Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 20 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 984602
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
GS. Phan Trường Thị - trên mười năm trèo đèo, lội suối thực hiện một ý tưởng… phác thảo

Tôi không phải là bạn vong niên với anh mà chỉ là bậc đàn em của anh theo mọi nghĩa. Tuy vậy, tôi với anh vẫn coi nhau như là bạn bè chiến hữu. Tôi thích cái tính của anh, bộc trực, hồn nhiên, vô tư với sự đời theo đúng phong cách của anh "Hai lúa" Nam Bộ. Có người lại bảo anh có cái gì đó mang dáng dấp của một công tử Bạc Liêu... và người ta tưởng anh quê ở một miệt vườn nào đó ở tận Nam Bộ. Nhưng không phải, anh sinh ra ngay trên đất võ Bình Định, một miền quê nghèo sơ xác thuộc huyện Phù Cát. Anh nói về quê anh những năm trước đây với cả nỗi buồn đau đáu: "Quê tôi nghèo thật, sau những năm chiến tranh càng nghèo hơn, chỉ có củ sắn với những rặng dừa cằn cỗi...". Anh sinh ra và sống những ngày thơ ấu tại đó. Gia đình anh có truyền thống Nho học. Ông anh, bố anh đều là các nhà nho đã từng tham gia phong trào Duy Tân, Đông Du. Ngay từ những ngày thơ ấu, cậu bé Trường Thị đã mò mẫm say mê với đất, với cát, với những cái rất đời thường diễn ra hàng ngày trong ngôi làng nhỏ bé của mình và rồi để đến năm 1956, chỉ sau hơn 2 năm ra Bắc, anh đã thoả lòng mong ước của mình khi được chấp nhận vào học ngành Địa chất thăm dò của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Anh học giỏi, miệt mài và đam mê, vì cái ngành Địa chất này đã "gãi" đúng "tim đen" của anh. Và thế là năm 1978, anh nhận học vị tiến sĩ và chỉ sau có 3 năm, năm 1981, anh đã nhận học vị tiến sĩ khoa học chuyên ngành Địa chất khoáng vật của Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp danh tiếng. Anh thuộc "lứa" thứ ba được nhận học hàm giáo sư ngành Địa chất chỉ sau GS. Nguyễn Văn Chiển - người mà cả ngành Địa chất Việt Nam gọi là thầy và GS. Tống Duy Thanh. Ngoài giảng dạy, anh dành nhiều công sức tâm huyết cho các công trình nghiên cứu khoa học của mình. Hướng nghiên cứu chính của anh là "Thạch luận trong địa chất học","khoáng chất công nghiệp và thạch học công nghiệp", là "nguồn gốc đá quý và tìm kiếm đá quý", là "nghiên cứu cấu trúc địa chất và kiến tạo"... Những hướng nghiên cứu đó không dừng ở những trang sách, ở những luận án, bài giảng mà nó đã đi theo anh trên khắp nẻo đưởng của Tổ quốc, theo anh trọn cả một đời người.

Tôi còn nhớ, khoảng năm 1981, trong một hội thảo khoa học trên Tây Nguyên, tại thành phố Plâyku, với những kiến thức có được trong luận án tiến sĩ khoa học ở Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp, anh đã mạnh dạn đưa ra một ý tưởng... phác thảo, rằng "nguồn năng lượng phóng xạ là đáng hy vọng nhất cho Tây Nguyên!" Có biết đâu rằng chính từ ý tưởng "phác thảo" này đã mở ra một hướng đi mới cho ngành năng lượng Việt Nam. Đó chính là tiền đề để đi đến xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở miền Trung Việt Nam. Và rồi, được sự ủng hộ của Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ, GS. Phan Trường Thị đã được chủ trì đề tài "Xác lập những cơ sở khoa học cho việc đánh giá tiềm năng các nguồn nguyên liệu hạt nhân", mã số 50b-01-01/A (1986 - 1990) nằm trong chương trình năng lượng hạt nhân do Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ làm chủ nhiệm. Anh đã đề xuất hướng tìm kiếm uranium trong địa khối Kontum, chứ không phải ở Cao Bằng như trước đấy vẫn tưởng. Với kết quả của đề tài, đến năm 1984 Tổng Cục Địa chất đã giao cho anh lãnh đạo một nhóm nghiên cứu triển vọng Uranium ở địa khối Kontum. Kết quả là đã khoanh được một khu vực thuộc tỉnh Quảng Nam (Bắc địa khối Kontum). Mỗi khi nhắc đến những ngày ba lô dép lốp, ngủ rừng cơm vắt, lội suối trèo non, ngày nghe vượn hót véo von, đêm nghe chim "bắt cô trói cột" não nề... mắt anh lại sáng lên. Anh bảo: "Khổ thì thật rõ khổ, nhưng sướng thì chẳng có gì sánh được mỗi khi phát hiện ra được một mẫu quặng, một tầng nham thạch...". Anh say sưa kể về những chuyện "ngày xưa" mà cứ tưởng như mới xảy ra ngày hôm qua: "Tôi vẫn còn nhớ một kỷ niệm đẹp. Vào khoảng năm 1992, Tổng Cục Địa chất đang có kế hoạch thăm dò bằng máy bay ở vùng Phú Yên. Tôi gặp anh Trần Đức Lương nguyên lúc bấy giờ là Tổng Cục trưởng, đề nghị chuyển kế hoạch thăm dò bằng máy bay ở Phú Yên ra vùng Quảng Nam. Bản thân anh Lương rất ủng hộ và trực tiếp đến Liên đoàn Địa chất Vật lý chỉ thị thực hiện đề nghị của tôi. Sau đó, trên trời có máy bay, dưới đất có chúng tôi, nên đã nhanh chóng khẳng định được quy mô vùng quặng. Riêng Phó thủ tướng Đỗ Mười lúc bấy giờ cũng cấp cho tôi được mua một chiếc xe U - oat. Chiếc xe U - oat đó đã là vũ khí đắc lực giúp tôi "đánh Đông, dẹp Bắc" đến cả chục năm trời!".

Và để có được kết quả nhiều hơn nữa cho đất nước, anh còn tiếp tục được giao chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước "Sự tiến hoá thành phần vật chất và chế độ địa động phần rìa địa khối Indonesia trong mối tương tác với mảng Thái Bình Dương" (1992-1995) góp phần cùng Tổng Cục Địa chất xác định vùng quặng Uranium ở Tiên Sơn và Nông Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam và nhiều khoáng sản khác ở miền Trung Trung Bộ và Tây Nguyên. Thế là sau hơn 10 năm, anh cùng với các nhà địa chất Liên đoàn Địa chất số 10 đã ghi thêm được một mỏ phóng xạ trên bản đồ khoáng sản Việt Nam. Đến nay, mỏ đã được thăm dò chi tiết và theo tính toán trữ lượng có thể đủ để xây dựng nhà máy điện hạt nhân vào một ngày không xa. Thế là để thực hiện được một ý tưởng... phác thảo, anh đã phải mất hơn 10 năm trèo đèo, lội suối, nhịn đói, nhịn khát, rong ruổi trên khắp các nẻo đường của mảnh đất Tây Nguyên huyền bí.

Ngoài đời, anh là người rất hoạt bát, sôi nổi nhưng trong khoa học lại rất thầm lặng. Ít người biết được rằng anh còn có những đóng góp to lớn trong sự phát triển ngành thuỷ điện nước nhà. Trước hết phải kể đến công trình thuỷ điện Hoà Bình. Ngay từ những năm 1971 - 1972, anh đã lãnh đạo một nhóm nghiên cứu thạch học tham gia trực tiếp cùng chuyên gia Liên Xô lựa chọn tuyến đập thuỷ điện Hoà Bình, trong đó có việc góp phần hoàn thành bản đồ địa chất 1/10.000 vùng tuyến đập.

Tiếp theo Hòa Bình là thuỷ điện Trị An. Nền móng Trị An đã được các giáo sư thời trước khảo sát khá sơ sài, nhưng đòi bán lại với một giá "cắt cổ". Thế là nhiệm vụ khảo sát, thành lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1/25.000 của vùng tuyến đập thuỷ điện Trị An lại được giao cho GS. Phan Trường Thị và nhóm các nhà khoa học của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bản đồ đó là cơ sở khoa học đầu tiên chuyển gửi cho phía Liên Xô thiết kế kỹ thuật và lựa chọn tuyến đập của thuỷ điện Trị An. Cho đến nay, nền móng tuyến đập hoàn toàn ổn định. Với kết quả này tôi hỏi anh: "Chắc anh và nhóm nghiên cứu đã có một khoản tiền lớn?". Anh cười: "Người ta cũng hỏi tôi: Bao nhiêu?". Tôi bảo: "Chỉ xin cho được tổ chức một cuộc hội thảo khoa học và kèm theo bữa ăn". Lại một lần nữa cái dáng dấp của "anh Hai" Nam Bộ, của anh chàng "công tử Bạc Liêu" hiện rõ trong anh.

Vẫn là vấn đề thuỷ điện, bây giờ là công trình thuỷ điện Sơn La, công trình thuỷ điện mang tầm cỡ khu vực và cũng là công trình tâm đắc nhất của anh. Thực ra dự án xây dựng thuỷ điện Sơn La đã được đầu tư, nghiên cứu nhiều năm trước và đã đưa ra phương án thiết kế xây đập mức cao (265m). Tuy vậy, Ban nghiệm thu cấp Nhà nước đã không chấp nhận, bởi nhiều lẽ, nhưng lẽ cơ bản là chưa có bản đồ địa chất vùng xây dựng đập. Và thế là năm 2001, theo yêu cầu của Bộ Điện lực, anh lãnh đạo một nhóm cán bộ địa chất của hai trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội thực hiện việc thành lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1/25.000, làm cơ sở cho việc lựa chọn tuyến đập Sơn La (sông Đà). Đã hoàn thành nhiệm vụ, tài liệu đã nghiệm thu, đặc biệt trong đó phát hiện ra đường đứt gãy Đông Tây có tính chất đương đại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến đập Pa Vinh. Đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng, nó không những chỉ ra phương án thiết kế mà còn chỉ rõ, nếu xây đập ở mức cao sẽ không bảo đảm an toàn! Cần phải xây dựng đập ở mức thấp. Phát hiện và ý kiến của nhóm nghiên cứu Phan Trường Thị đã tạo ra những cuộc thảo luận, trao đổi, tranh cãi kéo dài đến cả năm. Cuối cùng thì cũng đi đến hồi kết. Sau khi xem xét kỹ càng, Quốc hội đã quyết định lựa chọn phương án xây đập nước thấp bỏ phương án xây đập mức cao vốn đã được lựa chọn trước đây.

Trong cuộc đời khoa học của anh không phải lúc nào cũng "thông dòng bén giọt" mà cũng có chuyện làm anh phải lao tâm khổ tứ. Chuyện này thì ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ai cũng biết. Đó là hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Khoáng chất Công nghiệp. Ý tưởng của anh khỏi phải chê vì anh muốn thông qua Trung tâm này những mong đưa một số nguyên liệu khoáng phục vụ cho Nhà máy giấy Bãi Bằng, sứ Bát Tràng, nắp lò luyện thép Sài Gòn... nhưng ý tưởng ấy đã đi trước "thời đại", đã bung ra sớm quá, bung ra trong khi các nhà khoa học, các trường đại học vẫn đang được núp dưới cái bóng bao cấp; cơ chế thị trường lúc đó đang ở thời kỳ quá độ từ bao cấp sang thị trường. Cũng còn một lẽ nữa, như người ta vẫn nói về anh, rằng anh được sinh ra chỉ để làm khoa học chứ không phải để làm kinh tế.

Nói chuyện làm khoa học của anh còn dài dài, nhưng dù sao cuộc đời làm thầy vẫn để lại đầy ắp những ký ức trong anh. 26 tuổi đời đã bước lên bục giảng, để rồi đến bây giờ vẫn thảng thốt:

"Những cặp mắt long lanh cuối lớp làm ấm lòng thầy giáo già

Trên bục giảng tay phấn run run những mạch lời tâm huyết".

Đã trên 40 năm làm thầy, đã qua bao thăng trầm đổi thay, bao lứa học trò thân yêu đang trải dài trên mọi nẻo đường của Tổ quốc, biết bao học sinh của anh giờ đã là giáo sư, tiến sĩ..., nhưng những ngày đầu cầm phấn ấy vẫn cứ thao thức cùng anh:

"Đêm qua nằm thao thức

Những đôi mắt long lanh ở cuối lớp sáng rực

Khi bài giảng tẩm mồ hôi những ngày dài rong ruổi trên mây

Bỗng bồi hồi triền miên về một thời tập sự

Tay phấn vụng về không giữ nổi nhịp tim yêu

Cặp mắt nâu làm lời giảng thầy giáo trẻ lạc điệu..."

Trên 40 năm đứng trên bục giảng, GS. Phan Trường Thị đã để lại cho đời biết bao công trình khoa học, đã để lại cho trường cả một lớp cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu trên lĩnh vực địa chất, cùng với các giáo trình bài giảng đầy ắp kiến thức, đầy ắp tâm huyết của một người thầy. Giờ anh đã nghỉ hưu, nhưng thật lạ, anh chẳng có một danh hiệu nào để người đời biết đến anh đã từng là "thầy". Không một tấm bằng khen, không có danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú như bao "thầy" đồng trang, đồng lứa với anh. Tôi biết được điều đó chẳng làm anh bận tâm, anh vẫn rất tự hào và còn rất vui nữa là đằng khác, bởi lẽ trong cuộc đời làm khoa học của mình anh đã được nhà nước đánh giá cao với Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý dành cho tập thể tác giả xây dựng bản đồ địa chất Việt Nam mà trong đó anh là cố vấn và cộng tác viên khoa học.

Hôm vừa rồi tôi đến thăm anh tại căn hộ tầng 3 khu tập thể Thanh Xuân, nhưng anh không có nhà. Chị bảo anh đang rong ruổi mãi tận Quảng Bình. Hỏi: "Anh về hưu rồi cơ mà?" Chị nói: "Anh có chịu ngồi yên đâu. Vẫn ngày ngày rong ruổi trên từng cây số, vẫn đắm mình với đất, với quặng, với thiên nhiên".

Trời! Đúng là Phan Trường Thị!

Nguyễn Quý Thường [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» GS. Lê Văn Thiêm, nhà khoa học xuất sắc, niềm tự hào của nền Toán học Việt Nam
» GS. Lê Xuân Tùng, tấm gương sáng về ý chí tự lực, tự cường
» PGS. Nguyễn Kim Thản - chân dung một người khai phá
» GS. Phạm Ngọc Thao - nhà toán học không ngừng học
» GS. Tống Duy Thanh - một nhà khoa học tự học
» Nguyễn Đình Thi - người nghệ sĩ đa tài
» Lê Mậu Hãn - Nhà sử học trên trận địa tư tưởng(1)
» GS. Đinh Xuân Lâm - Cây đời xanh mãi
» GS.VS Nguyễn Duy Quý - Người kết hợp nhuần nhuyễn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội
» Đại sứ Tề Kiến Quốc, vị sứ giả của tình hữu nghị Việt - Trung
» TS. Hồ Đức Việt - người trưởng thành từ công tác Thanh niên
» TS. Hồng Vinh: Nhà báo trên trận địa tư tưởng
» GS.TS.NGƯT Nguyễn Hữu Vui: "Tôi đã sống hết mình với thời đại của tôi"
» PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ với những đóng góp trong buổi đầu xây dựng ĐHQGHN
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn