Xuân này bước sang tuổi 70, vậy mà ông vẫn bận rộn như cái hồi chưa nghỉ hưu. Gọi điện, hẹn gặp ông thật khó. Tôi nhớ đã có lần được nghe ông thuyết trình tại Hội thảo về cây thuốc nam tại Bảo tàng Dân tộc học. Chất giọng Kinh Bắc ấm áp cùng với vốn kiến thức và hiểu biết sâu rộng của ông đã thực sự tạo ra sức cuốn hút đặc biệt đối với người nghe.
Nhà giáo Phan Tống Sơn sinh ngày 29.7.1936 tại thôn Trang Liệt, xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh trong một gia đình nhà giáo có truyền thống học hành, khoa cử từ lâu đời. Thuở nhỏ, đi học ở trường làng, vốn thông minh, học giỏi, lại chăm ngoan nên cậu bé Sơn được bạn bè nể trọng, thầy cô yêu mến. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, cậu theo gia đình đi tản cư lên chiến khu Việt Bắc. Trong hoàn cảnh chung của đất nước thời chiến khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, cha mẹ vẫn cố gắng lo cho người con trai được tiếp tục học tập. Ban đầu, ông theo học trường Hàn Thuyên, một ngôi trường danh tiếng của tỉnh Bắc Ninh thời bấy giờ đang sơ tán ở Bắc Giang, sau đó chuyển lên Thái Nguyên. Kháng chiến chống Pháp ngày càng ác liệt, cũng như bao bạn bè đồng trang lứa, ngày ngày ông tham gia lao động xã hội chủ nghĩa, tối đến lại đội mũ rơm, xách đèn dầu đến lớp học dưới tầm bom đạn của địch. "Lứa học trò chúng tôi hồi ấy học tập, lao động hồn nhiên và tâm huyết đến kỳ lạ. Ai cũng tâm niệm rằng, càng khó khăn, gian khổ, càng phải say mê học tập để trở thành người có ích cho Tổ quốc..." - ông trầm ngâm nhớ lại.
Tốt nghiệp cấp III cuối năm 1953 với thành tích xuất sắc, ông được cử sang Trung Quốc học 1 năm ở Trường Sư phạm Cao cấp tại Khu học xá Trung ương, sau đó tiếp tục sang Cộng hòa dân chủ Đức. Với tư chất thông minh, đức tính kiên trì, chịu khó học hỏi của một "người con đất học Kinh Bắc", ông đã dần dần khẳng định được vị trí của mình trong lòng bạn bè quốc tế và các giáo sư giảng dạy. Từ một thanh niên Việt Nam chưa biết tiếng Đức, chỉ sau một năm sang du học, ông đã có thể đọc thông, viết thạo, nghe giảng và giao tiếp rất tốt. Đến nay, ông vẫn còn giữ lại những kỷ niệm hết sức tốt đẹp về các giáo sư Cộng hòa dân chủ Đức, những người đã tận tâm giúp đỡ ông trong suốt quá trình học tập. "6 năm học tập ở nước Đức, tôi đã rèn luyện được cho mình một phương pháp học tập và nghiên cứu khoa học, luôn tìm tòi, khám phá và sáng tạo. Đó là những yếu tố mà một nhà khoa học chân chính không thể không có. Tôi quan niệm rằng: Nghiên cứu khoa học là một công việc nghiêm túc nhất trong những công việc nghiêm túc, cần sự tỉnh táo nhất trong những công việc đòi hỏi sự tỉnh táo...".
Trở về nước năm 1960, ông được phân công giảng dạy ở Khoa Hóa học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chàng thanh niên 24 tuổi, được làm thầy dạy đại học, vừa vinh dự lại vừa lo. Lo vì đứng trước những học trò chỉ kém mình mấy tuổi, khó từ cách xưng hô đến yêu cầu phải giảng bài thế nào để vừa hấp dẫn sinh viên lại vừa giúp họ tiếp thu một cách nhanh nhất. Vinh dự vì được làm nghề "trồng người", một nghề rất được xem trọng ở nước ta. Một thời gian sau, bằng uy tín và năng lực ông được bầu làm Phó chủ nhiệm Bộ môn Hóa hữu cơ. "Đó là năm cuối của thập niên 60, đầu thập niên 70, đất nước ta đang gặp khó khăn về mọi mặt, ngân sách đầu tư cho giáo dục nhất là giáo dục đại học không nhiều. Các thế hệ thầy và trò Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã đồng sức, đồng lòng cùng nhau vượt qua rất nhiều trở ngại, thiếu thốn về cơ sở vật chất, kỹ thuật để dạy tốt, học tốt. Từ hai bàn tay trắng, phải rất chật vật chúng tôi mới thành lập nên được một phòng thí nghiệm hóa hữu cơ. Được vừa học, vừa thực hành, cả sinh viên và giảng viên đều vui mừng, kết quả được nâng lên rõ rệt...".
Năm 1967, thầy Phan Tống Sơn quay trở lại Cộng hòa dân chủ Đức và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Hóa học. Ông là một trong số ít những nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu về Hóa học hữu cơ và bảo vệ thành công học vị tiến sĩ ở nước ngoài. Ngay từ khi lựa chọn nghiệp nghiên cứu khoa học, ông đã chấp nhận con đường gian nan, đầy chông gai và thách thức. Những vất vả, nhọc nhằn, những khó khăn bề bộn của cuộc sống đè nặng lên vai, nhưng ông đã vượt qua để rồi đến tháng 1.1983, một lần nữa, ông lại bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ khoa học tại Đức. Đó là phần thưởng xứng đáng cho quá trình nỗ lực phấn đấu miệt mài của một thầy giáo, một nhà khoa học.
Tháng 9.1998, thầy Phan Tống Sơn đảm nhận vai trò làm Trưởng ban khoa học của Hội nghị quốc tế ASOMPS - IX tổ chức tại Hà Nội - đây là một hội nghị khoa học lớn về cây thuốc, các chất gia vị và một số sản phẩm thiên nhiên độc đáo khác với sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học quốc tế có uy tín. Ý thức được trách nhiệm của mình, ông và các cộng sự đã làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm để có được một sự chuẩn bị công phu nhất cho chương trình của hội nghị. Hội nghị ấy đã thành công tốt đẹp ngoài sự mong đợi, đó là dịp để chúng ta giới thiệu với bạn bè quốc tế biết thêm về nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của Việt Nam. Bên cạnh đó, ông còn là người chủ trì thành công nhiều hội nghị khoa học ở Khoa, ở Trường.
Những ai đã từng học tập, công tác tại Khoa Hóa ở các trường đại học đều biết đến tên ông như một nhà dịch thuật và biên soạn sách có uy tín. Bộ sách "Cơ sở Hóa học hữu cơ" mà ông là đồng tác giả với thầy Đặng Như Tại và thầy Trần Quốc Sơn được sử dụng giảng dạy hơn một phần tư thế kỷ qua. Nhiều báo cáo khoa học và nhiều bài báo của ông được bạn bè chú ý ở các hội nghị quốc tế cũng như trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước.
Đúng như ông nói: "Con đường khoa học - Không điểm dừng!" Bao tháng ngày ấp ủ dày công nghiên cứu đã đem lại cho ông những kết quả đáng mừng. Đó là những đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước do ông chủ trì đã được hoàn thành và nghiệm thu với sự đánh giá xuất sắc, trong đó có đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước (1986 - 1990): "Nghiên cứu điều chế các đơn hương có giá trị cao từ nguồn thực vật của Việt Nam". Ông chuyên nghiên cứu về các hợp chất thiên nhiên trong các loài thực vật có giá trị của Việt Nam. Thật thú vị khi nghe ông nói chuyện về các tinh dầu thực vật, các chất dùng cho pha chế nước hoa và các hoạt chất sinh học trong các cây thuốc quý ở nước ta. Ông bật mí rằng, có một loài cây gọi là cây hương lau có thể trồng trên đất cát ven biển như ở Thái Bình... cho các chất giữ lại được mùi thơm, loài cây ấy rất hữu ích cho ngành công nghiệp hương liệu. Hiện nay, ông vẫn đang chủ trì một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước: "Nghiên cứu cơ bản về các hoạt chất sinh học từ các loại cây có giá trị của Việt Nam".
Điều mà ông luôn canh cánh trong lòng là giữa thời đại ngày nay, khi khoa học phát triển như vũ bão, phải làm sao để khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, giúp đỡ các em tiếp cận được với khoa học thế giới. Mong muốn của ông là phải hình thành một hệ đào tạo nghiên cứu sinh ngay ở trong nước. Và điều đó đã thành hiện thực. Từ những ngày đầu, ông là người tham gia hội đồng tuyển chọn và trực tiếp bồi dưỡng, hướng dẫn nghiên cứu sinh. Dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của ông, nhiều luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ đã được bảo vệ thành công. Ông còn giảng dạy chuyên đề cho nhiều khóa ở Trường Đại học Tổng hợp Huế, Trường Cao đẳng Hóa chất Việt Trì và Viện Hóa học Các hợp chất thiên nhiên, Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, tham gia giảng dạy và hướng dẫn khoa học cho nhiều cán bộ tại các lớp bồi dưỡng sau đại học ở các cơ quan ngoài trường. Rất nhiều thế hệ sinh viên được ông dìu dắt nay đã trưởng thành, giảng dạy tại các trường trung học phổ thông, đại học, cao đẳng hoặc làm công tác nghiên cứu, quản lý tại một số cơ quan, viện nghiên cứu trong cả nước.
Hơn 40 năm đứng trên bục giảng, từng giữ các chức vụ như Phó chủ nhiệm Bộ môn Hóa hữu cơ, Phó chủ nhiệm Khoa Hóa học, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (năm ông 41 tuổi), Uỷ viên ban chấp hành Hội Hóa học Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng biên tập Tạp chí Hóa học và nhiều tạp chí khoa học khác, nhiều năm liền ông là giáo viên giỏi, là chiến sĩ thi đua. Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ cùng nhiều bằng khen và giấy khen khác là phần thưởng xứng đáng dành tặng ông.
Hiện nay, ông không còn tham gia công tác quản lý nữa, mọi thời gian ông dành cho việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học... Đã nhiều lần, ông được các nhà khoa học CHDC Đức mời sang thuyết trình, dự hội thảo và trao đổi khoa học.
Với những đóng góp tích cực trong sự nghiệp giảng dạy và công tác khoa học, ông được phong hàm Phó giáo sư năm 1980, Giáo sư năm 1991; và vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1996, Nhà giáo nhân dân năm 2000.
Đến thăm nhà mới thấy được nếp sống thanh bạch, đức tính khiêm tốn, cần cù và giản dị của ông. Chân tình, thân mật, cởi mở, ông đã tạo cho chúng tôi cảm giác ấm cúng trong suốt cuộc trò chuyện. Không nói nhiều về bản thân mà ông kể về trường, về bà nhà - cán bộ của một viện nghiên cứu khoa học, về các con - niềm tự hào của ông, họ sinh ra và lớn lên trong một môi trường tốt và họ đã trưởng thành, nối chí cha đang ngày ngày lao động, cống hiến cho đất nước. "Không có niềm hạnh phúc nào hơn khi mình cảm thấy hài lòng với những gì mình đã cống hiến và được cuộc sống ban tặng lại..." - câu nói của ông cứ theo mãi bước chúng tôi trên nẻo đường về...
|