Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 28 Tháng 3 Năm 2024    Số người truy cập: 959967
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
GS.VS Nguyễn Duy Quý - Người kết hợp nhuần nhuyễn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội

Lần đầu tiên tôi đến gặp ông là một ngày giáp Tết 2006. Trời se se lạnh, ngoài phố tấp nập kẻ bán, người mua - không khí Tết Bính Tuất đã tràn ngập phố phường. Mở cổng đón tôi là một người đàn ông nhanh nhẹn, da dẻ hồng hào, mái tóc điểm bạc, ánh mắt tuy đã chậm song còn tinh anh lắm. Đấy là GS.TS.VS Nguyễn Duy Quý, một nhà khoa học, một nhà giáo, đồng thời cũng là người có nhiều năm làm công tác quản lý và có nhiều đóng góp cho khoa học, cho đất nước.

Trong phòng khách bày biện giản đơn, ông lần giở những tập album đã nhuốm màu thời gian và say sưa kể cho tôi nghe về quê hương, gia đình và cuộc đời mình.

GS. Nguyễn Duy Quý và GS. Trần Văn Giàu tại nhà riêng ở TP. Hồ Chí Minh, tháng 6/2002

GS. Nguyễn Duy Quý sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, được thừa hưởng truyền thống của quê hương cách mạng và vùng đất hiếu học Thanh Chương, Nghệ An. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông mới học xong lớp 3 bậc Sơ học. Tuy bị cuốn hút vào các công tác địa phương như thông tin tuyên truyền, bình dân học vụ và cả văn phòng của Uỷ ban kháng chiến hành chính xã, ông chỉ nhận thấy một điều: Mình phải học để biết cái chữ, phải cố gắng học xong bậc tiểu học. Cho đến ngày 8.4.1950, khi là một trong những thanh niên tiêu biểu vinh dự được kết nạp vào Đảng, ông ý thức thêm rằng: "Là thanh niên tuổi 18, mình phải tiếp tục học lên, nếu không sẽ không đủ trình độ phục vụ cách mạng". Vậy là ông vừa công tác vừa là học sinh trường Đặng Thúc Hứa (1950 - 1953).

Năm 1953, ông được cử sang học trường Sư phạm Trung cấp Tự nhiên ở Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc). Từ đó, ông phải xa quê hương Thanh Chương để tiếp tục hành trình học tập và cống hiến cho cách mạng. Sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Trung cấp Tự nhiên ở Khu học xá, ông về nước làm giáo viên Trường Bổ túc Văn hóa Công nông Trung ương ở Hà Nội. Đây là ngôi trường đã đào tạo được nhiều người sau này trở thành những nhà lãnh đạo của đất nước như: Phan Văn Khải, Trần Xuân Giá, Trần Hồng Quân, Trần Chí Đáo, Lê Văn Dĩ, Hồ Sĩ Thoảng, Lê Văn Tu, Hoàng Tanh... Thời gian ấy, anh thanh niên Nguyễn Duy Quý còn dạy cả ở Phân hiệu phổ thông lao động Trung ương - phần lớn học viên là anh hùng, chiến sĩ thi đua như: anh hùng Nguyễn Thị Chiên, anh hùng La Văn Cầu, anh hùng Núp, nhà thơ Anh Thơ... Hồi ấy các học viên thường hay tâm sự: "Học thế này khổ hơn đánh giặc", nhưng mối quan hệ thầy trò thật là thân thiết, gắn bó. Bản thân thầy giáo trẻ Nguyễn Duy Quý cũng như nhiều giáo viên khác đã đem hết trí tuệ, nhiệt huyết để thổi vào bài giảng, truyền lại kiến thức cho học viên; song ngược lại, thầy Nguyễn Duy Quý và đồng nghiệp cũng đã học tập được những phẩm chất tốt đẹp, những hiểu biết thực tế từ học viên.

GS. Nguyễn Duy Quý và GS. Hoàng Xuân Hãn tại nhà riêng ở Paris, 1992

Trong điều kiện hết sức khó khăn của những năm 50 thế kỷ XX, GS. Nguyễn Duy Quý đã tự học tiếng Nga và các chuyên đề khoa học để nâng cao trình độ của mình. Năm 1961, ông được cử sang Liên Xô học tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp chuyên ngành Triết học. Năm 1964, do tình hình biến đổi khách quan trong phong trào cách mạng các nước xã hội chủ nghĩa, những người học về khoa học xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu đều rút về nước. Khi về nước, ông được phân công dạy Triết học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong khi giảng bài ông thường lấy ví dụ về khoa học tự nhiên nên sinh viên rất hứng thú học. Đảng uỷ nhà trường đã trao đổi với ông về phương án vừa dạy Triết vừa học thêm Vật lý bên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội để sau này về trường giảng dạy. Cuối cùng, Hiệu trưởng Hoàng Xuân Tuỳ ra quyết định cử ông đi học. Chủ nhiệm Khoa Vật lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lúc bấy giờ là GS. Hoàng Phương đã rất sốt sắng và nhiệt tình khuyến khích ông đi học.

Ngay mùa hè năm 1965, ông đã thi xong chương trình năm thứ hai nên được vào thẳng năm thứ ba. Hai năm sau, ông tốt nghiệp với hầu hết các môn đạt điểm 5 (trong thang điểm 5). Trong 270 sinh viên tốt nghiệp khoá 1963 - 1967, ông là người duy nhất có bài thi Chính trị đạt điểm 5 và cũng là người duy nhất được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của tổ Vật lý lý thuyết, Khoa Vật lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Khi kể về những năm tháng học tập và công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, gương mặt ông rạng rỡ hẳn và giọng nói cũng trở nên sôi nổi hơn. Ông bảo: "Đấy là một thời chiến tranh, một thời hòa bình để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp và những ấn tượng khó phai mờ". Ông kể về những năm tháng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán lên miền núi ở nhiều xã như Văn Yên, Ký Phú... thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên), về hoàn cảnh chiến tranh biết bao thiếu thốn, nhưng mọi việc trong giảng dạy, công tác và học tập của cán bộ, sinh viên vẫn được tiến hành tốt với một khí thế hào hứng và trách nhiệm. Năm 1970, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chuyển về Hà Nội. Năm 1971, bị vỡ đê, toàn bộ Yên Viên bị ngập lụt, nhà trường được huy động đi cứu cả một kho gạo ở Yên Viên bị ngập. Tình hình rất khẩn trương, các khoa đều được huy động phục vụ công tác đột xuất này. Các giáo sư tương đối cao tuổi như GS. Hoàng Xuân Nhị (Khoa Văn học), GS. Nguyễn Thạc Cát (Khoa Hóa học) v.v. đều tình nguyện ngâm mình dưới nước cả buổi để kéo từng bao gạo đã bị ngập lên tập kết đúng nơi quy định... Rồi ông kể tới đợt đi đắp đê ở Quế Võ (Hà Bắc) cuối năm 1971, GS. Nguyễn Đình Tứ - Phó hiệu trưởng Nhà trường phụ trách chung, ông và GS. Phan Hữu Dật phụ trách Khoa Vật lý và Khoa Lịch sử, chỉ đạo các cán bộ, sinh viên hăng hái lao động trên công trường tạo nên một không khí thi đua hoàn thành nhiệm vụ... Đầu năm 1972, khi Trường Đại học Tổng hợp đã tạm ổn định ở Hà Nội, thì nhận được chỉ thị của cấp trên phải chuyển về địa điểm sơ tán mới, đề phòng Mỹ ném bom Hà Nội bằng máy bay B52. Nhiều thế hệ thầy và trò Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã lên đường nhập ngũ để bảo vệ Tổ quốc thân yêu và nhiều người trong số đó đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường để bầu trời Tổ quốc được xanh trong... Những kỷ niệm cứ ùa về trong trí nhớ ông. Đôi mắt ông nhìn ra xa xăm, rưng rưng lệ...

Năm 1982, ông bảo vệ luận án Phó tiến sĩ Triết học tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô với đề tài "Những đặc điểm của nhận thức thế giới vi mô" trước thời hạn 7 tháng nên được nhà trường cho đi thăm một loạt nước Đông Âu: Bungari, Rumani, Hunggari, Tiệp Khắc, Cộng hòa Dân chủ Đức. Năm 1987, ông bảo vệ luận án tiến sĩ Triết học tại Đại học Tổng hợp Humboldt, (CHDC Đức) với đề tài: "Mối tương quan giữa tri thức kinh nghiệm và tri thức lý luận trong nhận thức thế giới vi mô".

Ông được phong học hàm Giáo sư Triết học năm 1988, được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga tháng 6.1999 và được Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc tặng bằng Giáo sư danh dự tháng 11.2000.

Trong những lần đến nhà ông chơi, tôi còn được nghe ông kể về một kỷ niệm khó quên khi còn ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm ấy (1977), ông được bầu vào Thành uỷ Hà Nội (khoá VII). Ngay sau đại hội, Giáo sư Hiệu trưởng Ngụy Như Kontum đứng ra tổ chức một buổi gặp mặt cán bộ chủ chốt của Trường để chào mừng thành công của Đại hội và cũng là mừng Bí thư Đảng uỷ của Trường lần đầu tiên được tham gia Thành uỷ Hà Nội. Trong buổi gặp mặt thân mật ấy, GS. Ngụy Như Kontum nói: Thưa các đồng chí, phải sau 20 năm xây dựng và trưởng thành của Nhà trường và phải đến Đại hội lần này đồng chí Bí thư Đảng uỷ của trường ta mới được bầu vào Thành uỷ. Đây không chỉ là niềm vui, vinh dự của Đảng bộ Nhà trường mà còn là niềm vui của toàn trường chúng ta. Sự kiện này chắc chắn sẽ giúp nhiều thuận lợi cho Nhà trường. Chính vì thế, tuy tôi không phải là đảng viên, nhưng tôi xin chúc mừng và hy vọng đồng chí Thành uỷ viên, Bí thư Đảng uỷ của Trường sẽ có đóng góp nhiều hơn nữa cho sự trưởng thành của Trường...

Đầu năm 1986, GS. Nguyễn Duy Quý "rời trường" đi làm nhiệm vụ mới vẫn ghi sâu những lời dặn dò và niềm mong đợi như thế. Và đó chính là động lực thôi thúc ông cố gắng vươn lên trước những khó khăn của công việc, của cuộc sống để có được những thành tựu như ngày hôm nay. Mà nói là "rời trường", "chia tay" vậy thôi, chứ trên thực tế, tuy ông không chính thức biên chế ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nhưng ông vẫn gắn bó rất chặt chẽ với Nhà trường và nay là với Đại học Quốc gia Hà Nội.

Năm 1986, ông chính thức chuyển công tác về Ban Khoa giáo Trung ương với cương vị Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan khoa giáo Trung ương, rồi sau đó về Viện Khoa học Xã hội Việt Nam nhưng vẫn kiêm nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Cán bộ Giảng dạy Mác - Lênin (nay là Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng Giảng viên Lý luận Chính trị - ĐHQGHN) từ năm 1985 đến năm 2000, Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học thuộc Trường ĐHTHHN nay là Tạp chí Khoa học thuộc ĐHQGHN.

Từ phải sang trái: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Chu Huy Mân, GS. Nguyễn Duy Quý tại kỳ họp Quốc hội năm 1992

Ông cũng đã từng đảm nhiệm trọng trách ở nhiều vị trí công tác khác nhau như: Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII, khoá VIII (1991 - 2001); đại biểu Quốc hội khoá IX và khoá X (1992 - 2002); Phó chủ tịch Hội đồng chính sách Khoa học công nghệ Quốc gia (1992 - 2003); Phó chủ tịch, Uỷ viên Hội đồng lý luận Trung ương (1996 đến nay); Uỷ viên Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam (1987 đến nay); Chủ tịch Hiệp hội các Hội đồng Nghiên cứu Khoa hoc Xã hội châu Á (1999 - 2001); Uỷ viên Hội đồng xét duyệt Học vị và Chức danh khoa học Nhà nước (1991 - 1995); Uỷ viên Hội đồng Học hàm Nhà nước (1995 - 2001); Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Canada (1999 đến nay); Tổng thư ký Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn Khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ biên giáo trình quốc gia Triết học Mác - Lênin... Nhưng đáng kể hơn cả ông là Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội, sau đó là Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (Trung tâm KHXH&NVQG) - người quản lý và phát triển khoa học xã hội - nhân văn ở Việt Nam 12 năm liền (1991 - 2003), lâu thứ hai sau GS.VS Nguyễn Khánh Toàn làm 17 năm.

GS. Nguyễn Duy Quý đưa cho tôi xem cuốn học bạ còn giữ được thời học cấp II trường Đặng Thúc Hứa bằng giấy nứa thô màu vàng nhạt với lời phê màu mực tím của thầy Hiệu trưởng Phạm Đức Thớc vào cuối năm lớp 7: "Nhiều triển vọng về các mặt, nhất là về khoa học xã hội". Đặc biệt, trong tấm bằng Tiến sĩ do Hội đồng Khoa học Trường Đại học Tổng hợp Humbolt (CHDC Đức) cấp ngày 25.5.1987 nhận xét: Tiến sĩ Triết học Nguyễn Duy Quý "Có tài năng khoa học xuất sắc trong lĩnh vực Triết học Mác - Lênin và hoạt động có kết quả trong lãnh đạo một tập thể khoa học"... Bấy nhiêu thôi cũng có thể thấy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, GS. Nguyễn Duy Quý đã có khả năng tư duy rất tuyệt vời về khoa học xã hội, đặc biệt là về Triết học. Và rồi, như một cơ duyên định trước, ông khởi nghiệp bằng Triết học - trở thành sinh viên Vật lý - dạy Vật lý - rồi lại quay trở về với Triết học và có nhiều cống hiến cho bộ môn khoa học này. Ông cho rằng: "Muốn nghiên cứu tốt các lĩnh vực về khoa học xã hội - nhân văn thì phải tích luỹ nhiều, phải có quá trình tích lũy kiến thức và đặc biệt là kinh nghiệm thực tiễn". Tuy không dạy Vật lý nữa nhưng kiến thức về Vật lý vẫn được ông vận dụng thường xuyên để giảng giải những vấn đề về triết học.

Có năng khiếu, lại được đào tạo bài bản, có hệ thống cộng với niềm đam mê nghiên cứu khoa học và sự say mê thực sự với Triết học nên khi được chọn là người lãnh đạo chủ chốt của Viện Khoa học Xã hội, sau đó là Trung tâm Khoa học Xã hội Nhân văn Quốc gia, GS. Nguyễn Duy Quý có cơ sở và điều kiện phát huy năng lực, sở trường của mình - hướng các nghiên cứu khoa học xã hội vào phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng. Từ năm 1991, ông cùng các đồng chí lãnh đạo Viện đã phát huy được truyền thống của Viện, tạo được sự thống nhất trong toàn Viện, tập trung vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan khoa học vào bậc lớn nhất của nước ta. Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới trong hoàn cảnh quốc tế mới, GS. Nguyễn Duy Quý cùng với lãnh đạo của Trung tâm Khoa học Xã hội Nhân văn Quốc gia đã sáng lập nhiều viện và trung tâm nghiên cứu khoa học mới, mở rộng đào tạo sau đại học ở trong nước và nước ngoài trên cơ sở mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường một bước đáng kể cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị hiện đại phục vụ cho việc nghiên cứu, công tác thông tin khoa học. Trung tâm Khoa học Xã hội Nhân văn Quốc gia đã phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thành công nhiều hội thảo quốc tế như: Hội thảo Việt Nam học, Hội thảo về Việt Nam thế kỷ XX... làm tăng thêm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngoài nhiệm vụ quán xuyến công tác quản lý chung, ông còn tham gia giảng dạy, hướng dẫn nhiều học viên làm luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ và tham gia chấm hay phản biện các luận án ở Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị Quân sự (Bộ Quốc phòng). Ông có trên 200 công trình và bài viết đã công bố ở trong nước và nước ngoài, trong đó có 55 cuốn sách bao gồm sách cá nhân, chủ biên hoặc tham gia, tiêu biểu như: "Nhận thức thế giới vi mô" (1998), "Những vấn đề lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam" (1998), "Tiến tới một ASEAN hoà bình, ổn định và phát triển bền vững" (2001), "Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội" (2003), "Hợp tác Á - Âu và vai trò của Việt Nam" (2004)... Với sự tận tâm, hết lòng vì sự nghiệp, GS. Nguyễn Duy Quý đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước.

Nói tới sự thành công của GS. Nguyễn Duy Quý ngày hôm nay không thể không nhắc tới gia đình, hậu phương vững chắc, chỗ dựa tinh thần cho ông. Nay, cả ba con ông đều đã trưởng thành. Ông tâm sự: "Vợ chồng tôi đều là giáo viên nên rất chú tâm tới việc dạy con. Chúng tôi vẫn thường tâm niệm rằng phải dạy cho con cháu biết phấn đấu bằng con đường tự giác, tự lực thì mới trưởng thành được và mới có điều kiện trở thành những công dân tốt của xã hội".

GS. Nguyễn Duy Quý và gia đình

Có được một sự nghiệp vững vàng, một gia đình hạnh phúc, các con đều thành đạt là niềm mong ước của nhiều người, và GS. Nguyễn Duy Quý đã đạt được điều đó. Khi tôi hỏi ông về quan niệm sống, ông ngồi trầm tư một lúc rồi cười bảo: "Trong cuộc đời, mỗi người có những hoàn cảnh và điều kiện sống khác nhau, nhưng muốn có được sự cống hiến xứng đáng và có cuộc sống hạnh phúc, yên bình thì phải có sự phấn đấu không ngừng, vượt lên chính mình với thái độ trung thực, khiêm tốn, biết nhường nhịn, tôn trọng, sống chan hoà, thân ái, đoàn kết với tất cả đồng nghiệp, đồng chí và bạn bè"...

Hình ảnh vị giáo sư già ngày đêm miệt mài bên chiếc bàn đầy tài liệu với các công trình nghiên cứu, các luận án khiến tôi rất cảm phục. Lẽ ra ở tuổi ấy, ông có thể nghỉ ngơi, vui vầy bên người vợ tần tảo và con cháu, nhưng dường như, với ông, làm việc cùng là một "niềm vui" không thể thiếu. Hiện nay, ông đang đảm nhiệm vai trò của Uỷ viên Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương và tham gia tích cực vào các hoạt động nghiên cứu, đào tạo của Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng Giảng viên Lý luận Chính trị - ĐHQGHN. Với tất cả bầu nhiệt huyết của mình, ông đang tiếp tục góp sức mình vào sự nghiệp trồng người, phục vụ cho sự phát triển của xã hội, của đất nước./.

Lưu Mai Anh [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» Đại sứ Tề Kiến Quốc, vị sứ giả của tình hữu nghị Việt - Trung
» TS. Hồ Đức Việt - người trưởng thành từ công tác Thanh niên
» TS. Hồng Vinh: Nhà báo trên trận địa tư tưởng
» GS.TS.NGƯT Nguyễn Hữu Vui: "Tôi đã sống hết mình với thời đại của tôi"
» PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ với những đóng góp trong buổi đầu xây dựng ĐHQGHN
» Liệt sĩ Lê Anh Xuân: Nhà thơ, người chiến sĩ
» TS.VS Alexandre Yersin - Bác sĩ người pháp và những tháng ngày trên đất nước Việt Nam
» GS. Đặng Thai Mai - vị giám đốc đầu tiên của Trường Đại học Văn khoa Hà Nội
» GS.Tôn Thất Tùng - người cống hiến trọn đời cho y học Việt Nam
» GS.TS Nguyễn Đình Tứ - nhà khoa học đặt nền móng cho ngành khoa học, kỹ thuật hạt nhân của Việt Nam
» Henri Gourdon
» PGS.TS Vũ Văn Hiền - Nhà báo, nhà giáo và nhà nghiên cứu lý luận
» Đại sứ Arteni Valeriu
» GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - Thành công bắt nguồn từ đam mê và sáng tạo
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn