Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 25 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 988692
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
GS. Lê Xuân Tùng, tấm gương sáng về ý chí tự lực, tự cường

Sinh ra ở miền đất Hà Tĩnh, lớn lên trong cảnh khó khăn của làng quê, thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ, sự dưỡng dục của cha, ông đã tự lực, tự cường, nỗ lực, bền gan phấn đấu vươn lên và trở thành một cán bộ giảng dạy, một nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý có năng lực. Đó chính là GS. Lê Xuân Tùng.

GS. Lê Xuân Tùng sinh năm 1936, tại làng Thọ Lộc, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Được sinh ra trong một vùng quê có truyền thống cách mạng, cả gia đình ông đều trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động cách mạng. Cha mẹ ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930. Cha ông là Lê Xuân Trứ, từng là Xứ uỷ viên Trung Kỳ (1930 - 1931). Năm 1937, theo sự điều động và phân công của Đảng, ông Lê Xuân Trứ vào Nam hoạt động trong phong trào công nhân, để lại người vợ hiền vừa hoạt động cách mạng, vừa kiếm sống nuôi người con duy nhất, lúc đó chưa đầy một tuổi. Không ngờ lần ra đi ấy là lần chia tay cuối cùng, ông đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo năm 1941.

Cùng lúc đó, mẹ ông cũng bị bắt đi đày ở một tỉnh cực Nam Trung Bộ, đến năm 1945 mới được trả tự do. Đất nước được độc lập, nhưng cậu bé Lê Xuân Tùng vẫn tiếp tục phải sống những chuỗi ngày vất vả, cực nhọc bởi thiếu sự dạy dỗ của người cha, không có bàn tay chăm sóc của người mẹ. Ban ngày Lê Xuân Tùng phải đi ở, làm thuê cho các gia đình, chỉ yêu cầu chủ nhà cho cơm ăn và tối đến thì cho đi học (thời kháng chiến chống Pháp, các lớp học hầu hết đều tổ chức về đêm). Nhiều hôm phải nhịn đói, làm quần quật từ sáng tới tận tối khuya mà chủ nhà vẫn không cho đi học, Lê Xuân Tùng buồn lắm. Với chiếc quần đùi, manh áo vá, cậu lang thang nhiều nơi, ngày làm thuê, đêm kiếm chỗ học và ngủ. Cậu đã chuyển qua sống ở nhiều nhà từ Hà Tĩnh tới Thanh Hóa với một niềm khát khao: được đi học.

Mảnh đất nghèo khó, cuộc sống nhọc nhằn cùng với hoàn cảnh đặc

Trên kênh Dương Văn Dương, Đồng Tháp Mười, 23/1/1988. Từ trái sang phải: Thứ 4: Đ/c Lê Xuân Tùng, thứ 5: Đ/c Nguyễn Văn Linh

biệt khó khăn của gia đình đã thôi thúc cậu bé Lê Xuân Tùng phấn đấu để trở thành người có học. Và với một lòng quyết tâm, một trí óc sáng suốt, thông minh, cậu bé Lê Xuân Tùng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn để học tập, bởi với cậu "thiếu cơm ăn, áo mặc sao bằng thiếu kiến thức, thiếu cái chữ". Việc học hành liên tục bị gián đoạn, vài năm Lê Xuân Tùng mới học hết một lớp, nhưng cậu đã không vì thế mà nản lòng.

Từ năm 1950 đến năm 1952, Lê Xuân Tùng tham gia Thiếu sinh quân Liên khu IV. Vì là con cán bộ tham gia hoạt động cách mạng, lại học giỏi, cuối năm 1953, Lê Xuân Tùng là một trong hai người của huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) được cử sang Khu học xá Trung ương (đóng tại Nam Ninh, Trung Quốc) để học. Lúc ấy anh mới có được một điều kiện tương đối để tập trung cho việc học tập. Sau hai năm rưỡi học Trung cấp Sư phạm khoá 2 tại Khu học xá Nam Ninh tháng 6.1956 trở về nước, anh được phân công về Thái Bình, giảng dạy Văn - Sử - Địa, rồi làm Hiệu trưởng Trường cấp II huyện Kiến Xương. Năm 1960, Lê Xuâ Tùng vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mùa hè năm 1961, Lê Xuân Tùng được cử sang Liên Xô học Đại học Tổng hợp Varônhét. Bộ Giáo dục cho phép học Văn hoặc học Sử. Tuy nhiên, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô thấy cần bố trí đảng viên vào học môn Lịch sử và Lê Xuân Tùng nằm trong diện đó. Học và nghiên cứu Lịch sử, đó là một sự phân công hoàn toàn ngẫu nhiên nhưng lại hết sức phù hợp với nguyện vọng, mong ước "biết xưa để hiểu nay" của Lê Xuân Tùng. Anh miệt mài học tiếng, học kiến thức và học cả kinh nghiệm sống từ bạn bè, thầy cô giáo. Để đi Liên Xô, anh phải trải qua một khoá học tiếng ở Trường Bổ túc Tgoại ngữ tại Gia Lâm, Hà Nội. Anh học miệt mài tới mức, ngồi trên xe đạp từ nơi ở tới lớp anh cũng giở sổ từ vựng ra học. Đêm đến, ban quản lý ký túc xá bắt tắt đèn đi ngủ thì anh lợi dụng ánh đèn le lói hắt từ hành lang vào phòng mà học. Sang Liên Xô, học cùng với sinh viên người Nga, năm đầu anh nghe và ghi được 50 - 60% kiến thức thầy giảng bằng tiếng Nga. Tới năm thứ hai, anh có thể hiểu gần hết những gì thầy giảng trên lớp. Nóng lòng được trở về đất nước để tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lê Xuân Tùng đã tận dụng cả kỳ nghỉ hè, nghỉ đông để học và viết khoá luận, bởi thế, đầu năm 1966 anh đã kết thúc khóa học trước thời hạn với kết quả xuất sắc và về nước.

Đồng chí Lê Xuân Tùng (thứ nhất từ trái sang) tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, tháng 12/1996

Trong khói lửa ác liệt của cuộc chiến tranh, nhận quyết định về công tác tại Bộ môn Đông Nam Á, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh tức tốc về Đại Từ, Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên), nơi Nhà trường đang sơ tán. Anh có mặt ở Khoa được mấy ngày thì toàn bộ cán bộ giảng dạy của Khoa được huy động lên rừng cách nơi sơ tán mấy chục cây số để chặt nứa, tre đóng thành bè vận chuyển bằng đường sông để về làm bếp và nhà ăn tập thể. Nhiều đồng nghiệp nhìn anh ái ngại, nhưng cũng có người nói thẳng suy nghĩ của mình: "Cậu mới ở nước ngoài về, có chịu nổi không?". Nhìn cái vẻ thư sinh của Lê Xuân Tùng khi ấy, có ai ngờ anh đã là một người có tuổi thơ vất vả đến nhường nào. Anh đã đánh tan sự nghi ngờ đó bằng cách lao động rất tích cực và vui vẻ. Thế rồi, trong đợt Mỹ dùng máy bay đánh phá miền Bắc ác liệt, Lê Xuân Tùng được cử đi tiền trạm, chuẩn bị địa bàn cho cán bộ Khoa Lịch sử đi thực tế ở Lai Vu (Hải Dương) để tìm hiểu nông thôn và cuộc sống của người nông dân. Chuyến đi đã thành công tốt đẹp. Anh em trong Khoa Lịch sử chẳng còn nghi ngờ về một người "nhìn rất thư sinh mà lại làm được nhiều việc và làm việc hiệu quả như thế". Đấy là những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời cầm phấn của thầy giáo Lê Xuân Tùng ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Khi ông về Khoa Lịch sử, Bộ môn Đông Nam Á mới được thành lập nên lực lượng cán bộ còn mỏng, giáo trình giảng dạy lại chưa có. Chính ông là người đầu tiên biên soạn giáo trình "Lịch sử cận hiện đại Thái Lan" và cũng là người đầu tiên dạy chuyên đề này cho sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Công tác ở Khoa Lịch sử hai năm rưỡi, ông được thuyên chuyển về Khoa Kinh tế thuộc Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) sau hai lần Trường Đảng sang xin Đại học Tổng hợp Hà Nội, đó là vào tháng 8.1968.

Với vốn kiến thức kinh tế đã có ít nhiều, ông làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Kinh tế ngay tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Ông đã đầu tư nhiều thời gian và công sức cho luận án mang tên "Cách mạng khoa học kỹ thuật và tác động về kinh tế - xã hội của nó", nhưng hết thời gian đào tạo (năm 1972), vì tình hình đất nước còn khó khăn, nhiều người đã không được bảo vệ luận án tiến sĩ và ông cũng không nằm trong ngoại lệ đó. Ông bộc bạch: "Dù đề tài nghiên cứu của tôi không được bảo vệ nhưng là một chuyên đề "ăn khách", tôi đã giới thiệu đề tài này ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc và nhiều nơi khác, kể cả trên Đài tiếng nói Việt Nam. Đây cũng là cơ sở để tôi tham gia Tổ Khoa học - Kỹ thuật chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976), do đồng chí Trần Quỳnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước làm tổ trưởng".

Tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, ông đã có nhiều năm đứng lớp giảng dạy môn Kinh tế, được bổ nhiệm chức vụ Phó trưởng Khoa Kinh tế Chính trị, tiếp đến là Phó giám đốc phụ trách khoa học và đào tạo sau đại học, Bí thư Đảng uỷ nhà trường.

Trong suốt quá trình công tác của mình, GS. Lê Xuân Tùng luôn miệt mài học tập, tự trau dồi kiến thức, học hỏi từ đồng nghiệp và từ thực tế. Những người đã từng gần gũi ông đều cho rằng ông là một cán bộ, một nhà quản lý có năng lực, có tầm nhìn rộng, cầu thị và đặc biệt là rất khiêm tốn. Nhiều người đã lấy ông làm tấm gương để học tập và phấn đấu. Những kiến thức ông lĩnh hội được trên giảng đường đại học, rồi ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc được ông kết hợp và vận dụng nhuần nhuyễn vào thực tiễn công việc và công tác lãnh đạo, quản lý.

Vào những năm 1980, Trung ương đã ba lần điều động ông sang Campuchia nghiên cứu kinh tế giúp bạn. Ông cũng đã từng cùng một nhóm chuyên gia kinh tế Việt Nam sang giúp nước Lào nghiên cứu kinh tế, chuẩn bị Đại hội Đảng và giảng dạy cho các lớp cán bộ cao cấp. Tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, ông tập trung nghiên cứu và giảng dạy chủ yếu về các lĩnh vực trong quan hệ sản xuất, tác động kinh tế - xã hội của cách mạng khoa học - kỹ thuật và những vấn đề vĩ mô của nền kinh tế. Ông đã tham gia đào tạo, chấm nhiều luận án tiến sĩ Kinh tế, viết hàng trăm bài báo khoa học và cho xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị thực tiễn như: "Các lợi ích kinh tế" (1983), "Công nghiệp hóa XHCN trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam" (1985), "Nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta" (1987), "Những vấn đề lý luận - thực tiễn về hợp tác xã cổ phần" (1999), "Công tác tư tưởng - văn hóa, khoa giáo và sự lãnh đạo của Đảng" (2001)… Ông được phong học hàm Phó giáo sư năm 1984 và học hàm Giáo sư năm 1988.

Năm 1985 - 1986, đồng chí Trường Chinh đã yêu cầu GS. Lê Xuân Tùng tham gia nhóm nghiên cứu những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống, phục vụ công cuộc đổi mới. Tháng 12.1986 Đại hội Đảng toàn quốc lần VI đã chính thức thông qua đường lối đổi mới do Tổng Bí thư Trường Chinh thay mặt Ban Chấp hành TW trình bày. Tại Đại hội này, GS. Lê Xuân Tùng đã trúng cử Uỷ viên TW Đảng dự khuyết. Liền ngay đó ông được Bộ Chính trị cử làm Trợ lý Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - người có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, trong quá trình lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chèo lái con thuyền đất nước vượt qua bao khó khăn, hiểm nghèo và đặc biệt là một trong những người khởi xướng, đưa đường lối đổi mới đất nước vào thực tiễn để có được những thành quả to lớn như ngày hôm nay.

Được gần gũi làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từ năm 1986 đến năm 1991, GS. Lê Xuân Tùng đã học ở Tổng Bí thư rất nhiều điều, trong đó cái lớn nhất là phải đổi mới, và đổi mới có nguyên tắc. Năm 1987, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, GS. Lê Xuân Tùng viết cuốn sách "Các thành phần kinh tế ở nước ta" góp phần thổi vào luồng gió đổi mới lúc đó.

Từ năm 1986 đến năm 1996, GS. Lê Xuân Tùng đã được Đảng và Nhà nước phân công phụ trách nhiều công tác quan trọng: phụ trách nhóm chuẩn bị phần kinh tế của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991), tham gia chuẩn bị văn kiện các kỳ họp Ban Chấp hành TW, đặc biệt là Văn kiện Ban Chấp hành TW lần VI, khoá 6 (1989). Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, GS. Lê Xuân Tùng được bầu làm Uỷ viên TW Đảng và tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XI (1991) ông được bầu làm Phó bí thư Thường trực, rồi tiếp đó là đại biểu Quốc hội khoá IX (1992 - 1997).

Năm 1992, GS. Lê Xuân Tùng đã đề xuất và cùng một nhóm cán bộ nghiên cứu, chỉ đạo tổ chức thực hiện thí điểm hợp tác xã cổ phần tiểu thủ công nghiệp ở Hà Nội. Lúc này Đảng và Chính phủ chưa có chủ trương cổ phần hóa. Trước tình hình hợp tác xã kiểu cũ tan rã hàng loạt, có nhiều quan điểm khác nhau nhằm tìm ra một hướng đi cho hợp tác xã. GS. Lê Xuân Tùng đã mạnh dạn chọn hướng cổ phần hóa cho hợp tác xã và đã gặp không ít ý kiến phản đối, cho đó là con đường tư bản chủ nghĩa. Thực hiện theo đề án được Thành ủy Hà Nội thông qua, đến năm 1995, có gần 100 hợp tác xã đã được cổ phần hóa. Qua thực tiễn ở Hà Nội và một số địa phương trên cả nước, Trung ương nghiên cứu, đưa chủ trương cổ phần hóa vào Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (1996). Cùng năm, Quốc hội thông qua Luật hợp tác xã cổ phần. GS. Lê Xuân Tùng tiếp tục chỉ đạo quá trình cổ phần hóa ở Hà Nội, trong đó có hợp tác xã cổ phần. Như vậy, trong sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta qua 20 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, GS. Lê Xuân Tùng là người có đóng góp tích cực.

Năm 1996, GS. Lê Xuân Tùng được tái bầu cử vào Ban Chấp hành TW và được bầu vào Bộ Chính trị (đến năm 2001), Bí thư Thành uỷ Hà Nội (đến năm 2000). Ông tự nhủ: "Được Đảng tin cậy giao nhiệm vụ này là một vinh dự, nhưng vấn đề là ở chỗ: phải cống hiến được gì và phải làm được gì trong nhiệm kỳ công tác". Ông đã dành toàn bộ tâm sức, tài năng và trí tuệ khảo sát tình hình kinh tế - xã hội của Hà Nội, lắng nghe ý kiến của quần chúng và nhanh chóng đưa ra những quyết sách đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn. Ông chú trọng tới công tác xây dựng Đảng, nhất là xây dựng tổ chức cơ sở Đảng; đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa ở cơ sở và được Trung ương lấy đó làm điển hình. Ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề đào tạo cán bộ, như: lựa chọn sinh viên tốt nghiệp đại học đào tạo thành cán bộ cho thành phố, nhất là đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận có năng lực, có phẩm chất tốt cho Thành uỷ Hà Nội.

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế tiền tệ khu vực năm 1997, nước ngoài giảm đầu tư vào Việt Nam, ông đã chủ trương huy động nội lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước, huy động vốn trong nước để xây dựng một số công trình lớn. Ông cũng là người đi tiên phong trong việc đề xuất xây dựng khu công nghiệp vừa và nhỏ cho các nhà đầu tư trong nước.

Trong thời gian GS. Lê Xuân Tùng đảm nhiệm trọng trách Bí thư Thành ủy Hà Nội, Thủ đô đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, tiến hành công cuộc đổi mới đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và tương đối ổn định. Vị thế của Thủ đô đối với bạn bè quốc tế ngày một nâng lên. Năm 1999, Hà Nội được Tổ chức Văn hoá Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) đánh giá là thành phố "có một quá trình phát triển đầy ấn tượng'' và bình chọn là thành phố duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nhận danh hiệu "Thành phố vì hoà bình''. Tháng 10.2000, Thủ đô Hà Nội vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý "Thủ đô Anh hùng''. Đó chính là thành tựu chung của nhân dân Thủ đô qua các giai đoạn phát triển, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, song cũng không thể không nói rằng trong đó có một phần đóng góp rất lớn của các nhà lãnh đạo thành phố, bao gồm cả GS. Lê Xuân Tùng.

Ông tâm sự: "Những việc tôi làm được dù sao cũng còn nhỏ và chưa đáp ứng được tất cả các yêu cầu đặt ra, đôi khi vẫn còn vấp váp, khuyết điểm trong quá trình công tác... Được đóng góp sức mình vào quá trình phát triển đất nước là một niềm hạnh phúc lớn của tôi".

GS. Lê Xuân Tùng phát biểu tại Hội đồng Lý luận Trung ương

Tháng 3.2000, GS. Lê Xuân Tùng được điều lên Trung ương phụ trách công tác tư tưởng, văn hóa và khoa giáo. Một thời gian ngắn sau, do tình trạng sức khoẻ không được tốt GS. Lê Xuân Tùng chuyển sang một công tác khác phù hợp hơn: Uỷ viên Hội đồng lý luận Trung ương và công tác ở đó cho đến nay.

Mặc dù tuổi đã cao, sức lực không còn dẻo dai như trước, nhưng GS. Lê Xuân Tùng hàng ngày vẫn miệt mài bên chiếc bàn làm việc tại văn phòng thuộc Khu biệt thự Hồ Tây. Trên bàn của ông, có nhiều tập tài liệu, bản thảo đang chờ đợi. Ngoài những công việc ở Hội đồng Lý luận Trung ương, GS. Lê Xuân Tùng đang chủ trì công trình "Bách khoa thư Hà Nội", gồm 18 tập, công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Suốt cuộc đời, GS. Lê Xuân Tùng đã không ngừng tự học, trau dồi kiến thức để cống hiến sức mình cho sự nghiệp trồng người, cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cho đất nước nói chung. Ông như con ong chăm chỉ, chuyên cần làm mật cho đời. GS. Lê Xuân Tùng là thế, bình dị, sáng trong và tận tụy hết mình cho công việc. Ông là một tấm gương sáng để đồng nghiệp, bạn bè và nhiều thế hệ đi sau noi theo./.

Mai Hương Anh [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» PGS. Nguyễn Kim Thản - chân dung một người khai phá
» GS. Phạm Ngọc Thao - nhà toán học không ngừng học
» GS. Tống Duy Thanh - một nhà khoa học tự học
» Nguyễn Đình Thi - người nghệ sĩ đa tài
» Lê Mậu Hãn - Nhà sử học trên trận địa tư tưởng(1)
» GS. Đinh Xuân Lâm - Cây đời xanh mãi
» GS.VS Nguyễn Duy Quý - Người kết hợp nhuần nhuyễn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội
» Đại sứ Tề Kiến Quốc, vị sứ giả của tình hữu nghị Việt - Trung
» TS. Hồ Đức Việt - người trưởng thành từ công tác Thanh niên
» TS. Hồng Vinh: Nhà báo trên trận địa tư tưởng
» GS.TS.NGƯT Nguyễn Hữu Vui: "Tôi đã sống hết mình với thời đại của tôi"
» PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ với những đóng góp trong buổi đầu xây dựng ĐHQGHN
» Liệt sĩ Lê Anh Xuân: Nhà thơ, người chiến sĩ
» TS.VS Alexandre Yersin - Bác sĩ người pháp và những tháng ngày trên đất nước Việt Nam
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn