lâu để nhẩm lại cả một bài học thuộc lòng trong sách. Hoá ra để nhớ ra ý thứ tư thì bạn ấy phải dò từ ý đầu tiên của bài học. Đấy là cách học rất sách vở, không hiệu quả, không phát huy được sự sáng tạo của người học”. Riêng Hạnh đã chọn cách học có hệ thống, theo từng chủ điểm của bài. Phải nắm được: môn học đó nói về cái gì, có những mảng nội dung lớn gì, trong từng mảng nội dung lớn ấy lại chia nhỏ ra những vấn đề gì... Học như vậy sẽ giúp nắm nội dung môn học từ tổng quát tới chi tiết, rồi trên cơ sở ấy mới đi sâu hơn vào những câu hỏi thi mà thầy cô giáo cho. Bên cạnh đó, khi học phải luôn có sự so sánh, lấy cái này để đánh dấu và nhận biết cái kia. Do đó khi học 1 thì ta sẽ biết 10. Các vấn đề được tìm hiểu trên cơ sở đối chiếu lẫn nhau nên rất dễ nhớ, dễ thuộc.

Trong 4 năm học đại học, Hạnh đã làm và tham gia 5 đề tài nghiên cứu khoa học. Bạn cũng tích cực tham gia các phong trào đoàn hội, là Uỷ viên Thường vụ Liên chi Đoàn, Bí thư lớp K46 Ngôn ngữ chất lượng cao 4 năm liền. Rất coi trọng việc học nhưng Hạnh cho rằng mình cần phải tự trang bị thêm cả những kỹ năng khác để phục vụ công việc sau này như những hiểu biết về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, văn hoá và cả các cách ứng xử khác trong cuộc sống. Học nhưng cũng không từ chối các thú vui khác: đọc sách văn học, nghe nhạc, tham gia các buổi hội hè, sinh hoạt cùng bạn bè...

Công tác Đoàn, Hội đã giúp Hạnh rèn luyện thói quen sắp xếp thời gian và tổ chức công việc hiệu quả. Bạn luôn có một cuốn sổ nhỏ bên mình, trong đó có ghi những công việc cần làm theo từng tuần, từng ngày và deadline của nó. Làm xong việc gì là lấy bút gạch chéo đi để sau một thời gian sẽ tổng kết, tự đánh giá hiệu quả công việc của mình. Đây là một kinh nghiệm sống nhỏ nhưng rất có giá trị và nó thể hiện rất rõ ý thức trách nhiệm của Hạnh đối với cuộc sống và với chính bản thân.

Được tham gia vào buổi lễ tuyên dương các thủ khoa xuất sắc tại Văn Miếu là một trong những kỷ niệm đẹp của Hạnh. “Có gặp gỡ các bạn thủ khoa trường khác mới thấy họ giỏi và năng động thật. Điều ấy càng nhắc nhở mình phải làm gì trong giai đoạn “hậu” tuyên dương này”. Hiện tại, bạn đã nộp hồ sơ để xin chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh ngành Ngôn ngữ học. Bên cạnh đó, bạn cũng tạm bằng lòng với việc cộng tác làm biên tập viên với Phòng Khoa học xã hội Ban Khoa giáo của Đài Truyền hình Việt Nam và đi dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Khi được hỏi về kế hoạch trong tương lai, Hạnh trả lời: Trước mắt, bạn mong được tiếp tục đi học, đi làm nhiều để lấy kinh nghiệm, sẽ thi lấy bằng TOEFL tiếng Anh trong thời gian tới. Còn tham vọng trong tương lai xa, Hạnh muốn mình cũng có thể có một sự nghiệp như bố, đóng góp khả năng nhỏ bé của mình vào sự phát triển của ngành Ngôn ngữ học của Việt Nam./.

Lê Thanh Hà
Bản tin ĐHQGHN số 174, ra tháng 8/2005 [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Gương mặt trẻ nữ tiêu biểu Việt Nam năm 2005
» Phạm Kim Hùng, trở về trong vòng tay bè bạn
» Thủ khoa Phùng Mạnh Quân: “Em sẽ phải học cật lực...”
» Cô nữ sinh tỉnh lẻ và giấc mơ trở thành giáo viên dạy văn
» Nguyễn Phương Tú: "Nụ cười lạc quan... món quà ý nghĩa em muốn tặng mọi người"
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn